Vàng trong biển: Kỹ nghệ bong bóng cá sôi động của Brazil
Ngư dân Amazon đang kiếm ăn phát đạt vì kỹ nghệ bong bóng cá bùng nổ, thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, nhưng nguy cơ khai thác quá mức đã xuất hiện.
Belem, Brazil- Mới 7 giờ sáng cuối tháng 10, 2021 mà Belem, một cảng phía bắc Brazil kề cận rừng nhiệt đới Amazon, cách Đại Tây Dương 100km, đã nóng nực.
Chợ trời Ver-o-Peso của Belem, thuộc hàng lớn nhất của châu Mỹ La Tinh, đã bắt đầu trở nên đông đảo khách đến mua trái cây nhiệt đới, rau thơm và rau tươi các loại. Gần đó là chợ cá cạnh sông, trong một tòa nhà bằng sắt trần cao xây từ thế kỷ 19. Bạn hàng cá đã bầy cá đủ loại được đánh bắt từ sông Amazon và từ Đại Tây Dương, chở đến từ sáng sớm. Mùi tanh của cá , tươi và ươn, bao trùm không khí ẩm.Hàng hàng lớp lớp sạp cá , bạn hàng cá khéo léo moi ruột, tách xương và đầu qua một bên trong lúc chờ khách đến mua.
Chợ cá Ver-o-Peso
Dù cá không rẻ rúng gì ở Belem (thủ đô bang Para) nhưng đối với đa số dân chúng thì cá vẫn rẻ hơn thịt. Những sạp thịt đối diện chợ cá đóng cửa gần hết, số còn hoạt động thì rất ế khách.
Claudio, ngoài 50 tuổi, có 30 năm kinh nghiệm bán cá. Ông cắt bỏ ruột cá nhưng chừa lại bong bóng cá, một bộ phận rỗng chứa không khí giúp cho cá nổi trong nước. Ông xếp cá khéo léo cho bong bóng cá lộ ra rõ ràng. Bong bóng cá còn dính máu và căng phồng. Dân địa phương không ăn nội tạng cá nhưng lại thích nhìn thấy bong bóng cá còn tươi, vì bóng còn tươi nghĩa là cá còn tươi.
Claudio bán cá còn bong bóng
Cá Acoupa, tiếng Bồ Đào Nha là Pescada-amarela, còn tiếng Anh là Yellow Croaker (Cá Đù Vàng) khi giao đến chợ cá thì đã móc ruột sạch sẽ, không còn bong bóng. Bong bóng cá không bao giờ đến được chợ cá vì nó đã được bán đi rồi.
Yellow Croaker bán chỉ có 3.55 USD /ký nhưng bong bóng cá bán tới 497 USD/ký.
Lương tháng tối thiểu ở Brazil chỉ có 215 USD. Nhưng không phải tất cả bong bóng cá đều có giá. Có loại không bán được, có loại thì giá trên trời.
Một bóng cá Yellow Croaker loại tốt
Vàng trong biển
Vài ngày sau, buổi trưa ở Ajuruteua, làng đánh cá 300 dân, vài trăm cây số phía bắc của Belem. Một ngư dân chạy qua chạy lại giữa con thuyền trên bãi cát và chiếc xe van: ông ta chuyển hàng trăm ngàn cá Mòi nhỏ (sardine) từ thuyền vào xe.
Ông bán cá Mòi nhỏ này chỉ có 35 xu/kg. Ngư dân mua cá Mòi nhỏ để làm mồi đánh bắt cá Yellow Croaker, mà bắt cá Yellow Croaker để lấy bong bóng là chính, bán thịt là phụ.
Người đàn bà lứa tuổi 60, chồng con đang đi đánh cá ngoài khơi, giải thích cho tôi là gia đình bà không có tiền mua lưới lớn dùng để đánh cá Yellow Croaker. Bắt được một con là như trúng số, vì giá bong bóng của nó rất cao.
Ngư dân nói” “Nó là vàng trong biển”.
Ngư dân Belem đưa cá Yellow Croaker loại lớn lên bờ
Cá Yellow Croaker loại nhỏ đông lạnh có bán nhiều ở Canada nhưng loại lớn thì không có.
Bãi biển dài cát trắng của Arujuteua ngày xưa đông đảo ngư dân đánh cá bằng phương pháp cổ truyền: giăng lưới ở bãi cát, khi nước thủy triều rút xuống thì cá kẹt vào lưới, nay thì vắng tanh. Cách đánh bắt này không còn hữu hiệu, vì cá không còn tiến vào gần bờ. Ngư dân chuyển sang làm du lịch. Số vẫn còn đánh cá thì không có tiền mua lưới lớn để đánh cá Yellow Croaker.
Cá Yellow Croaker, có rất nhiều ở bờ biển Para, chỉ mới trở nên giá trị thời gian gần đây.
Lý do tại sao bong bóng cá Yellow Croaker có giá là một bí mật. Những ngư dân chúng tôi gặp ở Para đưa ra những giải thích khác nhau.
Claudio ở Belem thì nói nó được dùng làm nước hoa, trong khi một nữ ngư dân tin là nó được dùng làm mỹ phẩm. Vì khi nấu súp bóng cá, nước súp trở thành sệt dính nên một số cho là nó được dùng làm keo dính hoặc plastic.
Một người buôn bán nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi tin bong bóng cá được dùng làm phụ kiện máy tính”.
Người buôn bán bong bóng cá biết rằng giá bong bóng cá đực cao hơn giá bong bóng cá cái, nhưng không giải thích được tại sao. Một ngư dân nghĩ rằng bong bóng cá đực giúp tăng cường sinh lý nam giới.
Ở Trung Quốc, bong bóng cá phơi khô được xem là vị thuốc, nhưng còn tùy vào loại cá, kích thước, tuổi cá, giống đực giống cái và nơi cá sinh sống. Bong bóng cá Yellow Croaker đực có giá cao vì khách hàng tin rằng chúng sống ở vùng nước sâu, bơi lội nhiều hơn, bong bóng chúng lớn khỏe hơn, chất collagen nhiều hơn, nên có dược tính tốt hơn và ăn ngon hơn. Một số người ăn bóng cá tin là nó bỗ dưỡng, một số người thấy nó ngon miệng. Tóm lại thì lý do nào cũng làm bóng cá được ưa chuộng trên thế giới.
Đối với ngư dân bờ sông Amazon, đánh cá Yellow Croaker để bán bong bóng đã trở thành một nguồn lợi thiết yếu. Một số còn làm giàu từ cái mà ngày xưa họ đổ đi không ăn.
Nhưng giống như ngành đào vàng ngày xưa, nếu không có luật lệ quản lý, sự thịnh vượng này cũng có ngày chấm dứt.
Thị trường bong bóng cá đang bùng nổ
Nhiều cá bán ở chợ cá Belem lại đến từ cảng cá Vigia, cách Belem 100km về hướng bắc. Vigia với dân số 55,000 người, có một cảng thiên nhiên , nằm bên vịnh Marajo, trên một nhánh sông, được che chở bởi một hòn đảo cây cối rậm rạp. Từ cảng này, thuyền tàu đi xuyên qua vịnh Marajo không lâu thì ra tới Đại Tây Dương, nơi nước ngọt và nước mặn gặp nhau. Chính vùng nước lợ này có rất nhiều cá.
Tài liệu viết năm 1830 về vùng Para có đề cập tới bong bóng cá xuất cảng. Hơn 30 tấn được xuất khẩu mỗi năm , từ 1874 đến 1878, đến Mỹ và Âu châu, để dùng làm chất gelatin và isinglass trong quá trình lọc rượu và bia. Đầu thế kỷ 20 thì bong bóng cá đã xuất cảng qua Trung Quốc rồi, nhưng mới khoảng một thập niên nay thì số lượng và giá cả tăng vọt.
Dù bóng cá dùng làm gì thì ngư dân đang nhiệt tình khai thác thị trường bong bóng cá béo bở của Brazil.
Trong ngôi làng Itapua yên lặng gần Vigia, nước triều đã rút xa, chiếc thuyền gỗ nhỏ của Elder Junior nằm yên ả trên bùn.
Junior, 37 tuổi, mới trở về từ biển vài ngày trước. Anh cùng 3 tay chài khác đánh bắt suốt 10 ngày trời trên con thuyền dài có 5m. Họ đem về được 40 con cá Yellow Croaker, tổng cộng 142kg (trung bình mỗi con nặng hơn 3 kg).
Như thế được coi là trúng mánh. Giá thịt cá thôi đã đủ lấy vốn xăng dầu. Còn bong bóng cá mới chính là lợi nhuận. Nói cách khác là không đem về được bong bóng cá là không có thu hoạch. Junior cười: “Hồi trước, tôi lấy bóng cá làm búp bê cho con gái tôi”. Dĩ nhiên bây giờ anh không còn dám phí phạm như vậy.
Junior đánh cá từ năm 12 tuổi. Bong bóng cá bắt đầu có giá từ 10 năm trước làm cho anh tin tưởng vào tương lai ngành cá hơn. Khi đứa con trai 10 tuổi của anh lần đầu xuống thuyền, nó bị say sóng. Junior lại vui “Như vậy là nó sẽ không thích nghề đánh cá và chịu khó học hành”.
Gia đình anh theo nghề đánh cá nhiều đời, nhưng anh không muốn con cái nối nghiệp.
Nếu chuyến đánh cá dài ngày và thời tiết tốt, bóng cá được lấy ra và phơi ngay trên tàu.
Dù có thu nhập khá, Junior nói anh ta vất vả hơn bố vì anh ta có nhiều cạnh tranh hơn thời cha anh.
Ngày hôm sau, một chiếc tàu lớn đến Vigia sau nhiều tuần trên biển. Nó đổ xuống hàng trăm con cá Yellow Croaker, tất cả cá đều không còn bong bóng. Còn từ một con tàu khac, một bao chứa bong bóng khô đủ cỡ được quăng lên cầu cảng, một chiếc xe đang đợi sẵn ở đó. 2 cậu thanh niên trẻ ra khỏi xe, nhìn cái bao rồi quăng nó vào xe.
Giây chuyền cung cấp giữa Amazon và thị trường bên kia thế giới không có gì phức tạp. Bong bóng cá được lấy ra khỏi cá, rửa sạch rồi phơi khô trong khi con tàu vẫn còn ngoài biển. Chủ tàu bán bóng cá cho người mua, đôi khi người mua xuất cảng trực tiếp nhưng thường là người thu mua sau đó mới bán lại cho nhà xuất khẩu.
Nhà xuất cảng chở tới Hong Kong bằng đường hàng không hay đường biển. Hongkong vừa là nơi tiêu thụ vừa là nơi tái xuất cảng bóng cá. Phần lớn bóng cá được buôn lậu vào lục địa Trung Quốc, vì xuất khẩu qua đường chính thức thủ tục rất nhiêu khê rắc rối.
Người thu mua và xuất cảng bóng cá ở Brazil kiếm lời nhiều hơn là ngư dân. Một nhà nghiên cứu địa phương chỉ tiết lộ với điều kiện giữ kín danh tính của họ, nói rằng do lợi nhuận to lớn, người trong kỹ nghệ này không muốn nói về việc làm ăn của họ, cho nên thế giới không biết nhiều về kỹ nghệ đang sôi động này.
Người thu mua bóng cá giữ rất nhiều tiền mặt nhưng không ra mặt lộ liễu, vì lo sợ bị cướp. Qua những cuộc phỏng vấn, chúng tôi được biết những xe chuyên chở bong bóng cá được trang bị kính chống đạn còn những người thu mua bóng cá gốc Trung Quốc bị băng đảng địa phương nhắm đích.
Marcius Santos, làm việc với một công ty xuất cảng bóng cá, đồng ý cung cấp tin tức cho chúng tôi. Dẫu rằng kỹ nghệ này cố giữ kín tiếng nhưng vì gần đây nó hoạt động quá rầm rộ nên nó không còn giữ được bí mật.
Kiếm tiền dễ đưa đến cạnh tranh mãnh liệt
Marcius Santos, một người đàn ông tự tin với mặt vuông trẻ trung, nhìn trẻ hơn số tuổi 46. Ông đùa rằng ăn bóng cá giúp ông giữ dáng trẻ.
Doanh nhân bóng cá này xuất thân từ gia đình đánh cá và khởi sự buôn bán lúc mới ngoài 20. Năm 2018, ông hợp tác với Huang Wei, người Trung Quốc gốc Jiangmen tỉnh Guangdong để xuất khẩu bóng cá sang Trung Quốc.
Ở Braganca, một tỉnh lỵ bên bờ Đại Tây Dương, phía bắc của tỉnh Para, Huang mở nhà kho công ty, một phòng nhỏ phía sau cửa khóa của cơ sở rửa và sấy bóng cá. Nó có mùi như chợ cá.
Bóng cá đủ kích cỡ và hình dạng, sạch sẽ và khô, nằm trong túi đựng, chờ ngày chở đi Hongkong. Huang lấy một nắm bóng cá nhìn như lá nâu bằng nhựa, nói: “Bóng cá nhỏ cỡ vài cm này đến từ phía nam Brazil, giá chỉ có 17.70 USD/kg. Đây thuộc loại rẻ nhất, nhà hàng ở Trung Quốc mua số lượng lớn chỉ để nấu nước dùng”.
Nhưng bóng cá lớn không hẳn là giá đắt. Huang cầm một đám bóng cá dài cỡ 30-50cm. “Đây là bóng cá gurjuba, một loại cá trê. Lớn nhưng lại không có giá”.
Phía ngoài, một xe tải đổ xuống vài bao bóng cá Yellow Croaker. Huang lấy ra hai miếng, dài cỡ 10cm, đập miếng này vào miếng kia để thử: “Bóng phải trong và khô mới tốt”.
Công ty có người kiểm phẩm, lựa bóng cá theo nhu cầu thị trường. Dù kích cỡ và hình dáng quan trọng, cái ăn tiền mới là bóng của cá gì. Bóng cá Yellow Croaker mới là có giá cao nhất.
Huang nói: “Thị trường tiêu thụ bóng cá Trung Quốc khổng lồ. Hễ bóng tốt là họ mua ngay, chỉ có khác là giá cao thấp”.
Huang làm ăn ở Brazil đã 7 năm “Lúc đầu tôi mua bóng cá có 176 USD/kg. Bây giờ nó đã lên tới 580 USD/kg nhưng giá tôi bán qua Trung Quốc không lên nhiều như vậy”.
Nay có thêm nhiều người xuất cảng qua Trung Quốc, mức lời đơn vị không còn cao như xưa, cho nên ông phải gia tăng số lượng.
Santos nói Para có hơn 10 công ty xuất khẩu bóng cá và nhiều giới trung gian giữa ngư dân và nhà xuất khẩu. Itlo Silva, trước kia là tài xế xe tải, nói có ít nhất 50 người thu mua trung gian ở Braganca nơi ông ở.
Ông mua bóng cá tươi ở những thị trấn lân cận, đem chúng tới một trang trại rửa ráy, phơi khô xong bán cho nhà xuất cảng. “Mọi người thấy bán bong bóng cá cho nhà xuất cảng rất được giá thì tưởng dễ kiếm tiền, nhưng có vào nghề mới biết cạnh tranh rất khốc liệt. Ngày càng nhiều người Trung Quốc đến đây thu mua”.
10 năm trước, chỉ có khoảng 1 tá người làm nghề thu mua. Nay con số lên tới 400-500. Số người hành nghề đông đảo này làm cho nghề này không còn giữ kín đáo được nữa.
Nhu cầu thu mua bóng cá tăng lên dẫn đến gia tăng hoạt động đánh bắt cá khiến những người như Santos lo âu.
“Không ai biết bao nhiêu cá Yellow Croaker đang bị đánh bắt. Những hoạt động khai thác đánh bắt ở Brazil đúng ra là phải có kiểm soát nhưng dân Brazil chúng tôi có tật cứ làm trước rồi lo sau. Chúng tôi không có tính lo xa”.
"Chúng tôi mua bóng cá"
Nguy cơ khai thác quá mức trong khi thiếu số liệu
Không ai, từ giới chức Kiểm Ngư địa phương đến chính quyền trung ương có thể cung cấp số liệu bong bóng cá được khai thác.
Để trả lời yêu cầu thông tin, chính phủ liên bang nói không có thống kê về bao nhiêu bong bóng cá xuất cảng, bao nhiêu ngư dân tham gia khai thác bong bóng cá.
Bianca Bentes, giáo sư của Trung Tâm Ngư nghiệp Amazon và Sinh Thái Thủy Sản của Đại Học Liên bang Para (NEAP) lần đầu nghe nói tới ngành buôn bán bong bóng cá khi bắt đầu nghiên cứu ngư nghiệp vùng duyên hải giữa thập niên 1990. Bentes lớn lên tại Santarem, bên bờ sông Amazon, nhưng cá nước ngọt mà bà quen thuộc không có bong bóng.
30 năm trước, bà có thể dễ dàng thấy cá Yellow Croaker dài 2.5m ở chợ cá. Ngày nay, con cá dài 1.5m được coi là lớn lắm rồi. “Đây là thảm kịch tiêu biểu của những cái gì phổ biến. Triệu chứng tiêu biểu của khai thác quá mức. Chúng ta biết quá ít về loài cá này”.
Trường đại học của bà cố gắng nghiên cứu vòng đời của loài cá Gurjuba, loại cá đầu tiên được bắt để lấy bong bóng, vậy mà không biết chúng sinh sản ở đâu.
Ze Raimundo, 50 tuổi, ngư dân và thương nhân bong bóng cá Yellow Croaker nhiều năm, giải thích ông biết nếu cá nặng cỡ 10kg thì bong bóng sẽ to và có giá, nhưng không biết cá 10kg thì bao nhiêu tuổi.
Ngư dân cứ đánh bắt, không có khái niệm gì về bảo tồn dân số cá.
Nhưng ở những nơi khác, khai thác bong bóng cá gây những thiệt hại không thể phục hồi được cho hệ sinh thái. Quý giá nhất là bong bóng từ cá Bahaba Trung Quốc (Sủ Vàng), còn gọi là Yellow Croaker khổng lồ, sống tại vùng duyên hải.
Cá Sủ Vàng (Bahaba)
Năm 1989 thì cá Bahaba bị liệt vào loại 2 cần bảo vệ, nên bị cấm buôn bán ở Trung Quốc . Dù được bảo vệ, số lượng cá tiếp tục suy giảm và đến 2016 thì được nằm trong danh sách loài có nguy cơ diệt chủng của Sách Đỏ quốc tế.
Trong khi số lượng cá Bahaba suy giảm, kỹ nghệ bóng cá chuyển hướng qua cá Totoaba từ 1920, cũng thuộc họ hàng giống Yellow Croaker, nhưng sống vùng Vịnh Mexico. Nhưng một nạn nhân vô tội, cá Vaquita, một loài cá heo, cũng hay bị dính lưới chung với Totoaba.
Cá Totoaba
Bóng cá Totoaba
Aquita lớn bằng cái bồn tắm, chỉ có trong vùng Vịnh Mexico, được liệt vào loại có nguy cơ tuyệt chủng. Không đến 10 con Aquita còn sống trong biển Mexico do khai thác quá mức Totoaba, còn Totoaba được liệt vào loại đang bị đe dọa.
Tình trạng gần tuyệt chủng của Aquita được thế giới chú ý năm 2013. Trung Quốc, Mexico và Mỹ hợp tác kiểm soát hoạt động đánh bắt Totoaba. Nhưng không chấm dứt hoàn toàn được, vì bóng cá Totoaba có giá cao hơn là ma túy cocaine, cho nên các tổ chức tội phạm cao cấp đã tham gia.
Xuất cảng tăng vọt
Bóng cá khô là một trong Bát Bảo Bối (8 món quý) của Trung Quốc, bên cạnh tổ yến và vi cá, vừa ngon vừa bổ. Dân Trung Quốc bắt đầu ý thức được sự tàn nhẫn của khai thác vi cá và yến sào. Vi cá mập bị chặt đứt trong lúc cá còn sống còn tổ yến bị lấy đi ngay khi trứng hay chim non còn trong tổ. Nhưng kỹ nghệ bong bóng cá chưa bị coi là tàn bạo.
Nhưng các nhà sinh vật học và nhà nghiên cứu quản lý ngư nghiệp bắt đầu theo dõi chéo số liệu xuất cảng -nhập cảng bóng cá của Brazil và Hongkong.
Hongkong có một hệ thống theo dõi nhập xuất cảng rất đầy đủ nhưng chỉ mới theo dõi bóng cá từ năm 2015, còn trước đó bóng cá bị xếp chung với cá khô. Từ 2015 đến 2020, Hongkong nhập cảng 20,000 tấn bóng cá, trị giá 1.7 tỷ USD.
Trong số liệu xuất cảng của Brazil, không có mục bóng cá chuyên biệt. Nhưng số liệu nhập cảng bóng cá từ Brzil của Hongkong có thể kiểm tra chéo với mục “phụ phẩm từ cá”, 95% xuất phát từ Para. Tiểu bang Amapa cũng sản xuất bóng cá, nhưng đưa qua Para để xuất cảng.
Theo Bộ Kiểm Kê Dân Số và Thống Kê của Hongkong, từ năm 2015 đến 2018, Hongkong nhập bóng cá từ hơn 100 nước trên thế giới, nhưng từ Brazil là nhiều nhất: 3,300 tấn, trị giá 384 triệu USD.
Cứ xem bóng cá chiếm phần lớn “phụ phẩm từ cá” thì trong năm 2020, Brazil xuất cảng 637 tấn bóng cá, tăng gần 400% so với năm 2012 (127 tấn).
Từ năm 2012, cả cung và cầu đều ổn định.
Huang nói vì kinh tế Brazil xấu đi, đầu tư của doanh nhân Trung Quốc vào thực phẩm, nhà hàng và những lãnh vực khác không đem lại kết quả tốt đẹp. Thế là họ chuyển sang lãnh vực thu mua xuất cảng bóng cá về Trung Quốc.
Bentes nghĩ rằng bóng cá Yellow Croaker là lý do sản lượng đánh bắt cá Piramutaba (một loại cá trê) sụt giảm từ năm 2001. Cá Piramutaba không bán được bóng nên ngư dân bỏ qua cá này, tập trung đánh cá Yellow Croaker.
Tạp chí Marine Policy (chính sách ngư nghiệp) phổ biến nghiên cứu trong tháng 7/2021 cho thấy có ít nhất 10 loại cá được đánh để lấy bong bóng, so với trước đây chỉ có 1-2 loại.
Nhu cầu kiểm soát
Bong bóng cá được gọi bằng đủ thứ tên trong tiếng Quan Thoại. Thường thì nó chỉ nguồn gốc của cá, tỷ dụ “Sushui Ấn Độ”, “Miệng to Indonesia” hay chỉ hình dạng của bóng, tỷ dụ “Bóng trứng”, “Bóng bướm” hay chỉ tên cá, tỷ dụ “Bóng cá Mú” (sea bass). Nhưng cũng có khi tên gọi chẳng cho biết gì nhiều. “Bóng cá biển bắc” có thể là bóng của hàng tá loại cá, đa số là đến từ Nam Mỹ.
Bóng cá được ca tụng là tốt cho sức khỏe. Theo đông y, nó trị ho, ngừa phản ứng phụ từ các vị thuốc khác, chữa bệnh dạ dầy và thận, dưỡng thai, bổ máu. Ở Hongkong và Trung Quốc, chênh lệch giá giữa bóng cá này với bóng cá kia đi từ hàng chục yuan đến hàng vạn yuan.
Bóng cá Sủ Vàng (bahaba) đắt tiền nhất. Năm 2012, một cái bóng bán với giá 475,000 USD. Bong bóng cá loại mới liên tục xuất hiện trên thị trường. Bóng cá Nhện (hình con nhện) đứng hàng thứ hai, bán với giá 7,054 USD/kg. Bóng cá Nhện đến từ Vietnam và Indonesia, thuộc về giống cá Boesemania đang làm loài này có nguy cơ tuyệt chủng.
Dù Đông y đề cao giá trị bổ dưỡng, Tây y nói chất collagen trong bóng cá khó tiêu hóa. Dù sao thì nói chung bóng cá vẫn là loại thức ăn rẻ tiền.
Bóng cá nhắc Yvonnne Sadovy, giáo sư trường Khoa Học Sinh Vật thuộc đại học Hongkong, đến kim cương.
Giống như đá quý, giá trị của bóng cá phụ thuộc vào “tính chất vật lý được công nhận”, Sadovy và đồng sự viết trong phúc trình năm 2019. Kim cương được đánh giá qua carat, vết cắt, màu sắc và độ trong. Đối với bóng cá, đó là kích cỡ, độ dầy, loại cá, địa lý và hình dạng. Quảng cáo và thị hiếu người tiêu thụ quyết định giá cả. Đầu tư bởi người sưu tầm bóng cá và liên hệ với tổ chức tội phạm là 2 yếu tố khác tương tự với thị trường kim cương.
Nhưng bóng cá khác với kim cương ở nguồn cung. Sadovy viết: “Trong khi kim cương không cạn kiệt vì vẫn còn quá nhiều trong đất, thì những loài cá bị khai thác vì bong bóng không còn nhiều. Do đó mà cần quản lý kỹ nghệ bóng cá”.
Bảo đảm không cạn kiệt là vấn đề của mọi người.
Ở một điểm có sóng wifi của chính quyền địa phương cạnh giòng sông trung tâm thành phố Vigia, dân chúng tụ tập để kiếm bóng râm và nối mạng.Khi người bán cá, người bán ngư cụ, thuyền trưởng, ngư dân, tài xế, bảo vệ ngồi với nhau thì đề tài luôn luôn là đánh cá.
Thuyền trưởng Silvio Sardinha nói: “Càng nhiều thuyền hơn thì cá càng trở nên khôn ngoan hơn”. Đây là lý do giải thích vì sao chuyến đánh cá Yellow Croaker kéo dài 20 ngày vừa qua của ông là một thất bại.
Trước bóng cá là vi cá. Nhưng 10 năm trước, cá mập bị cấm đánh bắt vì gần tuyệt chủng. “Nay thì bóng cá”.
Kỹ nghệ vi cá phát đạt ở Para đến năm 2012, khi chính phủ Brazil ra lệnh thuyền phải trở về cảng với cá mập còn vi trên lưng. Sau đó thì cấm luôn đánh bắt và buôn bán cá mập.
Thuyền trưởng Sardinha khởi sự đánh cá từ năm 7 tuổi, nay đã ngoài 50. Ông có con tàu lớn với GPS và phòng lạnh. Tàu có thể đánh cá liên tục 20 ngày và lưới được kéo bằng máy. Nhưng vì cá càng ngày càng ít ở gần bờ, tàu của ông càng cần đi xa hơn, do đó hao tốn nhiều xăng dầu hơn. Giá lưới và xăng dầu ngày càng cao.
Không có con số chính xác bao nhiêu thuyền đánh cá ở Vigia. Sardinha ước lượng 1,000. Người buôn bán ngư cụ gần đó cho là 500. Mà thư ký sở Ngư nghiệp và Phát triển nông thôn của Vigia, Diego Cardoso, cũng không biết luôn, dù ngư nghiệp là hoạt động kinh tế chính yếu của Vigia.
Ngư dân đếm số loài cá đã biến mất trên ngón tay.
Sardinha nói: “Tôi lo cho đời cháu tôi. Lúc đó ra sao?”
Giá cao, đánh bắt vô giới hạn đem lại phồn vinh tạm thời. Nhưng kéo dài được bao lâu? Để gia tăng thu hoạch, ngư dân đang vay nợ và mất đi khả năng thương lượng.
Sadovy nói bà đã thấy quá trình này xẩy ra xẩy ra nhiều lần với những hải sản khác nhau ở những vùng biển khác nhau trên thế giới (phát triển mạnh-đánh bắt cạn kiệt). Nhưng bà nói ngư dân có thể tổ chức quản lý nguồn cá, lấy lại quyền kiểm soát giá cả và nếu người tiêu thụ biết rằng họ có thể mất đi vĩnh viễn sản phẩm đó thì họ có thể dùng nó một cách hạn chế hơn. Nếu chúng ta quản lý biển cả tốt hơn, chúng ta khai thác được nhiều hơn.
Paulo Amaral, nhà nghiên cứu thâm niên ở Học Viện Nhân Lực và Môi Trường Amazon (IMAZON) cho rằng ngư nghiệp là nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng dân chúng Amazon, không gây tổn hại cho rừng rậm như chăn nuôi gia súc hay trồng trọt nông phẩm, nhưng cần quản lý việc đánh bắt.
Còn gì để bắt nữa không
Trở lại Vigia, Junior nắm giữ kiến thức đánh cá tích lũy nhiều thế hệ. Có nhiều thuyền tàu hơn đi đôi với nhiều trộm cướp hơn,vì ngư cụ đắt tiền và những mẻ cá giá trị lớn lao gợi lòng tham.
Đi đánh cá một mình và để ngư cụ trên boong tàu đều không an toàn. Ông nói: “Chờ cho trăng lên, chúng ta sẽ nghe tiếng cá Yellow Croaker nhép miệng”.
Chính vì thế mà Yellow Croaker có tên này vì chúng kêu cồm cộp (croak). Cá này tụ tập để chờ giao phối. Cá đực dùng bong bóng tạo ra tiếng kêu cồm cộp như tiếng gõ cửa. Cơ bắp dùng để co thắt bong bóng được coi là nhanh nhất trong số loài có xương sống.
Junior nói: “Đôi khi mình nghe chúng từ boong tàu. Có khi chúng tôi xuống hầm tàu vẫn nghe được chúng qua ván thành tàu, hoặc khi chúng ta lặn dưới nước cũng nghe. Rõ như tiếng búa đập, bang bang bang.”
Nếu Junior gặp ngư phủ Hongkong, họ còn nhiều chuyện hơn để kể. Thời kỳ 1960, cá Sủ Vàng cũng kêu cồm cộp như vậy. Ngư dân áp tai vào vách thuyền để nghe tiếng cá. Cá đánh bắt nặng từ 40kg đến 80kg.
Một ngư dân đến sửa lưới và Junior cười: “Có một lần có lời đồn Trung Quốc không còn mua bóng cá khiến cho gã này suýt đứng tim”.
Sau giấc ngủ trưa, làng Itapua bắt đầu thức dậy vì cơn nóng ẩm nhất của ban ngày đã qua. Có người đến giúp Junior vá lưới và chỉ tay về phía rừng đước. Nếu bóng cá không còn, họ có thể chuyển sang bắt cua.
Ai sống vùng này đều biết là nếu bạn thọc tay xuống bùn và chờ vài phút là cua sẽ bám đầy cánh tay. Nhưng một ngư dân khác cười: “Bán được có 18 xu Mỹ 1 con cua. Bắt 100 con cua một ngày thì vẫn không đủ ăn”
Nhưng mọi người lắc đầu, nói không lo. Trời sinh voi trời sinh cỏ. Thế nào cũng có cái để đánh bắt ngoài biển.
Lulu Ning Hui và Sarita Reed.
Aljazeera 20/1/2022
© Bản Việt ngữ Hoàng Hải Hồ