Đã một thời anh là người thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau. Từ thuở trai trẻ anh đã cống hiến không ít công sức cho xã hội, giúp đỡ người nghèo khó, nâng đỡ những đứa trẻ lầm đường lạc bước có cơ hội làm lại cuộc đời, giúp đỡ các Frères trong trường dòng nơi anh đã từng theo học..... trong thương trường anh cũng có những thành tựu đáng kể và trên chính trường anh lên như diều gặp gió, tên tuổi anh được nhiều người biết đến.

Anh là nghị viên hội đồng thành phố Fairfield, tiểu bang New South Wales.

Tôi không quen anh, chỉ biết về anh khi báo chí đưa tin tức một vụ đại án chấn động nước Úc có liên quan đến anh năm 1994, lúc đó tôi cũng tò mò tìm đọc vì anh là người Việt. Rồi thôi. Sau đó lại biết anh đã vướng vào vòng lao lý. Và cũng lúc này chồng tôi đọc báo thấy tên anh, mới biết đó là người bạn học năm xưa: Anh Ngô Cảnh Phương!

Vụ án chính trị đầu tiên trong lịch sử nước Úc đã làm xôn xao hàng triệu triệu người, nhất là cộng đồng người Việt khắp mọi nơi. Sau bao lần xét xử, anh bị tuyên án, bản án chung thân vĩnh viễn. Anh bước chân vào nhà tù, cánh cổng trại giam khép lại, công danh sự nghiệp rũ bỏ lại sau lưng, cuộc đời mới của anh thu hẹp trong khuôn viên trại giam.

Ngày tháng qua đi, câu chuyện dần chìm vào quên lãng. Người nhớ về anh ngày càng ít và người quên anh ngày càng nhiều.

Hai mươi năm, nhìn về quá khứ, chúng ta thường giật mình “ nhanh quá, mới hôm nào....”. Nhưng có một người, từng giây...từng phút..... từng ngày.....từng tháng..... ngồi đếm thời gian dài đăng đẳng qua bốn bức tường và hôm nay nhìn lại....đã hơn hai mươi năm cuộc đời.... Anh sống trong chờ đợi, trong hy vọng...

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có cơ duyên ngồi nghe một người bạn trong tù (tôi xin phép gọi anh là bạn vì ông chồng tôi là bạn anh) kể chuyện đời xưa và nói về những điều đơn giản, bình dị anh đang tận hưởng mà khi đã đánh mất tất cả, trong tận cùng đau khổ anh mới ngộ ra.

Tôi không biết trong vụ trọng án này anh có bị oan khuất? Anh vô tội hay có tội? Ở đây tôi chỉ muốn viết lại vài lời tâm tình của một tù nhân, của một người bạn.

Vừa rồi tôi có dịp đi San Francisco thăm những người bạn của hai vợ chồng đã trên bốn chục năm chưa gặp gỡ. Phe tôi chỉ có mỗi cô bạn đẹp thời trung học, hai đứa theo đúng hẹn có một ngày gặp lại nhau vui quá xá là vui, đi ăn đi chơi thỏa thích. Ăn ngon, chơi không xao lãng, tận hưởng trọn vẹn một ngày đẹp trời cùng bạn.

Những ngày cuối tôi gặp nhóm bạn của chồng, có vài ngày ở và đi chơi chung rất vui vẻ nhưng cũng có những khoảnh khắc ngậm ngùi. Ngày đầu họp mặt có một cú điện thoại gọi đến vào giấc trưa chiều, lúc đó mọi người đang tản mác trong sân vườn nhà bạn. Thấy ai cũng tíu tít nói chuyện điện thoại tôi không để ý, nghĩ một cuộc gọi thông thường của bạn bè, độ chừng mười phút thì cúp.

Vài phút sau chuông điện thoại lại reng, cũng khoảng mười phút lại ngưng, sau đó các bạn kéo nhau vào trong nhà ngồi chờ đợi. Hỏi ra tôi mới biết anh từ trong trại giam gọi ra. Anh tình cờ gọi điện thoại cho người bạn ở vùng phụ cận San Francisco và trùng hợp mọi người đang tụ họp tại nhà bạn nên mừng quá anh gọi liên tục nhưng vì luật lệ trong trại giam, mỗi lần chỉ được nói chuyện mười phút. Sau sáu phút được gọi lại.

Và trong khoảng thời gian chờ đợi, qua lời tường thuật của các bạn, hai đứa tôi mới biết, cũng còn vài người bạn khác quan tâm đến anh, luôn tìm cách giúp đỡ anh về mặt tinh thần.

Vợ chồng chủ nhà và hình như cũng là người bạn học cũ duy nhất đã một lần bay sang Úc, nhân chuyến đi này đã vào tận trong khám để thăm anh!

Không chỉ đến thăm anh một lần, anh chị đi thật sớm, chầu chực qua bao thủ tục khó khăn, vào thăm anh buổi sáng. Rồi lại lây lất, vật vạ quanh quẩn ngoài trại giam, chờ được thăm thêm buổi chiều. Ngày hôm sau trở lại, cũng như hôm trước, hai buổi thăm sáng chiều trước khi quay về Mỹ. Tổng cộng hai ngày, bốn buổi thăm!

Một người bản xứ, nếu không nhắc đến thì quả là một thiếu sót rất lớn. Bà Marion Rose Le là người đã tận tình giúp đỡ khi anh lâm hoạn nạn, bà tin tưởng anh, bà tin anh vô tội. Sau khi anh vào trại giam, tất cả mọi liên lạc thông tin, thơ từ của anh với người thân, bạn bè, đều được bà hướng dẫn và giúp đỡ.

Tình người, tình bạn, hỏi có mấy ai làm được? Viết đến đây tôi chợt nhớ lời bài hát của nhạc sỹ Vũ Thành An “ Triệu người quen có mấy người thân ...” mà mấy ngày nay một trong các bạn anh hay nói.

Lời của thế gian “ khi giàu sang danh vọng, người đưa kẻ đón, bạn bè vây quanh, ai cũng là bạn. Lúc sa cơ thất thế mới biết người bạn thật sự là ai. “. Vào lúc ngã ngựa, mang thân phận tù đày, anh đã có những người bạn đúng nghĩa.

Từ đó tôi mới chú ý đến những lời đối thoại giữa anh và các bạn. Anh nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa với bạn bè, Thầy Cô. Từ những chi tiết nhỏ nhặt, bé xíu xiu như người bạn có nét chữ đẹp, đuôi chữ G ngoắc lên một cách đặc biệt, người bạn khác với nụ cười hiền hoà, có cử chỉ duyên dáng nghiêng nghiêng đầu khi nhìn ai đó, người nọ học giỏi dở ra sao.... ông Thầy với độc chiêu trừng phạt học trò bằng cách dí đầu bút chì vào rái tai.... Anh còn nhớ đến phù hiệu nhà trường năm nào in khắc trên vải, năm nào đổi lại trên miếng kim loại.....

Nói chung anh có một trí nhớ phải nói là vô cùng tốt và qua cách anh nhắc lại từng người bạn, tôi tin anh là người sống rất tình cảm, ít nhất với bạn bè.

Anh kể lại lần đầu tiên được hai vợ chồng bạn học vào thăm, mừng mừng tủi tủi, lúc đó anh mới thấy thấm thía và hiểu rất rõ ràng ý nghĩa của từ “ mừng mừng tủi tủi “ ra sao. Anh vui lắm, vui vì bạn và tủi phận anh!

Anh kể về nhà tù cũ trước khi được chuyển qua nhà tù mới, mỗi ngày đúng ba giờ chiều tất cả tù nhân đều bị lùa vào phòng cho đến sáng hôm sau. Hơn hai mươi năm, anh chỉ nhìn thấy ánh trăng qua song cửa sổ.

Khoảng hai tháng trước, anh được chuyển đến nơi khác, tù nhân được tự do ngoài phòng giam đến mười giờ đêm. Lần đầu tiên dạo bước trong đêm sau một thời gian dài đằng đẵng, anh ngước nhìn lên bầu trời bao la đen thẫm, không bị giới hạn tầm mắt bởi bốn bức tường chật hẹp, không bị các song sắt chia cắt ánh trăng, anh thấy trăng đẹp lắm, đẹp hơn bao giờ hết, trăng sáng vằng vặc và anh cứ mê mãi ngắm trăng. 

Qua những lời tâm tình của anh, mọi người đều nhận ra anh không tuyệt vọng, ý chí anh rất mạnh mẽ, kiên cường. Trong tận cùng đau khổ anh vẫn hy vọng và có niềm tin, anh mong chờ một ngày nào đó, hồ sơ vụ án của anh được lật trở lại và anh được tái xét xử công bằng.

Anh không hề có lời nói bi quan, chán chường. Anh cũng không oán trời, trách đất. Anh chỉ là ngồi kể chuyện cho chúng tôi nghe, trút niềm tâm sự. Rồi anh lại lắng nghe các bạn anh kể lại chuyện đời của họ, anh thăm hỏi người này, nhớ nhung người nọ....

Anh cười nói vui vẻ, các bạn anh cũng vậy, đôi khi chính anh là người nói chuyện khôi hài cho các bạn cùng nhau cười nghiêng ngửa. Tôi không biết bên kia đầu dây điện thoại anh có thật sự vui? Nhưng tôi biết bên này, các bạn anh, trong giọng cười, tiếng nói họ đang âm thầm che giấu giọt lệ, bùi ngùi thương cho anh đang bị kiếp nạn.

Ngày hôm sau và hai hôm sau nữa, anh thấp thỏm canh giờ các bạn đi chơi về để gọi điện thoại nói chuyện. Mấy người bạn kể, chưa bao giờ anh gọi cho bạn như vậy, nói hết mười phút anh kiên nhẫn ngồi chờ để gọi lần kế tiếp. Bảy tám lần đứt đoạn như vậy anh mới ngưng cho các bạn đi ngủ và lại ngóng chờ ngày hôm sau.

Chế độ của nhà tù cũng có những chương trình huấn luyện như đi học, học chữ hoặc học nghề, giải trí....dĩ nhiên chỉ trong giới hạn, khuôn khổ nhất định. Tất cả tù nhân đều được hưởng chế độ này chứ không phải riêng anh. Mục đích tạo điều kiện cho tù nhân có những sinh hoạt lành mạnh. Ý muốn của anh là học đàn guitar để rèn luyện trí não chuẩn bị cho tuổi già...

Trong trại giam có những thửa đất trống, ai muốn làm vườn, trồng trọt thì sẽ được cung cấp hạt giống, cây giống .... Anh kể anh có một miếng đất nho nhỏ để trồng hoa và các loại rau cỏ Việt Nam, anh trồng đủ loại rau để có thêm thức ăn hàng ngày. Sau buổi nói chuyện hôm trước, anh ra vườn ngắm hoa, anh thấy hoa hôm đó tươi đẹp lạ thường. Anh nói lúc dó anh mới biết tâm trạng anh vui biết dường nào. 

Anh lại kể đêm đó, anh không ngủ được, trằn trọc thao thức chỉ vì anh nói với các bạn chụp chung một tấm hình gởi vào cho anh xem. Nghe bà Marion báo tin nhận được hình các bạn anh nhờ bà chuyển giúp, đã in ra và gởi cho anh, chỉ một vài hôm sẽ nhận được. Anh cứ nằm hình dung ra từng khuôn mặt, từng cử chỉ, điệu bộ của các bạn trong bức hình theo lời mô tả của bà.

Anh hay nói đến hai chữ hạnh phúc, với anh hạnh phúc bây giờ rất rõ ràng  chứ không còn mơ hồ nữa. Hạnh phúc luôn trong tầm tay với, chỉ vì khi chúng ta có quá nhiều hạnh phúc chúng ta lại coi thường và đi tìm những thứ xa vời, khó nắm bắt, không nhận thức được hạnh phúc luôn quanh quẩn bên ta như hình với bóng.

Lên giường đánh một giấc ngủ ngon, đã là hạnh phúc. Ăn bữa cơm, cảm nhận hôm nay được ăn no, ăn ngon, đã là hạnh phúc. Ra sân hít thở không khí trong lành, ngắm con bướm lượn lờ trên những bông hoa đẹp tự tay mình trồng, đã là hạnh phúc.....

Đêm cuối cùng trước khi chia tay bạn bè, anh gọi phone không ngừng, nói chuyện mãi đến mười hai giờ đêm không muốn dứt nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Mở đầu cuộc nói chuyện, anh nói ngay vì sợ sẽ quên không nói hoặc không còn dịp để nói và anh lập đi lập lại mấy lần:

“ Nếu hôm nay là lần cuối cùng trong đời được nói chuyện với các bạn, anh đã quá hài lòng, quá mãn nguyện. Với thân phận một người tù, anh còn có diễm phúc chuyện trò vui vẻ cùng các bạn, được các bạn lắng nghe những điều anh kể, anh thật sự rất hạnh phúc.”

“ Bây giờ anh chỉ có mơ ước đơn giản, một ngày nào đó, ngoài cánh cửa trại giam, anh được cùng các bạn ăn chung một bữa cơm, ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự, thế đã quá vui, quá hạnh phúc! “

 

Hà Lê

 

Lời tòa soạn: ông Ngô Cảnh Phương bị bắt năm 1998 và bị tòa Úc tuyên án chung thân năm 2001 vị tội chủ mưu ám sát dân biểu John Newman, người hay lên án các băng đảng người Việt Nam tại khu vực Cabramatta, là khu vực nhà ông mà cũng là khu đông đảo người Việt cư ngụ. Dân biểu Newman từng tuyên bố là nên trục xuất các tội phạm người Việt về Việt Nam, một việc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện 20 năm sau.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved