Xem hát cải lương

 

Khoảng năm 63-64 gia đình tôi dọn ra Vũng Tàu. Không quen biết ai, lại chẳng có bà con họ hàng nào ở Vũng Tàu nên những ngày đầu buồn muốn chết. Nhà nào cũng cách nhau một khoảng vườn rộng mênh mông, cây cối um tùm, rào chắn cẩn thận, mấy anh chị em tôi cứ loanh quanh luẩn quẩn hết ra sân lại vào nhà, không nhảy dây thì đánh đũa, chơi ô quan.......

Từ nhỏ tôi đã thích leo trèo nên lén không có ai, tôi đu mình trên cây nhãn hay cây hoa điệp sát hàng rào, nhớn nhác nhìn qua vườn nhà hàng xóm, chả thấy bóng dáng ai. Thành phố gì mà kỳ cục, đất rộng người thưa!

Đứa nào được Má tôi sai qua tiệm tạp hoá bên đường mua vài thứ lặt vặt là mừng muốn chết, coi như đi dọ thám dân tình. Chỉ vài lần qua lại là đứa do thám về báo cáo với cả nhà:
- Tiệm tạp hoá tên là tiệm Ông Quán!

Cả nhà cùng ngạc nhiên, bao cái miệng đồng thanh hỏi:
- Tên gì lạ vậy?
- Đâu biết đâu.
- Không biết sao biết tên tiệm là Ông Quán?
- À, thấy ai vô tiệm cũng gọi thế này nè: - Ông Quán ơi, đong cho lít gạo - Ông Quán, cân cho tui ký đường - Ông Quán ơi, cho chai xá xị con cọp.

Má tôi xen vào:
- Ông bán hàng tên Quán, đâu phải tên tiệm.

Đứa do thám vênh mặt, hiu hiu tự đắc:
- Con mới làm quen với con nhỏ cạnh nhà mình, nó nói chung quanh đây chỉ có một tiệm tạp hoá tên là tiệm Ông Quán, mua gì cũng có.

Mãi về sau cả nhà mới biết, tiệm chẳng có bảng hiệu gì hết, dân ở đây quen miệng gọi là quán, luôn luôn có người đàn ông trung niên đứng bán, cũng không ai biết tên ông, cần sai con cái đi mua gì người ta cứ dặn: “ chạy qua quán của cái ông đó mua chai nước tương, mua gói trà.....”, dần dần gọi ngắn gọn là “ đi qua Ông Quán “, rồi gọi luôn người bán hàng là Ông Quán cho tiện việc, chủ tiệm cũng không buồn đính chánh, đông khách là ông vui rồi.

Vài tuần sau bắt đầu niên học, tụi tôi đi học có bạn bè mới, trường lạ nên hết buồn chứ Má tôi vẫn buồn hiu hắt. Cũng may có bà chị họ nhỏ hơn Má tôi vài tuổi ở chung từ ngày di cư vào Nam nên Má tôi còn có người trò chuyện dù chị cũng ít nói. Cả ngày Má tôi và chị chỉ ra khỏi nhà để đi chợ rồi việc bếp núc, rảnh rỗi quá nên Má tôi làm đủ các món ngon, hôm thì chả giò cua, hôm bún thang, bữa khác bánh tôm chiên....nghĩa là Má tôi càng rảnh thì gia đình càng được ăn ngon.

Buổi tối sau khi con cái học hành xong, sửa soạn đi ngủ là đến giờ của Má tôi. Má tôi hay nghe radio các chương trình nhạc như Dạ Lan, ngâm thơ Hồ Điệp...Trời ơi, nằm trên giường nghe nhạc rả rích dễ ru giấc ngủ, thiếp lúc nào không hay chứ nghe bà Hồ Điệp ngâm thơ buồn thấu tim gan. Lúc đó tôi còn nhỏ, chừng sáu bảy tuổi thôi, chỉ thấy man mác trong lòng chứ chẳng biết mình nhớ gì, buồn gì. Ấy thế mà nó nhiễm vào đầu từ từ, càng ngày tôi lại càng thích thơ thẩn, chỉ là đọc thơ người khác chứ bảo sáng tác thì tệ hại lắm, thơ con cóc tôi cũng không nghĩ được nửa câu.

Thế hệ Má tôi đàn bà đi xem ciné rất hiếm hoi, ca nhạc lại càng khó hơn nên để Má tôi đỡ buồn, thỉnh thoảng có gánh hát Kim Chung về trình diễn, Ba tôi cho cả nhà đi xem. Thời đó Má tôi vẫn chưa quen với cải lương miền Nam nên chỉ xem cải lương miền Bắc. Tôi còn nhớ gánh hát Kim Chung có các nghệ sỹ Kim Chung, Bích Hợp, Minh Cảnh, Huỳnh Thái, nghệ sỹ diễn hài Tư Vững..... và hình như có cả nghệ sỹ Văn Hường?

Ba tôi đi theo chắc là cả một cực hình, vì từ khi có ti vi chẳng mấy khi tôi thấy Ba xem cải lương, phải đi để phụ trông chừng đám nhóc tụi tôi, vả lại đi một mình thì Má tôi cũng chẳng chịu. Riêng tụi tôi mê lắm nè, nghe đi xem hát là cả đám nhảy cẫng lên, không phải mê xem cải lương đâu. Cái mê của tụi tôi là phần râu ria, trước khi vào rạp kìa.

Từ mấy ngày trước anh chị em tôi đã xôn xao, bàn tán nhặng lên, lóng nhóng chờ đến ngày đi xem hát. Bao giờ cũng được đến trước khoảng nửa tiếng, không khí trước rạp hát rộn ràng, đèn sáng choang. Chưa đến giờ trình diễn nhưng loa phát thanh vang dội phía ngoài rạp, phát ra tiếng hát của các nghệ sỹ càng kích thích người ta chen lấn xô đẩy mua vé vào xem.

Trong lúc Ba tôi chờ mua vé thì mấy anh chị em tôi dáo dác nhìn quanh, hàng quán la liệt, quà vặt không thiếu thứ gì. Má tôi dặn chị họ dẫn tụi tôi đi mua quà nhanh nhanh cho kịp vào rạp.
- Em ăn mía ghim ướp đá.
- Em lấy quả cóc ngâm cam thảo, chị nhớ xin muối ớt.
- Em ăn củ sắn xiên qua cái que dài kia kìa.
- Em thêm chai nước kem sô đa nữa nha chị.
- .....


Bình thường Má tôi không cho ăn quà vặt ngoài đường, sợ bụi bặm đau bụng nhưng đi chơi cả nhà lại được ăn thỏa thích, hình như đối với Má tôi, có người lớn đi theo con vi trùng nó cũng kiêng dè đôi chút. Lợi dụng cơ hội nên mấy anh chị em tôi thủ thỉ với chị họ để kiếm thêm chút ít đồ ăn vào dạng “quốc cấm “:
- Chị mua cho em thêm gói me bọc đường nhá.
- Chị cho em túi kẹo đậu phọng.
- Em thấy đằng kia có bán xí mụi, cho em một bịch nữa nha.
- .......

Bà chị họ nguýt dài mấy đứa nhưng chị vẫn mua đầy đủ theo yêu cầu của đám em. Thế là cả đám lại rủng rỉnh có được một mớ quà vặt để dành ăn từ từ cho mấy ngày sau.

Má tôi thích ngồi gần sân khấu để nhìn rõ mặt nghệ sỹ và đám nhóc tụi tôi không phải nhìn đầu người ta. Xem cải lương đa số là các bà, ôi thôi, con cái đùm đề vì ngồi trên lòng không phải mua vé, nhiều đứa bé còn ẵm ngửa trên tay. Vào được chỗ ngồi cũng trần ai, tiếng ơi ới gọi nhau, rồi lại thêm tiếng la mắng đủ kiểu. Như là một mớ bòng bong.
- Cún ơi, nắm chặt tay em, coi chừng lạc đấy.
- Bé ơi, cái quạt giấy đâu rồi, nực quá.
- Này, ông chạy ra xem bà Lê đến chưa, không khéo tìm không được chỗ ngồi đấy

Có tiếng gắt nhẹ:
- Lê với táo gì, có vé thì tự khắc biết kiếm chỗ ngồi.
- Ơ, cái ông này, người sao ích kỷ thế, nhờ tí việc cũng không được.
- ....

Vừa êm êm chợt giọng nói lúc trước lại vang lên:
- Cún ơi, dẫn em nó đi đái kìa.

Anh tên Cún chắc xấu hổ vì bà Mẹ cứ oang oang giới thiệu tên mình cho cả rạp biết nên chẳng thấy cái đầu nào nhô lên dẫn em đi đái. Bà Mẹ lại bô bô:
- Giê Su Ma lạy Chúa tôi, con cái nhà này bảo nó cấm có nghe tôi cơ chứ lỵ...
- Cái thằng chết tiệt, ngồi đó giữ đồ tao dẫn nó đi.

Một bà to béo lôi đứa nhỏ ra khỏi hàng ghế, tiếng nghe gần hàng ghế nhà tôi ngồi lắm, tôi vừa ngó ngoáy cái đầu định nhìn xem mặt ngang mũi dọc cái anh Cún ra sao thì nghe đau nhói ở bắp đùi, chị họ bảo:
- Ngồi yên, không được quay xuống nhìn.
- Sao thế chị?
- Tội nghiệp em đó.

Tiếng ồn ào dịu dần rồi im bặt khi đèn trong rạp bắt đầu mờ từ từ rồi tắt hẳn. Khán giả lớn nhỏ ngồi yên theo dõi vở tuồng, khi có câu ca tiếng hát hay, hoặc xuất hiện nhân vật mọi người ưa thích thì tiếng vỗ tay đột nhiên rào rào vang dậy. Một vài đứa bé giật mình khóc ré lên, được dỗ dành lại yên lặng. Người lớn say sưa theo dõi, đám con nít tụi tôi chú tâm vào mấy thứ quà vặt. Ngoài tiếng hát tiếng đàn tiếng trống.... còn được phụ họa thêm tiếng nhai nhóp nhép, tiếng hút nước ngọt rồn rột của khán giả nhi đồng.

 



Khán giả con nít chẳng hiểu bao nhiêu, phần lớn là tuồng tích dã sử, tuồng cổ chứ các vở tuồng xã hội chưa thịnh hành lắm, nghe hát như vịt nghe sấm. Mỗi lần qua một màn khác, cần chút thời gian để thay đổi phong cảnh thì tấm màn nhung được hạ xuống, lúc đó các nghệ sỹ hài ra trổ tài chọc cười khán giả phía ngoài tấm màn, khán giả cười rần rần thì đám con nít cũng hùa theo cười, cười vì điệu bộ diễn hài và cười theo mọi người.

Giữa chừng buổi hát lại được ăn quà tiếp, cà rem, mía ghim, kẹo bánh..... do những đứa trẻ chừng mười lăm mười bảy đi bán, các cậu bé đi men giữa hai hàng ghế, người lớn kêu lại mua cũng kha khá. Họ rất nhanh nhẹn, thu tiền thối tiền thoăn thoắt vì thời gian vào bán chỉ vài phút.

Đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, ấn tượng khó quên của tôi khi đi xem hát cải lương là gần cuối chương trình. Trên sân khấu đang căng thẳng gần hồi kết, bắt đầu có tiếng khóc, tiếng lè nhè ngái ngủ của đám con nít, rồi tiếng thì thầm hay gắt nhẹ của người lớn....yên lặng một chút, thỉnh thoảng lại nghe tiếng sột soạt, tiếng chân khua qua lại.......

Không bao lâu, khán giả bắt đầu ngửi thấy phảng phất mùi khai khai càng lúc càng nồng nàn, ngây ngất. Thôi rồi, những ly nước mía, nước đá bào, chai nước xá xị.... đem vào rạp hát bây giờ được xả ra ngay tại chỗ. Mấy em nhỏ mắc tè mà cha mẹ thấy tối om và lười nên bảo con ngồi thụp xuống dưới chân cho tiện.....thế là những dòng nước thoải mái róc rách tuôn trào, chảy ngược lên hàng ghế trước.

Rồi lại có tiếng la oai oái vì đôi bàn chân trần của ai đó bỏ khỏi giày hay dép cho mát mẻ bị ướt chèm nhẹp nếu ngồi ngay hạ nguồn của thứ nước chết tiệt này. Lần nào đi xem hát Má tôi và chị họ đều dặn đi dặn lại phải co chân lên, kiểu ngồi nước lụt và không được tháo bỏ giày dép ra. Chỉ tội người nào chân dài, chắc mỏi lắm.....

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1759306