TỔNG QUÁT
Khi bạn là công dân hoặc thường trú nhân Canada có lợi tức thì phải nộp hồ sơ thuế hàng năm để chính phủ xét xem bạn có phải đóng thuế hay không, và nếu đóng thì đóng bao nhiêu. Hoặc là nếu bạn được trả lại tiền thuế thì được trả bao nhiêu.
Hồ sơ thuế lợi tức này gọi là T1 Tax and Benefit Return. Hạn chót bạn phải nộp hồ sơ này là 30/4 nếu bạn thuộc loại công nhân viên (employee) hoặc 15/6 nếu bạn thuộc loại làm ăn buôn bán tự chủ (self-employed). Nếu bạn nạp hồ sơ trễ, bạn sẽ bị phạt tiền (late filing penalty). Nhưng điểm quan trọng là nếu bạn thiếu tiền thuế chính phủ thì bạn phải trả tiền thuế chậm nhất là ngày 30/4, cho dù hạn nộp hồ sơ thuế là 30/4 hay 15/6, nếu không bạn sẽ bị tính tiền lãi.
Không phải toàn bộ lợi tức bạn kiếm được đều bị đóng thuế mà chỉ có phần lợi tức chịu thuế (taxable income) mới bị đóng thuế. Lợi tức chịu thuế là lợi tức sau khi đã trừ đi những khoản cho phép khấu trừ (allowable deductions). Ngoài ra, có những loại lợi tức không thuộc diện phải trả thuế, tỷ dụ như tiền GIS, tiền trúng số, tiền thừa kế .v.v. thì không cần phải khai báo.
Nguyên tắc của thuế lợi tức Canada là không những thuế tỷ lệ theo mức lợi tức (lợi tức nhiều thì trả thuế nhiều) mà còn lũy tiến (progressive) nghĩa là thuế xuất (tax rate) tăng lên theo mức lợi tức, lợi tức càng cao thì thuế xuất càng cao, chứ không phải chỉ có một thuế xuất cố định (flat rate).
Nguyên tắc khác của hệ thống thuế lợi tức Canada là Tự Đánh Giá (self-assessment), có nghĩa là chính dân chúng tự làm hồ sơ thuế để cho chính phủ biết là mình thiếu bao nhiêu tiền thuế hoặc chính phủ phải trả lại mình bao nhiêu tiền thuế (refund). Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Thuế Vụ (BTV) sẽ xem xét hồ sơ và cho dân chúng biết là BTV đồng ý với hồ sơ đó hay là có những sai sót gì BTV sẽ điều chỉnh.
Tiền thuế lợi tức có thể trả theo nhiều cách:
- Khấu trừ thẳng trong lương: khi bạn là công nhân viên, chủ nhân sẽ trừ tiền thuế lợi tức (income tax deduction) trong cheque lương của bạn.
- Nếu bạn nợ tiền thuế chính phủ liên tiếp vài năm sau khi nộp hồ sơ thuế, BTV có thể yêu cầu bạn trả tiền thuế mỗi 3 tháng (instalment payment).
- Trả lúc nộp hồ sơ thuế (payment on filing).
Nên biết là tiền thuế lợi tức trừ thẳng trong lương chỉ là tạm thời. Chỉ sau khi nộp hồ sơ thuế thì mới biết là tổng số thuế trừ thẳng trong lương suốt năm đã đủ rồi, còn dư hoặc còn thiếu. Nếu còn thiếu thì bạn phải đóng thêm và nếu tổng số tiền trừ thuế nhiều hơn số bạn phải đóng (dư) thì chính phủ sẽ trả lại bạn số tiền bạn đóng dư (refund).
NHỮNG LỢI TỨC (THU NHẬP) GÌ PHẢI KHAI BÁO?
Nói chung là tất cả lợi tức, thu nhập đến từ mọi nguồn gốc.
- Tiền lương bổng từ việc làm công nhân viên (từ giấy T4 do chủ nhân cấp cuối năm)
- Nếu làm ăn buôn bán tự chủ (self-employed) thì là tiền doanh thu.
- Nếu đi làm hầu bàn (waiter/waitress) thì phải khai tiền tip nữa ngoài tiền lương.
- Tiền lời phát sinh từ trương mục ngân hàng (interest income, từ giấy T5 do ngân hàng cấp cuối năm).
- Tiền cho thuê nhà nếu có nhà cho thuê (rental income)
- Tiền CPP, OAS
- Tiền trợ cấp thất nghiệp (từ giấy T4E do chính phủ cấp)
- Tiền lời do bán nhà cho thuê (taxable capital gain)
- Tiền rút ra từ RRSP
- v.v..
Điểm cần nói là phải khai báo lợi tức kiếm được trên toàn thế giới (world income) chứ không phải chỉ là lợi tức kiếm được từ Canada mà thôi.
Nếu có nhà cửa ở nước ngoài trị giá hơn 100,000$ cũng phải khai báo.
NHỮNG LỢI TỨC GÌ ĐƯỢC MIỄN TRỪ THUẾ LỢI TỨC ?
- Tiền GIS
- Tiền Welfare
- Tiền trợ cấp nuôi trẻ (Child Tax Benefit) hay còn gọi là “tiền sữa”
- Tiền bồi thường tai nạn lao động (WCB)
- Tiền bồi thường tai nạn xe cộ (ICBC)
- Tiền trúng số
- Tiền thừa kế
- Tiền bán căn nhà mình ở
- v.v.
NHỮNG KHOẢN KHẤU TRỪ ĐỂ GIẢM LỢI TỨC CHỊU THUẾ (ALLOWABLE DEDUCTIONS)
Như đã đề cập ở trên, không phải toàn bộ lợi tức kiếm được (total income) phải đóng thuế, mà chỉ phần lợi tức sau khi đã trừ đi các khoản cho phép khấu trừ mới bị đóng thuế (taxable income).
Các khoản khấu trừ này là:
- Tiền đóng RRSP (quỹ tiết kiệm dùng khi về hưu)
- Tiền niên liễm nghiệp đoàn (union due)
- Tiền chi phí nhà trẻ, người giữ trẻ.
- Tiền dọn nhà để đi làm việc (moving expenses)
- Tiền trợ cấp ly hôn, nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn
- Tiền đóng quỹ CPP cho người làm ăn buôn bán tự chủ.
- v.v..
NHỮNG KHOẢN KHẤU TRỪ ĐỂ GIẢM THUẾ (TAX CREDITS)
Sau khi cho phép khấu trừ một số chi phí để làm giảm lợi tức chịu thuế, khi tính thuế trên taxable income, chính phủ lại cho phép khấu trừ thêm một số khoản Tín Dụng Thuế (tax credits) để hạ thấp thêm số thuế phải đóng. Những tax credits này là:
- Khoản căn bản cá nhân (basic personal amount)
- Khoản tuổi già (age amount)
- Khoản vợ chồng
- Khoản con vị thành niên
- Tiền đóng quỹ CPP, quỹ EI
- Tiền dùng xe bus/skytrain/ferry đi làm việc
- Chi phí cho con học thêm nghệ thuật, thể thao
- Khoản giúp người mua nhà đầu tiên
- Khoản giúp người tàn phế
- Học phí cao đẳng, đại học hoặc trường dạy nghề
- Chi phí thuốc men
- Tiền làm việc nghĩa, từ thiện (donation)
- v.v..
THUẾ XUẤT
Bạn phải trả 2 thứ thuế lợi tức: thuế lợi túc liên bang Canada và thuế lợi tức tỉnh bang B.C.
Thuế xuất liên bang:
Lợi tức chịu thuế; Thuế xuất:
Tới 11,1380 (không bị thuế)
Từ 11,139 tới 43,561 15%
Từ 43,562 tới 87,123 22%
Từ 87,124 tới 135,054 26%
Từ 135,054 trở lên 29%
Thuế xuất tỉnh bang:
Tỉnh bang BC áp dụng một công thức thuế xuất phức tạp hơn. Lợi tức tới 37,568 thì thuế xuất là 5.06%, sau đó thì tăng dần lên, nhưng cũng chỉ lên tới 8% mà thôi.
Như vậy, nói tóm tắt thì thuế xuất của dân chúng BC (cho cả liên bang và tỉnh bang) đi từ 0% tới cao nhất là 37%. Tuy nhiên, tính trung bình, một người dân Canada có vợ/chồng và 2 con trả thuế lợi tức khoảng 21.5%, còn độc thân thì khoảng 31.6%.
TÌM NGƯỜI KHAI THUẾ CHO MÌNH
Đối với người thông thạo tiếng Anh và tài chánh không phức tạp thì làm hồ sơ khai thuế không quá khó khăn, vì có nhiều nhu liệu thuế (tax software) giúp cho việc khai thuế dễ dàng và không tốn tiền (free) nữa.
Nhưng nếu bạn không tự làm được thì có rất nhiều người làm nghề khai thuế lấy tiền. Cho tới hôm nay, chính phủ không đòi hỏi người hành nghề khai thuế phải có bằng cấp chuyên môn, do đó ai cũng có thể hành nghề khai thuế lấy tiền. Vì vậy, bạn cần lựa chọn cẩn thận người khai thuế cho mình, vì bạn phải hiểu rằng chính bạn chịu trách nhiệm với Bộ Thuế Vụ về tình trạng thuế má của bạn chứ không phải là người khai thuế cho bạn.
Những người hành nghề khai thuế có bằng cấp chuyên môn về kế toán như CA (Chartered Accountant), CGA (Certified General Accountant), CMA (Certified Management Accountant), CPA (Chartered Professional Accountant) thường tính tiền cao hơn nhưng dĩ nhiên là bạn có thể yên tâm hơn về hồ sơ thuế của bạn. Họ có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế so với tiền công bạn trả cho họ, nhất là khi bạn có cơ sở kinh doanh buôn bán.
Trong việc liên lạc với Sở Thuế Vụ, bạn có thể ủy quyền cho người khác hoặc cho người khai thuế cho bạn để nhân danh bạn nói chuyện với Sở Thuế.
GIỮ GÌN HỒ SƠ THUẾ
Trong khoảng thời gian 2 tháng đầu năm, bạn sẽ nhận được những biên lai thuế (tax form) như:
- T4, T4A từ chủ nhân nếu bạn đi làm việc lãnh lương.
- T4E nếu bạn ăn tiền thất nghiệp trong năm trước.
- T5 từ ngân hàng nếu bạn kiếm được tiền lãi từ trương mục
- T4P nếu bạn ăn tiền CPP-OAS trong năm trước.
- T4RSP nếu bạn rút tiền RRSP trong năm trước.
- v.v..
Bạn cần phải giữ nhưng biên lai thuế này để dùng vào việc khai thuế.
Sau khi Sở Thuế Vụ duyệt xét hồ sơ thuế của bạn, họ sẽ gởi cho bạn Notice of Assessment (kết quả xét duyệt). Kết quả này cho thấy hồ sơ thuế của bạn làm đúng hay sai sót điều gì, bạn thiếu bao nhiêu tiền thuế hoặc chính phủ trả lại cho bao nhiêu tiền thuế. Tuy nhiên, nếu bạn không đồng ý với kết quả xét duyệt của Sở Thuế, bạn có quyền khiếu nại. Trên thực tế, đôi khi nhân viên Sở Thuế cũng lầm lỗi.
Bạn phải giữ gìn cẩn thận Hồ Sơ Thuế Lợi Tức, năm nào xếp vào năm đó, và giữ trong vòng 6 năm, nghĩa là năm nay là 2014 thì bạn phải giữ hồ sơ thuế từ năm 2013 trở lui đến 2007. Bộ Thuế Vụ có quyền giám định (audit) hồ sơ thuế của bạn trong vòng 6 năm. Điều đó có nghĩa là không phải sau khi nhận được Notice of Assessment và trả thuế xong là đã yên tâm hoàn toàn. Không thiếu gì trường hợp dân chúng đã trả tiền thuế xong nhưng sau đó Sở Thuế audit lại, người dân lại còn phải trả thêm tiền lần nữa hoặc là lúc đầu nhận được tiền thuế do chính phủ trả lại, nhưng sau khi bị audit thì phải trả lại tiền đã nhận cho chính phủ. Một lần nữa, điều này nói lên sự cần thiết phải giữ gìn đầy đủ biên lai thuế, khai báo lợi tức đầy đủ và tìm người khai thuế có uy tín để bạn tránh khỏi những phiền phức về sau.
CHILD TAX BENEFIT VÀ GST CREDIT
Từ Kết quả xét duyệt thuế này, chính phủ sẽ quyết định bạn có được tiền GST Credit (tín dụng GST) và Child Tax Benefit (CTB-trợ cấp nuôi trẻ) hay không, và nếu được thì bao nhiêu. Nếu con bạn dưới 18 tuổi và Net Income (lợi tức ròng) của gia đình bạn dưới 109,894$ thì bạn được hưởng CTB. Nhưng với GST Credit, nếu net income trên 43,052$ cho người độc thân và trên 51,232$ cho gia đình vợ chồng 2 con thì sẽ không còn được hưởng GST credit.
Tiền CTB được cấp hàng tháng và GST Credit mỗi ba tháng.
Tiền CTB tối đa cho 2 đứa con lên tới gần 600$/tháng. Tiền GST Credit tối đa cho người lớn là 268$/năm và trẻ em dưới 19 tuổi là 141$/năm.
Ngoài ra, một số quyền lợi xã hội khác cũng dựa vào Notice of Assessment để quyết định, tỷ dụ như xin welfare, xin ở nhà chính phủ, xin giảm miễn đóng tiền bảo hiểm y tế tỉnh bang v.v. vì Notice of Assessment là giấy chứng nhận lợi tức hàng năm của bạn. Do đó, bạn phải nộp hồ sơ thuế hàng năm, dù lợi tức nhiều hay ít, vì đây là bổn phận bắt buộc theo Luật Thuế Lợi Tức (Income Tax Act).
© Tim T. Hoang