Bàn về tang lễ

Earth to earth, ashes to ashes, dust to dust

-The Book of Common Prayer

 

Qua đời tất nhiên là một mất mát lớn – bất kể có dự kiến trước hay không, và tùy theo quan điểm tín ngưỡng mà các vị sư tăng, linh mục giảng thuyết rất dài dòng trong buổi lễ tưởng niệm người qua đời (a memorial service). 

Hai tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam là Phật giáo và Thiên chúa giáo rất khác nhau về một quan điểm then chốt: đầu thai/hóa thân và sống lại (Reincarnation and Resurrection).

Theo quan điểm Phật giáo, khi chết, linh hồn con người sẽ đầu thai, hoặc hóa thân, qua một kiếp khác, và kiếp đó có thể là bất cứ cái gì: cây cỏ, súc vật hay con người, tùy theo nghiệp chướng của kiếp này.  Sự đầu thai được tin rằng sẽ trải qua hàng ngàn kiếp, cứ thế mà luân chuyển từ xác này qua xác kia.

Trái hẳn lại, quan điểm Thiên chúa giáo cho rằng một khi người nào được Chúa gọi về là chấm dứt vĩnh viễn kiếp nhân sinh – không có chuyện đầu thai qua kiếp khác.  Thí dụ, thể theo tài liệu tại Vương Cung Thánh Đường Sainte-Anne-de-Beaupré (La basilique Sainte-Anne-de-Beaupré), một địa điểm tôn giáo và văn hóa được thăm viếng đông đảo nhất tại Québec, Canada:

“Sự đầu thai không có chỗ đứng trong đời sống của một tín đồ Thiên chúa.  Ngay từ thế kỷ thứ III, Origen, nhà thần học xuất sắc, viết rằng:

“Học thuyết đầu thai là xa lạ đối với học thuyết của Giáo Hội; không được giảng dạy bởi 12 tông đồ của Chúa và không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói về đầu thai cho chúng ta đọc.”

(Reincarnation has no place in a Christian’s life.  As early as the third century, Origen, the great theologian, wrote: “The doctrine of reincarnation is foreign to the Church’s doctrine; it hasn’t been taught by the Apostles and nowhere do we read about it in Holy Scripture.”)

Tuy Thiên chúa giáo không thừa nhận đầu thai nhưng chấp nhận có tái sinh (resurrection) qua sự kiện Chúa Jesus tái sinh.  Cũng theo tài liệu nêu trên:

“Linh hồn của chúng ta không chuyển từ thân xác này qua thân xác kia nhưng, sau khi chết, trỗi dậy thành một cuộc sống mới thông qua sự tái sinh.  Tái sinh là gì?  Đó là sự gia nhập vào đời sống vĩnh hằng, chúng ta chuyển từ tạm bợ sang vĩnh hằng mà không có cơ hội nào để quay trở lại đời sống trên trái đất, cho dù trong cùng một thân xác hay trong một thân xác khác.”

(Our soul doesn’t go from one body to another, but, after death, rises to a new life through resurrection.  What is resurrection?  It is the entrance into eternal life.  We move from what is temporal to what is eternal, without any possibility of returning to life on earth, either in the same body or another one.”

Quan điểm tôn giáo tuy khác nhau nhưng tựu trung, đại đa số người Việt Nam đều cử hành tang lễ cho người qua đời với một số nét tương tự như dưới đây.

Nếu chính chúng ta kick the bucket thì không còn gì để nói, nhưng nếu thân nhân như cha mẹ, vợ chồng, con cái hay anh chị em ruột qua đời thì có vài tập tục mà có lẽ chúng ta cần lưu ý đến. Có thể nói tổng quát rằng ngày nay, một tang lễ tiêu biểu thường gồm có các việc sau đây:

 

1-Đăng Cáo Phó (Obituary hay in Remembrance of -告訃: cáo phó)

 

Để báo tin có tang, trong đó người Việt Nam thông báo họ tên, pháp danh/tên thánh, ngày sinh, ngày mất, địa điểm quàn linh cữu, chương trình tang lễ: ngày phát tang, thăm viếng, cầu nguyện hay tụng niệm, di quan, hỏa táng hoặc mai táng, và họ tên của toàn thể tang gia. Tập tục của người Mỹ ngày nay có khác với người Việt Nam.  

Cáo phó của người Mỹ thường là một bài văn tóm tắt các điểm chính về cuộc đời của người qua đời như ngày tháng năm sinh, gia đình, học lực, nghề nghiệp và lý do mất – không ghi tên họ của toàn tang gia.  Đôi khi do ý muốn của người qua đời, tang gia không tổ chức tang lễ.

Một nét khác biệt nổi bật là người Mỹ ứng dụng internet trong việc đăng Cáo Phó online song song với việc đăng trên báo.  

Người Mỹ nào nghe biết tin buồn và muốn vào xem cáo phó và viết lời chia buồn thì rất dễ: chỉ cần google là hầu chắc tìm ra ngay.  Thí dụ muốn biết tang lễ của Kevin Abbott thì google: Kevin Abbott obituary là thấy.  (Kevin Abbott vốn là chef của tôi trong 22 năm).  Một khi vào rồi, mọi chuyện đều được trình bày rõ ràng ngay trên trang online đó – thường gọi là Guest Book, chỉ cần bấm vào đường nối Visit the Guest Book là thấy cáo phó và phần dành cho mọi người viết lời chia buồn. 

Qua Guest Book, thân tộc và bạn hữu có thể viết lời chia buồn vào bất cứ lúc nào.  Đúng vậy, vào bất cứ lúc nào.  Mặc dù mọi lời chia buồn đều xuất phát từ ý nghĩ tốt đẹp nhưng vẫn có thể xảy ra những lời không thích hợp (inappropriate) hoặc “ngớ ngẩn, ngây thơ vô số tội” nên tất cả lời chia buồn online đều được xem xét trước khi cho đăng: thích hợp thì đăng, và ngược lại thì xóa bỏ. Thí dụ, tôn giáo của người qua đời là Thiên chúa giáo nhưng lại cầu chúc người qua đời sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

Trang online thường gồm hai mục chính: Cáo Phó và Lời Chia Buồn, và hầu chắc sẽ được lưu giữ vĩnh viễn.  Thí dụ từ Nhật báo The Orange County Register:

This Guest Book will remain online permanently courtesy of The Orange County Register.

January 31, 2015

As my boss in 22 years at Toshiba, Kevin really put himself in my shoes to understand and motivate me in my difficult time along the time of working there! He is now no longer in this life, and left me with great admiration and deepest sympathy - deep down in my heart! R.I.P.
His employee, 
Ban Pham

Hiện nay, tôi chưa thấy giới báo chí Việt Nam ở hải ngoại làm Guest Book theo kiểu nêu trên nhưng có thể trong tương lai gần sẽ làm.  Vấn đề đặt ra là chưa hẳn người Việt Nam tham dự bởi vì một số người quan niệm rằng “chết là hết,” và từ chối đeo đẳng nỗi-đau-buồn-không-thể-xóa-được này trong tâm tư. 

Tuy mục đích của Guest Book rất tử tế, tốt đẹp dành cho người qua đời nhưng mọi việc đều có thể xảy ra, trong đó tệ hại nhất là vào Guest Book để chửi người qua đời.

Ngoài ra, trang online cũng đính kèm những chuyện khác – hoàn toàn tùy theo tự do của mỗi người; thí dụ như quảng cáo như nhận đặt vòng hoa, hoặc nếu tang gia xin miễn đi hoa và đề nghị tặng tiền cho một hội thiện nguyện nào đó thì đường nối của hội đó cũng được giới thiệu. 

Viết lời chia buồn:

Viết lời chia buồn là một điều khó khăn bởi vì rất thông thường, chúng ta sẽ không biết phải viết gì đây, cảm thấy lúng túng và không thoải mái, thậm chí có thể bỏ qua việc này.  Tuy nhiên, tang gia có thể cảm thấy đau buồn và giận dữ do sự mất mát của họ không được biết đến, và vì thế, tình giao hảo có thể bị sứt mẻ.  Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên viết hay nói như thế nào cho phải.

Tùy theo mối quan hệ xa hay gần, tập thể hay cá nhân gần gũi mà viết lời chia buồn súc tích, ngắn gọn bởi vì hầu chắc tang gia không còn lòng dạ nào để đọc những lời dài lê thê.  Và chỉ cần nhắm an ủi, ủy lạo tang gia mà thôi – xin đừng suy diễn hoặc mang quan điểm tôn giáo ra để “giảng dạy” về sự chết bởi vì tang gia đang đứng trước một quan tài, mang tâm lý tổn thất sâu đậm nên những gì bạn nghĩ khác đi sẽ trở thành vô nghĩa lý!

Nếu quan hệ gần gũi, lời chia buồn cần thiết phản ảnh những suy nghĩ và cảm xúc chân thành (reflection of your genuine thoughts and feelings).

Nếu quan hệ xa hay có tính chất tập thể, lời chia buồn sẽ rất khó viết; đặc biệt khi không hề quen biết với người qua đời.  Trong trường hợp này, lời chia buồn an toàn nhất thường mang nét chung và nếu không biết rõ tôn giáo của người qua đời thì cứ chúc “nghìn năm yên nghỉ, hay R.I.P.”

Cố gắng tránh nói câu hỏi thăm ngớ ngẩn “Bạn khỏe không?” khi đi thăm bệnh nhân hay viếng tang gia.  Nhà văn Christopher Hitchens, khi đang nằm điều trị bệnh ung thư thực quản, có câu trả lời nổi tiếng, “Tôi khỏe không hả?  Tôi đang giãy chết đây.”

(Regardless of where you talk, resist the urge to say, “How are you?” Writer Christopher Hitchens, when being treated for esophageal cancer, famously replied, “How am I? I’m dying.”)

Nếu có thể được và để tốt hơn nữa là xem xét và nghĩ đến vài nét riêng của vụ qua đời để tránh diễn dịch những lời không thích hợp hoặc rỗng tuếch, hoặc sáo ngữ thông dụng (common clichés).  Thí dụ như:

• “Tôi biết anh/chị cảm xúc như thế nào-I know how you feel.”Chỉ cần nói đơn giản, “Tôi cũng bị mất con, và tôi rất tiếc cho anh/chị (I, too, have lost a son, and I'm so sorry.) Không ai có thể biết được người khác cảm xúc, đau khổ như thế nào cả.
• “Bây giờ anh ấy đã được bình an - He's at peace now.” Nói vậy hóa ra khi còn sống, anh ấy phải chịu đựng một đời sóng gió với tang gia chăng?  Tang gia đang đau khổ, chỉ muốn người qua đời ở mãi bên họ. Hoặc tang gia cũng có thể bực bội mà nghĩ rằng: “Ừ thì bình an. Anh ấy qua đời, bây giờ thanh thản nhưng để lại cả một gánh nặng chi phi tang lễ cho chúng tôi.”

• “Thôi, hãy quên đám tang đi và tiếp tục cuộc sống của bạn - Put this behind you and get on with your life.” Cuộc sống nào?
• “Đó là dự định của Thượng Đế - It's part of God's plan.” Dự định nào?  Thượng Đế dự định cho một chiếc máy bay nổ tung hay rơi sâu xuống biển chăng?
• “Gọi cho tôi nếu bạn cần bất cứ cái gì - Call if you need anything.” Tang gia sẽ nghĩ rằng bạn nói câu này để bỏ chạy, và hầu chắc họ sẽ không bao giờ gọi.

• “Chắc hẳn bạn được giải tỏa khi đám tang qua đi- You must be relieved that this is over.”

• “Thật là tốt cho bà ấy khi bà không nán lại-It’s for the best that she didn't linger.”

• “Hãy nhìn theo hướng tươi sáng- Look on the bright side.”

• “Mỗi một áng mây (đen) đều có niềm hy vọng-Every cloud has a silver lining (thành ngữ: bạn có thể có may mắn xuất phát từ sự bất hạnh xảy ra cho bạn.)”

Để viết lời chia buồn, bạn có thể bắt đầu với những câu thích hợp như:

• “Tôi rất tiếc nghe tin anh ấy qua đời - I'm so sorry to hear that he has died.”
• “Tôi nghĩ và cầu nguyện cho bạn -You are in my thoughts and prayers.”
• “Tất cả chúng ta đều thương nhớ anh ấy - We will all miss him.”
• “Những gì tôi đang cảm xúc thật khó viết thành lời - What I am feeling right now is hard to put into words.” 

Sau khi bắt đầu như trên, bạn có thể viết thêm vài câu về mối quan hệ hoặc vài mẩu chuyện với người qua đời.  Tang gia luôn muốn nghe những câu chuyện của người qua đời qua con mắt của người khác.

Và cuối cùng là kết luận, chẳng hạn như:

• “Tình thương yêu và hỗ trợ của chúng tôi sẽ luôn luôn dành cho bạn -Our love and support will always be here for you.”

• “Tôi sẽ gọi bạn vào tuần tới để thăm bạn thế nào-I will be calling you next week to check in on you.” Đừng nói điều này nếu bạn không chắc sẽ gọi.
• “Tôi sẽ đến ngày Thứ Tư nhưng sẽ gọi trước khi đến để xem có tiện giờ giấc cho bạn hay không -I would like to drop by on Wednesday but will call first to see if that is a convenient time for you.”
• “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn- I will keep you in my prayers.” OK nếu đó là sự thật.
• “Đại phước đức khi sống hết tuổi Trời cho; người Trung Hoa gọi những trường hợp đại phước đức đó là khảo chung mệnh (考終命): được vui sống trọn hết tuổi Trời.

 

2- Đám táng (Funeral- 葬禮: táng lễ hoặc 葬儀: táng nghi hoặc白事或後事: bạch sự hoặc hậu sự)

Táng là tiếng Hán Việt: 葬 nghĩa là làm bất cứ kiểu nào để cho tiêu cái xác đi, thí dụ: mai táng (埋葬-burial): chôn xác xuống đất, hỏa táng (火葬-cremation): đốt xác.  Tập quán của người Tây Tạng và Mông Cổ có khác: điểu táng/thiên táng rất tàn bạo; đại khái là họ mong mỏi người qua đời sẽ được về Trời nên táng lễ được làm như sau: cởi quần áo của người qua đời, rồi cuộn lại trong một tấm thảm, mang thi thể ra bỏ ở một bãi đất trống, cách xa đường sá.  Đến nơi thì tháo thảm ra, để thi thể trống trơn cho kên kên, diều hâu rỉa (điểu táng) hoặc cho chó sói ăn (thiên táng ở Mông Cổ).  Sau ba ngày, thân nhân trở lại xem xét: nếu chỉ còn lại xương nghĩa là người qua đời đã được về Trời; ngược lại là một thảm họa tàn khốc cho tang gia.  Xương của người qua đời được giã nát, trộn với sữa trâu Yak, bột lúa mạch để làm thực phẩm nuôi gia súc.  Trong thực tế, ai cũng được về Trời cả bởi vì lũ chim kên kên luôn luôn đói ăn – chỉ khoảng một giờ là ăn hết xác của một người. 

Đám táng là buổi lễ an táng (安葬) người qua đời, thông thường chỉ gồm có tang quyến và bạn hữu thân mật của người qua đời bởi vì buổi lễ được xem là hết sức riêng tư – do đó, funeral còn có nghĩa bóng là chuyện riêng tư, thí dụ: it is my funeral, not yours.

Sau đó, những người quen biết hay thân tình với người qua đời sẽ được mời tham dự lễ tưởng niệm để vinh danh người qua đời và cũng để an ủi tang quyến.

 

3- Lễ tưởng niệm (喪禮: tang lễ-Memorial service)

 Sau khi đã mai táng hay hỏa táng, nghĩa là không còn thấy thi thể của người qua đời thì một buổi lễ tưởng niệm được tổ chức hoặc tại chùa hay nhà thờ, hoặc tại tư gia – tùy theo tiện nghi của tang gia.  Lễ tưởng niệm thường gồm có nghi thức của các vị sư tăng, linh mục để cầu nguyện cho người qua đời và giảng thuyết cho tang gia và những người đi điếu tang (弔喪: điếu tang: đi viếng đám tang và thăm hỏi, an ủi tang gia), đọc văn tế (祭文 tế văn- eulogies), phát biểu cảm nghĩ (personal reflection), tụng niệm hay hát thánh ca. 

Để viết tế văn, cách hữu hiệu nhất là hỏi tang gia cùng bạn hữu chí thân của người qua đời về những mẩu chuyện mà họ ưa chuộng nhất đối với người qua đời để có thể tưởng niệm và vinh danh một cách đúng đắn.

 

4- Tiếp đãi (Reception)

 Thông thường tang gia sẽ tiếp đãi mọi người điếu tang bằng một bữa ăn trưa hoặc ăn tối để bày tỏ lòng tri ân tại nhà hàng hay tư gia.

Người Việt Nam thường gom cả ba việc: đám táng, tưởng niệm và tiếp đãi ngay tại nhà quàn - trong khung cảnh thi thể của người qua đời nằm đó, khói hương nghi ngút quyện lẫn mùi tử khí, cũng như mời ăn uống tại cùng một chỗ: nhà quàn.  Đôi khi tôi cảm thấy khá ghê sợ khi đi điếu tang như thế, nhưng rùng rợn nhất là tục mở nắp quan tài để “viếng người chết lần cuối cùng.”  Không thể hiểu tại sao người ta lại bày ra việc kỳ quái này!  Người Mỹ tách riêng ba việc vừa nêu tại ba địa điểm khác nhau, và với thành phần tham dự khác nhau.

Sau đám tang, người Việt Nam cũng có khi để tang (居喪 cư tang) – tùy theo quan hệ với người qua đời mà thời gian lâu hay ngắn.

 Khi có chuyện đau buồn hoặc tang tóc, người Nhật Bản tuyệt đối giữ ý tứ qua việc dẹp bỏ những hội hè đình đám, vui chơi, liên hoan để tránh bị xem là vô cảm, bất cẩn hay thiếu thận trọng – một faux pas to lớn trong văn hóa Nhật Bản.  Họ tự kiềm chế, tự nén để tỏ ra chịu đựng hay chia sẻ điều không may đã xảy ra; thí dụ vụ động đất và sóng thần Tohoku (Tohoku Earthquake and Tsunami), vụ lò điện nguyên tử Fukushima, vụ ISIS giết ký giả Nhật Bản Kenji Goto mới đây: cả nước Nhật Bản shock and mourning!  Người Nhật Bản có một chữ để mô tả thái độ này: jishiku (Kanji: 自粛 hay 自肅: tự túc, trong đó túc có nghĩa là cung kính, nghiêm nghị- tiếng Anh thường dịch là self restraint).

 

Phạm Văn Bân

范文彬

Fan Wen Bin