HỆ THỐNG Y TẾ CANADA

Dù là hai nước tư bản giàu có ở cạnh nhau, Mỹ và Canada có hai hệ thống y tế rất khác biệt. Hệ thống y tế Canada được gọi là hệ thống:
-publicly-funded, nghĩa là do công quỹ chính phủ đài thọ.
-universal, nghĩa là phổ quát, phổ cập, toàn dân được bảo hiểm y tế.
-non profit, nghĩa là không có mục đích kiếm lợi nhuận.
-single payer, nghĩa là chính phủ là nhà bảo hiểm y tế độc quyền, trả tiền cho bác sĩ và bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho dân chúng.

Hệ thống y tế này là trách nhiệm của cả chính phủ liên bang và tỉnh bang. Chính phủ liên bang có nhiệm vụ đề ra đường lối chung và cung cấp 50% ngân sách y tế cho tỉnh bang, còn chính phủ tỉnh bang có nhiệm vụ thực hiện và điều hành hệ thống y tế cho dân chúng trong tỉnh.

Do việc điều hành thuộc tỉnh bang cho nên đi vào chi tiết thì hệ thống bảo hiểm y tế mỗi tỉnh bang có khác biệt đôi chút, nhưng nói chung đều bảo đảm nhu cầu được săn sóc sức khỏe của dân chúng, nghĩa là được bác sĩ khám bệnh và chữa trị trong bệnh viện miễn phí, bất kể giàu nghèo, bất kể có việc làm hay không.

Chính phủ tỉnh bang có quyền cung cấp bảo hiểm y tế hoàn toàn miễn phí cho dân trong tỉnh (tỷ dụ như Ontario) hoặc là thu một món tiền bảo hiểm phí tượng trưng hàng tháng từ mỗi người dân có khả năng đóng góp (tỷ dụ như British Columbia). Tuy nhiên, có ai vì lý do gì không đóng bảo hiểm phí thì vẫn được săn sóc chữa trị như thường và người nghèo, người già được miễn hoặc giảm tiền bảo hiểm phí.

Chính phủ tỉnh bang phân loại nhu cầu y tế ra làm 2 loại: cơ bản và thứ cấp. Những nhu cầu y tế cơ bản là khám bệnh bởi bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa, xét nghiệm y tế tại các phòng xét nghiệm y khoa và chữa trị trong bệnh viện, bao gồm sinh đẻ. Những dịch vụ này được cung cấp miễn phí cho dân chúng.

Nhu cầu y tế thứ cấp là thuốc uống ở nhà theo toa bác sĩ, chữa răng, khám mắt, kính đeo mắt, dụng cụ y tế (tỷ dụ xe lăn), châm cứu, chỉnh uốn xương (chiropractice) v.v. thì chính phủ chỉ cung cấp miễn phí cho dân nghèo và người lớn tuổi, dân chúng không thuộc 2 diện này thì sẽ phải tự lo. Trường hợp bạn đi làm việc cho chính phủ, cho hãng xưởng lớn thì bạn có thể được chủ nhân cung cấp bảo hiểm y tế thứ cấp. Nếu bạn không được chủ nhân cung cấp bảo hiểm y tế thứ cấp, bạn có thể bỏ tiền túi ra mua. Bảo hiểm y tế thứ cấp do các công ty bảo hiểm y tế tư nhân phụ trách, tỷ dụ Blue Cross, Sunlife, Great West Life v.v. Bạn phải đóng bảo hiểm phí hàng tháng, nhưng mỗi lần có các nhu cầu y tế thứ cấp thì bạn sẽ được công ty bảo hiểm bồi hoàn 80% chi phí.

Tuy nhiên bảo hiểm y tế cơ bản thì do chính phủ tỉnh bang độc quyền phụ trách. Có nghĩa là bác sĩ khám bệnh cho bạn, bệnh viện chữa bệnh cho bạn, chính phủ tỉnh bang sẽ trả tiền cho bác sĩ và cho bệnh viện.

Nhưng bác sĩ, y tá không phải là công chức và bệnh viện thì không phải là "nhà thương thí" như người Việt thường nghĩ theo thành kiến xưa. Đa số bác sĩ của Canada có phòng mạch riêng, mỗi lần khám bệnh cho bạn thì họ tính tiền với chính phủ theo mức giá do chính phủ ấn định, như vậy thì lợi tức của bác sĩ tùy thuộc số lượng bệnh nhân đến khám bệnh. Y tá làm việc cho bệnh viện thì do bệnh viện trả lương. Còn bệnh viện thì xây dựng lên từ công quỹ cộng thêm đóng góp thiện nguyện của tư nhân, doanh nghiệp nhưng việc điều hành bệnh viện thì lại do một Ban quản trị cộng đồng (community board of trustees) hay một Tổ chức thiện nguyện (voluntary organization). Bệnh viện được chính phủ tỉnh bang cấp ngân sách hoạt động và cũng giống như bác sĩ, tất cả dịch vụ chữa trị bệnh viện thực hiện phải báo cáo và hạch toán với chính phủ tỉnh bang với chỉ tiêu hoạt động trong giới hạn ngân sách. Tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc chữa bệnh, vì Canada không có bệnh viện dành cho người giàu và không có bệnh viện dành cho quan chức chính phủ. Tuy nhiên, nếu bạn có thêm Bảo hiểm y tế thứ cấp, bạn được nằm phòng riêng, còn với Bảo hiểm cơ bản thì bạn phải nằm chung phòng với người khác.

Riêng giới nha sĩ thì đại đa số là lấy tiền từ túi riêng của bệnh nhân hoặc từ công ty bảo hiểm y tế thứ cấp mà bệnh nhân gia nhập, lý do là chữa răng không phải là dịch vụ y tế cơ bản của chính phủ (trừ khi thực hiện trong bệnh viện với lý do khẩn thiết).

Nói tóm lại, toàn dân được hưởng Bảo hiểm y tế Cơ Bản, người nghèo, người già và một bộ phận dân chúng khá giả được hưởng thêm Bảo hiểm y tế Thứ Cấp. Đây là một nền y tế mang tính chất xã hội chủ nghĩa thật sự. Trong khi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có bệnh viện tư, kinh doanh kiếm lợi nhuận thì nước tư bản Canada toàn bộ bệnh viện đều là bệnh viện công.

Mỗi người dân được cấp phát một thẻ Bảo hiểm y tế tỉnh bang. Thẻ này cần được xử dụng khi đăng ký lần đầu với một bác sĩ gia đình, mỗi khi đi xét nghiệm y tế hoặc khi đi du lịch qua một tỉnh bang khác mà cân khám bệnh bác sĩ hoặc vào nhà thương bất ngờ tại tỉnh bang đó. Dân chúng được quyền lựa chọn một bác sĩ gia đình, nhưng do được khám bệnh miễn phí nên có thể đi khám bệnh bất cứ bác sĩ nào.

Trường hợp dân chúng ở tỉnh bang này đi sang tỉnh bang khác mà phải đi bác sĩ hoặc vào nhà thương ở tỉnh bang khác thì vẫn có thể dùng thẻ bảo hiểm y tế của tỉnh bang mình nhưng cũng cần lưu ý là không phải tất cả chi phí y tế phát sinh ở tỉnh khác thì sẽ được chính phủ tỉnh bang của mình chi trả mà có thể có chi phí không nằm trong thỏa thuận giữa 2 tỉnh bang. Cũng có khi tỉnh bang khác yêu cẩu bạn thanh toán trước chi phí bằng tiền của bạn, sau đó bạn trở về tỉnh bang nhà để xin bồi hoàn lại. Còn công dân Canada đi du lịch nước ngoài mà lâm bệnh bất ngờ phải đi khám bệnh bác sĩ hoặc vào nhà thương nước ngoài thì có quyền lấy hóa đơn tính tiền của bác sĩ nước ngoài, bệnh viện nước ngoài về Canada, Bộ y tế Tỉnh bang sẽ thanh toán lại (phải điền nộp Out-of-country Claim Form). Nhưng cần nhớ là tiền Bộ y tế Tỉnh bang thanh toán lại tối đa là theo mức giá của tỉnh bang trả cho bác sĩ, bệnh viện trong tỉnh bang chứ không trả hơn. Tỷ dụ như dân Canada đi du lịch Mỹ phải vào nhà thương Mỹ. Tiền chữa trị ở nhà thương Mỹ là 1,000 đô la/ngày thì Bộ y tế British Columbia chỉ thanh toán lại có 75 đô la, vì đây là mức giá mà Bộ trả cho bệnh viện Canada. Do đó Bộ khuyến cáo dân chúng đi du lịch Mỹ nên mua bảo hiểm y tế du lịch để được bảo vệ trong trường hợp phải vào nhà thương Mỹ. Còn các nước khác giá cả dịch vụ y tế không đắt đỏ như Mỹ, dân chúng phải nghiên cứu để quyết định có mua bảo hiểm y tế du lịch hay không.

Mỗi tỉnh bang ấn định điều kiện thường trú để người dân được hưởng Bảo hiểm y tế cơ bản tỉnh bang. Tỷ dụ:
-Chỉ được bảo hiểm sau khi đã khởi sự sống ở tỉnh bang 3 tháng (British Columbia).
-Phải sống ở tỉnh bang ít nhất 6 tháng trong năm (đa số tỉnh bang). Riêng Ontario và British Columbia thì 5 tháng. Nếu vắng mặt lâu hơn thì Bảo hiểm bị ngưng, phải nộp đơn để xin lại và phải chờ 3 tháng để Bảo hiểm được tái tục. Trong một số trường hợp đặc biệt, tỉnh British Columbia có cho phép vắng mặt liên tục 24 tháng, nhưng chỉ giới hạn 1 lần trong vòng 5 năm.

Canada tiêu tốn gần 12% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) cho chi phí y tế hàng năm, hay trung bình là 8,700CA$ mỗi đầu người (cao hơn các nước phát triển khác nhưng thấp hơn Mỹ với tỷ lệ 16% GDP hay 13,500US$). Nói chung thì được coi là tiêu tốn ít hơn nhưng hữu hiệu hơn hệ thống y tế Mỹ, vì được cơ quan Satista xếp hàng thứ 32, trong khi Mỹ xếp hàng 69 trong bảng đánh giá y tế thế giới năm 2023. Bác sĩ và nhà thương tính tiền trực tiếp với chính phủ cho nên chi phí hành chánh đơn giản, ít tốn kém hơn, còn Mỹ thì phải qua một mạng lưới bảo hiểm tư nhân cồng kềnh, phức tạp. Ngoài ra do tính miễn phí, phổ quát nên toàn dân không ai là không có bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình dân chúng cao hơn và tỷ lệ tử vong sơ sinh thấp hơn. Trong một cuộc trưng cầu dân ý do Strategic Counsel thực hiện, 91% dân Canada thích hệ thống y tế của Canada hơn của Mỹ.

Tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Canada thấp hơn các nước phát triển khác nhưng tỷ lệ y tá trên dân số lại cao hơn. Tỷ dụ như ở tỉnh bang British Columbia, chỉ có 270 bác sĩ cho 100,000 dân chúng. Lương trung bình của một bác sĩ Canada là 284,000 CA$ trong năm 2024.

Điểm yếu kém nhất của hệ thống y tế Canada là thời gian chờ đợi để được gặp bác sĩ chuyên khoa, để được nội soi (CAT scan, MRI) và để được mổ xẻ không cấp cứu, lý do là những lãnh vực này số cung không đủ số cầu. Thời gian chờ đợi trung bình để gặp bác sĩ chuyên khoa là 4 tuần, để nội soi là 2 tuần và để mổ xẻ không cấp cứu là 4 tuần. Thời gian chờ đợi trung bình ở phòng cấp cứu bệnh viện (Emergency room) cũng phải vài giờ. Tuy nhiên vì mỗi tỉnh điều hành hệ thống y tế riêng nên thời gian chờ đợi này khác biệt từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Điểm yếu kém thứ nhì là do tỷ lệ bác sĩ so với dân chúng không cao nên tại một số địa phương, một số dân chúng không tìm ra được bác sĩ gia đình vì các bác sĩ đã có đủ bệnh nhân nên không nhận thêm. Họ phải khám bệnh tại các walk-in clinics là những phòng mạch có tính chất chữa trị tạm thời, giai đoạn. Ước lượng tại British Columbia có 1,000,000 người dân không có bác sĩ gia đình.

HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH BANG BRITISH COLUMBIA (B.C.)

Chương trình bảo hiểm y tế của B.C. gọi là Medical Services Plan (MSP). Mỗi người được cấp một thẻ BC Services Card trên đó có số Personal Health Number (PHN). Dân chúng không phải trả  tiền bảo hiểm phí.

Trẻ em thuộc loại gia đình nghèo dưới 19 tuổi được chính phủ B.C. cho chữa răng và kính đeo mắt miễn phí theo chương trình Healthy Kids Program.

Chương trình bảo hiểm răng miệng cho dân chúng Canada vừa được chính phủ liên bang áp dụng kể từ năm 2024 tuy nhiên chỉ có những gia đình với lợi tức thuần đã điều chỉnh (adjusted family net income) dưới 90,000 $/năm mới được hưởng. Sẽ có khoảng 9 triệu người được hưởng bảo hiểm răng miệng của chính phủ. Tùy theo mức lợi tức, chính phủ liên bang sẽ trả từ 100% cho đến 60%  cho đến 40% chi phí.

 

© Tim T. Hoang

  • Số Lượt Truy Cập 1779388