Sự sống sau cái chết: phong trào chôn cất thân thiện với môi trường.

 

Chết là một việc rất cá nhân và quyết định của chúng ta làm gì sau khi chết rất khác biệt từ người này sang người khác, từ nước này sang nước khác.

Nhìn vào bản đồ tỷ lệ hỏa táng ở Âu châu cho thấy một lục địa chia rẽ, phân cực một cách khó tiên đoán.

Đầu tiên, sự khác biệt về hỏa táng vô cùng sâu sắc: ở Thụy Điển cao tới 83.9% mà Hy Lạp chỉ có 0.4%.

Nhưng đây không phải là khác biệt về Bắc Nam. Có những quốc gia láng giềng sát nhau mà rất khác nhau. ¾ dân Anh quốc hỏa táng còn chỉ có ¼ dân Ireland làm như vậy. Nhưng tỷ lệ này còn chênh lệch hơn nữa ở Romania và Hungary: chỉ có 1/200 dân Romania hỏa táng còn Hungary thì đến 2/3.

 

 Tỷ lệ hỏa táng ở Âu châu

 

Nghĩa là chúng ta có những quan điểm khác nhau về cách xử lý người chết.Điều làm cho sự việc phức tạp hơn nữa là ngày nay chúng ta có nhiều lựa chọn hơn ngoài hai lựa chọn lâu đời là chôn cất hay hỏa thiêu.

Một vài phương pháp trở nên phổ biến là chúng ta có thể cho người chết tiêu hóa bởi vi sinh vật, đông khô hoặc hóa táng. Nhưng trước khi nói về những phương cách mới, chúng ta hãy xem xét phương cách “chôn tự nhiên” , là biến hóa của phương cách chôn cất cũ.

 

Chôn tự nhiên (natural burial)

“Nơi bà được chôn trước đây là cánh đồng thì nay thành rừng cây. Bà được phép có một cái cây,những  hoa dại và một miếng đá nhỏ ghi dấu chỗ thân thể của bà. Mẹ tôi tin tưởng như vậy: vòng đời nghĩa là từ sinh đến tử và cái chết lại mang đến sự sống”.

Mẹ của Julia Lonnkvist được chôn tự nhiên, là cách hàng ngàn người dân Vương quốc Anh chọn lựa hàng năm. Từ thập niên 1990, Vương quốc Anh phát động phong trào chôn tự nhiên, là cách xử lý xác người chết thân thiện với môi trường hơn cách chôn cất cũ hay hỏa táng.

“Cha già tôi thường nói: Khi cha chết, chôn cha ngay góc vườn và trồng một cây táo ngay trên mộ cha”, Rosie Inman-Cook nói. “Khi tôi đang xem xét việc này có khả thi và hợp pháp hay không thì tôi nhận ra phong trào chôn tự nhiên đang bùng phát ở Vương quốc Anh, thế là tôi bắt tay dựng nghiệp”

Bà hiện đang quản lý tổ chức bất vụ lợi Natural Death Centre (Trung tâm Chết tự nhiên) và Association of Natural Burial Grounds (Hội Đất chôn tự nhiên). Nhưng Chôn Tự Nhiên nghĩa là gì? Nghĩa là cơ thể được chôn không qua tẩm liệm, quan tài bằng mây, liễu, tre hay giấy cạc tông, nghĩa là những vật liệu dễ tự hủy. Thậm chí là chỉ quấn vải chứ không cần quan tài.

Thêm vào yếu tố trở về thiên nhiên, đất dùng cho chôn tự nhiên thường là ở vùng quê rất đẹp. Inman-Cook giải thích: “Bạn yên nghỉ nơi rất đẹp, bạn giúp cây mọc lên, bạn tạo ra một khu bảo tồn đời sống hoang dã , và hy vọng là khi những thú vật và thảo mộc quý hiếm xuất hiện thì chính phủ sẽ chính thức bảo vệ khu này”.

 

 Nấm mộ xanh: mỗi cái cây là một mộ phần.

 

Ken West là người thiết lập khu chôn cất tự nhiên năm 1993. Là người quản lý nghĩa trang địa phương ở vùng Carlisle, bắc Anh quốc, ông lo lắng rằng nghĩa trang truyền thống gây phí phạm đất đai và không thích hợp cho động vật hoang dã sinh sống. Lo lắng của ông được ủng hộ rộng rãi.

Douglas Davies, giáo sư đại học Durham, kiêm giám đốc của Centre for Death and Life Studies (trung tâm nghiên cứu Sinh Tử), nói: “Vương quốc Anh hiện có khoảng 350 khu chôn cất tự nhiên nằm trong đất sinh thái lâm nghiệp. Thật là một sự thay đổi xã hội nhanh chóng . Đây không phải là chỉ đạo của chính phủ mà là phong trào tự phát của quần chúng, trước khi những khái niệm môi trường và sinh thái đánh động quần chúng. Phong trào này phù hợp với truyền thống dân Anh quốc thích làm vườn, thưởng thức chim chóc cây cảnh hơn là những nghĩa trang và sân nhà thờ khô khan”.

Đất chôn tự nhiên có thể sở hữu bởi chính quyền địa phương, tổ chức bất vụ lơi, giám đốc nhà quàn, tư nhân và thường là không bị chính quyền quản lý, dù rằng Inman-Cook nói việc tạo dựng không phải hoàn toàn đơn giản: “Bạn cần xin giấy phép thay đổi xử dụng đất , bạn phải đi qua nhiều cơ quan khác nhau: giao thông, khảo cổ, môi trường … họ cần biết là việc chôn cất tự nhiên như thế có làm ô nhiễm nguồn nước ngầm hay không. Dù vậy, hàng năm vẫn có một số đất chôn tự nhiên ra đời và con số này gia tăng không ngừng”.

Vương quốc Anh có một thái độ khá phóng khoáng về việc hậu sự. Ở Đức, dù tro cốt có thể được đem chôn vào đất rừng nhưng chôn tự nhiên vẫn chưa cho phép. Qua nhiều thế kỷ, Âu châu chỉ cho phép chôn cất, sau này thì hỏa táng mới dần dần được nhà thờ, chính quyền và dân chúng chấp thuận.

Nhưng vài thập niên nay, phong trào môi trường xanh nêu lên những mặt trái của việc hỏa thiêu xác chết. Hỏa táng cần nhiệt độ cao đến 750oC và tỏa vào không khí nhiều khí độc carbon dioxide cùng những hóa chất độc hại như thủy ngân trong răng trám và nhựa trong giải phẫu thẩm mỹ.

Chôn cất theo truyền thống cũng có những vấn đề cho môi trường: việc tẩm liệm xác chết bằng hóa chất để giữ cho không có mùi hôi ở nhà quàn, quan tài dùng những loại vật liệu lâu bị tiêu hủy và dần dà không còn đủ đất cho nghĩa trang. Cái Davies gọi là “di sản carbon của cái chết” thúc đẩy con người đi tìm những phương cách hậu sự mới.

 

Hóa Táng (aquamation)

Một phương pháp đang thông dụng ở Hòa Lan, Ireland và một số tiểu bang Hoa Kỳ là hóa táng (alkaline hydrolysis, aquamation hay water cremation).

Sandy Sullivan, chủ công ty Resomation đoạt giải Big Idea Ethical năm 2010 của báo Observer, nói: “Thay vì lửa, chúng tôi dùng hóa chất tiêu hủy xác chết. Chỉ còn lại bột xương trắng xóa y hệt như thiêu đốt. Nhưng cái khác biệt là phương pháp của chúng tôi rất thân thiện với môi trường. Lửa đã giúp chúng ta tiết kiệm đất chôn trong 160 năm, nhưng khi thải ra không khí CO2, NOx và những khí độc hại khác thì hỏa thiêu là phương pháp dơ bẩn. Chúng tôi dùng chất kiềm (alkaline) mạnh, thường là potassium để tan rã cơ thể, không thải ra cái gì vào không khí. Sau khi xong việc, dung dịch có hóa chất được lọc lại, thải vào sông còn chất dinh dưỡng từ cơ thể được thu gom làm phân bón. Đấy chính là một hình thức tái sinh sự sống”.

Sullivan còn so sánh hóa táng với phương pháp chôn tự nhiên. “Khi chôn cơ thể người chết xuống đất, những hóa chất độc hại trong cơ thể sẽ lan tỏa vào đất. Người chết có thể đã dùng nhiều dược phẩm, đã hóa trị, đây đều là những độc tố gây ung thư”.

Công việc làm ăn của Resomation đang phát đạt. Một cái máy hóa táng giá 450,000$ nhưng Sullivan nói số máy bán trong 10 năm trước nay ông bán trong vòng 6 tháng.

 

Trở về cát bụi

Rõ ràng có một nhu cầu giảm bớt dấu ấn carbon của cái chết và những chọn lựa đang mở rộng. Năm 2019, tiểu bang Washington là nơi đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa chôn cất hữu cơ, là cách dùng vi trùng chuyển hóa xác người thành đất trong vòng một tháng.

Anna Swenson, thuộc về công ty Recomposee ở bang Washington, giải thích: “Chúng tôi bắt chước theo quá trình thiên nhiên diễn ra dưới nền đất rừng. Chúng tôi chỉ giúp quá trình này xẩy ra nhanh hơn bằng cách theo dõi mức độ khí oxy và độ ẩm”.

Recompose mở cơ sở đầu tiên, The Greenhouse, tháng 12/2020. Swenson nói: “Chúng tôi đặt cơ thể vào trong những cái hòm làm bằng sắt không rỉ, trong đó chứa bột gỗ, giá alfafa và rơm. Chỉ qua một tháng, cơ thể biến thành đất trồng cây. Cách này phân hủy tất cả dược chất, hóa trị bên trong cơ thể lúc chết, thậm chí răng và xương cũng chuyển đổi”.

 

Những người chọn cách chôn tự nhiên thường hỏi là đất trồng do xác của họ biến thành được dùng ở đâu: vườn gia đình hay chung quanh những cây cối mà cháu chắt của họ hay chơi đùa? Swenson lưu ý là Washington là tiểu bang rất phóng khoáng, nghĩ rộng. Tiểu bang này đi tiên phong trong việc cho phép dùng cần sa giải trí, hôn nhân đồng tính và  được giúp tự tử theo ý nguyện. Bà nói: “Có rất nhiều khoa học gia, nhà môi trường học cùng nghiên cứu việc thực hiện chôn cất tự nhiên sao cho tốt nhất”.

“So sánh với chôn  truyền thống hay hỏa táng, mỗi người chọn cách chôn tự nhiên giúp cho 1 tấn khí carbon dioxide không lan nhiễm vào không khí. Thiêu một xác người dùng năng lượng tương đương với 40 bình ga nấu bếp”.

“Đã có 700 người đặt chỗ trước chôn tự nhiên với chúng tôi . Vậy là 700 tấn mét khối carbon dioxide đã được giảm bớt khỏi không khí. Khi phong trào này mở rộng, nó sẽ có ảnh hưởng trên thay đổi khí hậu”.

 

Phương pháp Đông lạnh khô (freeze-dried)

Một phương pháp khác đang xin phép chính quyền cho hợp pháp hóa bao gồm 5 giai đoạn, thi thể được đông lạnh khô trước khi trở thành phân bón cho cây.

Thi thể được nhúng vào nitrogen lỏng ở 196 độ âm Celcius, rồi rung lắc sẽ làm thi thể tan vụn như thủy tinh, sau đó đông lạnh khô để rút ra tất cả chất ẩm, làm cho đám bột cơ thể chỉ còn nặng 3/10 trọng lượng ban đầu.

Nam châm sàng lọc sẽ hút hết các chất kim loại trong cơ thể như răng trám, xương hông nhân tạo khỏi đám bột cơ thể. Đám bột khô này được đặt trong một hộp chứa làm bằng chất liệu tự tiêu hủy sinh học (biodegradable), được đem đặt lên lớp đất trồng cây,  chỉ trong vòng từ 6 đến 8 tháng thì vi khuẩn sẽ làm tan rã hộp bột xác người này.

“Đây là kỹ thuật thu hút carbon”. Rachel Caldwell, giám đốc nhà quàn công ty Promessa. Công ty thành lập bởi nhà sinh vật học Thụy Điển tên Susanne Wiigh-Masak (đã qua đời năm 2020). Kỹ thuật này vẫn đang chờ sự chấp thuận của chính phủ Mỹ, dù đã được nhiều người ủng hộ trên toàn thế giới.

Rachel nói: “Người ta ủng hộ cách xử lý người chết mới vì họ biết cách chôn truyền thống xử dụng một khối lượng lớn hóa chất tẩm liệm xác chết, sắt thép trong quan tài, xi măng xây kim tĩnh (vault), đều là những chất liệu không tốt khi đi vào trong đất”.

 

Hải táng

Không phải cách chôn cất mới nào cũng có tính cách tương lai. Thủy táng tồn tại nhiều thế kỷ.  Ngoài khơi Vương quốc Anh có 5 vùng biển dành cho thủy táng. Công ty của John McKenzie là Burials at Sea (Hải Táng) ở Southhampton dùng một trong 5 vùng biển đó.

Dù bản chất của tang ma không vui nhưng McKenzie nói nó có thể là một kinh nghiệm tốt. “Tang lễ ngày hôm qua là một ngày ấm nhất của nước Anh trong 65 năm qua, biển rất yên”.

McKenzie đưa quan tài và thân nhân đến Needles Spoil Ground, ngoài khơi đảo Isle of Wight. Alfred Lord Tennyson, một nhà thơ nổi tiếng sống trên đảo, nói: “Vùng tọa độ mà chúng tôi được cho phép thủy táng rộng đến 180 sân bóng đá, nên chúng tôi tha hồ lựa chọn điểm”. McKenzie nói: “Alfred viết một bài thơ gọi là Crossing the Bar, so sánh cái chết như khởi đầu của một cuộc hành trình. Bài thơ chứa những giòng chữ không có gì là chết chóc như (Không có nỗi buồn vĩnh biệt/Khi tôi xuống thuyền).  Nhiều người dùng bài thơ như giây phút tiễn đưa vì nó rất gây buồn mà lại có hiệu quả”.

Dù quan tài có đục lỗ cho nước chẩy vào, nó còn chứa bê tông để bảo đảm chìm xuống đáy biển, McKenzie cho rằng quan tài vẫn thân thiện cho môi trường: “Quan tài làm bằng gỗ mềm đơn giản, không có những chất độc hại như nhựa, chì, đồng hay zinc”.

 

 

Dù ở nhiều phần của Âu châu cho phép rải tro cốt xuống biển, nhưng lại cấm thủy táng nguyên quan tài. Do đó, nhiều khách hàng của McKenzie không phải từ Vương quốc Anh. Ông nói: “Chúng tôi phục vụ khách hàng từ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng thủy táng một nữ văn sĩ nổi tiếng chuyên viết truyện tội phạm của Mỹ mà bà đã từng mô tả cảnh thủy táng trong một cuốn sách của bà”.

 

Thái độ thay đổi

Hậu sự là mối quan tâm lớn cho con người từ lâu và quan tâm về môi trường đã thúc đẩy chúng ta đi tìm những phương thức mới. Trong khi chúng ta có thể nghĩ phương pháp này hay tốt hơn phương pháp nọ, cần nhớ rằng ý kiến của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian và làm cái gì tốt cho người đã chết phải bao gồm làm cái gì tốt cho người còn sống.

Rosie Inman-Cook nhớ lại: “Giữa thế kỷ 20, kỹ nghệ hỏa táng có một khẩu hiệu: Để Dành Đất Cho Người Còn Sống và khẩu hiệu này rất là ăn khách. Thế hệ cũ nghĩ rằng đó là một quyết định có trách nhiệm với xã hội.

Nhưng đó là trước khi chúng ta nhận ra vấn đề ô nhiễm không khí và thay đổi khí hậu. Bây giờ thì hỏa táng lại không còn là cách tốt nữa”.

 

Gary Parkinson

“Life after death: The boom in funerals that help the environment.”

© Tim T. Hoang dịch