MUA XE HƠI ĐÃ DÙNG: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

 

Nhiều người mua xe cũ hơn là mua xe mới. Trong năm 2019, ở thị trường Mỹ, dân chúng mua 40 triệu chiếc xe cũ nhưng chỉ mua có 17 triệu xe mới. Lý do đơn giản là mua xe dùng rồi tiết kiệm được rất nhiều tiền so với mua xe mới mà vẫn dùng được xe nhiều năm.

Tuy nhiên mua xe dùng rồi cũng đòi hỏi một số kiến thức cần thiết để tránh mua lầm xe xấu giá cao, vì không như xe mới được bảo hành (warranty) tới 5 năm, mua xe dùng rồi từ used car dealer (nhà bán xe đã dùng) chỉ được bảo đảm có vài tháng còn mua xe từ tư nhân thì không bảo đảm ngày nào.

Vấn đề đầu tiên người mua xe đã dùng phải đối đầu là mua từ dealer hay mua từ tư nhân?

Nếu đứng về phương diện giá cả, bởi vì dealer là người mua lại xe đã dùng từ tư nhân hay từ các công ty cho thuê xe rồi bán lại cho bạn để ăn lời, cho nên thông thường là giá bán xe từ dealer cao hơn giá bán xe từ tư nhân. Tuy nhiên:

 

I-Mua xe từ dealer có một số điểm lợi:

  • Trước tiên, vì dealer là một người bán xe chuyên nghiệp, họ đã xem xét tình trạng chiếc xe khi mua vào và đã sửa chữa những vấn đề quan trọng của chiếc xe trước khi bán cho bạn, cho nên nói chung là xe mua ở dealer từ pháp lý (không phải xe ăn cắp, xe còn thiếu nợ ngân hàng hay thiếu nợ tư nhân) cho đến bề ngoài cho đến máy móc đều đạt mức độ chất lượng tương đối đạt yêu cầu. Ngoài ra, họ còn cung cấp bảo hành cho chiếc xe trong thời gian từ 3 tháng đến một năm, như vậy bạn cũng được yên tâm trong một thời gian sau khi mua xe.
  • Điểm lợi thứ hai là tất cả xe bán từ dealer đều cung cấp cho bạn Lịch Sử chiếc xe. Lịch sử này được gọi là Carfax hay Car Report từ cơ quan Bảo hiểm xe cộ của tỉnh bang (ICBC). Bản Lịch Sử này cho bạn biết những tin tức hết sức quan trọng về chiếc xe như:
    • Xe đã qua bao nhiêu đời chủ (owner)?
    • Xe đã qua những tai nạn xe cộ (accident) gì? Tai nạn nặng hay nhẹ, biết được qua trị giá sửa chữa mỗi tai nạn.
    • Xe có bị đánh cắp (stolen) bao giờ chưa?
    • Xe thuộc loại Clean Title hay Salvage hay Rebuilt?

 

II-Thế nào là Clean Title, Salvage Title và Rebuilt Title?

  • Clean Title là chiếc xe không bị ăn cắp và không bị tai nạn nặng đến mức ICBC phải trả tiền thanh toán toàn bộ giá trị chiếc xe mà không qua sửa chữa.
  • Salvage Title là tình trạng chiếc xe không còn có thể cho phép chạy trên đường. Salvage status xẩy ra sau khi chiếc xe bị tai nạn nặng hoặc bị chìm ngập dưới nước, cháy, ăn cắp. Tình trạng này được gọi là total loss (mất toàn bộ) và ICBC trả cho chủ xe toàn bộ giá trị của chiếc xe chứ không sửa chữa.
  • Rebuilt Title là khi tư nhân quyết định mua lại xe salvage từ ICBC với giá rất rẻ rồi đem về sửa chữa, phục hồi chiếc xe trở về tình trạng hợp lệ chạy trên đường.

 

III-Lợi và Hại của mua xe Salvage Title

Xe Salvage status mua của ICBC giá rất rẻ. Nếu xe bị mất cắp hơn 21 ngày thì ICBC coi như total loss và trả tiền trị giá toàn bộ chiếc xe cho người chủ xe. Nhiều trường hợp chiếc xe sau đó tìm lại được trong tình trạng không bị hư hỏng phá hoại gì cả, nhưng ICBC vẫn gắn cho chiếc xe tình trạng Salvage status. Vậy thì xe Salvage status không phải lúc nào cũng có nghĩa xe trong tình trạng hư hỏng nặng.

Nhưng xe Salvage status cần phải kiểm tra, phục hồi rồi mới được phép chạy lại trên đường cho nên chỉ dành cho những người buôn bán xe dùng rồi chứ người tiêu thụ không có khả năng này. Sau khi xe được sửa chữa thì phải được kiểm tra bởi kỹ thuật viên có giấy phép của chính phủ (licensed technician) trước khi cho phép chạy lại.

 

IV-Lợi và Hại của mua xe Rebuilt Title

Thông thường, xe với Rebuilt Title bán rẻ hơn xe Clean Title từ 20% đến 50%. Do đó, khi bạn bán lại chiếc xe này sau khi dùng một thời gian, thì lại cũng bị tình trạng tương tự.

Ngoài ra, chúng ta cũng không biết chắc được là mức độ phục hồi của chiếc xe như thế nào so với ban đầu. Phụ tùng dùng trong việc phục hồi thuộc loại tốt hay rẻ tiền? Xe bị chìm dưới nước có khả năng bị xét rỉ nhanh chóng hơn xe thường.

Khi mua xe với Rebuilt Title, ngân hàng ngại ngần trong việc cho vay cũng như ICBC có thể tính giá cao hơn cho việc bán bảo hiểm.

Nếu bạn rất thích mua xe rebuilt, dù mua của dealer hay tư nhân,  thì bạn cần hỏi những câu như:

  • Biên nhận (receipt) của những sửa chữa cho biết chi tiết là sửa những gì, thay thế những phụ tùng gì?
  • Sửa ở đâu? Nếu nơi sửa là những garage tiếng tăm thì an tâm hơn là sửa bởi những thợ tay ngang không có giấy phép hành nghề (unlicensed mechanic).
  • Nếu chiếc xe rebuilt đang có bảo hiểm của ICBC thì bạn an tâm hơn là nó đang không có bảo hiểm.
  • Sườn xe (frame) và máy xe (engine) và hộp số (transmission) có bị hư hỏng và được sửa chữa không? Đây là 3 bộ phận quan trọng nhất và tốn kém nhất trong chiếc xe. Những chiếc xe đã bị hư hỏng và sửa chữa 3 bộ phận này thì không nên mua.

Mua xe rebuilt bạn rất cần một thợ sửa chuyên môn kiểm tra.

Giống như rửa tiền, người gian xảo cũng có một kỹ thuật được gọi là Rửa Tình Trạng (title washing). Vì việc quản lý Title thuộc về tỉnh bang và mỗi tỉnh bang có hệ thống quản lý theo dõi riêng, không liên kết với nhau nên một chiếc xe có Rebuilt Title ở tỉnh này có thể được mang qua một tỉnh khác đăng ký dưới Clean Title. Cách tránh bị gạt là bạn phải lấy được Carfax, vì Carfax có theo dõi lịch sử chiếc xe từ ngày đầu, nên biết được tình trạng chiếc xe ở tỉnh bang phát xuất.

Như vậy, chiếc xe tốt nhất bạn muốn mua là chiếc xe Clean Title, chỉ có một đời chủ và không bao giờ bị tai nạn.

 

V-Những tin tức cần kiểm tra khi mua xe tư nhân

Tư nhân nói ở đây là nhũng người hoàn toàn xa lạ mà bạn không biết, không có cơ sở gì để tin tưởng. Họ bán xe dùng rồi qua internet ( Craiglist, Facebook Marketplace) hoặc qua đăng báo.

Trường hợp bạn thấy một chiếc xe tư nhân nhìn quá tốt, giá cả quá hấp dẫn, không thể cưỡng lại không mua, thì bạn sẽ phải kiểm tra nhiều điểm.

  • Không mua xe nếu không biết nhà riêng của họ.
  • Không mua xe nếu người bán không cung cấp Vehicle Registration Form (giấy chủ quyền) bản chính mà đưa bạn xem bản sao. Sau khi xem bản chính của VRF thì hỏi photo ID (căn cước) của người bán xem có trùng với tên tuổi trên VRF hay không.
  • Không mua xe nếu người bán chỉ đòi hỏi trả bằng tiền mặt.
  • Nếu người bán có nhiều hơn một chiếc xe để bán thì họ là người chuyên mua đi bán lại xe chứ không phải chỉ là chủ nhân chiếc xe bình thường.
  • Vehicle Identification Number (VIN-số Căn Cước xe) nằm ở trên góc trái dashboard (bảng điều khiển) hoặc ở khung cửa tài xế và số nằm trên giấy chủ quyền phải trùng khớp nhau. Số VIN trên dashboard và khung cửa phải nhìn nguyên vẹn, không có dấu hiệu cạo sửa. Số VIN là một chuỗi kết hợp vừa số vừa chữ cái, dài 17 đơn vị. Tỷ dụ ABCDE123F4G567891. Nếu có dấu hiệu cạo sửa thì có thể là xe ăn cắp. Những chi tiết khác cũng phải trùng khớp như hiệu xe, mẫu xe (model), mầu xe trên thực tế giống như kê khai trên giấy chủ quyền.
  • Hỏi người bán cho xem các biên lai bảo trì sửa chữa của xe. Bảo trì là những việc như thay nhớt máy, thay thắng, thay bánh xe…Những chủ nhân xe cẩn thận thường giữ những biên lai này để biết được lúc nào thì cần thay thế những bộ phận đã quá cũ mòn.
  • Tư nhân bán xe không cung cấp cho bạn Carfax mà bạn muốn có thì phải yêu cầu Carfax từ ICBC và phải trả phí 42$. Như đã nói trên, Carfax rất quan trọng để biết lịch sử của chiếc xe. Nhưng cũng cần biết là có những tai nạn mà chủ nhân không khai báo với ICBC, tự sửa chữa lấy thì không xuất hiện trên Carfax.

 

VI-Quan sát chiếc xe muốn mua

  • Chiếc xe đã chạy bao nhiêu cây số ? (mileage hay odometer reading). Trung bình là xe chạy 25,000 km mỗi năm cho những người lái xe đi làm. Vậy xe 10 tuổi phải đã chạy 200,000-250,000km. Nếu con số quá thấp, tỷ dụ chỉ có 100,000km, thì cần đặt dấu hỏi. Một là xe do người già lái, không lái xe mỗi ngày mà chỉ thỉnh thoảng. Hai là đồng hồ đo quãng đường xe chạy (odometer) đã bị chỉnh sửa.
  • Thân xe còn mới hay đã rỉ xét nhiều? Nước sơn nguyên thủy hay đã sơn lại?
  • Bánh xe còn lại bao nhiêu %? Còn lái được bao lâu thì phải thay?
  • Nhìn phía dưới gầm xe xem có rỉ nhớt không? Có rỉ xét nhiều dưới gầm xe?
  • Mở nắp xem máy xe còn sạch mới không hay đã rỉ xét dơ bẩn?
  • Khi bật khóa máy xe lên, có những đèn báo vấn đề hiện lên không?
  • Khi chạy thử xe, tiếng máy nổ êm hay ồn?
  • Khi chạy thử xe, hãy tìm cách quẹo chậm tối đa về mỗi bên, trái và phải, xem nghe có tiếng động lạ hay không?
  • Khi thắng xe, xe có dừng ngay, vẫn giữ đường thẳng hay bị lệch sang một bên?
  • Cách tốt nhất là đưa đến thợ sửa xe có giấy phép để kiểm tra xe, nhưng không phải người bán nào cũng bằng lòng cho bạn đưa xe đến thợ sửa xe.

 

VII-Thủ tục sang tên

Thêm một điểm lợi khi mua từ used car dealer là họ có hợp đồng với nhân viên bán bảo hiểm xe lưu động. Người này đến tận cơ sở bán xe cũ làm giấy tờ sang tên chủ quyền và bảo hiểm xe cho bạn.

Còn mua của tư nhân, bạn và người bán xe phải đi đến văn phòng Autoplan để làm thủ tục. Người bán phải xuất trình giấy Owner’s Certificate of Insurance and Vehicle Licence/Vehicle Registration (Đăng Ký Chủ Quyền và Bảo Hiểm) và phải ký giấy Tranfer/Tax Form (Sang Tên Đóng Thuế). Nhân viên Autoplan thu tiền thuế này từ người mua xe.

 

  

Owner's Certificate of Insurance and Vehicle Registration

 

 

                                                      Transfer/Tax form

 

© vietvancouver.ca

Dựa theo tài liệu của ICBCCanadadrives.ca

  • Số Lượt Truy Cập 1779388