Khảo cứu của Lisa Bien Le

 

 

Đọc bài viết " Cơn ác mộng của người già trong viện dưỡng lão" phổ biến trên internet về tình trạng nhà dưỡng lão ở Mỹ chắc ai cũng sợ. Thực sự ở Canada không đáng sợ như vậy.

Có lẽ nên nói từ lúc bắt đầu cho anh chị em chuẩn bị cho người thân hay chính mình. Khi người nhà bắt đầu yếu sức khỏe, phải đi khám bác sĩ, bác sĩ sẽ căn cứ theo tình trạng sức khỏe của mình mà liên lạc với y tá trong vùng. Ở Vancouver có Fraser Health Authority, ở Richmond có Richmond Health Authority. v.v..Trung tâm này sẽ gửi một y tá gọi là Case Manager. Case Manager thường là nurse, người này sẽ coi imcome tax của mình để coi mình được trợ cấp hoàn toàn, hay trợ cấp một phần, hoặc mình phải tự trả lấy những dịch vụ này. Người Việt khi về già thường làm cho mình thành người nghèo vô sản bằng cách bán nhà cửa, giao tiền cho con cái...nghĩ rằng như vậy mới được chính phủ trợ cấp tối đa. Sự thật bán nhà hay không không cần thiết, vì chính phủ dựa vào lợi tức (income) chứ không phải là cái nhà mình ở (principal property). Ngoài chuyện coi lợi tức, họ sẽ coi tình trạng sức khỏe, đang ăn uống những thứ gì, đi đứng ra sao, có cần người dìu dắt không, có cần physio therapist đến tập cho mình không, cần walker hay gậy hoặc wheel chair?. Ăn uống ra sao, thích ăn như thế nào, mềm, lỏng, thích ăn thức ăn Tây hay Tàu...... Khi họ thấy mình vẫn còn ở nhà được hoặc có người thân bên cạnh chăm sóc, tùy theo mình yêu cầu cở nào họ sẽ gửi người đến săn sóc, nhiều hay ít giờ. Thường họ cho người đến tắm rửa, thay quần áo, cho ăn sáng, chừng 1-2 tiếng rồi họ đi. Buổi tối cũng vậy, chờ ăn uống xong thay quần áo cho lên giường ngủ. Tùy theo lợi tức, nếu những người ít income thì free hoàn toàn.

Khi ở trong chương trình này, nếu mình còn đi lại được thì sẽ có nhiều trung tâm cho người già để mình đến chơi, thường có xe bus ( Handy Dart 604 575-6600). Mình phải ghi danh để có số code của mình để được sẽ bus đến đón. Mình có thể đi bác sĩ, đi shopping... đi chỗ nào cũng được miễn là trong thành phố và trong giờ làm việc, nhưng phải phone trước ít nhất là một ngày để họ sắp xếp đưa đón mình (nếu họ không rành sẽ có taxi đến nhà đón mình , Handy Dart sẽ trả tiền taxi cho mình) sáng đến đón và chiều đưa mình về . Họ sẽ đến đón tận cửa và đưa mình vào nhà nếu người nhà không ra đón. Ở những trung tâm này, người điều hành phải là Nurse để có khả năng cấp cứu khi những người già bị đau ốm bất tử, và có những người được huấn luyện để điều hành nhiều trò chơi cho những người già tham gia như bingo, tập thể dục, nhảy đầm.. Nơi đây có cả bồn tắm để vị nào chưa tắm vì đi sớm, họ sẽ tắm cho những vị này, có giường nằm nếu mình mệt muốn nằm một chút. Buổi sáng có ăn sáng nhẹ như cereal, oat milk , sữa và yogourt, có ăn trưa (12 giờ trưa) và ăn dằm ( khoảng 3 giờ chiều). Đến 4 giờ chiều người nhà hay xe bus đến đón về. Tùy theo mình muốn đi bao nhiêu ngày, mỗi ngày mình phải trả 8$ để ăn sáng, trưa, snack và nước uống ...tiền xe bus đi về là 6$, cuối tháng sẽ gửi bill đến nhà. Giai đoạn này là mình đã yếu, nhưng còn đi đứng được chút đỉnh. Những lúc này mình phải sắm một vài dụng cụ để giúp mình không bị tê hay khó khăn trở ngại khi đứng lên ngồi xuống, tỷ dụ phải mua bed rail để giúp mình đứng lên ngồi xuống ở giường, bath bars để mình vịn ra vào trong bốn tắm, toilet seat bar để đứng lên ngồi xuống khi đi toilet. Những thứ này mình phải tự mua, hoặc có thể mượn ở Red Cross, thường mượn được 6 tháng free, sau đó mượn lại, nếu có tâm thì cho họ chút tiền donation. Nhưng bắt buộc phải có những dụng cụ này, nếu không có họ không gửi người chăm sóc cho mình, vì vấn để an toàn cho mình và cho nhân viên của họ.

Những nhân viên đến lo cho mình sẽ báo cáo tình trạng sức khỏe của mình cho trung tâm, như mình đau bụng nhức đầu...họ sẽ phone hỏi người nhà có biết chuyện đó không và đã có thuốc cho uống chưa...Khi mình đau ốm phải vào bệnh viện là lúc họ quyết định mình về nhà hay vào viện dưỡng lão. Lúc này Social worker sẽ gặp mình, họ nói chuyện với thân nhân và với mình để coi mình có thực sự an toàn ở nhà không khi con cái đi làm, nhà không còn ai khác. Nếu không an toàn thì họ bắt buộc mình phải vào nhà dưỡng lão, hoặc họ cho người đến chăm sóc dài giờ hơn ( nếu được). Khi đã quyết định vào nursing hôm rồi họ sẽ phải lập một chương trình để chăm sóc mình gọi là care plan, plan này nói về sinh hoạt hàng ngày của mình từ tắm rửa đến ăn uống, những thứ mình thích và không thích. Ngoài ra còn phải có health care plan, để chăm sóc tất cả về sức khoẻ của mình từ thuốc thang, bác sĩ, vật lý trị liệu, nha sĩ, massage....Lúc làm những chương trình chăm sóc này thường có sự tham dự của social worker, nurse của nursing home, thân nhân và bản thân mình. Bạn cũng nên biết là social worker hay nurse có thể thay đổi theo thời gian. Mỗi năm sẽ có họp 2 lần để họ update những chi tiết mới cho mình.

Ở Canada viện dưỡng lão phải theo những luật lệ nghiêm khắc của nhà nước, nhà nước thường ba tháng đến xét một lần. Trong mọi viện dưỡng lão có một group Bác Sĩ của họ. Nếu Bác sĩ gia đình mình không đến được, sẽ có những BS nầy quyết định khi khẩn cấp. Khi vào viện, gia đình phải ký một form, trong đó quy định trường hợp khẩn cấp người nhà mình muốn làm thế nào, họ sẽ theo quyết định đó. Họ có Registered Nurse để cho thuốc, có nurse và nurse aid để chăm sóc, tất cả đều phải có bằng và kinh nghiệm. Nhiều người phải làm việc on call (không chính thức) cả mấy năm mới vào được chính thức, nhưng vì phúc lợi cao cũng như việc làm bảo đảm, không bị lay off, nên ít ai muốn tìm việc khác. Phần đông người Phi Luật Tân làm nghề này, vì họ giỏi tiếng Anh cũng như biết nhiều từ chuyên môn. Người Việt , Tàu và Đại Hàn rất ít được làm, do yếu kém về Anh ngữ và từ chuyên môn nên ít khi họ gọi đến làm.

Ở Canada chuyện cho lộn thuốc cũng hiếm khi xảy ra vì họ có system kiểm soát rất kỹ (vì người cho thuốc khác và người kiểm soát khác). Nhân viên cũng rất sợ cho lộn thuốc vì phải báo cáo cho văn phòng và cả với nhà nước nửa. Còn chuyện physical abuse tôi thấy cũng khó xảy ra vì mỗi lần nhân viên thăm nom người già phải coi kỹ họ có vết bầm tím gì không, nếu có mình phải bảo cáo, nếu mình không báo cáo , người làm sau mình sẽ báo cáo. Lúc đó họ sẽ kêu mình lên hỏi, tại sao người già bị bầm dập, tại sao không có report nếu họ bị té, hay thương tích, lúc đó là mình lãnh đủ. Còn chuyện ướt át cũng vậy, người ca sau đến sẽ đi một vòng coi người già nào có bị ướt quần hay không, nếu có phải thay và cũng ghi vào record hàng ngày, coi họ lúc mấy giờ, nếu chuyện đó xảy ra vài ba lần và cùng một staff chắc chắn sẽ bị gọi đến văn phòng nói chuyện . Staff không muốn mất việc và tiếng tăm xấu ( thường họ rỉ tai thì thầm với nhau về cách làm việc của mình ) nên bắt buộc phải thay đổi cách làm việc. Nếu người già có một vết thương hay lở lói mới cũng phải báo cáo và phải theo dõi hàng ngày.

Theo tiêu chuẩn mới của chính phủ Canada, mỗi phòng phải có một tủ đựng quần áo, một bàn để đèn ngủ và một toilet rất rộng để wheel chair có thể đi chuyển dễ dàng và một TV. Có phòng ăn và giải trí rộng rãi, có phòng để họp mặt trường hợp ai đó qua đời mà không có thân nhân họ sẽ sẽ làm một buổi lễ ở đây.

Vì sợ mấy người lẫn trí có thể ra ngoài, nên cửa thường xuyên đóng, nhưng người nhà có electronic key ra vào lúc nào cũng được, không ai cản trở (sau 9 giờ tối electronic key sẽ bị khóa, lúc này mình có thể nhận chuông gọi y tá sẽ mở cửa cho mình). Đây là những trung tâm dưỡng lão mới, những nhà cũ tôi không rõ, những nhà mới này đều có vườn, ghế và hòn non bộ , rất sạch sẽ, có người lau quét từng phòng hàng ngày, không có mùi hôi.

Trong tuần họ cũng tổ chức đi chơi, ca nhạc thiện nguyện, hoặc họ phải bỏ tiền thuê music therapist đến để ca hát và đàn một tuần hai lần.

Về ăn uống họ cũng có những chuyên viên dinh dưỡng có bằng cấp hẳn hoi cho thực đơn, tùy theo sức khoẻ từng người. Nhà bếp phải qua một khoá huấn luyện về cách gìn giữ thức ăn và phải passed được khóa huấn luyện thì mới được làm.

Nói chung thì nursing home ở Canada rất tốt, người làm việc thì người tốt người xấu, khó nói, nhưng system lập ra để bảo vệ người già tối đa. Chỉ có một điều là đó là giai đoạn cuối đời nên buồn nhiều hơn vui. Tất cả đều suy sụp, yếu kém, do đó dể buồn bực, mặc cảm là gánh nặng của con cái. Những điều này chỉ có chính mình giúp được mình thôi. Đúng là buồn nhiều hơn vui, nhưng có người ở nursing home lại vui hơn ở nhà. Tôi có cô bạn có mẹ già 94 tuổi. Bà cụ là dân Tây nhưng chịu khó tập yoga, người còn minh mẫn và khỏe mạnh, nhưng đám con sợ cụ nấu nước sôi một mình bị phỏng nên gửi cụ vào nursing home. Tuần lễ đầu cụ chửi đám con quá trời, tuần thứ hai bà cụ vui như tết và khoe mới có bạn trai, ông ta ngày nào cũng đến rủ cụ đi ăn. Chỉ những người không biết nói tiếng Anh ở Nursing home mới thật đáng buồn. Nhưng dù biết hay không biết tiếng Anh, họ đều đối xử với mọi người như nhau, vì có rất nhiều con mắt nhìn vào, của staff, của những người thăm viêng thân nhân nên chuyện bỏ mặc người già bị hạn chế tôi đa.

Mong anh chị em đừng lo về già sẽ ra sao, cứ vui với những gì mình đang có, khi về già sẽ có nguyên một system trông coi mình, dù trong túi không có đồng bạc nào cũng chắc chắn có ăn ba bữa, có chăn ấm, có người tắm rửa cho mình, có đầy đủ thuốc men khi bệnh hoạn.


© Lisa Bien Le,

Community Resident Consultant.

  • Số Lượt Truy Cập 1779388