Sàn nhà tại Bắc Mỹ rất đa dạng vì có nhiều loại, khiến chúng ta phải phân vân để lựa chọn loại nào lúc xây nhà hoặc lúc muốn thay sàn mới. Ngoài ra không phải là đơn giản chỉ chọn một loại cho tất cả các phòng trong nhà, mà mỗi loại phòng thích hợp với một loại vật liệu.

Bài này điểm các loại vật liệu đi từ truyền thống lâu đời cho đến tân tiến hiện đại nhất:

 

  • Carpet (thảm)

Thảm thích hợp nhất trong phòng ngủ, lý do là ấm và êm, rất thân thiện với đôi chân và có tính cách âm. Ngoài phòng ngủ, thảm cũng còn được dùng trong phòng khách hay phòng sinh hoạt gia đình (family room). Thảm cũng có nhiều loại khác nhau, từ rẻ tiền đến đắt tiền, tùy thuộc vào chất liệu làm thảm (polyester, nylon, len cừu v.v.). Mùa đông lạnh lẽo ngoài trời mà đi chân trần trên thảm trong nhà thì thật tuyệt vời. Thảm cần một lớp lót (underlay) phía dưới chứ không thể tiếp xúc thẳng với sàn nhà.

Tuy nhiên ngày nay thảm đã trở thành lạc hậu, bởi khuyết điểm là dễ hoen ố, khó chùi rửa, tích trữ bụi đất, lông chó mèo cũng như bọ bụi (dust mite), không tốt cho những người bị dị ứng hen suyễn. Thảm dễ mòn cũ và khi gỡ bỏ thảm cũ cũng khó khăn. Nước đổ lên thảm khó hút khô.

Giá thảm luôn công trải trung bình là 3.50$/square foot.

 

 

  • Linoleum (vải sơn không thấm nước)

Phát minh lâu đời từ 150 năm trước, linoleum có nguồn gốc từ sơn làm bằng dầu hạt lin (linseed-oil-based paint) và được dùng làm sàn bếp hay phủ tường vì tính chất không thấm nước. Ngoài dầu hạt lin thì người ta còn trộn vào nhựa thông, đá vôi, bột bần (cork flour), bột gỗ, sợi đay (jute), nghĩa là toàn chất tự nhiên, cho nên linoleum là vật liệu thân thiện môi trường vì có thể tự hủy. Linoleum đi êm chân nhưng lại bền bỉ, dễ lau chùi. Linoleum được sản xuất dưới dạng cuộn tròn lớn (sheet) hoặc từng miếng như gạch (tile). Nếu là tấm lớn thì dùng keo dán vào sàn còn nếu là từng miếng nhỏ thì gắn nối vào nhau (click in).

Nhược điểm của linoleum là dễ bị đứt thủng hoặc trầy sướt bởi vật nhọn, dễ bị phai mầu dưới nắng. Linoleum ngày nay ít được dùng bằng nhựa vinyl vì nhựa vinyl bền hơn, ít thấm nước hơn, nhiều màu sắc hơn. Không nên dùng linoleum nơi ẩm ướt như phòng tắm hay phòng giặt quần áo.

Giá linoleum luôn công gắn trung bình 3.30$-4.20$/square foot.

 

  • Hardwood (gỗ thật)

Hardwood còn được gọi là Solid wood (gỗ đặc hay gỗ thật) từ lâu là một loại sàn nhà ưa thích của vùng ôn-hàn đới, vì vẻ ấm áp sang trọng nó tạo cho căn nhà. Gỗ cứng không bám bụi đất như thảm, dễ lau chùi, dễ làm mới. Loại gỗ dùng để làm sàn nhà có nhiều loại, nhưng đều là loại gỗ cứng: maple (phong), oak (sồi), hickory (mại châu), ash (tần bì), Brazilian cherry (đào Ba Tây) v.v. Lúc lót sàn gỗ cứng phải có thêm một lớp lót phía dưới để tạo ổn định. Gỗ cứng lót sàn được sản xuất dưới hình thức những thanh dài hình chữ nhật (plank) có mộng cạnh bên, gắn bằng cách click nối những mộng này với nhau. Nếu gắn không đúng thì gỗ bị cong hoặc trượt ra. Những thanh gỗ cứng này có bề dày từ 8mm đến 19mm.

Khuyết điểm của gỗ cứng là dễ bị trầy và nếu bị nước đổ thì sẽ cong dộp lên. Do đó, gỗ cứng không thể lót những nơi dễ ướt như bếp và phòng tắm. Nhưng khi bị trày nhiều thì có thể đánh giấy nhám cho nhẵn mặt và phủ sơn bóng trở lại. Giá của sàn gỗ cứng luôn công gắn trong khoảng 8$-10$/square foot.

 

Sàn Maple hardwood và sàn Oak hardwood

 

  • Engineered wood (gỗ thật thêm ván ép)

Đây là một loại hardwood rẻ tiền, vì phần trên là gỗ thật (dày từ 3mm-7mm) nhưng phần dưới lại là ván ép gỗ dán (plywood). Dù giá thành rẻ hơn, chống ẩm tốt hơn, dễ gắn hơn, dễ bảo trì hơn nhưng độ bền không bằng solid hardwood.

Ngoài các loại mặt hardwood thông thường nói trên, bamboo (tre) cũng được đưa vào engineered wood. Đối với dân Á châu thì sàn nhà bằng gỗ tre vô cùng quyến rũ.

 

 

  • Laminate (gỗ giả).

Laminate được ra đời để tránh 2 khuyết điểm của gỗ thật là dễ trày sướt và giá thành cao. Laminate có phần đế là bột gỗ ép cứng lại (fiberboard) , phía trên là một lớp phim in hình vân gỗ (print film) do đó nhìn giống y như gỗ và trên cùng là một lớp nhựa hóa học chứa aluminum oxide và melamine resin để bảo vệ. Chính lớp nhựa trên cùng này khiến laminate khó trầy sướt hơn (scratch resistant) và khó thấm nước (water resistant) hơn gỗ thật. Nhưng chỉ khó thấm nước trên bề mặt thôi, còn khi nước đã thấm xuống phần đế là bột gỗ ép thì laminate bị dãn nở và bung lên. Do đó laminate cũng giống như hardwood, không thể gắn ở nơi ẩm ướt như bếp hoặc phòng tắm.

Laminate vì có mặt trên là hình chụp của gỗ thật, đá thật cho nên cực kỳ đa dạng, đủ màu đủ kiểu, nhìn y như gỗ thật, đá thật. Ngoài ra, gắn laminate rất dễ dàng, vì nó là những miếng dài hình chữ nhật có mộng cạnh bên nên gắn nối với nhau rất nhanh (interlocking). Những thanh laminate có chiều dày từ 6mm đến 12mm. Giá gắn sàn laminate luôn tiền công trung bình khoảng 5.50$/squaref foot. Vì rẻ hơn hardwood mà lại có những ưu điểm của hardwood nên sàn laminate thuộc loại phổ biến nhất hiện nay.

  

 

  • Vinyl plank/tile (thanh/miếng nhựa).

Để khắc phục nhược điểm của hardwood và laminate là dễ bị hư hỏng khi đổ nước, vinyl plank/tile ra đời. Vì làm 100% bằng nhựa cho nên vinyl plank/tile hoàn toàn không thấm nước như gạch vậy, bạn không lo nước đổ làm hư hỏng sàn nhà vinyl. Ngoài ra, vì cũng áp dụng phương pháp dán phim chụp lên mặt như laminate nên sản phẩm vinyl plank/tile này cũng đa dạng như laminate vậy. Nguyên tắc gắn sàn thì y hệt như laminate.

Vinyl plank có 2 loại: cứng và dẻo. Cứng thì giống như laminate plank, nhưng có thêm lớp cao su không thấm nước ở dưới đáy. Dẻo thì không có lớp đế.

Do ưu thế không bị nước làm hư hỏng, vinyl plank/tile đang dần dần thay thế laminate. Độ dày của vinyl plank/tile cũng đi từ mỏng đến dày y như laminate. Giá sàn laminate luôn công gắn trung bình là 5.50$/square foot.

 

Vinyl thanh mềm và vinyl thanh cứng.

 

 Sàn vinyl plank nhìn y hệt sàn laminate.

 

  • Vinyl sheet (nhựa vinyl nguyên miếng)

Thay vì dưới dạng thanh dài hoặc miếng vuông, vinyl sheet là một miếng rất lớn dán vào sàn nhà. Bạn thấy tại một số văn phòng nha sĩ hoặc bác sĩ dùng sàn loại này. Nhìn giống như laminate hoặc gạch. Ưu điểm là công gắn rất nhanh. Vinyl sheet thay thế cho linoleum với giá cả tương tự.

 

  • Tile (gạch)

Tile là loại vật liệu lót sàn lâu đời, tương tự như hardwood. Tile có vị trí hàng đầu để lót sàn không thể phủ nhận được, vì hai đặc tính quí là không bị hư hỏng vì đổ nước và dễ lau chùi nhất. Người Việt chỉ quen nói gạch bông, gạch hoa, gạch men. Tuy nhiên tile dùng ở Bắc Mỹ chỉ có 2 loại Ceramic tile và Porcelain tile. Hầu như tất cả sàn gạch của shopping malls tại Canada và Mỹ là porcelain tile.

Khác biệt giữa ceramic tile và porcelain tile:

 

Ceramic

Porcelain

Nguyên liệu

Đất sét.

Đất sét, cát và silicat.

Chế tạo

Nung ở nhiệt độ thấp hơn.

Phủ bóng bề mặt.

Nung ở nhiệt độ rất cao.

Phủ bóng bề mặt.

Tính chất

Mềm hơn và rỗng hơn nên dễ cắt hơn.

Dễ trầy sướt hơn.

Thấm nước hơn porcelain. *

Kiểu cọ nhiều hơn.

Cứng hơn, đặc hơn nên khó cắt hơn và bền hơn.

Khó trầy sướt.

Không thấm nước.

Kiểu cọ ít hơn.

Dùng cho

Sàn và tường.

Trong nhà.

Sàn, nơi chịu ẩm ướt cao.

Trong nhà và ngoài trời.

Giá

Rẻ hơn.

Đắt hơn.

 

 * Chú thích: dù nói rằng gạch không thấm nước nhưng trên thực tế thì vẫn thấm nước ở một mức độ rất nhỏ, vì phần đáy không phủ men bóng vẫn thấm nước thấp hơn 0.5% cho porcelain và cao hơn 0.5% cho ceramic.

 

  

Ceramic tiles (trái) và porcelain tiles (mặt)

 

Lót gạch không cần một lớp lót dưới như hardwood hay laminate mà chỉ cần xi măng để dính vào sàn nhà. Vẫn có thể lót gạch trên sàn nhà gỗ nhưng lót trên sàn nhà xi măng (bê tông) thì tốt hơn. Vì phải trộn xi măng và đổ xi măng dưới từng miếng gạch, tiền công của lót gạch cao gấp đôi công lót hardwood hoặc laminate. Ngoài ra, vào mùa đông, mặc dù trong nhà có sưởi ấm, nhưng gạch không cho ta cảm giác ấm cúng êm chân như thảm hoặc gỗ, cho nên nhiều người không thích lót gạch ở phòng khách, phòng ngủ.

Giá lót gạch bao gồm luôn công trung bình khoảng 8$-11$/square foot.

 

Sàn ceramic tile (trái) và sàn porcelain tile (mặt)

 

  • Stone (đá thiên nhiên)

Stone đẹp hơn, quí hơn, đắt tiền hơn là ceramic/porcelain tile. Stone rất đa dạng về chủng loại, bao gồm limestone (đá vôi), granite (hoa cương), marble (cẩm thạch), sandstone (đá cát), onyx (mã não), travertine (hoa vôi rỗng) v.v. Trong các loại thì chỉ có Marble được dùng làm sàn nhà nhiều nhất. Marble có ưu điểm là nhìn rất đẹp, rất sang và rất bóng. Marble cũng ấm chân hơn tile vì hút nhiệt nhanh hơn tile. Nhưng lại có khuyết điểm là dễ trầy sướt, dễ thấm nước, dễ hoen ố hơn là tile vì ta nên biết là marble có cấu tạo rỗng (có lỗ li ti) chứ không đặc khít như tile, cho nên nếu làm đổ nước thì nước sẽ vào nằm trong những lỗ li ti này. Làm đổ rượu vang lên marble trắng nếu không chùi ngay thì marble sẽ bị ố đỏ. Ngoài ra vì quá trơn láng nên có nguy cơ trượt chân té ngã. Để khai thác vẻ đẹp của marble mà lại tránh khuyết điểm của marble thì người ta làm porcelain tile và ceramic tile với những đường vân trang trí nhìn y hệt như marble.

Lót stone thì cũng nhiều công, tốn kém như lót tile. Giá lót marble luôn công có thể lên tới 20$/square foot.

 

 Sàn marble là đẹp nhất và sang nhất.

 

  • Cork (bần)

Cork là nguyên liệu chính để làm nút chai rượu nhưng hiếm khi được thấy để làm sàn nhà. Nhưng cork đi rất êm chân, phải nói là chỉ có thua thảm mà thôi, nhưng lại có ưu điểm là sạch sẽ như hardwood, laminate hay vinyl. Sàn cork cũng có thể làm mới lại như hardwood bằng cách đánh một lớp phủ bóng.

Khuyết điểm của sàn cork là dễ bị hư hại vì vật nhọn, dễ bị xẹp xuống vì đồ vật nặng, dễ bị bạc màu khi nắng chiếu vào lâu và dễ bị bung lên khi nước đổ. Vì vậy sàn cork chỉ nên dùng trong phòng ngủ hoặc dưới tầng hầm (basement).

Giá sàn cork luôn công gắn có thể lên tới 14$/square foot.

 

 

Để kết luận, nếu bạn tính chuyện ăn chắc mặc bền thì nơi ẩm ướt như phòng tắm, phòng giặt đồ, bếp bạn lót gạch, còn tất cả các phòng còn lại bạn lót bằng viny plank là vừa dễ lau chùi, vệ sinh vừa không lo hư hỏng vì nước đổ. Gạch tuy tốn kém nhưng đáng tiền bỏ ra. Nếu bạn muốn tiết kiệm thì lót vinyl tile ở phòng tắm và bếp cũng được vì vinyl tile cũng không thấm nước. Bạn nên biết là một khi sàn nhà bị hư hỏng vì nước đổ, nếu không mua bảo hiểm nhà thì tổng cộng chi phí phục hồi sàn nhà có thể lên đến 20,000$ (rất nhiều việc cần làm như dọn đồ đạc ra ngoài, tháo dỡ lớp sàn hư, sửa chữa tường, tủ bếp hư, gắn sàn mới, chở đồ đạc vào v.v.).

 

© Tim T Hoang sưu tầm.

  • Số Lượt Truy Cập 1753983