Tại sao người Việt học tiếng Anh khó khăn?

 

Người Vietnam nói chung học tiếng Anh khá khó khăn, lý do bởi vì tiếng Việt là một ngôn ngữ rất đơn giản so với tiếng Anh, trên mọi phương diện: phát âm, văn phạm (ngữ pháp), ngữ vựng (từ vựng).

 

PHÁT ÂM (PRONUNCIATION)

 

Có thể khẳng định trên cơ sở khoa học rằng phát âm tiếng Anh đòi hỏi nhiều khó nhọc, cố gắng, thách thức cho người Vietnam hơn là phát âm tiếng Việt rất nhiều.

 

I-  Tiếng Việt có một nguyên tắc phát âm nhất quán, cố định và đơn giản, gần giống như tiếng Pháp. Tiếng Anh không như vậy.

 Tỷ dụ như nguyên âm (vowel) A luôn luôn phát âm là (a), cho dù nó nằm trong bất kỳ chữ nào, cho dù ráp nguyên âm A với bất kỳ phụ âm (consonant) nào.

Nhưng tiếng Anh thì không thế. Tiếng Anh không có một nguyên tắc phát âm cố định nào cả, và giả sử như có một nguyên tắc nào đó thì lại luôn luôn có ngoại lệ (exception), nghĩa là nói cho cùng thì không có nguyên tắc. 

Nguyên âm A của tiếng Anh có thể phát âm thành 7 âm khác nhau, dù là đứng riêng một mình không kèm nguyên âm khác.

  1. 1-       /ɑː/  theo phiên âm quốc tế hoặc (a ) theo phiên âm Việt đơn giản.

Tỷ dụ: car, bar, star

  1. 2       /eɪ/  theo phiên âm quốc tế hoặc (ây) theo phiên âm Việt đơn giản.

Tỷ dụ: may, cake, baby

  1. 3      /æ/ theo phiên âm quốc tế hoặc (nửa a nửa e) theo phiên âm Việt đơn giản

Tỷ dụ: hat, bag, dance

  1. 4-       /ɔː/ theo phiên âm quốc tế hoặc (o) theo phiên âm Việt đơn giản

Tỷ dụ: ball, talk, law

  1. 5-       /e/ theo phiên âm quốc tế hoặc (e) theo phiên âm Việt đơn giản

Tỷ dụ: fare, scare, square

  1. 6-       /ɪ/ theo phiên âm quốc tế hoặc (i ngắn, nửa i nửa ê) theo phiên âm Việt đơn giản

Tỷ dụ: message, village, voyage

  1. 7-      /ə/ theo phiên âm quốc tế hoặc (ơ) theo phiên âm Việt đơn giản

Tỷ dụ: above, aside, account

 

Tất cả những nguyên âm còn lại thì cũng vậy:

  • E có thể phát thành 5 âm.
  • I có thể phát thành 5 âm.
  • O có thể phát thành 3 âm
  • U có thể phát thành 7 âm

Mỗi nguyên âm đi liền với nguyên âm khác tạo thành hợp âm hay nguyên âm kép (vowel combination hay double vowels), chúng có thể tạo ra một âm mới và cũng không có một nguyên tắc phát âm nhất định. Tỷ dụ : AA, AE, AI, AO, AU, EA, EE, v.v…

Tỷ dụ:  hợp âm EI. Với chữ Weight, phát âm là /weit/ theo phiên âm quốc tế hay (uết-t) theo phiên âm Việt đơn giản. Nhưng với chữ Height, phát âm là /hait/ theo phiên âm quốc tế và /hai-t/ phiên âm Việt đơn giản.

 

II- Không có mối tương quan chặt chẽ giữa âm và chữ cái trong tiếng Anh.

Tiếng Việt có một tương quan chặt chẽ giữa âm của chữ và cách viết chữ. Nói chung là đọc một chữ lên thì chỉ có một cách viết duy nhất mà thôi, không thể có hai chữ viết khác nhau mà đọc lên thì giống nhau.

Nhưng tiếng Anh thì làm cho người học rất hoang mang vì có rất nhiều chữ đọc lên y hệt (đồng âm) mà viết khác nhau và nghĩa khác nhau (tiếng Anh gọi chữ đồng âm là homonyms hay homophones). Tỷ dụ 2 câu này:

They're parents.

Their parents.

Đọc lên sẽ y hệt như nhau. Nhưng câu đầu có nghĩa: "Họ là cha mẹ" còn câu sau nghĩa là "Cha mẹ của họ". Ta thấy rằng trong trường hợp này có thể xẩy ra cãi nhau trước tòa nếu như đó là câu nói miệng, không được viết ra.

Vài tỷ dụ nữa như: Ant (con kiến) - Aunt (dì, cô) // Bare (trần trụi) - Bear (con gấu) // Cent (đồng xu) - Scent (mùi hương) - Sent (gởi đi) //  v.v. "Con kiến" mà phát âm giống hệt "bà dì" thì thật là nguy hiểm, bạn sẽ phải hỏi lại người nói là "bò trên cây" hay "đi ngoài đường" để biết họ nói con kiến hay bà dì.

Nghĩa là chỉ đọc mặt chữ mà chưa nghe nói từ đó bao giờ thì chưa dám chắc cách phát âm, còn chỉ nghe phát âm một từ riêng rẽ (không nằm trong câu) thì chưa chắc đã viết đúng mặt chữ.

Điều này dẫn đến trò chơi chữ trong tiếng Anh là lúc đọc lên thì nghĩa này nhưng lúc viết ra lại nghĩa khác.

Do không có qui luật, nguyên tắc gì cả, cách tốt nhất và an toàn nhất để phát âm đúng một từ tiếng Anh là nghe họ nói rồi bắt chước, hoặc nghe phát âm của từ đó bằng tự điển online. Nếu chưa nghe người bản xứ nói hoặc nghe tự điển online nói tiếng đó mà chỉ dựa vào từ đã biết tương tự để đoán cách phát âm của từ mới thì có thể sai lầm. Tỷ dụ như có nhiều người có thể đọc Height là (hết-t), vì dưa vào chữ Weight.

Việc dùng Dấu Hiệu Phiên Âm Quốc Tế (International Phonetic Alphabet) để xem cách phát âm trong tự điển giấy in đòi hỏi bạn phải học thuộc những ký hiệu đó, hiểu ký hiệu nào thì phát ra âm nào.

Ngay cả dân tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ đôi khi phải xem dấu phiên âm để biết cách phát âm hoặc xem tự điển để biết cách viết những từ không quen thuộc.

 

III-  Tiếng Việt không phát âm những phụ âm cuối chữ, trong khi tiếng Anh phát âm rõ những phụ âm cuối chữ trong nhiều trường hợp.

Khi gặp những chữ tận cùng bằng s, tỷ dụ như danh từ số nhiều (như chairs) hoặc động từ thể quá khứ thêm ed vào ở cuối chữ (như talked), người Việt có khuynh hướng bỏ qua phát âm chữ s và chữ ed, khiến cho danh từ số nhiều (chairs) và số ít (chair) nói ra giống nhau, động từ ở thời hiện tại (talk) và ở thời quá khứ (talked) nói ra giống nhau. Theo đúng phát âm người Anh, chữ s cuối chữ chair sẽ được phát âm rõ thành âm z, còn chữ ed cuối chữ talk sẽ được phát âm rõ thành âm t.

Nguyên nhân căn bản của lỗi lầm này là tiếng Việt là loại tiếng đơn âm (monosyllable), mỗi chữ chỉ có một âm (syllable) và phụ âm cuối chữ không bao giờ được phát ra. Chúng ta nói Tết là (tết) chứ không nói (tếtt). Khi gặp phụ âm cuối chữ Anh, chúng ta hay coi thường hoặc làm lơ phụ âm đó. Còn tiếng Anh là tiếng đa âm (multisyllable), một từ có thể có một âm hoặc rất nhiều âm. Phụ âm dù nằm bất kỳ vị trí nào trong một từ thường thường được phát ra, dù ra có một số trường hợp chúng là phụ âm câm (không phát âm ra).

 

IV- Cũng vì không phát âm phụ âm cuối chữ, người Việt cũng không áp dụng nguyên tắc nối âm (linking sounds).

Nối âm nghĩa là phụ âm cuối của chữ trước nối với nguyên âm đầu của chữ sau. Tỷ dụ: Trong câu "I like it", ta sẽ nghe âm cuối là /kit/ vì k nối với i. Trong câu "He likes it", ta sẽ nghe âm cuối là /sit/ vì s nối với i.

 

-    V- Có những âm tiếng Anh mà tiếng Việt không có.

Tỷ dụ vài âm tiếng Anh mà tiếng Việt hoàn toàn không có, cho nên người Việt gặp khó khăn khi phát âm:

  • Âm nửa a nửa e /æ/ như trong “bag, hat, cat”.
  • Âm /i/ là âm i ngắn, hoặc nửa i nửa ê, như trong “ship” khác với /i:/ là âm i dài, như trong “sheep”.
  • Âm /ð/ là âm đ nhẹ như trong “then”, khác với âm /d/ là âm đ nặng như trong “den”. Cho nên cần nhớ không phải hễ nhìn thấy chữ TH trong tiếng Anh là đọc thành âm (thờ) như tiếng Việt, vì có thể là (thờ) như “thin” mà có thể là (đ nhẹ) như “then”.
  • Âm /ʃ/ là âm s  của Vietnam với lưỡi cuốn cong hơn và hơi gió phát mạnh hơn, như trong “shaw”,  khác với âm /s/ trong “saw”.

 

-    VI- Có âm tiếng Việt có mà tiếng Anh không có nên người Việt phát âm lầm qua âm Việt.

Người Anh không có âm kh (khờ) như trong tiếng Việt. Họ viết Markham nhưng họ phát âm là (ma-kầm). Rất nhiều người Việt phát âm là (ma-khầm).

Người Anh không nói được âm nh (nhờ). "Nha Trang" họ sẽ phát âm là (na trang). Người Anh không nói được âm ng (ngờ) đầu từ. "Nguyen" họ sẽ phát âm thành (nu-gien).

 

-    VII-   Có một số âm tiếng Anh sự khác biệt nhau quá tinh tế, không được rõ ràng cho lắm, khiến cho người Việt cũng bị bối rối và có khuynh hướng phát âm giống như nhau.

Tỷ dụ như 3 âm sau:

  • /z/ như trong từ Zoo, tương tự như dờ (d) của Vietnam, không có gió.
  • /ʒ/như trong từ Vision, ở giữa d và gi của Vietnam, với tiếng gió nhẹ.
  • /dʒ/ như trong từ Jump, tương tự như giờ (gi) của Vietnam, với tiếng gió phát mạnh.

 

-     VIII-   Tiếng Anh có rất nhiều cụm phụ âm (consonant cluster) đòi hỏi phải phát âm từng phụ âm, tiếng Việt không như vậy.

Tỷ dụ như cụm phụ âm Scr trong “Script” đòi hỏi phải phát âm cả 3 phụ âm (sờ cờ rờ). Nhưng trong tiếng Việt, các cụm phụ âm không có nhiều và chỉ đòi hỏi phát ra một âm thôi. Tỷ dụ cụm phụ âm Ngh trong “Nghiêng” chỉ đòi hỏi phát ra một âm (ngờ). Ví dụ cho thấy phát âm tiếng Anh đòi hỏi công phu, chi tiết, tỉ mỉ, đầy đủ.

 

-    IX-   Vì tiếng Việt toàn là từ đơn âm nên không có âm nhấn mạnh (stress) trong khi tiếng Anh có rất nhiều từ đa âm và trong từ đa âm thì luôn luôn phải có âm nhấn mạnh.

Khái niệm âm nhấn xa lạ với người Việt vì tiếng Việt không có âm nhấn.  Âm nhấn chỉ có trong từ đa âm mà toàn bộ từ Việt đều là đơn âm nên không có âm nhấn.

Trong những từ nhiều âm của tiếng Anh, còn có cả âm nhấn chính (main stress) và âm nhấn phụ (secondary stress). Trong tự điển, âm nhấn biểu thị bằng dấu sắc trên dấu phiên âm quốc tế. Tỷ dụ:

  • Bed: có 1 âm nên không có âm nhấn
  • Bedroom: có 2 âm thì âm “bed” nhấn mạnh, âm “room” không nhấn.
  • International: có 5 âm là in-ter-na-tion-al thì “in” là âm nhấn phụ, “na” là âm nhấn chính, 3 âm còn lại không nhấn.

Việc phát âm sai hoặc phát âm từ đa âm mà không nhấn mạnh âm cần nhấn khiến cho người Anh khó hiểu ta nói gì. 

 

-    X-  Trong câu nói tiếng Việt tất cả các từ được phát ra mạnh bằng nhau, trong khi trong câu nói tiếng Anh từ chính, quan trọng nói rõ, nói mạnh (intonation) còn từ phụ bị nói nhỏ lại hoặc nhẹ giọng.

Lấy tỷ dụ trong câu hỏi “How are you?”.  3 từ này đều là từ đơn âm, cho nên không có âm nhấn trong mỗi từ. Nhưng khi người Anh nói, ta không nghe 3 từ này mạnh ngang nhau, mà thường thì ta nghe như “How are YOU?” vì họ lên giọng chữ “You”. Nghĩa là ta nghe thành (hao a) chứ không phải (hao a du). Còn khi người kia trả lời lại thì ta nghe như "I am fine. And YOU?" nghĩa là người thứ hai lại lên giọng chữ You khi hỏi thăm lại người thứ nhất.

Intonation là giọng mạnh nhưng có thể là xuống hoặc lên giọng. Có 4 cách lên xuống giọng: Xuống hẳn, Xuống trước lên sau, Lên trước xuống sau và Lên hẳn.

Dưới đây là vài ví dụ dùng mũi tên đỏ biểu thị giọng lên hay xuống của chữ sau mũi tên.

1. I haven’t seen you for ages!

2. They were so noisy, weren’t they?

3. Why can’t you come?

4. Will there be anyone I know there?

5. Iʼd certainly ↘↗like you to.

6. She’s a good ↘↗teacher.

Khó mà tưởng tượng được rằng chỉ dùng cách lên xuống giọng với hai âm, một chữ Sorry mà người Anh có thể dùng với nghĩa khác nhau:

↘ Sorry for being late (xin lỗi đã tới trễ) = I apologize for being late.

↘↗ Sorry, Do you have the time? (xin cho hỏi mấy giờ rồi ạ?) = Excuse me, what time is it?

↗ Where is Granville station? - Sorry? (cái gì? nghe không rõ nên phải hỏi lại) = What?

↗↘ Can you pick up the kids today? -Sorry, I work overtime today. (không, hôm nay anh làm thêm giờ) = No, I work overtime today.

Khi nào thì lên, khi nào thì xuống, khi nào thì xuống rồi lên? Không có qui luật gì rõ rệt cho người học hết, chỉ có vấn đề nghe nhiều rồi quen và bắt chước.

Đặc tính intonation khiến cho ta nghe người Anh nói mà như là họ hát, vì có lên bổng xuống trầm. Trong khi đó câu nói tiếng Việt và tiếng Hoa thì giọng nói cứ bình bình, ngang ngang, đều đều như là tiếng tụng kinh gõ mõ. Người Việt chỉ lên giọng hay gằn giọng trong lúc nóng giận, cãi vã mà thôi.

Intonation trong một câu nói quan trọng ngang với stress trong một từ. Phát âm từ không có stress khi cần stress và nói câu nói bằng bằng, ngang ngang khi cần có intonation đúng chỗ là khuyết điểm phổ thông của người Viêt khi nói tiếng Anh, tương tự như cách nói tiếng Việt lơ lớ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, phát âm sai còn có thể đưa đến những hiểu lầm, như Sheet (tờ giấy) thì nói thành Shit (cứt).

 

-    XI- Trong câu nói tiếng Việt, thời lượng phát âm của từng chữ kéo dài bằng nhau, trong khi trong câu nói tiếng Anh, những chữ không quan trọng bị nói ngắn lại hay nuốt chữ.

Câu nói Việt và câu nói Pháp được gọi là syllable-timed language (thời lượng nói dựa vào âm). Điều này có nghĩa là thời lượng của một câu nói dựa vào số âm trong câu nói, nhiều âm thì thời gian để nói dài hơn, ít âm thì thời gian nói ngắn hơn. Lý do vì mỗi âm được phát ra cùng thời lượng.

Còn tiếng Anh được gọi là stress-timed language (thời lượng nói dựa vào từ chính). Điều này có nghĩa là từ chính (nghĩa chính, quan trọng) trong câu thì được phát âm rõ ràng, đầy đủ còn những từ phụ, không quan trọng sẽ bị phát âm nhẹ đi, ngắn lại, nuốt cả chữ. Cho nên người Anh có khả năng đặc biệt là nói một câu dài cùng bằng thời gian với một câu ngắn, không phải là bằng cách nói nhanh hơn mà bằng cách nuốt đi những từ không quan trọng trong câu dài.

Tỷ dụ: khi chúng ta học thì câu nói là I want to go. Nhưng khi chúng ta nghe thì nó trở thành I wanna go. "To" vì phát âm quá nhẹ và nhanh đã biến thành âm "na" nối với want để thành wanna. Âm t sau want đã biến mất. Đây là một lý do lớn khiến nghe hiểu tiếng Anh khó khăn cho người học, vì từ trong câu bị biến âm khác đi so với lúc từ đứng riêng rẽ.

Cho nên nhịp điệu (rhythm) của tiếng Việt, tiếng Pháp là đều đặn như tiếng tụng kinh (khi nói chậm) hay tiếng súng liên thanh (khi nói nhanh), với thời lượng phát âm của từng âm đều nhau, khoảng cách giữa hai âm bằng nhau. Còn nhịp điệu của tiếng Anh giống như sự pha trộn của nhiều loại súng khác nhau, từ súng lục, súng trường đến súng liên thanh, súng đại bác, tiếng nổ khác nhau mà nhịp nổ cũng khác nhau. Chính vì thế mà tiếng Anh cực kỳ khó nghe hiểu so với nhiều thứ tiếng trên thế giới. Stress, intonation và rhythm làm cho người Anh nói mà ta nghe như hát hoặc như chim hót vậy.

Cho nên một bí quyết để nghe hiểu tiếng Anh là tập nghe được từ chính (key word) trong một câu để đoán hiểu ý nghĩa toàn câu, vì ta không có kịp thì giờ hoặc khả năng để nghe toàn bộ từ, nhất là những từ đã bị nuốt đi hay phát ra quá nhẹ.

Hình minh họa dưới đây cho ta hiểu được sự khác biệt giữa nhịp điệu câu tiếng Việt và nhịp điệu câu tiếng Anh.

 

 

Nói chung thì dù tiếng Anh có một số âm mà tiếng Việt không có, người Việt gốc Hà Nội, vốn có ưu thế là phát âm chuẩn nhất, vẫn có thể tập phát âm tiếng Anh được hết, không bị giới hạn như một số dân tộc khác, do cấu tạo tự nhiên của thanh quản và lưỡi mà họ không thể phát âm một vài âm tiếng Anh nào đó. Nhiều người Vietnam chúng ta tại 3 miền đều có lỗi phát âm sai như “vàng” thì phát âm là (dàng), “chính trị” thì phát âm là (chính chị), “cái nồi” thì thành (cái lồi), “cá rô” thì thành (cá gô), “nước đá” thì thành (nước đé) v.v. Nếu đã phát âm sai trong tiếng Việt thì sẽ phát âm sai trong tiếng Anh. Nhưng dù cha mẹ là người miền nào thì trẻ em sinh ra ở nước ngoài đều phát âm tiếng Anh hoàn hảo như người bản xứ, không bị lỗi phát âm nào hết.

Ngoài ra, dù tiếng Việt không có âm nhấn trong một từ (stress) và từ nhấn trong một câu (intonation) nhưng tiếng Việt là loại ngôn ngữ có thanh điệu (tonal language), nghĩa là từ một nguyên âm gốc, chúng ta thêm dấu để thay đổi âm thanh gốc, tạo ra những âm thanh trầm bổng khác nhau, tỷ dụ Ma, Mà, Má, Mả, Mạ, Mâ. Cho nên người Việt cũng có khả năng dùng lưỡi và họng để phát ra những âm thanh khác lạ của tiếng Anh và cả những âm thanh tiếng Anh không có như khờ (kh) nhờ (nh) ngờ (ng).

Nói tiếng Anh đúng và nói tiếng Anh hay cũng là hai vấn đề khác nhau, tương tự như giọng nói người thường và giọng xướng ngôn viên hay ca sĩ trong tiếng Việt, nghĩa là cũng có yếu tố năng khiếu. Không phải có bằng cấp nước ngoài cao là nói tiếng Anh hay, nhất là những bằng cấp thuộc loại khoa học, kỹ thuật.  Khái niệm nói tiếng Anh hay được hiểu là nói lưu loát mà giọng nói (accent) rất gần giống người bản xứ (near-native English speaker). Ta thường nói người này người kia nói tiếng Anh "giọng cứng", có nghĩa là không chịu khó uốn lưỡi để phát âm cho nên accent rất xa cách với accent của người bản xứ. Trừ những trẻ em sinh ra ở nước ngoài thì di dân khó lòng mà nói giống giọng người bản xứ, mà đều có một accent của di dân. Mỗi dân tộc nói tiếng Anh có accent riêng. Giọng Anh quốc khác với giọng Bắc Mỹ (Mỹ-Canada), khác với giọng Úc châu, khác với giọng Nam Phi. Thậm chí ngay trong nước Mỹ thì giọng New York khác với giọng California, khác với giọng Texas, khác với giọng Alabama… Cho nên chúng ta không ngại vấn đề nói tiếng Anh có accent Vietnam, mà điểm quan trọng là nói đúng âm, có stress trong từ và có intonation trong câu. Trong những nước đa chủng như Mỹ, Canada, Úc … ta nghe tiếng Anh với hàng chục accent khác nhau, có thể phân biệt người nói là Tàu, Vietnam, Ấn độ hay Phi luật Tân …

 

VĂN PHẠM (NGỮ PHÁP)-GRAMMAR

 

Văn phạm của tiếng Việt nói chung cực kỳ đơn giản so với văn phạm tiếng Anh. Tiếng Anh là một loại inflected language, nghĩa là một từ gốc sẽ bị biến đổi hay thêm đầu hay thêm đuôi để phản ảnh số ít số nhiều, người nào thực hiện động từ, hoặc động từ xẩy ra ở quá khứ, hiện tại, tương lai. Tiếng Việt thuộc loại isolating/independent language. Từ tiếng Việt độc lập, cố định. Khi muốn diễn tả số ít số nhiều, động từ xẩy ra ở những thời điểm khác nhau thì chúng ta thêm vào vài tiếng chỉ định số nhiều hay thời gian. Thêm chứ không thay đổi từ gốc. Thậm chí không cần thêm gì cả.

 

-     I-  Các thì (tense) của động từ

Khi nói về chuyện xảy ra, tiếng Việt chỉ dùng những trạng từ thời gian, còn động từ không đổi. Nhưng người Anh thì ý thức rất sâu sắc vào thời gian hành động xảy ra, từ đó thay đổi động từ để phản ảnh chính xác, tỷ mỉ, chi tiết thời gian mà hành động xẩy ra.

 

  • Tiếng Việt chỉ thêm chữ Đã vào động từ để chỉ chuyện xảy ra trong quá khứ, và thường là không cần thêm mà chỉ cần trạng từ thời gian hay chữ Rồi là cũng đủ chỉ chuyện xẩy ra trong quá khứ (Tôi đi chơi Nhật rồi-Tôi đi Singapore năm ngoái).

     Trong khi đó, tiếng Anh có đến 4 Thì Quá Khứ:

  1.      Simple Past Tense ( I went)
  2.      Past Perfect Tense (I had gone)
  3.       Past Progressive Tense (I was going)
  4.       Past Perfect Progressive Tense (I had been going)

 

  • Tiếng Việt chỉ thêm chữ Đang vào động từ để chỉ chuyện đang xẩy ra trong hiện tại, và trong nhiều trường hợp không dùng chữ Đang (Tôi đang học Anh văn-Tôi đi làm bằng xe buýt mỗi ngày).

     Trong khi đó tiếng Anh có 4 Thì Hiện Tại:

  1.       Simple Present Tense (I go)
  2.       Present Perfect Tense (I have gone)
  3.       Present Progressive Tense (I am going)
  4.       Present Perfect Progressive Tense (I have been going)

 

  • Tiếng Việt chỉ thêm chữ Sẽ vào động từ để chỉ chuyện tương lai, hoặc không cần dùng Sẽ nếu có trạng từ thời gian (Tôi sẽ đi Pháp một ngày nào đó-Tôi đi Pháp năm tới)

    Trong khi đó, tiếng Anh có 4 Thì Tương Lai:

  1.       Simple Future Tense (I will go)
  2.       Future Perfect Tense (I will have gone)
  3.       Future Progressive Tense (I will be going)
  4.       Future Perfect Progressive Tense (I will have been going)

 

Do tính chất quá phức tạp của các Thì trong tiếng Anh, người Việt, dù ở lâu năm nước ngoài, thường xuyên mắc lỗi xử dụng sai các Thì của động từ và thường có khuynh hướng đơn giản hóa là dùng thì Hiện tại trong mọi trường hợp, y như tiếng Việt.

 

-     II-  Thay đổi chữ của động từ tiếng Anh khi chuyển qua thì Quá khứ

Trong tiếng Anh, khi động từ xẩy ra trong quá khứ thì nó thay đổi hình thái. Có 2 cách động từ tiếng Anh thay đổi khi nó trong thể quá khứ:

  • Cách dễ là thêm ed vào động từ nguyên gốc khi chuyển qua Past Tense và Past Participle. Tỷ dụ: Want-Wanted-Wanted. Những động từ thuộc nhóm này gọi là Regular Verbs (động từ có qui tắc)
  • Nhưng có khoảng 370 động từ chuyển qua Past Tense và Past Participle bằng cách thay đổi cách viết. Tỷ dụ: Go-Went-Gone. Người học Anh văn phải học thuộc lòng 370 Irregular Verbs (động từ bất qui tắc) này.

 

-     III- Động từ tiếng Anh phải thêm S khi người làm là ngôi thứ 3 số ít.

Tỷ dụ: I go-He goes. I walk-She walks.

Vì tiếng Việt không đổi động từ cho dù ai làm việc đó, nhiều người Việt mắc lỗi khi nói: I go – He go.

 

-    IV-  Số động từ 2 chữ của tiếng Việt rất ít so với số động từ 2 chữ của tiếng Anh.

Tiếng Việt có một số động từ 2 chữ như: thương yêu, vuốt ve, âu yếm …nhưng so ra thì số lượng ít hơn là động từ 2 chữ tiếng Anh (phrasal verbs) rất nhiều.

Tỷ dụ với gốc là động từ Take, tiếng Anh có thêm: take aback, take after, take against, take along, take apart, take aside, take away, take away from, take back, take down, take in, take into, take off, take on, take out, take out of, take out on, take over, take round, take through, take to, take up, take up on, take upon, take up with. Nghĩa là từ một động từ gốc, bằng cách thêm vào các giới từ (prepositions) mà biến thành 25 động từ khác với ý nghĩa khác.

 

-     V-  Thay đổi chữ của danh từ tiếng Anh khi chuyển sang số nhiều

Tiếng Việt chỉ thêm vào chữ Những trước danh từ để chỉ số nhiều. Tỷ dụ: Cái ghế - Những cái ghế. Nhưng trong tiếng Anh thì phức tạp hơn nhiều:

  • Có thể thêm S vào danh từ gốc. Tỷ dụ: One chair - Two chairs.
  • Có thể thêm ES vào danh từ gốc. Tỷ dụ: A tomato - Three tomatoes.
  • Có thể đổi F thành VES. Tỷ dụ: A leaf - Many leaves.
  • Có thể đổi A thành E. Tỷ dụ: A man - Many men.
  • Có thể đổi thành chữ mới. Tỷ dụ: A child - Five children. A mouse - Four mice.
  • Có thể không đổi gì hết. Tỷ dụ: One fish - Two fish.
  • v.v...

-    VI- Trong tiếng Việt thuần túy, danh từ (noun) đi trước tĩnh từ (adjective) còn tiếng Anh thì ngược lại.

Tỷ dụ: Nhà Trắng-White House.

Ngoại trừ tiếng Hán Việt thì giống như tiếng Anh, tĩnh từ đi trước danh từ. Tỷ dụ: Siêu thị (supermarket) Bạch mã (white horse).

 

VII-  Để so sánh, trong tiếng Việt chỉ cần thêm “hơn” và “nhất” đàng sau tĩnh từ. Tiếng Anh phức tạp hơn.

Tỷ dụ: đẹp hơn, đẹp nhất.

Trong tiếng Anh, bạn phải biết phân biệt tĩnh từ "ngắn" và tĩnh từ "dài". Đối với tĩnh từ ngắn, thêm er để nói hơn và thêm est để nói nhất. Tỷ dụ: longer, the longest. Đối với tĩnh từ dài, thêm more để nói hơn và thêm the most để nói nhất. Tỷ dụ: more beautiful, the most beautiful. Ngoài ra còn có một số ngoại lệ như: Good-better-the best. Bad-worse-the worst. v.v..

Còn để so sánh số lượng, tiếng Việt chỉ có “nhiều hơn” và “ít hơn”. Nhưng trong tiếng Anh, lại phải phân biệt danh từ đếm được (countable nouns) và danh từ không đếm được (uncountable nouns) để mà dùng much more hay many more, a little hay a few, less hay fewer v.v..

 

NGỮ VỰNG (TỪ VỰNG)-VOCABULARY

 

Tiếng Anh là ngôn ngữ giàu có nhất trái đất, trong khi tiếng Việt là ngôn ngữ thuộc loại nghèo nàn. Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ vay mượn từ tiếng Hán (70%), tiếng Pháp, tiếng Anh. Những từ Việt thuần túy chỉ là thiểu số.

 

-    I- Tiếng Anh có số từ vựng nhiều gấp 25 lần tiếng Việt.

Tổng số từ trong tự điển Anh ngữ đã lên đến 1 triệu từ, do những tiến bộ vĩ đại trong khoa học, kỹ thuật. Trong khi đó, tổng số từ trong tiếng Việt chưa được 40,000 từ đơn.

Do danh sách từ vựng tiếng Anh quá phong phú, cả người Việt học tiếng Anh và người Việt dịch tiếng Anh sang tiếng Việt đều gặp khó khăn, thách đố. Trong lãnh vực dịch thuật, ngôn ngữ Vietnam quá nghèo nàn để có thể tìm ra từ tương đương tiếng Anh, cho nên có một số từ Anh chúng ta phải giữ nguyên, không dịch.

 

-     II-Chữ Anh nói chung là dài hơn chữ Việt.

Danh từ y khoa tiếng Anh Pneumonoultramicroscopicsilicovolcanoconiosis  có 45 chữ cái, còn từ không chuyên khoa dài nhất của Anh là Incomprehensibilities có 21 chữ cái.

Trong khi đó, từ tiếng Việt dài nhất là chữ Nghiêng chỉ có 7 chữ cái. Do vậy, người Việt gặp khó khăn trong vấn đề nhớ và viết chính tả Anh ngữ. Thật ra thì chính người bản xứ Anh cũng gặp khó khăn trong viết chính tả (spelling) nên họ đã phải tạo ra chức năng sửa chính tả (auto spelling correction) trong các phần mềm đánh máy như MS Word. Ngoài ra, hàng năm họ còn tổ chức cuộc thi viết chính tả tiếng Anh (English spelling competition).

 

 **********

 

Bài này chỉ nêu những khác biệt chính yếu về phát âm, ngữ pháp và từ vựng chứ nếu đi vào chi tiết thì còn nhiều hơn nữa.

Ngoài những khó khăn nói trên, lỗi chính người Việt mắc phải khi học Anh văn là không nói Anh văn mà là "dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh trong đầu rồi mới nói ra". Do đó mà nhiều người nói "Wait me" thay vì nói đúng là "Wait for me" vì dịch từ tiếng Việt (chờ tôi), hay nói "I very like California" thay vì nói đúng là "I like California very much" vì dịch từ tiếng Việt (tôi rất thích California). Vậy thì bạn phải bỏ thói quen nghĩ câu tiếng Việt trước rồi mới nói tiếng Anh. Chính vì khuynh hướng "nghĩ tiếng Việt - dịch ra tiếng Anh" mà trên suốt đất nước Vietnam chúng ta thấy rất nhiều bảng hiệu tiếng Anh gốc Việt ngô nghê, khôi hài làm cho du khách buồn cười. Nếu cứ dùng cách nói Vietnam rồi dịch nguyên văn nghĩa đen sang tiếng Anh thì trong nhiều trường hợp loại "Tiếng Anh gốc Việt" đó nghe rất là trịnh trọng, lễ nghi, cứng nhắc hoặc lạ lùng đối với tai người Anh, dù là nó không sai văn phạm. Cho nên không phải chỉ có viết đúng ngữ pháp và chính tả mà còn phải "dùng từ" và "hành văn" theo cách người Anh. Một tỷ dụ là ở Vietnam, có chức vụ "Chịu trách nhiệm xuất bản", cho nên được dịch sang tiếng Anh là "Responsible for Publication" hay "Responsible for Publishing". Nhưng người bản ngữ Anh đọc từ này thì nghe rất lạ tai, vì đối với họ, chỉ có chức vụ Publisher mà thôi (nhà xuất bản). Có thể ví dụ so sánh như người ngoại quốc nói câu tiếng Việt: "Năm ngoái tôi đã đi nhìn ngắm vịnh Hạ Long". Câu này nghe lạ tai với người Việt vì chúng ta không nói đi "nhìn ngắm" mà nói đi "chơi", đi "du lịch", đi "thăm viếng" hay đi "tham quan", dù là chúng ta vẫn hiểu được họ muốn nói cái gì.

Trong cả hai ngôn ngữ đều có 2 cách viết. Nên viết giản dị, trong sáng và ngắn gọn hơn là hoa hòe, trang trọng và dài dòng.

Để kết luận, không bắt buộc phải giỏi tiếng Anh để sống và làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, có những người Việt ở khu Little Saigon (Orange County, California) hầu như không biết tiếng Anh mà vẫn sống được, làm việc được, tương tự như nhiều người Hoa sống ở Chợ Lớn suốt đời không biết tiếng Việt mà vẫn sống được. Nhưng nếu bạn không sinh ra ở nước nói tiếng Anh mà muốn giỏi tiếng Anh về mọi phương diện: nghe-nói-đọc-viết, muốn đi du học,  muốn làm việc văn phòng ở nước nói tiếng Anh thì bạn sẽ phải học tiếng Anh suốt đời. Đó là một quá trình kéo dài suốt đời người mà cho đến chết bạn vẫn chưa hiểu được 100% đối thoại trong phim tiếng Anh và chưa phát âm chuẩn 100% như dân Anh.

Mặc dù có những phương pháp gọi là "dậy nói tiếng Anh cấp tốc" nhưng không thể có phương pháp "dậy nghe tiếng Anh cấp tốc" được. Kỹ năng "nghe hiểu" (listening comprehension) là một kỹ năng chỉ có thể thủ đắc qua một thời gian dài, nghe mỗi ngày để tập cho cái tai và bộ óc của ta phản ứng với lời nói. Có thể so sánh như không thể có một trận đại hồng thủy làm thấm ngay 1,000 m sâu trong đất được, mà phải là những cơn mưa nhỏ mỗi ngày kéo dài  cả chục năm để thấm được sâu 1,000 m đất. Nghe Hiểu (listening comprehension) là kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất trong 4 kỹ năng của học sinh ngữ: Nghe-Nói-Đọc-Viết cho di dân và du học sinh. Oái ăm thay, đó là kỹ năng yếu nhất của di dân và du học sinh Vietnam, vì lúc còn trong nước thì không có cơ hội để nghe nhiều, trong khi đọc và viết thì vững hơn. Cho nên ta không ngạc nhiên khi biết rằng nhiều du học sinh Vietnam có điểm IELTS* hay TOEIC** cao trong nước mà khi tới Mỹ và Canada năm đầu vẫn bị "điếc" nặng.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy di dân tới nước nói tiếng Anh mà chưa biết tiếng Anh sẽ phải mất khoảng từ 5 đến 7 năm trau dồi, thực hành Anh ngữ mỗi ngày thì mới bắt đầu đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh một cách tương đối dễ dàng trong đời sống hàng ngày.

© Tim T. Hoang

TESL Canada member & BC TEAL member

15/5/2016

 

*IELTS: International English Language Testing System.

**TOEIC: Test of English for International Communication.

  • Số Lượt Truy Cập 1779583