NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA ĐƯỜNG HÔ HẤP

 

Ngực và đường thở

Triệu chứngNguyên nhân có thể
Thở khó, thở khò khè, thở nhanh, thở cạn.Dị ứng, Suyễn, Viêm khí quản, Viêm tắc phế quản mãn tính
Ho, sốt, khó thở, đàm mầu vàng, xanh hay nâu.Viêm khí quản, Viêm sưng phổi
Đau ngực, chẩy mồ hôi, tim đập nhanhCơn đau tim(nhồi máu cơ tim), Đau ngực
Đau, nóng, khó chịu ở phần dưới xương ngựcỢ nóng, Đau ngực
Ho

Ho nhẹ: cảm cúm

Ho khan buổi sáng: xuyễn.

Ho dai dẳng ban đêm: acid dư từ dạ dày đi ngược lên làm ngứa họng.

Viêm tắc phế quản mãn tính

Tim đập nhanh, đập sai nhịpTim hồi hộp

Mũi và cổ họng

Triệu chứngNguyên nhân có thể
Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắtDị ứng, Cảm
Sốt, nhức đầu, đau rêm mình, mệt mỏiCúm
Sốt, đau mặt, nước mũi xanh vàng và đặcViêm xoang mũi
Mùi hôi từ mũi, sưng đỏ mũiViêm xoang mũi hoặc dị vật trong mũi
Ngứa đau cổ họngViêm họng (sore throat)
Ngứa đau cổ họng kèm đốm trắng trên lưỡi, sưng hạch bạch huyết trên cổ, sốt trên 38oCNhiễm trùng họng (strep throat)
Mô vòm họng sưng lên, sốt, đau ngứa họngViêm mô vòm họng(tonsillitis)
Sưng hạch bạch huyết trên cổViêm mô vòm họng(tonsillitis)
Khan giọng, mất tiếngViêm thanh quản (laryngitis)

 

Đường hô hấp Trên bao gồm Mũi, Xoang mũi, Cổ họng, Khí quản. Đường hô hấp Dưới bao gồm Phế quản và Phổi.

 

DỊ ỨNG (Allergies)


Dị ứng có nhiều dạng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra dị ứng nằm trong không khí. Viêm mũi dị ứng là dạng dị ứng phổ thông nhất. Ngứa, chảy nước mắt, ngứa, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, mệt mỏi. Triệu chứng khá giống cảm, nhưng kéo dài lâu hơn. Mắt thâm quầng, đờm mũi rớt xuống cổ họng cũng đi kèm.

Bạn có thể biết được nguyên nhân gây dị ứng nếu để ý thời gian nào dị ứng xuất hiện. Nếu dị ứng xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè hay mùa thu, đấy là dị ứng với phấn hoa, cỏ dại, hoa dại. Dị ứng xẩy ra quanh năm, không kể mùa nào, nghĩa là bạn có thể dị ứng với bụi bặm, ve bụi (dust mite), con gián, ẩm mốc, lông thú vật v.v. Dị ứng với lông thú vật rất dễ phát hiện: mỗi lần gần thú vật thì bạn bị, xa khỏi thì hết.Dị ứng có thể di truyền từ bố mẹ. Thiếu niên và người lớn dễ bị dị ứng hơn trẻ em.

Dị ứng có thể nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng, tỷ dụ như dị ứng thức ăn, côn trùng cắn hoặc thuốc kháng sinh. Có thể gây ra khó thở, hạ áp huyết. Triệu chứng dị ứng nặng gọi là Anaphylaxis. Bác sĩ có thể đề nghị bạn mang theo thuốc tiêm Epinephrine (tên thương mại là EpiPen hay Ana-Kit) để bạn tự chích cho mình trong trường hợp dị ứng nặng.

 

Dị ứng thực phẩm khá phổ biến, khoảng 2% người lớn bị mắc phải. Có thể là đậu phọng, đậu nành, cá, nghêu sò, trứng, lúa mì, sữa. Khoảng 2 đến 8% trẻ em có dị ứng thực phẩm. Một số thực phẩm trẻ em dị ứng lúc nhỏ, khi lớn hơn thì hết, nhưng với các loại hạt, cá và hải sản vỏ cứng (shellfish) thì có thể dị ứng luôn đến suốt đời. Có trẻ em có thể chết vì đậu phọng.

Cách phòng ngừa dị ứng là loại trừ nguồn gây ra dị ứng.

Nếu bạn dị ứng với phấn hoa, cỏ cây thì mùa xuân cần đóng kín cửa sổ nhà, cửa sổ xe, không gần cây cối hoa cỏ.

Nếu bạn bị dị ứng với bụi thì không nên dùng thảm trong nhà, không dùng bàn ghế bọc vải, rèm cửa sổ vải, chăn mền gối len hay lông vịt. Giặt vải trải giường bằng nước nóng.

Nếu bạn dị ứng với ẩm ướt mốc meo thì phải giữ cho nhà cửa thông thoáng khô ráo, dùng máy chống ẩm (dehumidifier) để giữ cho độ ẩm không lên quá 50%. Nhà có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi thì cần thay bộ lọc (filter) thường xuyên.

Thuốc uống chống dị ứng (antihistamine) là biện pháp tạm thời. Biện pháp lâu dài có thể là thuốc chích dị ứng (allgery shots hay immunotherapy). Trước khi chích, bác sĩ sẽ bôi một số tác nhân dị ứng lên da của bạn để xem chính xác là bạn bị dị ứng với cái gì, sau đó thì sẽ chích cho bạn từ 3 đến 5 mũi. Cách này hơi giống với cách tiêm chủng ngừa các bệnh thông dụng, mục đích là đưa vào cơ thể bạn mầm bệnh để cơ thể bạn quen, không bị phản ứng tấn công nữa. Thuốc chích dị ứng có hiệu quả nhất với dị ứng phấn hoa cây cỏ và bụi bặm, nhưng không phải ai chích cũng hết. Bạn phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng mới được chích thuốc.

 

SUYỄN (Asthma)

 

Suyễn là tình trạng khí quản bị viêm sưng. Vì viêm sưng mà khí quản phản ứng mạnh mẽ với những phân tử trong không khí. Trong cơn suyễn, những cơ bắp trong phế quản dùng để đưa không khí vào phổi bị tê cứng (chuột rút), màng mỏng viền phổi bị sưng lên, chất lỏng rỉ ra trong phổi, tất cả phối hợp làm cho nạn nhân không thở được.

Người bị suyễn tấn công có hơi thở nghe như tiếng gió rít (whistling), ho rất nhiều và khạc ra đờm. Dạng suyễn nhẹ thì hay ho khan buổi đêm hay sáng sớm.

Nhiều nguyên nhân gây ra suyễn. Có thể là tác nhân dị ứng, có thể là nhiễm siêu vi khuẩn cảm cúm, thể dục quá độ, khí lạnh, khói, hóa chất, thuốc aspirin, chất bảo quản thực phẩm và cảm xúc quá độ.

Suyễn có thể bắt đầu từ bé thơ, nhưng cũng có thể xuất hiện khi đã lớn. Cơn xuyễn đầu tiên thường là sau một trận cảm cúm. Trẻ em hít hở khói thuốc lá từ cha mẹ sẽ dễ bị suyễn. Có thể lớn lên các em sẽ hết nhưng có thể không.

Bác sĩ có thể cho thuốc xịt họng (inhaler) để cắt đứt cơn suyễn hoặc thuốc chích. Suyễn hiếm khi gây chết người. Không có cách chữa trị hết hẳn mà là do tự hết. Bơi lội là một cách luyện tập cho lá phổi mạnh hơn để chống chọi lại cơn suyễn. Nên để ý là cái gì hay đưa đến cơn suyễn (suyễn xẩy ra khi nào, trường hợp nào) để tránh những tác nhân đó.

 

HO LAO (Tuberculosis)

 

Lao là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi trùng hay tấn công phổi. Khi bệnh nhân ho lao cười, ho, hắt hơi thì vi trùng lao sẽ được phóng ra không khí, người khác hít vào vi trùng này và bị lây bệnh. Trẻ em và người có hệ thống miễn nhiễm yếu dễ bị lây bệnh.

Phần lớn người tiếp xúc với vi trùng lao sẽ không mắc bệnh lao, lý do vì hệ thống miễn nhiễm của họ đủ mạnh để chống lại vi trùng lao. Nhưng trẻ em và người yếu sẽ bị.

Triệu chứng bệnh lao là ho thường xuyên, sụt cân, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm, sốt. Vi trùng lao không chỉ tấn công phổi mà còn lan ra các cơ quan nội tạng khác.

Bệnh lao ngày nay chỉ hoạt động mạnh tại Á châu, Phi châu và trong thành phần dân bản xứ (Native Indians) của Bắc Mỹ, tuy nhiên những người mắc bệnh liệt kháng (AIDS) hay bị sơ phổi (silicosis) thì dễ bị bệnh ho lao.

 

VIÊM PHẾ QUẢN (Bronchitis)


Siêu vi khuẩn thường là nguyên nhân gây viêm phế quản, nhưng vi khuẩn và khói, ô nhiễm cũng có thể.

Viêm phế quản có 2 loại: cấp tính và mãn tính (kinh niên).

Loại cấp tính có thể là hậu quả của cảm cúm và tự hết sau vài ngày. Triệu chứng là ho khan, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau ngực, thở khó.

Người hút thuốc lá nhiều có thể bị Viêm phế quản kinh niên.

 

VIÊM TẮC PHẾ QUẢN MÃN TÍNH (Chronic Obstructive Pulmonary Disease-COPD)

Do hút thuốc lá lâu ngày hoặc ô nhiễm không khí. Bệnh này là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới. Ước lượng có đến 250 triệu người trên thế giới bị bệnh, 90% tại các nước nghèo, đang phát triển. Bệnh sinh ra khó thở vì lượng oxy vào phổi chỉ còn 1/3 so với người thường và ho nhiều, tức ngực, . Bệnh cũng gây sụt cân nhiều như ung thư phổi. Nhiều trường hợp tử vong chỉ một năm sau khi phát hiện bệnh.

Bệnh COPD có thể được ngăn chặn phát triển nặng hơn bằng thuốc men và giải phẫu nhưng tổn hại đã gây cho phổi bởi COPD thì không đảo ngược được.

 

VIÊM PHỔI (Pneumonia)


Viêm phổi rộng hơn vì viêm cả phế quản và phổi. Viêm phổi thường gây ra bởi vi khuẩn (bacteria), nhưng cũng có thể là do siêu vi khuẩn (virus).

Vi khuẩn lớn hơn siêu vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tự sinh sản còn siêu vi khuẩn cần tế bào để lan truyền. Bệnh do vi khuẩn kéo dài còn bệnh do siêu vi khuẩn chỉ kéo dài từ 2 đến 10 ngày. Vi khuẩn có thể dùng thuốc kháng sinh để trị nhưng kháng sinh không diệt được siêu vi khuẩn.

Viêm phổi có thể là hậu quả phát sinh sau của những bệnh nhiễm trùng trước như Sởi (measles) hay Trái rạ (chicken pox), Cảm hoặc Viêm phế quản.


Triệu chứng của viêm phổi là:
- Ho ra đàm vàng xanh nâu, ra máu.
- Sốt, lạnh run người.
- Hơi thở nhanh và cạn
- Đau ngực, khi đau hoặc thở sâu thì đau hơn.
- Tim đập nhanh
- Mệt mỏi

Ngoài việc uống thuốc bác sĩ cho, cần uống nhiều nước, hít hơi nước sôi để làm loãng đờm nhớt bằng máy hít hơi nước sôi.

 

 Máy thông mũi, thông họng bằng hơi nước sôi.

 

ĐAU NGỰC (Chest pain)

 

Có nhiều loại đau ngực:

- Đau do Angina: đau, cảm thấy bị ép đè, nặng nề hoặc tê nguyên vùng ngực. Nguyên nhân vì không đủ oxy đưa vào cơ bắp trái tim. Đây là triệu chứng của bệnh Động mạch vành (Coronary artery disease). Đau đớn lan lên lưng trên, cổ,hàm, vai và cánh tay. Nhưng cơ bắp của tim không bị tổn thương.

- Đau do Cơn đau tim (heart attack): nguyên nhân vì mạch máu bị tắc, máu không tới được cơ bắp tim. Cơn đau này nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn, làm tổn thương cơ bắp tim, không giảm bớt dù nghỉ ngơi. Triệu chứng khác là đổ mồ hôi, buồn ói, hơi thở ngắn, yếu ớt, khó tiêu.

- Đau ngực do Viêm màng mỏng quanh phổi (pleurisy) hoặc Viêm phổi (pneumonia).

- Đau ngực do có khối u dạ dày(ulcer), trở nặng hơn khi bụng đói.

- Đau ngực bên phải hoặc quanh bả vai thì có thể do Sạn mật, trở nặng hơn sau khi ăn hoặc nửa đêm.

- Đau ngực do ợ nóng (heartburn) hoặc bệnh Shingles (da nổi mụn do nhiễm siêu vi khuẩn varicella zoster).

- Nếu đau ngực gia tăng khi lấy ngón tay ấn vào vùng bị đau, thì đó có thể là đau thành ngực, gây ra bởi cơ bắp bị trật, dây chằng trật hoặc viêm sụn ngực (costochondritis).

Những đau ngực loại này chỉ kéo dài vài ngày.

Nếu cơn đau ngực kéo dài hơn vài ngày và không giảm bớt bằng thuốc đau hay nghỉ ngơi, bạn cần đi gặp bác sĩ.

 

KHÁC BIỆT GIỮA VI KHUẨN (Bacteria, còn gọi là vi trùng) và SIÊU VI KHUẨN (Virus)


- Vi khuẩn lớn hơn siêu vi khuẩn.
- Vi khuẩn có thể tự sinh sản còn siêu vi khuẩn cần tế bào để lan truyền.

- Bệnh do vi khuẩn kéo dài còn bệnh do siêu vi khuẩn chỉ kéo dài từ 2 đến 10 ngày. 

- Vi khuẩn có thể dùng thuốc kháng sinh để trị nhưng kháng sinh không diệt được siêu vi khuẩn.
- Vi khuẩn tấn công một bộ phận cơ thể (hốc mũi, tai, phổi...) còn Siêu vi khuẩn tấn công nhiều bộ phận cơ thể một lúc: cổ họng, mũi, đầu, bắp thịt...

 

CẢM (Colds)


Cảm có thể gây ra bởi một trong 200 Siêu vi khuẩn.

Triệu chứng cảm là chẩy nước mũi, hắt hơi, đỏ mắt, đau cổ họng, ho khan, nhức đầu, đau nhức mình mẩy. Nước mũi có thể trở nên đậm đặc hơn. Cảm có thể kéo dài tới 2 tuần lễ.

Cảm thường xẩy ra ở đầu xuân và cuối đông. Trẻ em trung bình bị cảm 6 lần mỗi năm, người lớn thì ít hơn.

Đôi khi cảm dẫn đến nhiễm trùng vi khuẩn như Viêm phế quản, Viêm phổi. Nếu người nào có triệu chứng cảm thường xuyên liên tục thì có thể đó không phải là cảm mà là Dị ứng hoặc Viêm xoang mũi( sinusitis).

Điều cần làm khi bị cảm:

- Nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước: nước ấm, trà thảo mộc, súp gà.
- Uống thuốc cảm.
- Nếu nghẹt mũi thì tắm nước nóng, làm ẩm phòng ngủ.
- Súc miệng bằng nước muối để phòng ngừa viêm họng.
- Dùng khăn giấy, không dùng khăn vải(gây lây lan).
- Nếu mũi sưng đỏ thì bôi vaseline (petroelum jelly) phần sưng đỏ.
- Không nên dùng loại thuốc cảm chữa tất cả triệu chứng (total cold) mà nên dùng thuốc riêng cho từng triệu chứng. Tỷ dụ như cảm nhưng không ho thì không nên dùng loại chữa luôn cả ho, cảm nhưng không sốt thì không nên dùng loại chữa luôn cả sốt.
- Không nên dùng loại thuốc bơm nghẹt mũi lâu hơn 3 ngày liên tiếp, vì có thể làm sưng màng mũi.
- Loại thuốc cảm có chất chống dị ứng (antihistamines) không nên dùng ban ngày vì gây ra buồn ngủ, lừ đừ.

 

HO (Cough)


Ho là cách cơ thể tìm cách tống dị vật hay đàm nhớt ra khỏi phổi.

Ho có 2 loại, tốt và xấu.

- Ho tốt (productive) là ho ra đàm nhớt, tống đàm nhớt ra khỏi phổi. Người bị suyễn và bệnh phổi cần phải ho.

- Ho xấu (non-productive) là ho khan. Ho khan thường xẩy ra cuối cơn cảm hoặc do hít thở nhằm bụi bặm hay khói. Ho khan xẩy ra từ bệnh nhiễm trùng siêu vi khuẩn thường kéo dài vài tuần và ho nhiều vào ban đêm hơn ban ngày.

Ho khan thường xuyên vào ban đêm hoặc sáng sớm có thể là triệu chứng của bệnh suyễn nhẹ.

Người hay bị bệnh ợ chua, chất acid đi vào phổi và cổ họng cũng gây ra ho khan thường xuyên.

Điều cần làm khi bị ho:

- Uống nhiều nước ấm cho long đàm, mật ong và chanh rất tốt, nhưng không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Kẹo ngậm ho đều giống nhau, loại đắt tiền không tốt hơn loại rẻ tiền.
- Ngủ gối đầu cao đỡ ho hơn gối đầu thấp.
- Tránh nơi bụi và khói.

 

CÚM (Flu-Influenza)

 

Nói chung thì cúm là hình thức cảm nặng, nghĩa là nghiêm trọng hơn cảm và có thể đến rất thình lình. Cảm thì không sốt nhưng cúm thì luôn luôn có sốt. Cúm có thể kéo dài 10 ngày.

Cúm chỉ gây nguy hiểm cho trẻ em, người già và người đang có bệnh mãn tính nào đó.

Có thuốc chích ngừa cúm cho người trên 65 tuổi.

 

SỐT (Fever)


Sốt là triệu chứng chứ không phải là bệnh. Sốt là dấu hiệu cơ thể đang chống lại bệnh tật, đang phản ứng lại nhiễm trùng. Đa số cơ thể người mạnh khỏe có thể chịu đựng cơn sốt từ 39.4oC tới 40oC trong thời gian ngắn.

Điều cần làm khi bị sốt:

- Uống nhiều nước.
- Dùng thuốc hạ sốt nhưng không dùng Aspirin cho người dưới 20 tuổi.
- Dùng khăn lau hay sốp tẩm nước ấm lau mình chứ không tắm.
- Mặc đồ mỏng nhẹ.
- Ăn cháo hoặc súp.
- Nếu là cúm (flu) thì phải dùng thuốc cúm.

 

VIÊM XOANG MŨI (Sinusitis)


Là tình trạng viêm sưng, nhiễm trùng của màng mỏng viền quanh xoang mũi và đường ống mũi. Xoang là những hốc trống bên trong mặt. Viêm xoang làm cho xoang mặt bị nghẹt, gây đau và nặng mặt.

Viêm xoang thường đi sau cảm cúm hoặc có thể là hậu quả của dị ứng, răng nhiễm trùng, không khí ô nhiễm v.v. Viêm xoang có thể xẩy ra cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Triệu chứng chính của Viêm xoang mũi là đau xương má, đau hàm răng trên, đau trán hoặc đau chung quanh mắt. Cũng có thể nhức đầu, sưng quanh mắt, sốt, nghẹt mũi, ho, đàm nhớt chẩy xuống cổ họng. Đối với trẻ em, ho và đàm mũi kéo dài hơn 1 tuần cùng nhức đầu, đau mặt là dấu hiệu của Viêm xoang nhiều hơn là cảm.

Nếu bệnh kéo dài hơn 10 ngày sẽ phải cần thuốc kháng sinh. Nếu không chữa trị cho dứt có thể dẫn đến Viêm xoang mũi kinh niên.

Điều cần làm trong lúc vị viêm xoang mũi:

- Uống thật nhiều nước lạnh hoặc nước trái cây.
- Ướp khăn nóng vào mặt mỗi ngày vài lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút.
- Dùng dụng cụ xông hơi nước để thông mũi (có bán nhà thuốc tây)
- Tránh không khí lạnh và khô.
- Dùng nước muối rửa mũi có bán ở nhà thuốc tây. Nước sẽ chẩy xuống miệng rồi nhổ ra.

Cần đi bác sĩ để lấy thuốc kháng sinh.

 

VIÊM HỌNG(Sore throat), VIÊM HỌNG DO VI TRÙNG STREP(Strep throat), VIÊM MÔ VÒM HỌNG(Tonsillitis) và VIÊM HẠCH VÒM HỌNG(Adenoiditis).

 

Đa số viêm họng gây ra bởi siêu vi khuẩn (virus), có thể bị cùng lúc hoặc sau khi bị cảm. Viêm họng nhẹ có thể do không khí quá khô, hút thuốc nhiều, không khí ô nhiễm hoặc la hét nhiều. Người bị dị ứng hay nghẹt mũi phải thở bằng miệng thay vì bằng mũi cũng là nguyên nhân gây ra viêm họng.

Viêm họng cũng có thể gây ra bởi sưng Mô bạch huyết vòm họng(tonsil, còn gọi là amidan theo tiếng Pháp) hay sưng Hạch vòm họng (adenoids).

Tonsils là một khối thịt mềm nằm ở phía sau và hai bên của họng. Tonsil cũng chứa những sợi cơ giống Hạch bạch huyết(lymph nodes), bao phủ bởi màng mỏng màu hồng. Có thể nhìn thấy được tonsil.

Adenoids là những tuyến (glands) trên nóc miệng, chỗ nối mũi và họng, có chức năng tạo ra kháng thể hay còn gọi là bạch huyết cầu để chống lại nhiễm trùng. Không thể nhìn thấy được adenoids. Adenoids teo dần khi trẻ lớn lên và biến mất khi thành người lớn.

Ngoài đau rát họng, hai hoại viêm Tonsil và Adenoid còn gây ra sốt, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, khó nuốt, nuốt vào thấy đau, nhức đầu, nôn mửa. Viêm Adnoids kinh niên còn làm nghẹt ống thông lỗ tai và họng (eustachian tubes) sinh ra nhiễm trùng lỗ tai.

Viêm họng do vi trùng Streptococcal(nói tắt là Strep) thường xẩy ra ở trẻ em từ 3 đến 15 tuổi và có thể xẩy ra dù đã cắt bỏ Amidan (tonsil). Biểu hiện của viêm họng do Strep là:

- Viêm họng bất chợt và nghiêm trọng.
- Sốt 38.3oC hoặc cao hơn.
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Tonsils có lớp trắng hoặc vàng bao phủ.

Viêm họng do Strep được chữa bằng kháng sinh để ngăn ngừa Sốt phong thấp (rheumatic fever) và nên chích trong vòng 9 ngày sau khi viêm họng Strep khởi sự.

Một nguyên nhân gây viêm họng nữa là do siêu vi khuẩn Epstein-Barr, gọi là bệnh viêm Mononucleosis, thường xẩy ra cho thanh niên nam nữ trẻ. Ngoài các triệu chứng của viêm họng bình thường, còn thêm đau nhức thân thể, mất sức và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Có người còn đau bụng trên bên trái do lá lách bị sưng. Đa số lành bệnh viêm này sau vài tuần lễ nhưng có người mất vài tháng để hoàn toàn phục hồi , vì hạch bạch huyết có thể sưng cả tháng.

Sau cùng, người hay bị bệnh ợ chua (heartburn) cũng có thể bị viêm họng vì nước acid từ dạ dày trào lên họng.

 

 Viêm tonsil: Tonsil (amidan) bị sưng và có vệt trắng

 

 Viêm Adenoids

 

 

NGÁY

 

Có đến 50% người lớn ngáy ít nhiều khi ngủ, còn 25% ngáy thường xuyên. Nguyên nhân sinh ra ngáy là bị nghẹt đường thở (airway) ở phía sau miệng và ở mũi. Có nhiều lý do để đường thở bị nghẹt, như cơ bắp ở cổ phát triển mạnh (trường hợp béo phì) hay nghẹt mũi. Một số người hay ngáy cũng bị bệnh Ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea). Người bị bệnh này liên tục ngưng thở từ 10 đến 15 giây hoặc lâu hơn.

Ngáy làm người ta ngủ không thẳng giấc và khiến cho họ buồn ngủ hay không tỉnh táo ban ngày, cũng như làm phiền người ngủ cạnh.

Vài điều cần biết cho người hay ngáy:

- Không nên tập thể dục trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ vì sẽ làm cho khó ngủ.
- Tránh ăn nặng, uống rượu và thuốc dị ứng trước khi ngủ.
- Ngủ nằm nghiêng ít ngáy hơn ngủ nằm thẳng.

Tiệm thuốc tây có bán vài dụng cụ để bạn ngậm trong miệng nhằm mở rộng đường thở, ngăn cản ngáy, gọi là Snoring Mouthpiece. Ngoài ra còn có dây giữ càm, gọi là Jaw and Chin Strap.

 

  Snoring mouthpiece

 

  Jaw and chin Strap

 

 

SƯNG HẠCH BẠCH HẦU (Swollen Lymph Nodes)

 

Hạch bạch hầu là những hạch nhỏ có khắp thân thể, nhưng dễ nhận ra nhất là ở cổ. Khi cơ thể chống lại những dạng nhiễm trùng nhẹ thì hạch bạch hầu sưng lên một ít, còn nhiễm trùng càng nặng thì hạch càng sưng lớn.

Khi cảm cúm thì hạch bạch hầu 2 bên cổ sưng lên, đó là chuyện bình thường. Còn nếu nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục hay ở chân thì hạch bạch huyết ở háng sưng lên.

Ngay cả khi nhiễm trùng đã dứt, hạch bạch huyết vẫn còn sưng, nhất là ở trẻ em, có thể kéo dài vài tuần.

Hạch bạch huyết sẽ tự xẹp xuống nhưng nếu sau vài tuần chưa xẹp hoặc hạch sưng lên không có lý do gì cả thì bạn phải cần đi khám bác sĩ.

 

WEST NILE VIRUS

 

Bệnh nhiễm siêu vi khuẩn West Nile gây ra bởi muỗi, muỗi cắn chim bị West Nile virus rồi lại truyền cho người khi muỗi cắn người.

Sau khi bị cắn từ 3 đến 14 ngày thì bệnh nhân mới thấy sốt, nhức đầu, đau mình và có thể bị rôm sẩy ngoài da. Đây là dạng nhẹ, chỉ kéo dài vài ngày.

Còn dạng nặng (West Nile neurologic syndrome) thì sẽ ảnh hưởng tới não, gây viêm não (encephalitis), sưng màng óc(meningitis) hoặc tê liệt bất ngờ. Những bệnh này gây ra hậu quả lâu dài như kinh giật, mất trí nhớ, thay đổi tính tình, đi mất thăng bằng, run rẩy, tổn thương não.

Người già dễ bị dạng nặng hơn người trẻ. Do đó, cần tránh bị muỗi đốt.

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388