Bệnh kinh niên là bệnh có tính chất dài hạn, tái đi tái lại hoặc có thể kéo dài suốt đời. Bệnh kinh niên có thể không chữa được nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

Chương này chỉ nói về những bệnh kinh niên nặng như Tiểu đường, Cao huyết áp, Cao mỡ máu và Bệnh tuyến giáp trạng. Còn những dạng kinh niên nhẹ hơn như Dị ứng, Đau lưng, Trầm cảm, Nhức đầu thì được đề cập trong những chương khác.

 

1- TIỂU ĐƯỜNG (DIABETES)

 

Trong lúc tiêu hóa, chất tinh bột (starches) và chất đường trong thức ăn chuyển hóa thành glucose, là loại đường mà cơ thể dùng để tạo ra năng lượng. Insulin là loại kích thích tố (hormone) sản xuất bởi Tụy tạng, còn gọi Lá lách (pancreas) có chức năng kiểm soát lượng đường glucose trong máu. Nếu không có insulin thì cơ thể không thể xử dụng hoặc lưu giữ glucose, do đó lượng đường trong máu sẽ quá nhiều. Trong thời gian dài thì lượng đường cao trong máu sẽ làm tổn thương mạch máu và thần kinh, gây nguy hại cho mắt, tim, thận, chân, bàn chân.

Tiểu đường có 2 loại: Loại 1 và Loại 2.

Tiểu đường loại 1: xẩy ra khi Tụy tạng không sản xuất ra insulin. Loại này thường xẩy ra ở trẻ em và thiếu niên nhưng người lớn cũng có thể bị. Bệnh nhân TĐ loại 1 phải tiêm insulin vào người mỗi ngày.

Tiểu đường loại 2: xẩy ra khi Tụy tạng không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể xử dụng insulin không đúng cách. Nhiều người bị TĐ loại 2 không cần uống thuốc mà vẫn có thể kiểm soát glucose trong máu bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và theo dõi thường xuyên lượng glucose. Nhưng cũng có một số bệnh nhân phải chích insulin hoặc uống thuốc để duy trì lượng glucose ở mức an toàn.

Những yếu tố dễ đưa đến TĐ loại 2 là:

- Di truyền trong gia đình.
- Trên 45 tuổi.
- Nặng cân, to bụng.
- Thiếu hoạt động thể chất.
- Huyết áp cao.
- Quá ít Cholesterol Tốt (HDL) trong máu hoặc quá nhiều Triglyceride trong máu.
- Thuộc nhóm dân Phi châu, Á châu, Nam Mỹ châu hoặc Thổ dân Bắc Mỹ.

Hậu quả phức tạp của Tiểu đường: TĐ nếu để kéo dài không chữa trị thì có thể gây ra:

- Bệnh tim mạch, hoặc bệnh máu không lưu thông ở chân và bàn chân.
- Huyết áp cao.
- Đột quỵ.
- Tổn thương hệ thần kinh.
- Khả năng chống viêm nhiễm và tự lành vết thương bị yếu kém.
- Bàn chân bị ung loét.
- Bệnh về khớp xương.
- Bệnh về thận.
- Bệnh về mắt.
- Bệnh về nướu.

Không có cách phòng ngừa bệnh TĐ loại 1.

Với loại 2, phòng ngừa bằng cách thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh.

 

 

NHỮNG TÌNH HUỐNG NGUY HIỂM CỦA BỊNH TIỂU ĐƯỜNG

 

Lượng đường xuống quá thấp (Hypoglycemia)

Lượng đường lên quá cao (Hyperglycemia)

Tỷ lệ đường trong máu

Dưới 4 mmol/lít

Cao hơn 10mmol/lít

Xẩy ra như thế nào?

 

Nhanh, trong vòng phút hoặc giờ

 

Chậm, trong vòng hàng giờ hay vài ngày

Triệu chứng

 

-Mệt, run rẩy

-Nhức đầu

-Đói

-Lạnh, da dính ướt, đổ mồ hôi.

-Mắt mờ

-Tim đập nhanh, mất tỉnh táo, bức rức.

-Bất tỉnh

 

-Đi tiểu nhiều

-Khát nước

-Da khô

-Mắt mờ

-Thở nhanh, hơi thở có mùi trái cây

-Bất tỉnh

Phải làm gì?

-Nếu còn tỉnh, cho uống nước ngọt, ăn đồ ngọt (không nên cho ăn uống lúc bất tỉnh).

-Nếu bất tỉnh, gọi cứu cấp.

 

 

Nếu thấy thở nhanh hoặc bất tỉnh, gọi cứu cấp.

 

 

2- HUYẾT ÁP CAO (HIGH BLOOD PRESSURE)


Có 2 số đo huyết áp. Số trên (Systolic): là số đo khi trái tim bóp lại. Số dưới (Diastolic): là số đo khi trái tim nở ra.
Nếu số trên bằng hay hơn 140, số dưới bằng hay hơn 90 thì bạn coi như bị cao huyết áp.
Cao huyết áp được coi là "sát nhân thầm lặng", vì thường là không gây ra triệu chứng gì cả, người bị bệnh không biết nếu không đo huyết áp. Do đó, cần biết số đo huyết áp của mình.
Cao huyết áp đưa đến cơn đau tim, đột quỵ, tổn thương thận và mắt.
Có nhiều nguyên nhân có thể đưa đến cao huyết áp:
- Hút thuốc lá, uống rượu bia
- Nặng cân, béo phì
- Di truyền từ cha mẹ
- Ăn nhiều muối mà lại thiếu chất potassium, calcium và magnesium
- Uống thường xuyên các loại thuốc tây như thuốc tăng cơ bắp, thuốc trị nghẹt mũi (decongestants), thuốc chống sưng viêm.
Nếu bạn bị cao huyết áp, bạn phải uống thuốc hạ huyết áp lâu dài, có thể là cả đời,vì ngưng thuốc thì huyết áp lại lên trở lại.

 

3- CHOLESTEROL CAO


Cholesterol là chất mỡ trong máu, vừa do cơ thể sản xuất ra, vừa có trong thức ăn có gốc động vật. Tế bào cơ thể cần Cholesterol để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu lượng Cholesterol tích lũy quá nhiều trong thành mạch máu (gọi là Plaque) thì làm cho mạch máu bị nhỏ hẹp lại, tương tự như rỉ sét đóng bên trong ống dẫn nước làm ống nước hẹp lại. Tình trạng này gọi là Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis), là nguyên nhân của nhiều bệnh tim mạch và tuần hoàn.

 

 

 

Có 2 loại Cholesterol: xấu và tốt. Cholesterol không nằm đơn lẻ mà gắn liền với protein, hỗn hợp này gọi là lipoprotein.

* Cholesterol xấu: Low-density lipoprotein, viết tắt là LDL. LDL đem cholesterol từ gan tới các bộ phận của cơ thể. Dưới một số điều kiện, LDL đóng trên thành động mạch. Như vậy, số lượng LDL cao thì nguy hại. Lượng LDL trên 5.0 là xấu.

* Cholesterol tốt: High-density lipoprotein, viết tắt là HDL. HDL có tác dụng ngược lại với LDL, nghĩa là thu nhặt LDL trong máu rồi đưa trở về gan để tiêu hủy. Như vậy, số lượng HDL cao thì tốt cho cơ thể, vì làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tuần hoàn. Lượng HDL không nên thấp hơn 1.04

Triglycerines là một loại mỡ khác trong máu. Triglycerines cao cũng gây bệnh mạch vành và đột quỵ. Lượng Triglycerines cao hơn 6.0 là xấu.

Theo dõi lượng Cholesterol.

Đối với người lớn khỏe mạnh, phải đo lượng cholesterol tối thiểu là mỗi 5 năm một lần và bắt đầu khi đàn ông 35 tuổi trở lên, đàn bà 45 tuổi trở lên. Một khi đã bị phát hiện là cao cholesterol thì phải đo mỗi năm một lần. Còn khi trở thành cao niên (65 tuổi) thì phải đo mỗi năm một lần, dù bị cao cholesterol hay không.

Những trường hợp sau đây cũng phải đo thường xuyên hơn:

- Trong gia đình có lịch sử cha mẹ anh chị em bị đau tim.
- Hút thuốc lá.
- Bị cao máu
- Bị tiểu đường

Tương tự như thuốc hạ áp huyết, khi bạn ngưng uống thuốc Cholesterol thì có khả năng lượng Cholesterol lên cao trở lại.

Để ngăn ngừa bị cholesterol cao, bạn cần vận động cơ thể và theo một chế độ ăn uống lành mạnh:

- Ăn ít thực phẩm có chứa Chất béo Bão hòa (saturated fat). Chất béo bão hòa có trong mỡ động vật, trong nội tạng động vật...
- Ăn cá ít nhất 3 lần trong tuần.
- Ăn nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc.

 

4- RỐI LOẠN TUYẾN NỘI TIẾT (Thyroid, còn gọi Tuyến giáp trạng)


Tuyến giáp trạng hình con bướm bao quanh khí quản. Chức năng của TGT giống như cái van xăng trong xe máy: van xăng mở lớn thì xe chạy nhanh, còn TGT tiết ra kích thích tố (hormones) nhiều làm cho cơ thể vận hành nhanh hơn. Như vậy khi thyroid tiết ra ít kích thích tố thì cơ thể vận hành chậm lại. Nói cách khác, TGT điều hành mức độ Trao đổi chất (metabolism) của cơ thể.

TGT lại được kiểm soát bởi Tuyến Yên (pituitary gland) trong óc. Nói chung thì Tuyến yên duy trì mức độ kích thích tố ổn định.

Tuy nhiên, khi TGT sản xuất quá nhiều hoặc quá ít KTT, nghĩa là KTT bị mất thăng bằng thì nhiều hậu quả xẩy ra cho cơ thể.

Hyperthyroidism là tình trạng quá nhiều KTT, hay còn gọi là Cường giáp trạng. Hậu quả là:

-Sụt cân, không thèm ăn.
-Trời nóng thì khó chịu.
-Phân lỏng hay tiêu chẩy.
-Mắt ngứa ngáy, sưng quanh mắt.
-Rụng tóc.
-Tim đập nhanh, đập không đều.
-Hơi thở ngắn, dù không vận động.
-Đổ mồ hôi đêm.
-Khó ngủ.
-Mệt mỏi, thiếu năng lực.
-Cơ bắp yếu, nhất là ở chân.
-Khó tập trung, buồn vui thất thường, căng thẳng.
-Có thể cảm thấy TGT sưng lên trong cổ họng.

Những triệu chứng này có thể bị lầm lẫn với những bệnh khác. Bệnh Graves là nguyên nhân khiến cho TGT hoạt động quá mạnh. Khi được chữa trị bằng thuốc thì TGT sẽ trở lại bình thường nhưng một số bệnh nhân cần phải dùng chất Radioactive Iodine để tiêu hủy một phần TGT. Trong trường hợp hiếm thì có thể phải mổ cắt bỏ TGT.

Hypothyroidism là tình trạng không đủ hay quá ít KTT, còn gọi là Suy giáp trạng. Hậu quả là:

-Mệt mỏi, chậm chạp, lừ đừ.
-Thiếu tập trung, hay quên, trầm cảm.
-Hay bị lạnh, không chịu được lạnh.
-Da khô, móng tay dòn, tóc dòn, dễ bị rụng.
-Táo bón.
-Lên cân dù không ăn nhiều.
-Tim đập chậm, phản xạ chậm.
-Cũng thấy được TGT sưng lên trong cổ họng.
-Sưng tay chân, bàn tay bàn chân, sưng phồng quanh mắt.
-Khàn giọng.

Chữa trị thiếu KTT thì dễ hơn là chữa trị thừa KTT. Bác sĩ sẽ cho uống KTT nhân tạo, nhưng có thể bạn phải uống suốt đời.

 

5- AMYOTROPHIC LATERAL SCLEROSIS (ALS) hay còn gọi bệnh LOU GEHRIG'S


Bệnh nay phá hủy tế bào não và cột sống. Những tế bào này được gọi là Thần kinh vận động (motor neurons) có chức năng điều khiển cơ bắp trong việc chuyển động cơ thể, cho nên còn gọi là bệnh Xơ cứng Thần kinh vận động. Bệnh này cuối cùng dẫn đến tử vong.

Bệnh này phát triển qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Khi cơ bắp yếu dần thì việc đi đứng, nói năng, ăn uống, nuốt, thở... đều trở nên khó khăn, đưa đến nhiều phức tạp cho sức khỏe như viêm phổi, tim ngưng trệ.

Chưa có phương thức chữa khỏi bệnh ALS, chỉ có thuốc làm chậm sự tàn phá của bệnh mà thôi. Tuy nhiên bệnh này hiếm, chỉ có 2 trên 100,000 người mắc phải.

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753983