UNG THƯ VÚ (Breast cancer)


Ung thư vú là nguyên nhân thứ hai đưa đến cái chết cho đàn bà, sau bệnh tim mạch.

Tuy nhiên tin đáng mừng là nếu phát hiện sớm thì bệnh thông thường là chữa được, không đưa đến cái chết.

Có 3 cách để phát hiện ung thư vú: 1- Chiếu X ray (mammography). 2- Khám ở phòng khám bệnh. 3- Tự khám lấy mình.


1- Chiếu X ray (mammography)

Thường thì bác sĩ quyết định bao lâu bạn nên đi chiếu X ray. Sau đây là hướng dẫn chung:

- Phụ nữ dưới 40 tuổi: chưa cần.
- Từ 40 trở lên: mỗi 2 năm hoặc mỗi năm.

Nếu bạn có thân nhân (mẹ hay chị em gái) bị ung thư vú trước khi mãn kinh thì nên cho bác sĩ biết để có thể bác sĩ cho bạn đi chiếu X ray thường hơn. Phụ nữ nào đã từng bị ung thư một bên vú thì bắt buộc đi chiếu X ray hàng năm.


2- Khám vú tại phòng khám.

Số lần đi khám cũng giống mammography: trên 40 tuổi khởi sự đi khám mỗi năm hoặc 2 năm một lần.

Bác sĩ hoặc y tá sẽ nhìn ngực của bạn và dùng tay sờ nắn xem có thấy khối u bên trong. Họ cũng có thể hướng dẫn bạn tự khám ngực.


3- Tự khám

Phụ nữ nên ý thức được bộ ngực của mình bình thường trông như thế nào và cảm thấy thế nào, như vậy để có thể phát hiện ra bất kỳ thay đổi gì về hình dạng cũng như cảm giác.

Ít có phụ nữ nào mà cả 2 bên ngực cân đối hoàn chỉnh, mà là một bên lớn hơn một chút. Đa số vú phụ nữ có một chỗ cơ thịt dầy hơn phần còn lại, nếu chỗ dầy hơn này nằm giống nhau cả ở hai vú thì đó là bình thường. Còn nếu bạn cảm thấy một chỗ nào đó cộm lên cứng hơn tất cả phần vú còn lại thì có khả năng là khối u ung thư.

Khi nào thì cần đi gặp bác sĩ:

- Thấy có khối u cứng bất thường bên trong vú.
- Núm vú tiết ra chất lỏng màu máu hoặc hơi xanh hoặc tiết ra nước hay sữa mà không cần bóp vú.
- Một bên vú thay đổi hình dạng hoặc khi bạn dơ cánh tay lên thì vú xuất hiện vết nhăn hoặc cảm giác như co kéo lại.
- Da của một bên vú nhăn sần như vỏ cam.
- Mầu da chung quanh núm vú thay đổi.
- Đau một bên ngực suốt vài tuần lễ.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng 1 bên ngực.

Dưới đây là vài hình ảnh vú bị ung thư.

 

 

 

 

 

ĐAU NGỰC


Đau ngực xẩy ra thường, nhưng hiếm khi nguy hiểm. Nhiều phụ nữ cảm thấy ngực đau, nặng và rát một tuần trước kinh kỳ. Đây là cơn đau định kỳ, do thay đổi kích thích tố (hormone) xẩy ra trong chu kỳ hành kinh. Hết kinh thì hết đau.

Nếu bị đau ngực không do kinh kỳ thì thường là đau nhói, đau nhiều. Thường thì chỉ đau một bên và có thể lan lên nách. Nếu chỉ đau ở một điểm duy nhất thì nên đi khám bác sĩ.

Căng thẳng hoặc một số thuốc tây có thể làm ngực đau hơn. Đau ngực cũng là một dấu hiệu mang thai.

Nếu đau ngực xẩy ra với những triệu chứng kinh kỳ khác như đầy bụng, lên cân thì tránh đồ ăn mặn và uống 400mg magnesium mỗi ngày. Có một số người uống dầu primrose buổi tối thấy bớt đau ngực. Mang nịt ngực (bra) ôm sát hơn cũng có thể làm bớt đau.

Nếu bạn ngoài 40 tuổi và trong gia đình có tiền sử ung thư vú, nên báo cho bác sĩ để khám nghiệm thường xuyên hơn.

 

PAP TEST (Xét nghiệm ung thư cổ tử cung)


Kiểm soát vùng xương chậu và Pap test là thành phần không thể thiếu trong sức khỏe phụ nữ.


1-Tự khám

Chị em nên thỉnh thoảng xem vùng sinh dục của mình có bất thường như sưng đỏ, lở loét hoặc rỉ nước nhờn không bình thường. Nước nhờn âm đạo bình thường có mầu trắng ngả vàng, mùi chua nhẹ như dấm. Nó có thể đặc hoặc lỏng, nhiều hay ít tùy theo mỗi người. Trong thời kỳ rụng trứng (giữa hai kỳ kinh nguyệt), thường nước nhờn trong và dính.

Nếu sức khỏe bình thường thì đi tiểu không đau và nước tiểu phải chẩy nguyên giòng, màu vàng nhạt, mùi không khai.


2- Khám bởi bác sĩ

Khám bởi bác sĩ bao gồm 3 bước: nhìn bên ngoài, PAP test và khám bên trong bằng ngón tay.

PAP test có thể phát hiện 90-95% ung thư cổ tử cung. Để làm test, bác sĩ sẽ đút dụng cụ Speculum để mở rộng thành âm đạo rồi dùng cây tăm bông gòn quẹt vào cổ tử cung để lấy mẫu tế bào. Mẫu tế bào sau đó được gởi đến phòng thí nghiệm y khoa để phân tích.

 


Bác sĩ cũng có thể khám tay bằng cách đeo găng tay và đút 2 ngón tay thoa dầu nhờn vào trong âm đạo, còn tay kia thì đè lên bụng dưới, để cảm nhận xem có gì khác thường trong hình dạng và kich thước buồng trứng và tử cung của bạn.

Pap test được khuyên nên thực hiện lần đầu tiên khi bạn bắt đầu sinh hoạt tình dục, sau đó là mỗi năm một lần trong vòng 3 năm. Sau 3 lần Pap test kết quả bình thường thì bạn không phải Pap test hàng năm nữa, mà là 3 năm một lần. Tuy nhiên nếu bác sĩ thấy bạn có khả năng bị ung thư cổ tử cung cao do những yếu tố như hút thuốc lá, nhiều bạn tình v.v. thì vẫn có thể cho bạn đi thử hàng năm.

Đi thử PAP test trong vòng 1-2 tuần sau khi hết kinh. Trước khi test 24 giờ không nên thụt rửa âm đạo hoặc giao hợp.

 

 

 

CHẨY MÁU GIỮA HAI KỲ KINH NGUYỆT


Nhiều phụ nữ bị chẩy máu giữa 2 kỳ kinh nguyệt, nhưng việc này không hẳn là nghiêm trọng. Dùng vòng xoắn ngừa thai (IUD) có thể gây ra chảy máu nhẹ. Trong thời kỳ rụng trứng và trong vòng vài tháng đầu uống thuốc ngừa thai hoặc chích thuốc ngừa thai có thể xẩy ra chảy máu nhẹ. Phụ nữ cho con bú cũng có thể chảy máu âm đạo bất kỳ. Căng thẳng và mất cân bằng kích thích tố cũng là nguyên nhân chảy máu bất thường. Tránh dùng Aspirin vì nó làm chẩy máu kéo dài.

Tuy nhiên những trường hợp chẩy máu dưới đây do nguyên nhân nghiêm trọng hơn:
- Đang có thai.
- Có thai ngoài tử cung (ectopic pregnancy).
- Bướu lành tử cung (uterine fibroids).
- Nhiễm trùng vùng xương chậu.
- Viêm sưng cổ tử cung do giao hợp hoặc thụt rửa quá độ.
- Khi đã tắt kinh mà không dùng kích thích tố nữ.

Những trường hợp chẩy máu nói trên nên báo cho bác sĩ biết.

 

TẮT KINH (Menopause)


Đa số phụ nữ tắt kinh trong khoảng 45 đến 55 tuổi, khi kích thích tố nữ (estrogene và progesterone) bắt đầu suy giảm. Trước khi tắt kinh thì kinh kỳ trở nên bất thường. Chị em sẽ phải trải qua Cơn Nóng Chợt (hot flashes), âm đạo khô và tâm tính thay đổi. Nhưng triệu chứng tắt kinh của mỗi phụ nữ không giống nhau hoàn toàn. Tắt kinh cũng là hậu quả của việc cắt bỏ tử cung (hysterectomy).

Sụt giảm kích thích tố estrogen khi tắt kinh cũng gây bệnh loãng xương (osteoporosis).

* Kinh kỳ trước khi tắt kinh

Có người vẫn kinh nguyệt đều đặn trước khi tắt kinh, nhưng có người kinh nguyệt trở nên lộn xộn.

* Thuốc ngừa thai

Nếu bạn dùng thuốc ngừa thai dài hạn thì chỉ nên ngưng khi bác sĩ xác định chính thức là bạn đã tắt kinh thì mới an toàn.

* Cơn Nóng Bất Chợt (hot flashes)

Là cơn nóng bừng đột ngột, làm đổ mồ hôi và đỏ mặt. Vùng nóng xuất hiện ở mặt rồi lan lên cổ, mặt và tay. Khoảng 75-80% phụ nữ bị hot flashes trước khi tắt kinh. Có thể xẩy ra thường xuyên tới mức mỗi giờ một lần, kéo dài từ vài phút đến cả tiếng. Có thể xẩy ra ban đêm, gây ra mất ngủ, mệt mỏi, bức rức, mất tập trung. Hot flashes có thể kéo dài từ 1 đến vài năm.

Chữa trị: giữ cho môi trường chung quanh mát mẻ, mặc áo quần thoải mái dễ cởi, vải cotton hoặc lụa, bớt cafe và rượu, uống đồ lạnh, không ăn quá no.

* Thay đổi trong âm đạo

Âm đạo trở nên khô, thành âm đạo mỏng đi, âm đạo thiếu co dãn, vành môi ngoài (labia) co lại. Những điều này làm đau rát khi giao hợp, gia tăng khả năng nhiễm trùng âm đạo và tiểu không kìm giữ được.

Chữa trị: dùng chất nhờn trong khi giao hợp. Dùng chất nhờn có nguồn gốc là nước (water-based) chứ không phải nguồn gốc dầu hỏa (petroleum-based).

*Thay đổi tâm tính

Căng thẳng, thiếu năng lực, mất ngủ, dễ buồn vui, trầm cảm là những triệu chứng thường xẩy ra.

Nhiều phụ nữ cảm thấy tình cảm không ổn định, mất thú vui tình dục. Nhưng ngược lại, một số phụ nữ lại vui mừng vì không còn bị hành kinh và không còn lo lắng chuyện ngừa thai.

Chữa trị: ráng tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng. Dùng liệu pháp kích thích tố (hormone therapy) có thể giảm bớt những hậu chứng không tốt nói trên nhưng cũng đưa lại một số hiểm nguy như gia tăng nguy cơ ung thư vú, đột quỵ và đau tim.

 

CHUỘT RÚT (VỌP BẺ) KHI CÓ KINH


Nhiều bạn gái bị nhiều đau đớn khi có kinh (gọi là dysmenorrhea). Triệu chứng bao gồm chuột rút ở bụng dưới, lưng, đùi; nhức đầu, tiêu chẩy hoặc táo bón; choáng váng và mệt xỉu. Trong chu kỳ kinh nguyệt, lớp màng bao quanh tử cung tiết ra một kích thích tố là prostagladin khiến cho tử cung co thắt. Phụ nữ bị chuột rút nhiều là do kích thích tố này sinh ra nhiều.

Vòng xoắn ngừa thai cũng gây ra chuột rút. Nếu bạn chẩy máu hoặc chuột rút quá nhiều vì vòng xoắn bạn phải lấy vòng xoắn ra.

Vài phụ nữ có bướu lành ở tử cung cũng bị chuột rút nhiều khi kinh kỳ.

Chữa trị:

- Uống Ibuprofen hay Naproxen sodium với sữa hoặc đồ ăn.
- Tập thể dục.
- Chườm nóng chỗ chuột rút.
- Uống trà thảo mộc.

 

KINH NGUYỆT KHÔNG ĐỀU


Có nhiều lý do khiến kinh nguyệt không đều:
- Căng thẳng, lên cân, xuống cân, du lịch, tập luyện quá sức.
- Dùng thuốc ngừa thai
- Trong vài năm đầu khi khởi sự có kinh
- Mất thăng bằng kích thích tố nội tiết
- Một số loại thuốc tây
- Đang cho con bú sữa.
- Bệnh tuyến giáp trạng

 

HỘI CHỨNG TIỀN KINH KỲ


Trước ngày có kinh thì nhiều phụ nữ có những dấu hiệu cơ thể báo trước. Những dấu hiệu này khác biệt nhau tùy mỗi người, bao gồm chuột rút, vú sưng, cơ thể giữ nước, đầy bụng, lên cân, nổi mụn, bức rức, trầm cảm, khó tập trung, không thích tình dục, khó chịu gắt gỏng, nhức đầu, đau bắp thịt, thèm ăn, mất năng lực, khó ngủ.

Hội chứng này xẩy ra nhiều nhất trong lứa tuổi 20 và 30.

Bạn cần theo dõi và nếu thấy triệu chứng xẩy ra giống nhau trước kỳ kinh và biến mất sau kỳ kinh thì bạn có thể kết luận bạn bị hội chứng tiền kinh và áp dụng vài cách sau đây để giảm bớt hội chứng này:
- Ăn ít, vài tiếng một lần. Tránh mỡ, đường, muối, thuốc lá, rượu, cafe.
- Thể dục thường xuyên, tập yoga.
- Uống thuốc Midol hay Pamprin, calcium 1,200 mg/ngày, magnesium 400mg/ngày, vitamin B6 100mg/ngày.

Nếu hội chứng không giảm bớt và làm rối loạn đời sống của bạn thì bạn cần gặp bác sĩ.

 

NHIỄM TRÙNG ÂM ĐẠO (Vaginitis)

 

Gây ra sưng đỏ, ngứa và làm thay đổi nước nhờn từ âm đạo, đau rát khi di tiểu và khi giao hợp.

Nguyên nhân thông thường là do Nhiễm trùng nấm (yeast infection) Nhiễm trùng vi khuẩn (bacterial vaginosis) và Nhiễm ký sinh trùng (trichomoniasis). Tuy nhiên thụt rửa thường xuyên, mặc quần chật, dùng xà bông quá mạnh và thuốc bôi ngừa thai cũng có thể gây ra nhiễm trùng âm đạo.

* Triệu chứng của Nhiễm trùng vi khuẩn là nước nhờn âm đạo màu trắng xám có mùi cá, mùi này càng nặng nề hơn sau khi giao hợp.

* Triệu chứng của Nhiễm ký sinh trùng là nước nhờn âm đạo có bọt, màu trắng, vàng, xanh hoặc xám; âm đạo sưng đỏ, ngứa, có mùi hôi.

* Triệu chứng của Nhiễm trùng nấm là ngứa âm đạo, nước nhờn trắng, lợn cợn, không có mùi, đau rát khi tiểu và khi giao hợp. Môi ngoài của âm hộ sưng đỏ, ngứa. Bệnh này khá phổ biến nơi phụ nữ trong lứa tuổi còn sinh sản, tuy gây phiền toái nhưng ít có hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một loại sinh thể nấm phát triển quá mạnh trong âm đạo, là hậu quả của nhiều lý do như hệ thống miễn nhiễm bị yếu do đau bệnh, dùng thuốc kháng sinh nhiều, thai nghén, tiểu đường. Người đàn bà bị nhiễm trùng nấm không truyền bệnh cho bạn tình theo đường giao hợp.

Ngăn ngừa Nhiễm trùng âm đạo:

- Rửa âm hộ mỗi ngày nhưng không thụt rửa âm đạo sau đó lau khô.
- Thay băng vệ sinh mỗi ngày 3 lần trong lúc có kinh.
- Uống thuốc kháng sinh (antibiotic) có thể giết luôn cả vi khuẩn có ích trong âm đạo. Nếu vì lý do bệnh tật phải uống thuốc kháng sinh thì nên ăn sữa chua có chứa vi khuẩn Lactobacillus hoặc uống sữa acidophilus để duy trì vi khuẩn có ích trong âm đạo.
- Có ngứa thì cũng không nên gãi bằng tay mà dùng khăn lạnh.
- Quần chật làm âm hộ nóng và ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sản quá mạnh là nguyên nhân bệnh nấm âm đạo.
- Lau chùi âm hộ từ phía trước ra sau (hướng hậu môn) để tránh đem vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo. 

Chữa trị Nhiễm trùng âm đạo:

Dù nhà thuốc tây có bán kem trị nhiễm trùng nấm như Monistyat, Canesten không cần toa bác sĩ, nhưng bạn vẫn nên đi bác sĩ.

 

CẮT BỎ TỬ CUNG (Hyesterectomy)

 

Có những bệnh trầm trọng đòi hỏi việc cắt bỏ tử cung:
- Ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
- Chảy máu trầm trọng trong tử cung.
- Màng bọc tử cung phát triển bên ngoài tử cung (endemetriosis).
- Bướu lành nhưng lớn và gây chảy máu tử cung hoặc đè lên bàng quang.
- Sa tử cung (tử cung xệ xuống âm đạo).

 

 

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved