CUỐNG RỐN VÀ RỐN BỤNG

Giữ cho cuống rốn được khô ráo, không tắm em bé đến khi cuống rốn hoàn toàn rụng và nút rốn hoàn toàn khô kín. Cuốn tã ở dưới rốn và áo em bé ở trên rốn để cho rốn được mau khô.

Cuống rốn sẽ rụng và nút rốn sẽ hoàn toàn khô trong vòng vài tuần. Sau khi cuống rốn rụng thì có thể nút rốn em bé còn ẩm ướt hoặc rỉ máu vài ngày.

Chỉ gọi bác sĩ nếu nút rốn em bé sưng đỏ hoặc rỉ nước có mùi hôi.

Hình dạng của nút rốn không bị ảnh hưởng bởi cách dây rốn được buộc như thế nào. Sau khi dây rốn rụng, có thể chỗ rốn có một ít cơ thịt lồi lên. Nếu sau 2 tuần mà cuống rốn không rụng thì cần gọi bác sĩ.

 

BÚ SỮA MẸ

Sữa mẹ tốt nhất cho em bé dưới 6 tháng tuổi. Bộ Y tế Canada đề nghị cho em bé bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên và có thể tiếp tục đến tận 2 tuổi. Tuy nhiên thời gian bú bao lâu cũng còn tùy vào mỗi bà mẹ và con. Sữa bột hoặc sữa nước trong lon cũng đầy đủ dinh dưỡng.

Sữa mẹ có chứa chất giúp em bé chống lại nhiễm trùng. Em bé bú sữa mẹ ít bị cảm, nhiễm trùng tai, tiêu chẩy và ói mửa hơn là em bé uống sữa nhân tạo. Ngoài ra sữa mẹ cũng dễ tiêu hơn sữa nhân tạo.

Có thể học cách cho con bú sữa mẹ qua y tá hoặc các lớp địa phương hoặc trên internet.

 

CẮT BAO QUI ĐẦU

Có cả mặt lợi và mặt nguy hại về việc cắt bao qui đầu cho em bé. Bạn cần thảo luận với bác sĩ để làm quyết định.

Mặt tốt của cắt bao qui đầu là giữ cho chim bé trai được sạch sẽ, tránh nhiễm trùng đường tiểu. Ngoài ra sau này, khi bé thành người lớn sinh hoạt tình dục, bao qui đầu chưa cắt có khả năng nhiễm bệnh tình dục cao hơn một chút.

Tỷ lệ biến chứng khi cắt bao quy đầu rất thấp, chỉ có 2/1000. Thuốc gây tê khiến cho bé trai không thấy đau.

Sau khi cắt bao quy đầu, nhớ bôi kem nhờn (petroleum jelly) vào đầu chim em bé mỗi lần thay tã để cho vết cắt không dính vào tã. Rửa chim em bé bằng cách nhỏ nước ấm vào chim (không dùng cồn hoặc khăn giấy ướt-baby wipes). Chấm khô bằng khăn vải. Vùng cắt bị đỏ là bình thường, chỉ báo cáo bác sĩ khi vùng đỏ lan vào chim hoặc máu chẩy nhiều ra tã.

Nếu bạn không muốn cắt bao quy đầu cho con trai thì cũng đừng tuột da bao quy đầu trước khi bé được 3 tuổi. Đa số da quy đầu của bé trai sẽ tự tuột ra khi bé được 5 tuổi, nhưng trong một số trường hợp thì có thể đến lúc trưởng thành mới tuột ra. Cần chỉ dạy bé tuột bao quy đầu để rửa ráy đầu chim mỗi khi đi tắm.

 

 

 

 

HUẤN LUYỆN ĐI CẦU

Mỗi em bé có thời biểu riêng để huấn luyện ngồi bàn cầu. Khoảng từ 20 đến 30 tháng tuổi thì bé có thể được bắt đầu huấn luyện ngồi bàn cầu. Em bé có những dấu hiệu như:
- Đi cầu có giờ giấc cố định.
- Không đi tiêu tiểu trong suốt 2 tiếng đồng hồ.
- Mặt có biểu hiện cần đi tiêu tiểu.
- Biết báo cáo là tã đã bị dơ.
- Biết nghe mệnh lệnh.
- Biết nói là muốn ngồi bàn cầu.

 

THÓI QUEN NGỦ

Em bé có giấc ngủ sâu và giấc ngủ ngắn. Trong mỗi chu kỳ ngủ, có khoảng 60 phút ngủ nhẹ, 60 đến 90 phút ngủ sâu và 30 phút ngủ nhẹ. Cuối chu kỳ này, em bé nửa ngủ nửa tỉnh, có thể đánh thức dễ dàng.

Cha mẹ có thể giúp em bé ngủ suốt đêm bằng cách tập em bé ngủ trở lại trong chu kỳ từ ngủ nhẹ qua ngủ sâu.

Với em bé 4-6 tháng:
- Đặt em bé vào nôi khi em bé buồn ngủ.
- Cho bú nửa đêm rất ngắn.
- Sau đó thì cắt bỏ luôn tật bú đêm.

Em bé ngủ nằm ngửa an toàn hơn nằm sấp. Có một số em bé chết lúc ngủ nằm sấp (SIDS).

 

ĐÁI DẦM (Bedwetting)

Đái dầm là tình trạng tự nhiên của mọi em bé, nhưng tới 5-6 tuổi thì đa số hết đái dầm.

Đôi khi có tình trạng bé hết đái dầm vài tháng rồi lại bị đái dầm trở lại. Có thể là không có lý do cụ thể mà cũng có thể nhiễm trùng đường tiểu hay có xúc cảm tâm lý.

Biện pháp đối phó nạn đái dầm:
- Không nên trừng phạt, chê trách em bé.
- Tập bé đi tiểu trước khi đi ngủ.
- Để bô cạnh giường và đèn đêm cho bé thức dậy đi tiểu.
- Không buộc bé phải mang tã khi đi ngủ, mà là mang quần lót bằng vải hút nước mạnh. Phủ nệm giường bằng miếng phủ bằng nylon.
- Tập cho bé tự thay quần sau khi đái dầm, đặt vải lót trên giường trước khi đi ngủ.
- Cho 120 ml dấm vào nước giặt quần và quần lót để bớt mùi khai nước tiểu.

Cần báo cho bác sĩ khi:
- Bé trên 6 tuổi mà vẫn đái dầm.
- Bé đã hết đái dầm mấy tháng m rồi lại bị đái dầm trở lại.
- Trên 4 tuổi mà vừa đái dầm vừa đi tiêu.

 

HỘI CHỨNG REYE

Hội chứng Reye hiếm nhưng nghiêm trọng, có thể xẩy ra ở người dưới 20 tuổi. Nguyên nhân không rõ. Xẩy ra khi người trẻ bị cúm hoặc trái rạ (chicken-pox) rồi dùng Aspirin.

Hội chứng Reye ảnh hưởng tất cả nội tạng nhưng hại óc và gan nặng nhất.

Hội chứng Reye có triệu chứng sau:
- Nôn mửa liên tục.
- Lừ đừ, thiếu năng lực.
- Thở nhanh.
- Thay đổi nhân cách như khó chịu, hung hăng, nhầm lẫn.

Nếu bệnh này không được chữa trị thì dẫn đến kinh giật, hôn mê và tử vong.

Chữa trị sớm thì có thể hồi phục hoàn toàn. Đa số không có biến chứng lâu dài và dần dần hồi phục sau vài tuần nhưng vài người có thể bị tổn thương não vĩnh viễn.

Nên nhớ không cho người dưới 20 tuổi uống thuốc Aspirin trừ khi có phép bác sĩ.

 

BỆNH TRÁI RẠ (Thủy đậu-chicken pox)

Là bệnh nhiễm vi khuẩn hay lây rất phổ thông. Đối với trẻ em khỏe mạnh thì đây chỉ là bệnh nhẹ. Vài ngày đầu, trẻ bị sốt, biếng ăn, nhức đầu, mệt mỏi. Rồi là những vết đỏ xuất hiện , từ vài chục đến vài trăm đốm. Những đốm đỏ này bao phủ toàn thân trẻ, bao gồm cổ họng, miệng, tai, bẹn và đầu.

Mụn đỏ trở thành mụn nước, vỡ ra rồi thành vẩy cứng. Rất ngứa. Mụn đỏ tiếp tục xuất hiện trong vòng 1 đến 5 ngày, rồi bớt đi trong vòng 1-2 tuần.

Trái rạ rất hay lây. Sau khi bị lây thì trong vòng 2 tuần lễ là bắt đầu nổi mụn đỏ. Thời kỳ dễ lây lan là 5 ngày trước khi nổi mụn và 5 ngày sau khi nổi mụn.

Trẻ em có thể trở lại lớp học hoặc nhà trẻ 6 ngày sau khi nổi mụn, với điều kiện những mụn chưa khô vảy phải được che phủ bởi quần áo.

Trái rạ ít có biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng có khả năng xẩy ra là viêm phổi (pneumonia) viêm não (encephalitis) và nhiễm trùng vi khuẩn da.

Có một số trẻ em dễ bị biến chứng. Nếu trẻ em chưa chích ngừa hoặc chưa bao giờ bị trái rạ đang bị nguy cơ lây nhiễm trái rạ thì có 2 cách bảo vệ:

- Tiêm thuốc VZIG (varicella zoster immunne globulin) trong vòng 4 ngày sau khi nghi ngờ tiếp xúc với vi khuẩn trái rạ.
- Hoặc uống thuốc Acyclovir trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu nổi mụn thì sẽ giảm bớt cơn trái rạ.

 

 

 

 

BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG (Hand-Foot-Mouth disease)

Bệnh này cả trẻ em dưới 10 tuổi và người lớn trẻ đều bị. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu. Sốt, viêm họng, không thèm ăn là những triệu chứng đầu tiên.

Trong vòng 2 ngày, mụn nước xuất hiện ở miệng và lưỡi. Ở trẻ em, sảy nước xuất hiện ở ngón tay, mặt trên tay và bên hông bàn chân, đôi khi trên mông.

Không có cách chữa trị bệnh này. Chỉ có thể cho uống acetaminophen để bớt sốt và đau miệng, đồng thời cho uống nhiều nước. Không cho người dưới 20 tuổi uống aspirin. Cho ăn thức ăn mềm, nước uống mát hoặc ấm chứ đừng cho uống nóng. Nước Calamine bôi lên tay chân làm bớt ngứa.

Siêu vi khuẩn gây ra bệnh này rất dễ lây lan, nên phải nghỉ ở nhà khi đang mắc bệnh. Siêu vi khuẩn lây lan bằng nước miếng, nước mũi và phân.

Trong vòng 7-10 ngày bệnh tự hết.

 

 

 

HỘI CHỨNG KHÓC DAI (Colic)

Đây không phải là bệnh nhưng là tình trạng em bé khóc dai dẳng, dỗ không nín, nhất là về chiều tối. Y khoa chưa rõ nguyên nhân. Hội chứng này xẩy ra cho cả bé trai lẫn bé gái, cả bé bú sữa mẹ lẫn bé bú sữa hộp.

Khóc bao nhiêu thì gọi là khóc dai? Theo "Luật 3" để xác định. Nếu em bé khóc trong vòng từ 3 tuần đến 3 tháng sau khi sinh, khóc liên tục hơn 3 tiếng một ngày, khóc hơn 3 ngày một tuần và kéo dài hơn 3 tuần.

May mắn là hội chứng này luôn luôn biến mất khi em bé ở cuối 4 tháng tuổi, có thể sớm hơn với một số em bé.

Phải làm gì khi con bạn bị Hội chứng khóc dai:

- Bình tĩnh. Tuyệt đối không lắc mạnh em bé. Lắc mạnh có thể tổn hại não hoặc giết chết em bé.
- Đừng để bé đói nhưng cũng đừng cho ăn quá no.
- Đừng để em bé hút nhiều không khí khi bú sữa. Cho bú khi bé ngồi thẳng. Thỉnh thoảng giúp em bé ợ hơi để khỏi chướng bụng.
- Nếu cho bú bình thì lỗ hút phải đủ lớn (rỉ một giọt sữa mỗi giây). Nếu lỗ hút quá nhỏ, em bé sẽ hút nhiều không khí vào bụng.
- Sữa pha phải ấm khoảng 37oC.
- Em bé cần bú khoảng 2 tiếng một ngày.
- Cho em bé bú trong yên lặng và ánh sáng êm dịu.
- Phải bảo đảm em bé có tã sạch, không bị nóng nực, không buồn chán, không bị quá nhiều người chung quanh, không bị quá nhiều ánh sáng.
- Những âm thanh như tiếng máy sấy quần áo, máy rửa chén, nước xủi bồn cá...có tác dụng làm em bé dễ chịu, hết khóc.
- Đừng để bé khóc một mình lâu hơn 10 phút.

Hiếm khi Hội chứng khóc dai nghiêm trọng đến mức phải cho bé uống thuốc.

BỆNH ĐẦU CỨT TRÂU (Cradle cap)

Còn gọi là "Viêm da tiết bã". Trên đầu em bé có vẩy màu vàng, có chất nhờn như dầu.

Đây chỉ là do chất nhờn trên da hoạt động quá mạnh.

 

 


Cách chữa:
- Gội đầu cho bé mỗi ngày một lần.
- Dùng lược mềm hay bàn chải răng chải cho vẩy rớt xuống.
- Bôi dầu khoáng (mineral oil) lên đầu bé một tiếng trước khi gội đầu để làm vẩy mềm, dễ bong ra.
- Nếu thấy đầu bé đỏ ngứa thì bôi kem hydrocortisone. 

 

VIÊM KHÍ PHẾ QUẢN (Croup) 

Thường xẩy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Hay đi kèm với bệnh nhiễm vi khuẩn như cảm cúm. Triệu chứng chính là ho rất gắt, làm cho bé rất sợ. Có thể sốt lên tới 37.4oC. Có thể kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Ban đêm ho nhiều hơn ban ngày.

Cách chữa trị:

- Dùng máy phun ẩm lạnh (cool humidifier) để làm cho bé dễ thở. Có thể cho phun thẳng vào mặt bé.
- Nếu không bớt sau vài phút thì đưa bé vào phòng tắm, mở vòi nước nóng tối đa để cho hơi nước nóng làm bé dễ thở.

Cần đưa bé đi bác sĩ nếu bạn thấy bé ho nghiêm trọng, khó thở, mũi đỏ, sốt cao, kéo dài hơn 5 ngày.

 

BỆNH SẢY NGỨA DO BÍ TÃ (Diaper rash)

Đây là phản ứng của da với sự ẩm ướt, vi trùng trong nước tiểu và phân của bé, hoặc dị ứng của da với tã (diaper).

Triệu chứng là mông và đùi bé bị đỏ.

 

Phòng ngừa và chữa trị:

- Kiểm tra tã mỗi 2 giờ, thay ngay nếu dơ.
- Cho bé ở truồng 5-10 phút cho da khô trước khi thay tã mới.
- Nếu dùng tã vải thì chỉ giặt bằng xà bông nhẹ, xả nước 2 lần. Không dùng thuốc tẩy trắng, không dùng chất làm mềm vải (fabric softener).
- Tránh dùng quần bằng nylon, plastic vì loại này giữ ẩm, không bốc hơi.
- Bảo vệ vùng da chưa bị sảy ngứa bằng kem Desitin, A & D, hay Zinc Oxide.
- Tã màu trắng, không mùi thơm ít gây ra dị ứng da cho bé. Thay tã hiện dùng bằng tã màu trắng, không mùi.
- Không nên dùng tã quá dày, quá nhiều lớp.

 

BỆNH SỞI (Measles)

Bệnh Sởi hiếm xẩy ra ở Canada. Tin tức về bệnh Sởi xin đọc ở đây:

Bệnh Sởi

 

TIÊU CHẢY VÀ ÓI MỬA

Tiêu chảy và ói mửa có thể gây ra bởi cúm dạ dày (stomach flu) hoặc do ăn thức ăn lạ hoặc ăn nhiều hơn bình thường. Hệ thống tiêu hóa của bé còn đang phát triển, có thể không chịu được nhiều nước trái cây, trái cây hoặc sữa. Trẻ em bú sữa mẹ ít bị tiêu chảy hơn.

Cúm dạ dày thường bắt đầu bằng ói mửa, vài giờ sau hoặc lâu hơn thì tiêu chảy. Đôi khi không có tiêu chảy.

Trẻ nhỏ, nhất là dưới một tuổi, rất dễ bị khô nước cơ thể (dehydration) sau khi tiêu chảy hay ói mửa.

Chữa trị:

*Tiêu chảy

- Phải cho bú bù thêm sữa khi bé bị thiếu nước cơ thể.
- Hoặc cho bé uống chất dung dịch Oral Electrolyte, nhiều ít tùy vào cân nặng cháu bé (đọc chỉ dẫn trên dung dịch). Đối với bé trên 6 tuổi, có thể thêm một ít bột NutraSweet hoặc Jell-O vào dung dịch để làm có mùi vị ngon. Dung dịch này dùng bổ sung chứ không nên cho uống chỉ có dung dịch này trong hơn 12 tiếng đồng hồ.
- Không dùng nước lạnh, nước trái cây hoặc soda để làm cơ thể bé hết khô cạn vì những nước này nhiều đường mà lại thiếu khoáng chất.
- Cho ăn thức ăn lỏng như ngũ cốc, chuối ép, khoai tây nghiền.
- Bảo vệ vùng quanh hậu môn bằng kem Desitin, A&D để da khỏi lên sảy ngứa.

*Ói mửa cho bé dưới 6 tháng tuổi.

-Không cho ăn gì trong vòng 1 giờ sau khi ói.
-Cho bé bú ít thôi.
-Cho bé uống Electrolyte 15ml mỗi giờ.
-Sau 6 tiếng cho ăn lại bình thường.
*Ói mửa cho bé từ 6 tháng đến 3 tuổi.
-Sau khi bé ói 1 tiếng, cho uống chất lỏng 30ml mỗi 20 phút trong 1 tiếng. Sau đó tăng lên 90ml mỗi giờ. Chất lỏng đây bao gồm nước trái cây, nước cốt gà, nước cốt bò.
- Sau 6 giờ không còn nôn mửa thì cho ăn lại bình thường nhưng tránh thức ăn quá nhiều chất xơ như đậu hoặc quá nhiều đường như kem sữa, kẹo.

*Bé trên 4 tuổi chữa như người lớn.

Nếu ói mửa hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 4 giờ cho bé dưới 1 tuổi, hơn 8 giờ cho bé trên 1 tuổi, hoặc đi kèm những triệu chứng đáng ngại như có máu, khó thở, tim đập nhanh...thì phải đưa bé đi bác sĩ.

 

SỐT (Fever)

 

Được định nghĩa như nhiệt độ dưới nách đạt 37.4oC hoặc cao hơn.

Sốt là biểu hiện cơ thể đang chống lại nhiễm trùng, có nghĩa là cơ thể đang có bệnh.

Những bệnh gây ra sốt là: cảm cúm, trái rạ (chicken pox), viêm họng, viêm tai.

Trẻ em dễ sốt hơn người lớn. Sốt đưa đến kinh giật hiếm khi xẩy ra.

Sốt cao không đưa đến tổn hại não. Cơ thể con người không cho nhiễm trùng đưa cơ thể cao hơn 40oC, tuy nhiên sức nóng từ bên ngoài, tỷ dụ hỏa hoạn, có thể đưa cơ thể con người cao hơn 40oC và gây tổn thương não nhanh chóng.

Tiệm thuốc tây có bán thuốc hạ sốt cho trẻ em. Tuy nhiên nếu cho uống thuốc mà sốt không hạ trong vòng 12 giờ hoặc nếu sốt đi kèm những triệu chứng nghiêm trọng khác như khó thở, chảy nước miếng, nôn mửa, tiêu chảy v.v. thì phải đưa bé đi bác sĩ.

 

SỐT KINH GIẬT (Fever seizures)

 

Là kinh giật đi kèm với sốt. Đôi khi kinh giật xẩy ra trước khi bạn biết con bạn bị sốt.

Trẻ bị kinh giật có thể bất tỉnh, cơ bắp cứng lại, răng nghiến chặt. Rồi tay và chân bắt đầu co giật. Bé có thể trợn ngược mắt, ngưng thở vài giây, ói mửa, đi tiểu, đi tiêu. Kinh giật kéo dài từ 1 phút đến 15 phút.

Dù nhìn có vẻ đáng lo ngại nhưng thật ra thì kinh giật ở trẻ em không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. 5% trẻ em trong lứa tuổi 6 tháng đến 5 tuổi bị kinh giật. Trong số trẻ em bị kinh giật thì 30% bị nhiều lần.

Làm gì khi em bé bị kinh giật?

-Bình tĩnh.
-Không kìm giữ chặt em bé, nhưng đưa bé xuống sàn nhà để tránh rơi té từ giường xuống.
-Nên cho bé nằm nghiêng để đờm rãi thoát ra khỏi miệng, không gây tắc thở.
-Đừng đút bất cứ gì vào miệng em bé vì lo bé cắn lưỡi.
-Để ý giờ xem em bé kinh giật bao lâu.
-Sau cơn kinh giật, xem bé có thương tích gì không.
-Nếu thấy bé khó thở thì móc miệng cho hết đờm rãi.
-Cho bé vào phòng mát để ngủ. Thường là bé buồn ngủ sau cơn kinh giật.
-Trong vòng 1 tiếng sau kinh giật, đa số bé trở lại sinh hoạt bình thường.

Phải gọi cấp cứu trong những trường hợp sau:

-Bé bị khó thở.
-Kinh giật kéo dài hơn 3 phút hoặc ngưng rồi lại khởi sự đợt khác liên tục.
-Nếu kinh giật không đi kèm sốt.

 

IMPETIGO (Chốc lở)

 

Là bệnh nhiễm trùng khá phổ biến nơi trẻ em. Thường bắt đầu là vết trầy sướt ở da, sau đó bị nhiễm trùng. Sau đó là nước vàng chảy ra, đóng vảy cứng, thường xuất hiện giữa môi trên và mũi, nhất là sau trận cảm cúm. Gãi do ngứa ngáy giúp đem vi khuẩn lan ra các phần khác trên cơ thể.

Ngăn ngừa:

- Rửa các vết trầy sướt bằng nước và xà bông.
- Nếu bé bị chẩy nước mũi, phải giữ cho phần da giữa mũi và môi trên sạch sẽ.
- Cắt móng tay cho bé thường xuyên.

Chữa trị:

-Gỡ vảy bằng cách thấm nước ấm 15 phút rồi chà nhẹ bằng khăn mặt và xà bông sát trùng. Chậm cho khô.
-Bôi kem sát trùng.
-Dán vải mỏng (gauza) vào khu vực da còn lành lặn để tránh lây lan.
-Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt của bé cho người khác.

Cần cho bé đi khám bác sĩ nếu vết chốc lỡ lớn hơn 5cm đường kính hoặc chữa trị 3-4 ngày không thấy giảm bớt, vì có thể bé cần thuốc kháng sinh.

 

 

 

 

GIUN KIM (Pinworms)

 

Giun kim nhỏ như sợi chỉ, nằm trong ruột. Trẻ học sinh dễ bị nhiễm giun kim hơn người lớn. Giun sống trong phần trên ruột già, gần ruột thừa và di chuyển ra ngoài hậu môn để đẻ trứng.

Thường giun đẻ trứng vào ban đêm khiến trẻ em hay ngứa ngáy hậu môn ban đêm. Sau khi gãi hậu môn, bé lại mút ngón tay, thế là lại đem trứng giun vào miệng, quá trình nhiễm trứng giun lại tái diễn. Trứng giun có khả năng đeo bám mạnh, có thể sống sót trên quần áo và khăn giường nhiều ngày, do đó rất dễ lây lan cho gia đình.

Ngứa hậu môn ban đêm là triệu chứng rõ rệt của giun kim. Khi bệnh trở nặng thì thành biếng ăn, ngứa ngáy vùng bộ phận sinh dục, đau rát khi đi tiểu. Ngược lại, nhiều trường hợp bị giun kim lại không có triệu chứng gì cả.

Phòng ngừa:

Rất khó ngăn ngừa trẻ nhỏ khỏi bệnh giun kim. Dậy bảo trẻ em rửa tay xà bông sau khi đi cầu và trước khi ăn.

Chữa trị:

-Tiệm thuốc tây có bán thuốc giun kim không cần thoa bác sĩ, nhưng không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi. Nếu bạn đang mang thai bạn cũng không thể uống thuốc giun kim.
-Trong ngày đầu uống thuốc thì cũng phải đem tất cả quần lót, quần áo ngủ, drap giường, mền chăn, khăn tắm... nhúng vào nước sôi và xà bông giặt để giết hết trứng giun. Dùng nước tẩy trùng chùi sạch sẽ phòng ngủ, toilet.
-Cắt móng tay cho trẻ em ngắn.
-Rửa tay xà bông thường xuyên, thay quần áo và quần lót hàng ngày.

Phải đi khám bác sĩ nếu:

-Chữa trị bằng thuốc tự mua không hết.
-Uống thuốc bị dị ứng.
-Thấy những dấu hiệu bệnh nặng thêm nói ở trên.

 

 

 

RÔM SẢY DO NÓNG (Prickly Heat, Sweat Rash, Heat Rash, Miliaria)

 

Xẩy ra do trời nóng hoặc quần áo mặc quá dày làm cho bé bị nóng. Vết đỏ như đầu kim hiện ra trên đầu, cổ, vai. Nên nhớ là bình thường thì tay chân em bé phải mát lạnh khi sờ vào. Nếu đặt tay vào giữa hai bả vai em bé mà thấy ấm nóng, ẩm ướt là bé bị nóng.

Nếu thấy sau 3 ngày mà rôm sảy nóng không bớt cần đưa bé đi bác sĩ.

 

 

 

 

BAN HỒNG (Roseola infantum-còn gọi Ban đỏ, Ban đào)

 

Là bệnh nhiễm khuẩn nhẹ thường bắt đầu với cơn sốt cao bất ngờ (từ 38.4oC tới 39.5oC lấy ở nách). Sốt kéo dài 2-3 ngày. Khi sốt bắt đầu hạ thì rôm sảy màu hồng xuất hiện ở ngực, cổ, tay. Rôm sảy có thể kéo dài 1-2 ngày.

Vì sốt khá cao và đến rất nhanh, trẻ có thể lên kinh giật.

Ban Hồng xẩy ra phổ biến ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, nhưng sau 4 tuổi thì hiếm khi xẩy ra.

Chữa trị: cho bé uống thuốc hạ sốt (acetaminophen hay ibuprofen) và uống nhiều nước.

 

 

TÓM TẮT NHỮNG LOẠI DA NỔI NGỨA CỦA TRẺ EM

Triệu chứng biểu hiệnCó thể là do
Chấm đỏ giống như mụn, sau đó trở thành mụn nước, đi kèm với sốt.Trái rạ (thủy đậu-Chicken pox)
Rôm sảy khu vực môngBí tã (Diaper rash)
Chấm đỏ hoặc hồng trên đầu, cổ, vai của trẻ sơ sinh.Rôm sảy do nóng hầm (Prickly heat, Heat rash, Sweat rash, Miliaria)
Sốt cao đột ngột, sau khi sốt hạ thì rôm sảy màu hồng xuất hiện ở ngực, tay, cổ.Ban hồng (Roseola)
Sốt rồi mụn nước xuất hiện ở miệng, lưỡi, ngón tay, bàn tay, chân.Bệnh tay-chân-miệng (Hand-foot-mouth disease)

 

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753938