MỤN TRỨNG CÁ

Tiếng Anh có nhiều từ để gọi mụn trứng cá như Acne, Pimple, Blackhead. Mụn xẩy ra khi tuyến nhờn dưới da bị nghẹt, chất cặn bã và vi trùng không thoát ra ngoài mà bị tích tụ lại dưới da. Tuổi mới lớn hay có mụn và kéo dài đến khi trưởng thành.

Nhiều phụ nữ bị mụn trước khi kinh kỳ. Căng thẳng và thuốc ngừa thai cũng làm mụn nhiều hơn. Trái với suy nghĩ thông thường, thức ăn nhiều dầu mỡ như chocolat và các loại hạt có dầu không làm cho mụn nhiều hơn.

 

Mụn trứng cá có tổng cộng 7 loại:

 

* Loại không gây viêm sưng:

 

1-Mụn đầu đen (blackhead)

 

 

2-Mụn đầu trắng (whitehead)

 

3-Mụn đầu xám (sebaceous filaments)

 


*Loại gây viêm sưng:


4-Mụn Papules

 

5-Mụn Pustules

 

6-Mụn Nodules

 

7-Mụn Cysts

 

 

Tình trạng mụn được phân loại 3 cấp độ như sau:

-Nhẹ: nếu ít hơn 20 mụn đầu trắng/đầu đen, ít hơn 15 mụn papules/pustules hay ít hơn 30 cysts.

-Trung bình: từ 20 đến 100 mụn đầu trắng/đầu đen, từ 15 đến 50 papules/pustules, từ 30 đến 120 cysts.

-Nặng: cao hơn số này.

 

Ngăn ngừa và trị:

-Dùng xà bông loại dịu nhẹ (tỷ dụ Dove, Aveeno, Cetaphil, Neutrogena) hay có chứa Benzoyl Peroxide để rửa mặt. Những xà bông có quá nhiều mùi thơm hóa chất dễ làm khô da. Rửa mặt ít nhất một lần mỗi ngày nhưng đừng chà xát mạnh hoặc làm măt quá khô.

-Ăn nhiều rau củ trái cây và phải để ý xem loại đồ ăn nào làm cho mình dễ nổi mụn để tránh.

-Không đụng chạm vào khu vực có mụn.

-Không nặn mụn vì có thể gây ra nhiễm trùng và sẹo.

-Bôi kem Benzoyl Peroxide (mua không cần toa bác sĩ và chứa không quá 5%) lên mụn. Bôi một lớp mỏng sau khi rửa da khoảng nửa giờ. Có thể phải mất 2 tháng mới có hiệu quả và có thể gây ra khô đỏ da.

-Dùng kem da và mỹ phẩm loại gốc nước (water-based lotions) vì chúng không làm tắc lỗ chân lông.

 

BỆNH MẶT ĐỎ (Rosacea)

 

Là bệnh da mãn tính gây ra những vùng đỏ, lằn đỏ và mụn trên mặt, cùng cảm giác ngứa bỏng trong mắt. Thường bị hiểu lầm là mụn trứng cá. Nếu không chữa trị, bệnh trở nặng, tạo ra những u lớn trên mũi và mặt và gây nguy hại cho mắt.

Những người nước da trắng, hay đỏ mặt vì e thẹn hay rượu bia thì dễ mắc bệnh này. Di truyền cũng là một nguyên nhân.

Người bị bệnh này dễ bị triệu chứng khi gặp đồ ăn cay, rượu bia, trời quá nóng hay quá lạnh, vận động quá sức hay tiếp xúc với hóa chất.

Khi bạn bị bệnh mặt đỏ thì cố tránh những tác nhân gây bệnh. Kem kháng sinh hoặc tia laser cũng có thể làm giảm bớt sắc đỏ trên mặt.

 

 

 

BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA hay CHÀM (Atopic dermatitis or Eczema)

 

Người có bệnh suyễn hay bị dị ứng thường mắc bệnh này. Bệnh gây ra những sảy ngứa đỏ làm chẩy nước trong. Sảy này trở thành mụn nước, vỡ ra rồi đóng sẹo. Mụn nước dễ bị nhiễm trùng. Còn có tên khác là Eczema (chàm).

Ở trẻ em, bệnh xuất hiện ở mặt, đầu, cánh tay, đùi và ngực. Trẻ sơ sinh bị nặng hơn trẻ 5-6 tuổi. Khi đến tuổi teen (12 trở lên) thì trẻ không còn bị bệnh này.

Ở người lớn, bệnh biểu hiện ở cổ, cùi chỏ và đầu gối.

Chữa trị:

Giữ cho da ẩm ướt là biện pháp quan trọng để chữa bệnh.

-Lúc tắm dùng xà bông loại nhẹ, thân thiện với da, không làm khô da.
-Mùa đông vặn lò sưởi ấm thì không để không khí trong nhà quá khô. Phải dùng máy phun hơi ẩm.
-Tránh tiếp xúc hóa chất hoặc các tác nhân gây ngứa.
-Không dùng chất làm mềm vải (fabric softner) lúc giặt quần áo.
-Dùng kem trị eczema có bán tại các tiệm thuốc tây.

 

 

 

CHAI SẦN TRÊN DA (Callus/Corns)

 

Phần da tiếp xúc với ma sát và đè nén thường xuyên sẽ trở nên chai sần. Chai sần ở gan bàn chân, gót chân và tay thì gọi là Calluses còn ở trên ngón chân và có dạng tròn thì gọi là Corns.

Nếu chai sần làm đau thì ngâm chân tay trong nước ấm rồi dùng đá mài da (pumice stone) chà xát cho lớp da dầy bong ra. Có thể phải làm vài lần mới hết phần da sần.

Không nên cắt hoặc đốt chai sần da. Tiệm thuốc tây có bán kem hoặc cao dán trị chai sần da không cần toa bác sĩ.

Nếu bạn bị bệnh Tiểu đường hoặc Mạch vành (Peripheral vascular disease) thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tìm cách chữa chai sần da.

 

 

PHỒNG DỘP TRÊN DA (Blister)

 

Ma sát thường xuyên trên da cũng tạo ra phồng dộp, tỷ dụ đi giày chật. Nếu vết phồng dộp lớn thì bên trong hay có nước.Trong trường hợp này cần:

-Lau mũi kim bằng cồn.
-Lấy kim chích chỗ phồng dộp cho nước chẩy ra.
-Rửa chỗ phồng dộp với nước và xà bông.
-Bôi kem kháng sinh rồi dùng băng keo y tế băng lại.
-Ban đêm thì tháo băng ra để chỗ phồng dộp được khô.
-Thay băng keo y tế ngày một lần.

 

 

 

NHỌT LÔNG (Boil)

 

Là chỗ mụn đỏ, sưng và đau dưới da, gây ra bởi lỗ chân lông bị nhiễm trùng. Vi trùng tạo ra một túi mủ dưới lỗ chân lông. Nhọt lông xẩy ra ở những vùng có lông hay vùng da bị cọ sát. Tỷ dụ mặt, cổ, nách, ngực, háng và mông.


Ngừa:

-Giữ sạch sẽ những vùng nói trên.
-Không mặc quần áo quá chật.


Chữa trị:

-Không gãi vùng có nhọt.
-Rửa khu vực bị nhót bằng xà bông kháng trùng (anti-bacterial soap).
-Đắp khăn nóng lên vùng bị nhọt 20-30 phút, 4 lần mỗi ngày.
-Sau khi nhọt vỡ mủ, tiếp tục đắp khăn nóng 3 ngày. Dùng băng keo y tế dán lên vùng nhọt, thay mỗi ngày cho đến khi nhọt lặn hoàn toàn.

 

 

 

LỞ TRONG MIỆNG (Canker sore)

 

Lý do gây ra lở trong miệng có nhiều và mặc dù tiệm thuốc tây có bán kem bôi trị lở miệng nhưng trong vòng 7 đến 10 ngày dù không bôi thì vết lở tự lành.

Để tránh lở miệng thì tránh làm tổn thương miệng bằng cách nhai kỹ đồ ăn, không dùng bàn chải răng cứng, không ngậm tăm xỉa răng.

Lúc đang lở miệng thì tránh cafe, thức ăn cay mặn, chocolate, trái cây chua. Có thể xúc miệng với thuốc nước có chứa chất antacid như Maalox, Mylanta.

 

 

VẾT BỚT hay VẾT CHÀM (Birthmark)

 

Là những vết da màu xậm hơn là da thường, ngay từ lúc sinh ra đã có. Màu của chúng đi từ hồng nhạt đến tím xậm. Đa số là vô hại. Theo thời gian chúng có thể mờ nhạt đi hoặc lan rộng ra hoặc dầy lên. Có thể phân làm 3 loại:

1-Macular stain
Còn gọi là mảng cá hồi (salmon patches) nụ hôn thiên thần (angel kisses) hay vết cò cắn (stork bites). Là những vết hồng nhạt xuất hiện ở môi trên, mi mắt, trán, đàng sau cổ. Thường biến mất vài tháng sau.

2-Hemangiomas
Là những cụm gân máu mềm màu đỏ hay xanh. Xuất hiện khi mới sinh hoặc vài tháng sau. Thường biến mất khi trẻ đạt 9 tuổi.

3-Port-wine stain
Là vết bớt màu đỏ đậm như rượu nho thường xuất hiện trên đầu và mặt. Loại bớt này cố định, màu trở nên đậm hơn khi lớn lên. Có thể được chữa trị bởi bác sĩ chuyên về da để ngăn chăn bị lan rộng.

Cựu lãnh tụ Liên Xô Gorbachev có vết Port-wine này trên trán.

 

 

 

LỞ LẠNH (Cold sore)

 

Là vết lở nhỏ màu đỏ xuất hiện trên môi và vành miệng, khác với Canker sore là vết lở trong miệng. Thường sau vài ngày thì những mụn lở này chảy nước trong và khô mặt.

Đôi khi Lở lạnh bị nhầm lẫn với bệnh chốc lở Impetigo, vốn thường xuất hiện giữa mũi và môi trên và chẩy ra nước đục màu mật ong chứ không phải nước trong.

Lở lạnh gây ra bởi siêu vi khuẩn Herpes. Vi khuẩn này nằm trong cơ thể sau khi bị lây nhiễm lần đầu rồi sẽ phát tác khi cơ thể suy yếu, tỷ dụ như cảm, sốt, căng thẳng thần kinh hay lúc có kinh nguyệt. Nhưng cũng có khi chúng phát tác mà không có nguyên nhân rõ rệt.

Chữa trị:

-Chườm đá hoặc khăn lạnh lên vết lở 3 lần mỗi ngày.
-Có thể bôi kem vitamin E, nha đam (aloe vera) lên vết lở để bớt khô nứt.
-Bôi kem môi như Blistex lên môi.
-Trong vòng 7 đến 10 ngày thì vết lở sẽ tự lặn.

 

 

VẨY NẾN (Psoriasis)

 

Là bệnh da kinh niên. Tạo ra những mãng da sần đỏ, trên mặt có một lớp màu trắng bạc có vảy. Thường xuất hiện ở đầu gối, cùi chỏ, đầu và lưng, móng tay, bàn tay, lòng bàn chân. Bệnh này cũng gây ra một loại viêm khớp xương.

Những mảng da sần này (plaque) là những lớp da chết, tích tụ nhiều lớp nên dày lên. Tế bào da của người bình thường được tái tạo sau 28 ngày nhưng người bệnh Vảy nến có tế bào da tái tạo sau 3-6 ngày.

Bệnh Vảy nến có thể tự hết và không gây truyền nhiễm. Một số có thể được chữa trị bằng cách bôi kem Hydrocortisone thường xuyên. Phơi vùng da sần dưới ánh nắng mặt trời có thể làm giảm bớt bệnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh Vảy nến có nhiều: nhiễm trùng da, căng thẳng, thiếu sinh tố D, hậu quả của rượu và thuốc lá.

Nếu bệnh lan rộng trên cơ thể bạn cần gặp bác sĩ.

 

 

 

DA KHÔ NGỨA

 

Người ở xứ lạnh rất hay bị da khô trong mùa đông. Lý do là vì trong mùa đông nhà hay vặn máy sưởi ấm làm không khí bị khô, đồng thời tắm nước nóng làm mất đi chất dầu tự nhiên trên mặt da.

Ngừa và trị:

-Dùng máy phun hơi nước để duy trì độ ẩm trong không khí trong nhà.
-Không nên tắm nước quá nóng.
-Không nên ngâm nước nóng quá lâu.
-Dùng xà bông có độ ẩm cao như Dove, Cetaphil.
-Bôi kem ẩm da sau khi tắm.
-Không nên gãi mạnh nếu ngứa da. Tránh mặc vải len hoặc acrylics trực tiếp trên da.

 

NẤM DA (Fungal infection)

 

Nấm da thường xuất hiện ở những vùng ẩm ướt và ấm như giữa các ngón chân, háng, nách, đầu tóc và móng tay. Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, bệnh nấm da còn được gọi là Lang Ben. Ở phương Tây, bệnh có vài tên gọi tùy theo vị trí trên cơ thể:

 

-Athlete's foot (chân lực sĩ): xuất hiện ở chân. Ngứa ngáy, nứt nẻ, dộp nước, tróc da giữa các ngón chân và lòng bàn chân.


 

 

-Jock itch (ngứa quần lót): xuất hiện ở khu vực háng và đùi trong, gây ngứa đỏ, ẩm ướt, chẩy nước đục hoặc nước trong. 


 

 

-Ringworm (sâu nhẫn): xuất hiện trên da, trong tóc, ngón tay, móng tay, móng chân.
Ở trên da, ringworm tạo ra những mảng da với vành tròn đỏ, có mụn nước, rất ngứa. Ở trên đầu tóc, ringworm tạo ra những vùng không tóc, có vảy, đỏ , sưng, có mụn nước. Ở trên móng tay móng chân, ringworm làm cho móng ngả vàng, nứt nẻ, dầy lên hoặc mỏng đi. Ringworm rất khó trị.

 

 

 

 

Ngừa bệnh:

-Giữ cho chân sạch, mát và khô. Sau khi tắm phải lau khô giữa các ngón chân.
-Nên đi giày dép bằng da giúp cho chân có thể thở được và nên đi vớ bằng vải bông gòn (cotton) vì vải này thấm mồ hôi chân. Có thể dùng baby powder (bột khô da em bé) vào chân hoặc rắc trong giày. Nên có nhiều đôi giày để cho mỗi đôi được nghỉ 24 tiếng rồi mới mang lại.
-Giữ vùng háng khô và sạch, nhất là sau khi vận động. Quần lót bằng vải cotton để rút mồ hôi và tránh mặc quần và vớ chân quá chật.
-Không dùng chung mũ, lược, bàn chải, khăn tắm.
-Không ôm vuốt chó mèo bị những chỗ rụng hói lông trên da.

Chữa trị:

Tiệm thuốc tây có bán những loại thuốc kem, thuốc bột, thuốc nước trị nấm da (anti-fungal cream/powder/lotion). Không nên dùng kem Hydrocortisone cho nấm da.
Nếu chữa trị tại nhà không hết sau 1 tháng thì cần đi gặp bác sĩ.

 

BỆNH GIỜI LEO (Shingles hay Herpes Zoster)

 

Là sự phát tác của vi khuẩn bệnh Thủy đậu (chicken pox) vẫn còn tiềm ẩn trong cơ thể nhiều năm sau khi bệnh Thủy đậu đầu tiên xuất hiện. Siêu vi khuẩn này thường tấn công một hoặc hai dây thần kinh lớn bắt nguồn từ cột sống, gây đau đớn và những mảng sảy ngứa trên mặt, ngực, bụng. Sảy này sẽ phồng nước rồi vỡ ra thành vẩy và tróc lành lại trong vòng vài tuần.

Không rõ rệt lý do làm siêu vi khuẩn phát tác trở lại. Bất cứ ai đã bị Thủy đậu lúc còn nhỏ đều có khả năng bị Giời Leo sau này. Nhưng người già và người có hệ thống miễn nhiễm yếu thì có khả năng bị nhiều hơn. Những người có hệ thống miễn nhiễm yếu là những người đã thay tủy, thay nội tạng, bị ung thư và bị bệnh Liệt kháng (HIV). Hiện nay các tiệm thuốc tây ở Canada như Costco, London Drugs, Shoppers Drug Mart v.v. đã có thuốc chích ngừa Giời Leo cho những người lớn đã từng bị Thủy đậu. Tuy nhiên bạn phải có toa bác sĩ mới mua được thuốc chích ngừa này và phải trả tiền túi chứ y tế tỉnh bang BC chưa chi trả. Ngoài ra, mức độ hiệu quả ngăn ngừa bệnh chỉ có 60%.

Người chưa bao giờ bị Thủy đậu nếu bị lây nhiễm người bị Giời Leo thì sẽ mắc bệnh Thủy đậu.

Nếu nghi ngờ bị Giời Leo thì lập tức gặp bác sĩ, vì chữa càng sớm càng mau lành bệnh.

Hình dưới đây là những mụn nhọt Giời Leo lúc đang phát tác và khi đã vỡ nước và khô mặt.

 

 


MỀ ĐAY (Hives/Wheals/Welts)

 

Mề Đay là một loại dị ứng da, là phần da đỏ ngứa, nổi cộm lên. Có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày.

Nguyên nhân dị ứng có nhiều. Tỷ dụ nếu bị côn trùng cắn thì chỉ nổi một mề đay chổ cắn. Nhưng nếu nổi cả một vùng thì đó là phản ứng của da với thức ăn, thuốc tây, hoa cỏ, mỹ phẩm v.v.

Có rất nhiều loại thuốc trị dị ứng bán ở tiệm thuốc tây không cần toa bác sĩ.

  

 

 

CHÍ TÓC (Lice) và GHẺ DA (Scabies)

 

Chí vừa ăn da vừa hút máu. Chí sống ở những vùng có lông trên cơ thể như tóc, nách, mi mắt và bộ phận sinh dục. Nếu ở bộ phận sinh dục thì còn gọi là Crabs. Chí lây lan qua quần áo, chăn chiếu, bàn chải, lược và giao hợp (sex).

 

 

Ghẻ là những con rận rất nhỏ đào hang sống dưới da, đẻ trứng rồi sinh sôi nẩy nở. Người bị ghẻ cảm thấy rất ngứa ngáy chính là do hoạt động đào hang của ghẻ. Ghẻ thích tập trung ở giữa những ngón tay, giữa những ngón chân, cổ tay, nách, háng.Giống như chí, ghẻ lây lan qua chăn mà, áo quần, khăn tắm.

 

Thuốc trị chí và ghẻ đều có bán ở tiệm thuốc tây, đi kèm chỉ dẫn cách sử dụng. Điều quan trọng là không những phải giết chí và ghẻ trên cơ thể mà còn phải giết chúng nơi chúng sinh sống là áo quần, giường chiếu chăn màn, khăn tắm v.v. bằng cách luộc trong nước sôi.

 

UNG THƯ DA (Skin cancer)

 

Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất, gây ra bởi tia nắng mặt trời. Dân da trắng dễ bị ung thư da hơn dân da màu.

Đa số ung thư da là loại lành tính, không gây ra tử vong. Loại ác tính gây tử vong gọi là Melanoma. Có thể nhận ra loại Melanoma bằng những dấu hiệu như:

-Melanoma thường có chẩy máu và thường là những vết lở da không chịu lành.
-Melanoma thường có khuynh hướng phát triển chậm.

Ung thư da lành tính chữa rất dễ dàng khi phát hiện sớm và ngay cả khi ung thư ác tính phát hiện sớm thì cũng dễ dàng cắt bỏ.

Hình dưới đây là những loại ung thư da ác tính.

 

Hình dưới đây là ung thư da lành tính.

 

Ngừa:
-Phải dùng kem chống nắng khi phơi nắng lâu ngoài trời.
-Phải chú ý đến những vết bớt, nốt ruồi, mụn, chỗ phồng ..có vẻ khác thường đặc biệt trên cơ thể để báo cáo bác sĩ.
-Theo nguyên tắc ABCD sau đây:


*Asymmetrical shape: nếu chúng không có hình tròn, hình vuông cân đối mà là hình dị dạng, một bên này khác với phía bên kia.
*Border irregularity: viền ngoài của chúng không liền lạc mà như vết cắt răng cưa hay loang lổ.
*Color not uniform: màu sắc không đồng bộ, mà có những sắc khác nhau như đỏ, đen, trắng, xanh pha trộn.
*Diameter: đường kính. Nốt ruồi bình thường không to hơn đuôi cây viết chì. Nếu to hơn là có khả năng nốt ruồi ung thư.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như đóng vảy, chảy nước dịch, thay đổi hình dạng, ngứa ngáy và đau.

 

PHỎNG NẮNG (Sunburn)

 

Bình thường phỏng nắng chỉ gây ra lột da nhưng để phỏng nắng nhiều lần thì có khả năng đưa đến ung thư da.

Ngừa:

-Dùng kem chống nắng (sunscreen) có dấu hiệu SPF càng cao càng tốt. Tối thiểu là 15. Hoặc là kem chống nắng có nhãn hiệu "Broad spectrum". Người già và trẻ em phải dùng tối thiểu SPF 30. Em bé dưới 6 tháng không cho tiếp xúc với nắng.
-Phải bôi kem 30 phút trước khi ra nắng. Bôi toàn bộ phần da tiếp xúc với nắng.
-Một lần bôi chỉ bảo vệ da 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó phải bôi lại. Nếu tắm hay chẩy mồ hôi nhiều thì phải bôi thường hơn.

 

MỤT CÓC (Warts)

 

Mụt cóc gây ra bởi siêu vi trùng, không nguy hiểm nhưng khó chịu. Có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cơ thể.

 

-Mụt cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn (genital and anal warts): gây ra theo đường tình dục. Còn gọi là Xùi Mào Gà hay Mồng Gà. Một số loại có thể gây ra ung thư cổ tử cung cho đàn bà. Gây ra bởi siêu vi khuẩn HPV.


 

-Mụt cóc ở lòng bàn chân (plantar warts): rất khó chịu, làm cho bạn có cảm giác như bước trên sỏi.


 

 

-Mụt cóc phẳng (flat warts): thường trên mặt, đùi, tay. Không cộm tròn như các loại kia mà dẹt hơn.


 

-Mụt cóc Filiform: dài và hẹp như một mớ chỉ, chỉ rộng khoảng 1-3mm, trên mặt, mi mắt hoặc mũi.

 

Mụt cóc có thể đến rồi đi bất chợt, vì là phản ứng với thay đổi trong hệ miễn nhiễm. Chúng có thể kéo dài một tuần, một tháng hoặc nhiều năm. Có người dễ bị mụn cóc hơn người khác.

Chữa trị:

-Tiệm thuốc tây có bán thuốc trị mụn cóc có chứa Salycylic Acid, không cần toa bác sĩ. Có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng mới chữa hết.
-Có thể dùng băng keo y tế không thấm nước quấn 5 lớp quanh mụn cóc trong 5 ngày, rồi lấy ra trong 12 tiếng đồng hồ rồi lại quấn tiếp 5 ngày, tiếp tục làm cho đến khi mụn cóc bong ra.
-Chà xát mụn cóc bằng Đá Mài Da (pumice stone) bán ở tiệm thuốc tây. Phải cẩn thận vì lớp da chết từ mụn cóc có thể gây truyền nhiễm vì có chứa siêu vi khuẩn, tương tự như cục đá mài. Rửa tay sạch sẽ với xà bông sau khi làm xong.
-Không cắt hoặc đốt mụn cóc.
-Mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn phải được chữa trị bởi bác sĩ.

 

RỤNG TÓC

 

Rụng tóc là một trong những thay đổi trong quá trình lão hóa. Nhưng nếu chưa già mà đã rụng tóc nhiều thì là hậu quả của một căn bệnh nào đó, tỷ dụ như bệnh về Tuyến giáp trạng (nội tiết) hay bệnh về hệ miễn dịch Lupus.

Cần báo cho bác sĩ trong trường hợp rụng tóc nhiều bất ngờ hoặc sau khi uống loại thuốc gì đó.

 

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca

 

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved