BỆNH TIÊU HÓA VÀ ĐƯỜNG TIỂU
Nguyên nhân của bệnh tiêu hóa và đường tiểu khó xác định. Nhưng nói chung là đa số bệnh tiêu hóa và đường tiểu không trầm trọng, có thể chữa tại nhà.
TRIỆU CHỨNG
|
NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ LÀ |
Nôn mửa, buồn nôn | Viêm gan(hepatitis), phản ứng thuốc tây |
Đi tiêu lỏng, nhiều lần | Tiêu chẩy, ngộ độc thức ăn, cúm dạ dày(stomach flu), thuốc kháng sinh. |
Phân khô, khó đi ra | Táo bón |
Phân đen hoặc có máu | Tiêu chảy, mụn nhọt trong hậu môn. |
Đau bụng lúc đi cầu, phân có máu đỏ tươi | Trĩ, trầy rách hậu môn, táo bón. |
Đau bụng kèm nôn mửa, sốt | Sưng ruột thừa, nhiễm trùng đường tiểu, mụt nhọt buồng trứng, sạn mật, sạn thận. |
Đầy hơi và tiêu chẩy hoặc đầy hơi và bón | Hội chứng đường ruột không ổn định (irritable bowel syndrome) |
Khó chịu phần bụng trên | Ợ nóng, mụt nhọt, đau ngực |
Đau bụng dưới và đau lưng dưới trước kinh kỳ | Vọp bẻ kinh kỳ, mụt nhọt buồng trứng |
Đau một bên bụng dưới khi đang mang thai | Thai ngoài tử cung |
Đi tiểu đau rát | Nhiễm trùng đường tiểu, sạn thận, nhiễm trùng tuyến tiền liệt (nhiếp hộ tuyến), bệnh hoa liễu |
Đi tiểu khó và nước tiểu chẩy yếu | Sưng tuyến tiền liệt (nhiếp hộ tuyến) |
Tiểu sót, tiểu không kiểm soát được | Bọng đái mất kiểm soát |
Máu trong nước tiểu | Nhiễm trùng đường tiểu, sạn thận |
Sưng vùng háng nhưng không đau rồi tự hết | Sa ruột (hernia) |
Bụng cứng hoặc sưng căng | Sưng ruột thừa, sốc |
1-Đau bụng
Cần xem là đau cả bụng hay đau một vùng riêng của bụng.
Đau cả bụng được xem như đau hơn nửa bụng, thường là hậu quả của nhiều bệnh khác nhau, đa số sẽ hết mà không cần chữa trị. Ợ nóng (heartburn) và Cúm dạ dày (stomach flu) thường sinh ra đau cả bụng. Đau thắt cơ bụng (cramping) không nguy hiểm nếu như đánh rắm (địt) hay đi tiêu làm bớt đau. Đàn bà có kinh thường đau thắt cơ bụng.
Đau một vùng bụng thì đáng lo hơn. Nếu nó kéo dài hoặc trở thành đau nhiều hơn khi ta di chuyển hoặc ho thì có thể là dấu hiệu của một bệnh nội tạng, tỷ dụ Sưng ruột thừa, Mụt nhọt buồng trứng, Đau túi mật, tuyến tụy (pancreas) v.v.
Nếu đau bụng kéo dài vài ngày thì cần đi gặp bác sĩ và mô tả rõ đau cả bụng hay vùng nào của bụng. Còn chỉ ngắn hạn thì nằm nghỉ, uống nhiều nước, ăn đồ ăn nhẹ, tránh đồ chua cay, mỡ màng, không ăn trái cây và uống bia rượu, café.
2-Sưng cuống ruột thừa (Appendicitis)
Cuống ruột thừa là một túi nhỏ ở cuối ruột già. Khi nó bị nhiễm trùng hoặc sưng đau thì phải mổ, nếu không nó vỡ ra sinh nhiễm trùng toàn ổ bụng.
Triệu chứng sưng ruột thừa là:
-Đau quanh rốn hoặc trên rốn một chút. Sau đó đau chuyển qua phía dưới phải của rốn, đau hơn khi đi bộ hoặc ho.
-Không thèm ăn, ói mửa, táo bón.
-Nóng lạnh
3-Táo bón
Một hiểu lầm thông dụng là rất nhiều người nghĩ rằng người tiêu hóa lành mạnh phải đi cầu mỗi ngày. Thật ra thì không phải như vậy. Có người đi mỗi ngày một lần, nhưng nếu một ngày đi ba lần thì không phải là tiêu chảy mà ba ngày đi một lần cũng không hẳn là táo bón. Vấn đề không phải là bao nhiêu lâu đi một lần mà là phân có bình thường hay không.
Được coi là táo bón khi phân khô và khó tống ra ngoài. Có thể táo bón đi kèm với đầy hơi và buồn nôn. Khi bị táo bón, hậu môn dễ bị trầy rách làm cho phân có máu. Khi hết táo bón thì hết chẩy máu.
Nguyên nhân của táo bón là ăn uống khô khan và không đủ chất xơ (fiber), thiếu hoạt động, phản ứng thuốc tây hoặc bệnh đường ruột không ổn định. Trong tiệm thuốc tây có bán nhiều loại thuốc xổ để trị táo bón. Khi bị táo bón nên uống nhiều nước và ăn chuối, ăn xúp hay cháo.
Không nên uống thuốc xổ lâu hơn 2 tuần lễ mà không có ý kiến bác sĩ.
Đối với trẻ em dưới 10 tuổi bị táo bón và đau hậu môn, có thể cho nằm trong bồn tắm, pha baking soda (bicarbonate de soudre) vào nước ấm. Nếu vẫn không hiệu quả thì nhét viên dầu nhờn glycerine vào hậu môn.
4-Tiêu chẩy
Định nghĩa của người thường là tiêu chẩy là đi phân lỏng, nhiều nước. Nhưng giải thích theo y khoa là tiêu chảy xảy ra khi ruột già đẩy phân ra ngoài trước khi cơ thể kịp thu hồi nước trong phân. Người bị tiêu chảy có thể cũng bị đau cứng bụng và buồn ói.
Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân như thức ăn không tiêu, ngộ độc thực phẩm, uống nước ô nhiễm, cúm dạ dày, đường ruột không ổn định, thuốc kháng sinh, đường sorbitol, thuốc xổ quá liều. Đối với một số người, xúc cảm quá độ hoặc căng thẳng cũng gây ra tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy phải ngưng ăn, chỉ uống nước từng ngụm nhỏ. Chỉ nên uống thuốc tiêu chảy 6 tiếng sau khi bị tiêu chảy và ngưng ngay khi phân cứng lại.
Trong vòng 24 tiếng đầu chỉ nên ăn thức ăn lành như cơm, bánh cracker, bánh mì khô. Tránh đồ cay, rượu, café, trái cây, sữa.
5-Ợ nóng (Heartburn)
Ợ nóng nghĩa là nước từ dạ dày trào lên thực quản, tạo ra cảm giác nóng ấm dưới ngực. Có thể xẩy ra nhiều lần, nước chua đưa lên miệng. Tình trạng có thể kéo dài 2 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn. Trở nên tệ hơn khi nằm hoặc cúi xuống, đỡ hơn khi ngồi hoặc đứng.
Ợ nóng thì ai cũng bị, ít hay nhiều. Nhưng nếu xẩy ra thường xuyên thì đó là bệnh GERD (gastroesophageal reflux) nghĩa là bệnh acid dạ dày trào ngược. Bệnh này dẫn đến tổn thương thực quản và nếu acid chẩy vào phổi có thể đưa đến ung thư phổi. Vậy nếu bị thường xuyên thì nên đi khám bác sĩ.
Nhà thuốc có bán thuốc trị ợ nóng, nhưng muốn ngừa thì phải áp dụng như sau:
-Không nên ăn quá khuya. Không nên đi nằm ngay sau khi ăn.
-Tránh thức ăn dễ gây ợ nóng như chocolate, đồ mỡ màng chiên xào, đồ cay, rượu, café, thức uống có gas.
-Tránh mặc quần bó quá chật vùng eo.
Ợ nóng kéo dài hơn 2 tuần thì phải đi bác sĩ.
6-Sa Đì (sa lệch dạ dày/ruột) (Hernia)
Hiatal Hernia xẩy ra khi một phần của dạ dày trồi lên lồng ngực, dẫn đến ợ nóng.
Inguinal Hernia xảy ra khi một phần của dạ dày hay ruột sa xuống vùng háng. Bệnh này xảy ra ở đàn ông nhiều hơn đàn bà và có thể sa xuống tận bìu dái. Triệu chứng là:
-Nổi bướu ở háng hay bìu dái. Bướu này có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột sau khiêng nặng hoặc ho mạnh.
-Đau vùng háng hay bìu dái, đau hơn khi cúi xuống hoặc khiêng vác.
-Buồn ói, sưng bụng.
Nguyên nhân của bệnh Sa Đì có thể do khiêng vác nặng nhưng cũng có thể do một số người sinh ra có một điểm của thành bụng bị yếu, không nâng đỡ được dạ dày/ruột ở điểm đó khiến dạ dày/ruột sa xuống.
Umbilical Hernia xẩy ra cho em bé dưới 6 tháng, nhưng đa số là sẽ hết khi bé được 1 tuổi.
Incisional Hernia có thể xảy ra sau khi bạn giải phẫu bụng vì lý do gì đó.
Sa Đì có thể chỉ tạm thời nếu phần sa tụt lại vào trong sau đó nhưng cũng có thể là vĩnh viễn nếu phần bị sa kẹt ngoài thành bụng.
Cần đi gặp bác sĩ nếu phần sa không tụt lại vào trong hoặc bìu dái sưng đau hơn 1 tuần lễ.
7- Viêm gan (Hepatitis)
Bệnh Viêm Gan gây ra bởi vi khuẩn (virus) và có 3 loại Hepatitis A,B,C.
Vi khuẩn Hepatitis A được lan truyền do tiếp xúc với vi khuẩn bằng đường miệng. Tỷ dụ như cơ thể người làm đồ ăn có vi khuẩn thì vi khuẩn này sẽ đi vào trong đồ ăn hoặc trong bát đũa, người ăn sẽ bị lây nhiễm. Thường thì Vi khuẩn Hepatitis A sẽ tự biến mất không cần thuốc men, không gây ra bệnh trầm trọng lâu dài.
Vi khuẩn Hepatitis B sống trong máu và chất lỏng cơ thể như nước miếng, nước tiểu, tinh dịch. Thường thì bệnh lan truyền khi giao cấu tình dục nhưng cũng có thể do dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng. Mẹ có thể truyền vi khuẩn B cho con khi sinh con. Người trẻ tuổi bị nhiễm vi khuẩn B thì thường dễ phát bệnh viêm gan mãn tính, nhiều vấn đề với gan hơn người già bị nhiễm vi khuẩn B.
Vi khuẩn Hepatitis C nguy hiểm nhất và chủ yếu lan truyền qua máu. Những người chích ma túy dùng chung kim tiêm rất dễ bị hepatitis C. Vi khuẩn này gây tổn hại cho gan nhiều nhất.
Triệu chứng của Viêm gan hơi giống như bị cảm cúm, nghĩa là buồn nôn, nhức đầu, đau bắp thịt, mệt mỏi. Có người đau bụng phía trên bên phải. Bệnh vàng da (jaundice) có thể phát sinh, nghĩa là da và tròng trắng trong mắt trở thành vàng, nước tiểu sậm màu.
Vì triệu chứng của cả 3 loại Viêm gan giống như nhau, cho nên chỉ có thử máu mới xác định người bệnh bị loại nào.
Chỉ có thuốc chủng ngừa Viêm gan A và B, chú không có thuốc ngừa Viêm gan C. Nhưng khi bị Viêm gan C thì có thuốc giúp ngăn chặn virus không gây trầm trọng cho gan.
8- Đường ruột rối loạn (Irritable Bowel Syndrome)
Là một trong những bệnh tiêu hóa phổ thông. Những triệu chứng của bệnh gia tăng khi có căng thẳng hoặc sau khi ăn:
- Đau bụng, đầy hơi.
- Phân có nhớt.
- Cảm thấy như còn muốn đi cầu nhưng không đi được.
- Táo bón hoặc tiêu chẩy hoặc cả hai.
Nguyên nhân của bệnh Đường ruột không ổn định không xác nhận được. Bệnh có thể kéo dài nhiểu năm. Chu kỳ có thể thay đổi từ nhẹ qua nặng rồi từ nặng qua nhẹ.
Cũng không có cách gì để ngăn ngừa bệnh Đường ruột không ổn định, nhưng bệnh có thể giảm bớt tùy theo thức ăn, mức độ căng thẳng tinh thần, thuốc men chữa bệnh khác hoặc vận động cơ thể. Do đó, cần theo dõi để nhận ra cái gì làm bệnh nặng hơn, cái gì làm bệnh đỡ hơn để mà áp dụng.
9- Viêm ruột mãn tính (Crohn's Disease)
Bệnh này khiến một phần ruột sưng đau. Thường xảy ra tại cuối ruột non, đầu ruột già nhưng cũng có thể ở bất cứ đâu trong hệ tiêu hóa, từ miệng cho đến hậu môn, cho nên tên gọi Viêm ruột chỉ có nghĩa tương đối.
Dấu hiệu chính của bệnh là đau bụng, chẩy máu cuống ruột già, tiêu chảy. Táo bón, sốt và chán ăn cũng có thể đi kèm. Đi cầu nhiều lần và gấp rút.
Những biện pháp sau đây có thể ngăn ngừa bệnh Crohn's:
- Bớt ăn đường, sữa, rượu, thức ăn cay.
- Ăn theo chế độ lành mạnh bao gồm những thức ăn giàu chất sắt như thịt bò nạc, đậu lăng (lentils), rau spinach (cải bó xôi), nho, bánh mì và ngũ cốc.
- Chỉ nên dùng Acetaminophen để giảm sưng đau, không dùng Aspirin, Ibuprofen hoặc Naproxen.
Bệnh Crohn's cũng được coi là một phần của bệnh Đường ruột rối loạn. Khi thấy trầm trọng và kéo dài phải đi gặp bác sĩ.
10- Sạn mật (Gallstones)
Sạn, do mỡ cholesterol tạo nên, có thể tích tụ trong túi mật (gallbladder). Đa số người có sạn mật không có triệu chứng gì.
Nhưng đôi khi sạn mật tạo ra viêm sưng mật. Thường là một cảm giác đau cứng ở bụng trên bên phải rồi lan truyền vào giữa bụng hoặc vào lưng trên bên phải hoặc bả vai.
Cơn đau có thể trầm trọng, kéo dài vài giờ và có thể đi kèm sốt, nôn mửa.
Triệu chứng thường xảy ra ban đêm, cùng giờ.
Những người sau đây khi bị sạn mật thì có khả năng gây nguy hiểm: ăn nhiều đường mỡ, mập phì, thiếu vận động, tiểu đường.
Khi triệu chứng trở nên trầm trọng thì phải cắt bỏ túi mật.
11- Những vấn đề của Cuối ruột già (Rectum)
Đoạn cuối của ruột già là phần tiếp xúc với Hậu môn. Nhiều người bị ngứa, đau, chảy máu trong khu vực này đôi khi, nhưng thường thì không có hậu quả nghiêm trọng.
* Ngứa hậu môn
Ngứa hậu môn có thể do phân hoặc do giun kim nếu là trẻ em. Cafe và thức ăn cay có thể làm lớp màng bên trong cuống ruột già khó chịu gây ngứa hậu môn. Hậu môn không sạch cũng gây ngứa. Nhưng không nên dùng giấy vệ sinh lau chà quá mạnh hậu môn, có thể gây rách da. Cách tốt nhất là dùng nước lạnh rửa hậu môn, sau đó lau khô bằng khăn giấy.
* Trĩ (Sa trực tràng-Hemorrhoids)
Trĩ là mạch máu bị căng phồng và sưng, có thể nằm trong hậu môn (Trĩ nội) hoặc ngoài hậu môn (Trĩ ngoại). Những nguyên nhân gây ra Trĩ là vì táo bón thường xuyên phải rặn quá mạnh, hoặc mập phì, hoặc mang thai, ngồi quá lâu và đứng quá lâu. Trĩ khác với trầy sướt hậu môn (anal fissure) là chuyện không nghiêm trọng, dù cũng làm chẩy máu khi đi cầu.
Trĩ thường kéo dài vài ngày rồi hết, nhưng sẽ trở lại. Dấu hiệu trĩ là máu trong phân, chất nhờn rỉ ra từ hậu môn, ngứa hậu môn và cảm giác như buồn đi cầu dù không đi được. Trong trường hợp Trĩ ngoại (sa con trê), phải dùng ngón tay đẩy phần mạch máu sưng vào trong hậu môn.
Khi máu không đưa xuống con trĩ được (strangulated) thì rất đau và có thể cần phải mổ.
Tại nhà thuốc có bán các loại thuốc trị Trĩ. Khi đang bị cơn Trĩ thì nên mặc quần lót bằng vải cotton rộng rãi để làm khô ráo khu vực hậu môn. Ngoài ra nên chườm hậu môn bằng vải lạnh trong 10 phút, một ngày 4 lần.
Trĩ nặng thì cần phải mổ.
*Ung thư ruột già và cuối ruột già
Đây là 1 trong những bệnh ung thư phổ biến. Nếu phát hiện sớm thì chữa trị rất dễ thành công, nhưng cái nguy hiểm là rất khó phát hiện sớm, vì thường thường chỉ đến giai đoạn cuối thì những triệu chứng của ung thư ruột mới xuất hiện. Cho nên xét nghiệm thường xuyên là cách duy nhất để phát hiện ung thư ruột giai đoạn sơ khởi.
Những cách xét nghiệm ung thư ruột già là:
- Colonoscopy (soi ruột toàn bộ)
Trong xét nghiệm này, bác sĩ dùng một cái ống dài uốn dẻo và có gắn camera ở đầu để nhìn toàn bộ bên trong ruột già. Nếu phát hiện Polyps (mụn) trong ruột thì ống này cũng có gắn dụng cụ để cắt bỏ. Xét nghiệm này kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng, người đi khám nghiệm phải được gây mê. Xét nghiệm này là cách tốt nhất để tìm ra ung thư ruột nhưng cũng là cách tốn kém nhất.
- Sigmoidoscopy (soi phần cuối ruột)
Cũng tương tự như colonoscopy nhưng bác sĩ chỉ xem xét hậu môn và 1/3 cuối của ruột. Ống sigmoidoscopy dài 60cm, to bằng ngón tay út. Xét nghiệm này chỉ mất 15 phút, không gây ra nhiều khó chịu và rất an toàn.
- Tìm máu ẩn trong phân (Fecal occult blood test)
Xét nghiệm này phát hiện máu trong phân mà mắt thường không thấy được. Xét nghiệm này không tốn kém, có thể tự làm tại nhà, nhưng không phát hiện ung thư chính xác như soi ruột.
- Chiếu quang điện (Barium enema).
Người xét nghiệm được bơm chất lỏng chứa barium vào ruột, mục đích làm cho ruột hiện rõ ra dưới tia X-ray. Tuy nhiên xét nghiệm này không còn được dùng nhiều trong việc tìm ra ung thư ruột.
12- Cúm dạ dày và Ngộ độc thức ăn
Hai bệnh này thật ra khác nhau nhưng vì triệu chứng giống nhau nên nhiều người không phân biệt được.
Cúm Dạ Dày (stomach flu) gây ra bởi nhiễm Siêu vi khuẩn (virus) trong hệ thống tiêu hóa. Còn Ngộ độc thực phẩm (food poisoning) gây ra bởi một độc tố do Vi khuẩn (bacteria) sinh ra. Vi khuẩn sinh ra nhanh chóng khi thịt, sữa và các loại nước sốt không được bảo quản thích đáng hoặc bị giữ ở nhiệt độ từ 4oC đến 60oC, là nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn và có thể muộn đến 48 giờ. Ói mửa và tiêu chảy có thể kéo dài từ 12 đến 48 giờ.
Các biện pháp ngừa ngộ độc thực phẩm:
- Tủ lạnh chứa thức ăn nên được duy trì trong vòng từ 0oC đến 4oC.
- Xả đông thịt trong tủ lạnh hoặc trong lò vi sóng (microwave) chứ không nên xả đông bằng nhiệt độ trong phòng.
- Sau khi dùng tay để sửa soạn thịt sống thì nhớ rửa tay và dụng cụ làm bếp bằng xà bông trước khi dùng tay và dụng cụ làm bếp để sửa soạn các loại thức ăn khác.
- Tuyệt đối không xử dụng trứng gà sống.
Cúm dạ dày và Ngộ độc thực phẩm thường tự lành trong vòng 24 tới 48 tiếng.
13- Loét dạ dày (Gastric Ulcers)
Đa số lở loét xuất hiện trong dạ dày (gastric ulcer) hoặc phần trên của ruột non (duodenal ulcer).
Nguyên nhân của bệnh này mới được biết đây. Người ta tin rằng người bị loét bao tử thì cũng bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Nhưng không phải cứ bị nhiễm vi khuẩn này thì bị loét bao tử, mà còn phải có những yếu tố làm gia trọng thêm như:
- Uống thuốc gì đó
- Rượu bia và hút thuốc
- Căng thẳng thể xác như mổ xẻ.
Dùng thường xuyên Aspirin hoặc những loại chống sưng viêm như Ibuprofen, Indomethacin, Naxproxen sodium cũng có thể gây lở loét màng dạ dày và ruột non.
Triệu chứng bệnh loét bao tử tương tự như triệu chứng của những bệnh tiêu hóa khác. Đau như bỏng ở khu vực giữa rốn và xương ngực, xẩy ra khoảng giữa 2 bữa ăn và có thể làm bạn thức dậy nửa đêm. Ăn vào hoặc uống thuốc ợ chua có thể làm giảm đau. Loét bao tử cũng gây ra đầy bụng, ói mửa sau khi ăn.
Lở loét bao tử có thể gây chảy máu, khiến phân có màu đỏ xậm hoặc đen, hoặc làm nghẹt giữa dạ dày và ruột non, hoặc làm thủng thành dạ dày, gây đau đớn nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa lở loét bao tử cũng giống như những bệnh tiêu hóa khác đã đề cập phần trước. Cần gặp bác sĩ để chữa bệnh.
14- Máu trong nước tiểu
Máu trong nước tiểu do nhiều nguyên nhân:
- Thận chấn thương
- Sạn thận,
- Chạy quá độ
- Nhiễm trùng đường tiểu
- Ung thư
Tuy nhiên khi ăn hoặc uống thực phẩm và nước có màu đỏ hoặc một số thuốc tây cũng làm nước tiểu thành đỏ.
15- Tiểu Mất Kìm Giữ (Urinary Incontinence)
Còn gọi những tên khác như bệnh Són Tiểu hay Tiểu Dầm.
Có nhiều nguyên nhân, cho nên muốn chữa trị thì phải chữa nguyên nhân.
Thuốc lợi tiểu (diuretics), táo bón, nhiễm trùng đường tiểu, sạn bàng quang, có thai nhiều con (multiple pregnancy), mập phì là những nguyên nhân gây ra Tiểu Mất Kìm Giữ.
Có 3 loại Tiểu Mất Kìm Giữ:
* Mất kìm giữ do áp lực (Stress incontinence)
Một lượng nhỏ nước tiểu thoát ra khi đang tập thể dục, khi ho, cười lớn hoặc hắt hơi. Loại này đàn bà bị nhiều hơn đàn ông, nhưng đàn ông đã qua giải phẫu Tuyến tiền luyệt (prostate) cũng có thể bị. Nguyên nhân là phần cơ bắp giữ cho lỗ tiểu đóng lại đã không còn đủ cứng mạnh nên lỗ tiểu bị hở ra khi bị áp lực. Câu thành ngữ Vietnam "Cười té đái" chính là đề cập đến bệnh này chứ không phải là câu nói đùa.
* Mất kìm giữ do thôi thúc quá nhanh (Urge incontinence)
Xảy ra khi thời gian từ lúc thấy buồn tiểu đến lúc phải đi tiểu ra rất ngắn, không đủ thời gian để đi tới phòng vệ sinh. Nguyên nhân là Nhiễm trùng bàng quang (bladder), Tuyến tiền luyệt sưng to, Bướu đè lên bàng quang, bệnh Parkinson's, Đột quỵ (stroke) hay Mãn tính hệ thần kinh (Multiple sclerosis). Những bệnh này khiến cho Bàng quang trở thành quá nhậy cảm, không còn có thể chứa giữ nước tiểu lâu được.
* Mất kìm giữ do tiểu không hết sạch (Overflow incontinence)
Xảy ra khi lỗ tiểu bị nghẹt khiến đi tiểu không sạch hết nước tiểu, cho nên nước tiểu phải liên tục rỉ ra.
Cơ bắp sàn xương chậu không còn đủ cứng mạnh để giữ kín lỗ tiểu.
3 loại Tiểu không kìm hãm
Phòng ngừa và chữa trị bệnh TMKG:
- Cafe có chất kích thích bàng quang, do đó không nên uống cafe quá nhiều.
- Tập "tiểu kép". Sau khi đi tiểu xong, 1 phút sau lại ráng đi tiếp cho sạch hết nước tiểu trong bàng quang. Có thể tập đi tiểu theo một thời biểu cố định, tỷ dụ mỗi 2 tiếng.
- Mặc quần dễ cởi.
- Tìm hiểu xem đang uống thuốc gì gây ra đi tiểu nhiều, hỏi bác sĩ có thể thay thế loại khác.
- Nhà thuốc tây có bán tã lót cho người bị bệnh TKMKS.
- Tập phương pháp Kegel
* Phương pháp Kegel
Mục đích phương pháp này là tập cho cơ bắp vùng xương chậu được mạnh mẽ hơn để kiểm soát bàng quang.
- Xác định cơ bắp này bằng cách đang tiểu bỗng nín lại rồi lại tiểu tiếp.
- Tập co rút cơ bắp này trong lúc không đang đi tiểu. Nếu co rút cơ bắp này mà lại làm chuyển động bụng hoặc mông thì bạn không phát hiện đúng cơ bắp này.
- Co rút cơ bắp này 3 giây rồi buông lỏng 3 giây, tiếp tục như vậy từ 10 đến 15 lần. Tập như vậy mỗi ngày 3 lần.
16- Nhiễm trùng đường tiểu (Urinary tract infection)
Đường Tiểu bao gồm Thận, Ống dẫn tiểu, Bàng quang và Lỗ tiểu.
Thận lọc máu. Chất thải từ máu trở thành nước tiểu. Ống dẫn tiểu mang nước tiểu từ Thận đến Bàng quang. Bàng quang chứa nước tiểu, khi đầy thì khiến người ta đi tiểu ra qua Lỗ tiểu.
Nhiễm trùng đường tiểu bao gồm Nhiễm trùng bàng quang (Cystitis) và Nhiễm trùng thận (Pyelonephritis) gây ra bởi vi khuẩn thường có mặt trong hệ thống tiêu hóa. Đàn bà dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn đàn ông.
Triệu chứng của NTĐT là tiểu thấy rát và ngứa đau ngay lỗ tiểu. Nước tiểu đục hoặc có màu đỏ và mùi hôi. Có thể cảm thấy khó chịu ở bụng dưới hay lưng và lúc nào cũng buồn tiểu dù không tiểu ra được. Khi NTĐT nặng, đã lan tới thận thì sẽ kèm nóng lạnh.
Phòng ngừa:
- Đàn bà nên tập lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu, để tránh đem vi khuẩn từ hậu môn đến lỗ tiểu.
- Không nên dùng vòi rửa (douching) và tắm bồn xà bông nhiều. Không dùng chất khử mùi âm đạo (vaginal deodorants) hoặc những sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm.
- Rửa bộ phận sinh dục mỗi ngày bằng nước lạnh và xà bông nhẹ rồi giữ cho khô ráo.
- Uống nước trước khi giao hợp và đi tiểu sau khi giao hợp.
- Mặc quần lót bằng vải, không nên mặc quần quá ôm chặt.
- Nên ăn cranberry (man việt quất) và blueberry (việt quất), vì 2 loại trái cây này có tính năng phòng ngừa NTĐT.
Cần đi gặp bác sĩ khi bị NTĐT.
17- Sạn thận (Kidney stones)
Trong nước tiểu có nhiều khoáng chất, chính những khoáng chất này đã tạo ra sạn trong thận. Nguyên nhân chính của sạn thận là uống không đủ nước cho nên khoáng chất thay vì theo nước tiểu ra ngoài lại tích tụ trong thận.
Khi sạn trong thận ngăn không cho nước tiểu ra khỏi thận hoặc sạn trong ống dẫn tiểu ngăn nước tiểu đi xuống bàng quang thì bạn sẽ bị đau đớn.
Khi sạn thận từ thận theo nước tiểu đi ra ngoài thì bạn có những triệu chứng sau đây:
- Đau bên hông, vùng háng, bộ phận sinh dục đột ngột xuất hiện, trở nên tệ hơn trong vòng 15 đến 60 phút, rồi ổn định. Khi viên sạn ngưng không di chuyển thì bạn hết thấy đau tạm thời. Khi viên sạn lọt vào bàng quang thì cơn đau đột ngột biến mất.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Có máu trong nước tiểu.
- Đau lúc đi tiểu hoặc lúc nào cũng thấy buồn tiểu.
- Tiêu chảy, táo bón, không thèm ăn.
- Cơ thể khó chịu, không thấy được tư thế nào thoải mái.
Những viên sạn thận nhỏ thì tự thoát ra ngoài theo đường tiểu nhưng những viên lớn thì cần giải phẫu nếu không sẽ làm nghẹt đường tiểu.
Đi gặp bác sĩ ngay khi bạn tin là bạn đang bị sạn thận.
© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca