BỆNH NGỦ NGÁY NGƯNG THỞ (SLEEP APNEA)

 

Tổng quát

Có nhiều người ngáy khi ngủ nên ngáy lúc ngủ thường được coi không đáng lo ngại. Nhưng nếu bạn ngáy quá lớn, ngủ nguyên đêm mà sáng ra vẫn thấy người mệt mỏi và buồn ngủ suốt ngày thì có nhiều khả năng bạn bị bệnh Ngủ Ngáy Ngưng Thở, tiếng Anh gọi là Sleep Apnea. Đây lại là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Có 3 loại Sleep Apnea:

  • Obstructive Sleep Apnea (ngủ ngáy ngưng thở do vướng tắc)
  • Central Sleep Apnea (ngủ ngáy ngưng thở trung tâm)
  • Complex Sleep Apnea (ngủ ngáy ngưng thở phức tạp): phối hợp cả hai loại trên

 

Triệu chứng

  • Ngáy lớn
  • Ngưng thở một thời gian khi ngủ
  • Liên tục há miệng ngáp lấy không khí khi ngủ
  • Thức dậy thấy khô miệng
  • Nhức đầu buổi sáng
  • Không ngủ được liên tục, thức dậy nhiều lần
  • Buồn ngủ ban ngày (hypersomnia)
  • Khó tập trung suy nghĩ
  • Bức rức không yên (irritability)

 

Nguyên nhân trực tiếp

 

  • Obstructive Sleep Apnea: xẩy ra khi cơ bắp cuống họng bị dãn buông. Cơ bắp này chống đỡ phần vòm họng mềm (soft palate), lưỡi gà (uvula), a mi đan (tonsil), vách bên của cuống họng và lưỡi. Khi cơ bắp này buông dãn xuống, nó làm đường thở bị tắc nhỏ lại. Bạn sẽ không hút đủ không khí vào phổi, làm cho oxy trong máu bị hạ thấp. Não của bạn nhận ra bạn không thở được, nó sẽ đánh thức bạn dậy để bạn thở. Nhưng việc đánh thức bạn diễn ra rất ngắn, bạn không nhớ là mình bị thức giấc nhiều lần. Bạn ngáy, nghẹn thở rồi há miệng nuốt không khí. Quá trình này diễn ra từ 5 đến 30 lần mỗi giờ, suốt đêm, khiến cho bạn không có một giấc ngủ trọn vẹn thông suốt.

        

 

Hình trên là người bình thường: giữa lưỡi (tongue) và vòm họng mềm (soft palate) cũng như giữa vòm họng mềm và khí quản có khe hở cho không khí đi qua

Hình dưới là người bệnh sleep apnea: vòm họng mềm buông dãn xuống, đụng lưỡi và khí quản, ngăn không khí từ mũi và miệng đi qua khí quản.

 

  • Central Sleep Apnea: ít hơn loại trên, xẩy ra khi não không gởi tín hiệu đúng đắn lành mạnh đến cơ bắp kiểm soát hơi thở. Bạn bị ngưng thở trong một thời gian ngắn. Bạn bị thức dậy vì ngộp thở, không ngủ được hoặc ngủ không lâu rồi thức dậy.

 

Những yếu tố có thể dẫn đến bệnh Sleep Apnea

 

* Obstructive Sleep Apnea

  • Thừa cân
  • Cổ quá lớn
  • Cổ họng nhỏ bé bẩm sinh. Amidan cũng có thể bị nở lớn cản trở khí quản.
  • Đàn ông dễ bị sleep anea hơn đàn bà.
  • Lớn tuổi
  • Di truyền gia đình
  • Dùng quá nhiều rượu bia hoặc thuốc an thần dẫn đến mềm dãn cơ bắp cuống họng
  • Thuốc lá: hút thuốc làm tăng viêm nhiễm và giữ lại nước khí quản. Người hút thuốc bị sleep apnea nhiều gấp 3 lần hơn người không hút thuốc.
  • Nghẹt mũi dẫn đến sleep apnea.
  • Những bệnh khác hay đưa đến sleep apnea: Suy tim (congestive heart failure), Huyết áp cao, Tiểu đường loại 2, Bệnh run tay chân (parkinson), Rối loạn nội tiết tố, Đã từng bị đột quỵ, Hen suyễn.

* Central Sleep Apnea

  • Tuổi già
  • Đàn ông
  • Suy tim (congestive heart failure)
  • Dùng thuốc giảm đau có chứa ma túy lâu ngày
  • Đã từng bị đột quỵ

 

Những hậu quả nghiêm trọng của bệnh Sleep Apnea

Đây là bệnh không nên coi thường vì đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một nghịch lý là cái vòng lẩn quẩn: Sleep Apnea có thể là hậu quả của một số bệnh khác nhưng khi Sleep Apnea xuất hiện thì nó làm cho bệnh gốc nặng thêm.

  • Mệt mỏi suốt ngày, buồn ngủ, bức rức, khó tập trung, dễ nổi nóng, trầm cảm.
  • Lúc ngủ số lượng oxy vào cơ thể giảm gây ra tăng huyết áp, cơn đau thắt tim (heart attack), rối loạn nhịp tim.
  • Nếu bạn đã có bệnh Tiểu đường, Sleep Apnea có thể dẫn đến cơ thể thành kháng cự insulin (insulin resistance).
  • Gia tăng mỡ trong máu, gia tăng đường trong máu, vòng bụng phình lớn.
  • Người bị sleep apnea dễ bị biến chứng nguy hiểm khi giải phẫu.
  • Gan người bị sleep apnea xuất hiện những kết quả bất thường khi chụp Xray hoặc CT Scan, tỷ dụ dấu hiệu gan nhiễm mỡ (nonalcoholic fatty liver disease).
  • Ảnh hưởng hạnh phúc gia đình: khi bạn ngáy to, chồng vợ không còn ngủ chung được.

 

Khi nào cần gặp bác sĩ báo cáo?

Ngáy lớn có thể là chỉ dấu của bệnh nghiêm trọng, nhưng không phải toàn bộ người bị bệnh Sleep Apnea đều ngáy. Nhưng khi bạn mệt mỏi thường xuyên, buồn ngủ ban ngày và bức rức không yên thì cần đi gặp bác sĩ.

 

Bác sĩ xác định bệnh Sleep Apnea bằng cách nào?

Bác sĩ gia đình sẽ gởi bạn tới bác sĩ chuyên môn về giấc ngủ (sleep specialist). Bác sĩ chuyên khoa có thể xét nghiệm bạn tại khu chuyên khoa giấc ngủ hoặc xét nghiệm tại nhà.

  • Xét nghiệm qua đêm tại khu chuyên khoa giấc ngủ (nocturnal polysomnography): trong khi bạn ngủ, họ sẽ nối cơ thể của bạn với những máy móc theo dõi hoạt động của tim, phổi, não, nhịp thở, cử động tay chân và mức độ oxy trong máu.
  • Hoặc bác sĩ cung cấp cho bạn dụng cụ xét nghiệm tại nhà. Dụng cụ này đo lường nhịp tim, mức độ oxy trong máu, luồng không khí và mô hình thở của bạn.

Dụng cụ xét nghiệm tại nhà không chính xác bằng tại bệnh viện, nên dù kết quả bình thường, bác sĩ vẫn có thể gởi bạn đi xét nghiệm qua đêm tại khu chuyên khoa cho chắc chắn.

Nếu bác sĩ nghĩ bạn bị Obstructive Sleep Apnea, họ có thể gởi bạn tới bác sĩ Tai Mũi Họng kiểm tra xem mũi và cổ họng bạn có gì tắc nghẽn hay không. Nếu bác sĩ nghĩ bạn bị Central Sleep Apnea, họ có thể gởi bạn tới bác sĩ chuyên khoa tim hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

 

Chữa trị

Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến nghị bạn thay đổi lối sống như giảm cân, bỏ thuốc lá, bỏ rượu, tập thể dục, ngủ nằm nghiêng, tránh dùng thuốc ngủ hay thuốc an thần. Nếu bệnh nặng, bác sĩ có thể cho bạn dùng những phương pháp trị liệu sau đây:

 

1- Máy thở CPAP (continuous positive airway pressure):

Tạm dịch là máy “tạo áp xuất tích cực liên tục cho khí quản”. Nguyên tắc là máy sẽ thổi khí oxy vào mũi bạn, khai thông khí quản, ngăn ngừa ngáy và giúp bạn thở liên tục không bị cản trở.

Máy CPAP thổi oxy (màu xanh lá cây) đi qua mũi, ngăn không cho Vòm Họng Mềm buông dãn xuống che lấp khí quản.

 

Có 3 loại mặt nạ:

  • Loại chùm lên cả miệng và mũi

                

 

  • Loại chùm lên mũi mà thôi

        

 

         Mặc dù đây là cách trị hữu hiệu nhất, điểm yếu là mặt nạ và ống truyền oxygen làm nhiều người vướng víu không quen ngủ như vậy, có đến phân nửa bỏ cuộc sau một thời gian. Do đó, máy CPAP mini nhỏ xíu ra đời, chỉ gắn vào mũi, không có ống dẫn oxy. Tuy gọn nhẹ nhưng một số người hoài nghi vì máy bơm không khí quá nhỏ, e rằng lượng oxy bơm vào mũi không đủ.

 

  • Loại chùm lên mũi mini

                

 

 

2- Giải phẫu

Bác sĩ giải phẫu sẽ cắt bỏ bớt một phần những bộ phận trong cuống họng của bạn như amidan (tonsils) , lưỡi gà (uvula), hạch vòm họng (adenoid), lưỡi … hoặc chỉnh lại xương hàm. Tất cả đều nhắm chung mục đích là khai thông, mở rộng để lượng không khí đi từ mũi và miệng của bạn vào khí quản không bị tắc nghẽn.

 

Nguồn: Mayo Clinic

© vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved