NHỮNG VẤN ĐỀ SỨC KHỎE KHÓ NÓI

 

Thân thể con người vừa đẹp đẽ vừa xấu xa dơ dáy. Chỉ một cái ợ hơi từ dạ dày cũng đủ để nhắc nhở chúng ta rằng cơ thể mình rất là thô tục. Dù chúng ta cố giữ thân thể sạch sẽ vệ sinh nhưng thân thể chúng ta dễ dàng đi chệch hướng vào những vấn đề khó nói, tuy nhiên khó nói không có nghĩa là không nên nói, vì những vấn đề này cũng đáng chú ý và đáng tò mò. Chúng tôi thu thập một số câu hỏi khó khăn tế nhị của các bạn và tìm giới chuyên viên y khoa trả lời một cách không quá thô thiển.

 

Nên giữ lại Xì Hơi Hậu Môn (đánh rắm, địt) hay không?

Cho dù là xì hơi hậu môn (xhhm) có thô tục cách mấy thì xhhm giữ một vai trò quan trọng trong  hệ thống tiêu hóa của chúng ta (đến mức là một loại thuốc viên giúp bạn xhhm có thể sắp được ra đời). Dù bạn không công nhận công khai nhưng tất cả chúng ta đều có những giây phút phải cắn răng để giữ hơi lại thay vì xì ra. Nhưng kìm hơi lại thì ảnh hưởng gì với cơ thể? Bác sĩ Stephanie Liu nói: “Kìm hơi lại có thể dẫn tới tức bụng và nở lớn bụng. Dù bạn cố giữ cách mấy thì rồi hơi cũng sẽ thoát ra không kiểm soát được. Có khả năng làm đau bụng nữa. Nhưng chưa có kết luận chắc chắn là kìm hơi lại thì có làm thành trong của ruột bị viêm sưng hay không”.

 

Có phải đồ ăn ảnh hưởng tới mùi của hơi trong ruột?

Bạn có thể ăn suốt đêm đồ ăn lạ không bổ dưỡng (junk food) rồi sáng ra thấy cơ thể mình phát ra đầy mùi lạ lùng. BS Liu nói nếu hơi của bạn có mùi khác lạ vì “thức ăn có chứa lưu huỳnh (sulfure) được phân hóa bởi vi khuẩn trong ruột nên tạo ra khí lưu huỳnh”. Một số thức ăn chứa lưu huỳnh là những loại có chất sữa như  trứng, phô mai, sữa bò; những loại rau xanh như măng tây, bông cải xanh brocoli, cải xoăn kale, những loại hải sản và đồ lòng động vật. Con chó của bạn có thể không nhận ra mùi cơ thể quen thuộc của bạn nữa. Nhưng BS Liu cũng nói hơi trong ruột dù mùi thối hay nặng tới đâu thì thường không có liên quan tới bệnh nặng.

 

Tôi hay bị tiêu chảy trước khi có kinh nguyệt, chuyện này có bình thường?

BS Liu nói cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Women’s Health phát hiện có đến 24% người tham dự nghiên cứu cho hay họ bị tiêu chảy trước và trong khi kinh nguyệt.

BS gia đình Melissa Lem cho biết có hai lý do khiến cho phụ nữ hay bị tiêu chảy trước kinh kỳ: “thứ nhất là do gia tăng của chất giống nội tiết tố Prostaglandin và thứ hai là do giảm sút của nội tiết tố Progesterone”. Nhiều Prostaglandins cũng như ít Progesterone đều làm cho ruột co thắt nhiều hơn, tiết nhiều nước hơn.

 

Trong máu kinh của tôi có cục máu đông, vậy có gì đáng lo không?

Máu kinh nguyệt không đồng nhất, nên có cục máu bầm lặn cặn (blood clot) là bình thường. BS Liu nói: “Cục máu đông có nghĩa là máu trộn với chất màng tử cung. Phần nhiều cục máu đông không đáng lo nhưng nếu cục máu đông to hơn đồng 25 xu và máu ướt đẫm băng vệ sinh trong vòng một giờ thì bạn nên đi khám bác sĩ”.

 

Tại sao rốn và phía sau tai của tôi có mùi hôi? Tôi phải làm sao cho bớt hôi?

Chúng ta muốn chối cãi nhưng sự thực là cơ thể con người bản chất là phát mùi hôi, nhất là tại rốn và sau tai. Nếu không có những dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, sưng đỏ, chẩy nước thì BS Liu nói không lo. Lý do vì đó là những nơi da bị xếp lớp, tối, ấm và ẩm ướt nên vi khuẩn và nấm dễ sinh sôi. BS Liu đề nghị nên giữ cho những nơi đó sạch sẽ vệ sinh và khô ráo.

 

Vì sao có những loại giày làm chân tôi phát mùi hôi?

Có thể bạn đi giày thể thao suốt ngày mà chân vẫn không hôi nhưng chỉ đi giày lười (loại không giây, không vớ) 5 phút thôi là chân bạn hôi ngay. Vì bạn hay vì giày? BS Liu nói có thể cả hai. “Chân hôi xẩy ra vì chân toát mồ hôi. Mùi hôi do vi khuẩn làm phân hủy một chất trong mồ hôi. Vậy nếu giày nào bí bít làm cho chân bạn toát mồ hôi nhiều, tỷ dụ giày bằng nhựa hoặc nhũng chất liệu không thông thoáng , hoặc bạn không mang vớ để hút mồ hôi chân thì chân bạn sẽ hôi. Dùng bột bôi da trẻ em rắc vào chân sẽ làm cho chân khô ráo.

 

Người thân của tôi bị nấm móng chân, bệnh này có lây không?

Bạn luôn luôn đi dép cao su trong phòng tắm công cộng để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, nhưng nếu trong gia đình bạn có người bị nấm móng chân (toenail fungus) thì bạn có cần lo không? BS Lem trả lời: “Có, vì bệnh này lây lan. Nếu chân bạn tiếp xúc với một số lượng lớn bào tử nấm nằm trong vớ, trong giày của người bị bệnh, hoặc bạn đi chân đất trên một cái sàn có nhiều bào tử nấm thì bạn có khả năng bị lây bệnh. Người bị tiểu đường, người bị máu lưu thông kém và người móng chân bị gãy dễ nhiễm trùng nấm móng chân”. Nên lưu ý tới những khu vực ẩm và ấm như phòng tắm, vì đó là môi trường sinh sản tốt cho nấm móng chân. Người lành mạnh không dùng chung những vật dụng chân với người bị bệnh như vớ, giày, đồ cắt móng chân, đồ dũa móng chân.

 

Tôi có lông ở những nơi không nên có, nếu cạo thì có làm lông mọc lại nhiều hơn?

Đối với cả đàn ông lẫn đàn bà, có lông ở những nơi không nên có xưa nay vẫn là vấn đề khó chịu mà chúng ta tìm mọi cách để chữa trị. Có một niềm tin phổ thông trong dân gian là nếu dùng dao cạo lông thì lông mọc lại dày hơn, nhiều hơn. Thật ra đó chỉ là một tin giả. BS Liu xác định: “Cạo lông không làm lông mọc lại nhiều hơn, dày hơn”. Nhưng BS Liu lưu ý rằng tuy cạo lông bằng dao không ảnh hưởng đến lông nhưng có ảnh hưởng đến lớp da: “Da có thể bị ngứa ngáy khó chịu vì lưỡi dao hoặc vì bọt xà bông cạo lông, dẫn đến da bị xây xát và nhiễm trùng”.

 

Con tôi móc cứt mũi rồi ăn cứt mũi. Chồng tôi nói như vậy giúp cơ thể nó có sức đề kháng?

BS Liu nói niềm tin này phát xuất từ hiểu lầm cuộc nghiên cứu cũng như lời đùa cợt của một giáo sư Đại học Saskatchewan mà giới truyền thông phổ biến rộng rãi. Không có bằng cớ khoa học là cứt mũi giúp  tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trên lý thuyết ăn cứt mũi đem vi khuẩn từ cứt mũi vào cơ thể để cơ thể tạo ra kháng thể đối với vi khuẩn đó. Nhưng một nghiên cứu của Infection Control & Hospital Epidemiology cho thấy người móc cứt mũi dễ đem vi khuẩn Staphylococcus Aureus vào cơ thể. Vi khuẩn này sống trên da con người, thường thì vô hại nhưng cũng đôi khi gây ra nhiễm trùng. BS Liu nói: “Có hai lý do ta không nên móc cứt mũi. Thứ nhất, đa số siêu vi khuẩn gây cảm cúm xâm nhập cơ thể qua đường mũi. Thứ hai, móc ngón tay vào mũi gia tăng nguy cơ chảy máu mũi.”

 

R J SKINNER (CBC)

“You don’t want to ask these embarrassing body questions, so we asked for you”

©Bản Việt ngữ của vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753983