Hồi ký di cư vào miền Nam

 Phần 1: Trôi theo vận nước

 

Làng quê hiền hòa của tôi là Đông Phan, huyện Bình Hà thuộc tỉnh Hải Dương. Làng cách xa tỉnh 10 km. Ba tôi nuôi hai người con và một cháu là con người em của ông, cư ngụ tại phố hàng Đồng, tỉnh Hải Dương, con phố này chỉ dài vài trăm thước, một đầu nối với bùng binh ngã sáu, đầu kia giáp con đường chạy dọc theo bờ sông Thái Bình.

Gia đình tôi một cảnh hai quê, chia nhau ở hai nơi. Bà nội, mẹ tôi và hai em nhỏ sống tại trang trại tại làng. Chiến tranh Việt-Pháp vẫn tiếp diễn càng ngày càng khốc liệt. Vào năm 1952, một người em khác của ba tôi là sĩ quan tại Bộ Tổng Tham Mưu, gởi thơ và giấy tờ đi đường, thúc ba tôi phải bay vào Sai Gòn ngay kẻo người Pháp bắt đi lính để bổ sung quân số cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ba tôi gởi chúng tôi về làng quê, rời tỉnh Hải Dương, bay vào Sài Gòn với chú em ông tên Nguyễn sĩ Túc.

Sau khi bay vào Sài Gòn, ba tôi mua căn phố đường Nguyễn văn Thành, tỉnh Gia Định, chờ đón cả gia đình vào. Nhà tôi ở cách lăng Ông khoảng 300m, đến Đa Kao khoảng một cây số.

Làng quê tôi chỉ cách tỉnh Hải Dương 10 km, mỗi mùa hè, ba tôi đưa chúng tôi về trang trại xum họp gia đình, sau đó ông cùng chúng tôi trở lại tỉnh cho kịp niên học mới của các con. Ông ra đi để lại các con rong chơi thoả chí với những trẻ trong làng, chúng bầy cho tôi đủ trò chơi lạ. Bơi lội là trò kích thích tôi hơn cả. Khoảng bốn tuổi tôi đã biết lội. Cũng nhờ bơi lội giỏi nên sông nước đối với tôi rất quen thuộc.

Tại làng quê, khi 6 tuổi tôi đã thoát chết ngộp dưới sông vì nghịch ngợm. Mệnh số của tôi làm như dính liền với nước. Tôi không biết vì Cơ Duyên hay Nghiệp Báo mà tự tôi đã cứu được 9 người đang đuối nước sắp chìm, trong số này có hai đứa con của mình.

Sau khi ba tôi rời miền Bắc vào định cư tại đất Gia Định, chúng tôi được đưa từ tỉnh Hải Dương trở lại làng quê. Tôi thấy thỉnh thoảng mỗi buổi chiều tà, em của ba là chú Tần qua nhà thì thầm nói chuyện với mẹ tôi. Rồi sau bữa cơm chiều với bà nội, trời bắt đầu tối, mẹ tôi gọi chúng tôi vào phòng đưa cho anh tôi, tôi và em gái mỗi người một cái bị cói đeo lên vai. Bà cũng đeo một bị và bồng thêm cậu em hai tuổi, bà cấm không cho chúng tôi được nói chuyện, tuyệt đối phải giữ im lặng. Giầy và guốc nhét vào bị, đi chân đất, mặc áo len ấm, đội mũ nồi…Sau khi kiểm soát những phòng của gia nhân thấy họ đã say giấc, bà mới lên phòng trên khều bà nội đi theo gài then cửa.

Khu gia trang của gia đình vô cùng rộng lớn, cổng trước với hai cánh cửa gỗ dầy cao và lớn, dùng để cho thợ thuyền gánh lúa đi về, cùng lũ trâu trở lại chuồng, có mái che. Mẹ tôi không dắt con đi ra cổng trước. Bà dẫn con dò dẫm từng bước đi dưới cơn mưa phùn tối âm u ra phía vườn sau, mở một cửa rào ngách cho mọi người lẻn ra rồi khép lại, cửa này dùng để thoát hiểm nằm cuối vườn và chỉ có người quản gia biết, gia nhân không được đến khu vườn này, cửa vườn đã được ngụy trang bằng hàng trúc khô.

Dưới cơn mưa phùn tối lạnh của tháng giáp tết năm 1953, mẹ tôi bồng em đi trước chúng tôi lầm lũi theo sau, cố gắng đi chân trần trên con đường đất nhỏ của những thửa ruộng rộng cỡ hai gang tay trơn trợt. Mưa lạnh làm chúng tôi run rẩy, anh lớn nhất thuở đó mới 9, tôi 7, em gái 5 và em út 2. Thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng tôi vẫn lầm lũi bước đi qua nhiều cánh đồng và làng mạc tối âm u. Tới gần bến đò làng Vàng bà ngừng lại cho các con ngồi nghỉ bên bờ cỏ trên con đường đất ướt mưa trơn trợt bùn. Trước khi bước tới bến đò, bà cẩn thận quan sát kỹ chòi gác của du kích Việt Minh nằm phía bên tay phải thấy đóng cửa và tối đen, biết rằng đêm nay vì trời mưa lạnh nên họ chểnh mảng và đã ngủ vùi thời gian đã quá nữa đêm về sáng nên bà lén dẫn con lặng lẽ đi qua chòi canh.

Chúng tôi im lặng theo mẹ bước xuống thuyền đan bằng nan tre, ông đưa đò chống cái sào dài nhẹ nhàng từ từ đẩy con thuyền dần qua bờ bên kia sông. Sau khi trả tiền đò, mẹ dẫn đàn con thoải mái bước dần về phía tỉnh lỵ. Mẹ quay lại nói: chúng ta đã thoát nạn, các con đi đứng thoải mái không còn phải lo âu nữa. Bà ghé một cái giếng bên đường để cả nhà rửa chân và đi dầy dép.

Ánh thái dương dần dần hiện lên từ rặng núi xa tít bạt ngàn, tuy cái rét vẫn còn, nhưng con mưa đã dứt. Cây cầu Phố Lương bắc ngang dòng sông Thái Bình đậm nét đã dần ở trước mặt. Qua mười cây số, xuyên qua những cánh đồng bát ngát và hàng chục làng quê trong khoảng không gian nặng nề u ám những rình mò, theo dõi của Việt Minh khắp xó xỉnh làng quê. Những đứa trẻ thơ chúng tôi luôn bước không ngừng nghỉ, như có phép mầu nào thôi thúc nên không biết đến mệt mỏi, nản lòng.

Tôi rảo bước đi trên cầu Phố Lương để vào tỉnh Hải Dương, nơi có nhà ông ngoại cũng ở phố Hàng Đồng đang chờ đón mẹ tôi cùng các cháu. Mẹ vai đeo bị, tay bồng em út hai tuổi, dẫn ba đứa con nhỏ mỗi đứa đeo bị cói, rảo bước đi qua cầu sắt Phú Lương bắc qua sông Thái Bình, đến nhà ông ngoại ở phố Hàng Đồng. Gọi là phố hàng đồng nhưng tôi không thấy cửa hàng nào bán vật dụng làm đồ bằng đồng, hai dẫy phố quay mặt nhìn nhau, đằng trước mỗi dẫy phố là vỉa hè hẹp. Con đường trải nhựa chỉ đủ vừa khít cho hai xe jeff quân đội chạy ngược chiều nhau.

Căn phố khi trước ba tôi và các con ở thì nay đã qua tay người khác, bởi ông đã thanh lý trước khi bay vào Nam. Xéo qua trước mặt là căn phố rộng rãi của ông bà ngoại, mẹ và chúng tôi ngụ tại nơi này, bà cho biết đang chờ ba tôi gởi vé máy bay từ Sài Gòn ra.

Ở đó được độ chừng mươi ngày thì có người làng lên thăm, khiến ông bà ngoại và mẹ tôi vô cùng sửng sốt. Bởi vì khi bà dẫn các con lẻn ra đi trong đêm tối thì không một ai hay biết trừ bà nội và chú tôi. Bà nội và chú tôi không bao giờ tiết lộ việc ra đi này và họ cũng chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng, nói gì đến tỉnh và thêm nữa là đến đúng nhà ông ngoại tôi. Người đàn bà xa gần khuyên mẹ tôi và các con trở về làng, mẹ tôi chỉ đưa đẩy ậm ừ cho qua chuyện.

Độ vài ngày sau, vé máy bay đã được một người bà con thân cận của gia đình từ Sài Gòn mang ra đem đến giao tận tay cho mẹ tôi. Ông tôi thúc hối mẹ đưa con ra Hà Nội gấp, để tránh tai mắt Việt Minh vẫn rình rập để bắt gia đình tôi về lại làng quê, mà theo lời ông ngoại mục đích chính của chúng là khảo lấy tiền của mẹ tôi còn dấu lại. Còn chuyện chúng biết chi tiết việc mẹ tôi cùng các con lén ra đi và lên tỉnh, ở nhà ông ngoại là do họ dò hỏi những gia nhân trong nhà, những người thường xuyên được mẹ tôi gởi đi từ quê lên tỉnh để tiếp tế cho ba và chúng tôi không thiếu thức gì từ cơm gạo và thức ăn tươi như gà vịt ngan ngỗng, đôi khi cả những con cá quả, cá trê to còn rộng nước, trong những tháng năm dài.

Một buổi sáng sớm mờ sương, chúng tôi ăn mặc tươm tất, tóc tai gọn gàng, chân đi dầy đế cao su mềm, đội mũ beret, từ giã ông bà ngoại ra bến xe ca (xe đò) đi lên Hà Nội. Những bị cói đeo trên vai của mỗi đứa được mẹ tôi đem cho, bà mua một cái hòm to (cái rương) bằng gỗ có đai sắt niềng chung quanh để đựng quần áo và những thứ cần thiết.

Đường đi từ tỉnh Hải Dương đến Hà Nội dài độ 50 km hay. Nhà phố tỉnh Hải Dương từ từ lùi lại sau lưng, những đàn cò trắng bay lả lướt trên những cánh đồng trong buổi sớm còn đọng sương đêm lành lành của những ngày giáp Tết. Tôi, đứa trẻ thơ ngây cũng cảm thấy buồn lòng khi nhìn những cây số chỉ bên lề, rút ngắn quãng đi đến Hà Nội nhưng kéo dài thêm khoảng cách xa quê.

Đến Hà Nội chúng tôi ngụ tại nhà bác tài Năm là người trong họ, chủ vài chiếc xe đò để tránh tai mắt của Việt Minh cùng chờ ngày lên máy bay vào Sài Gòn. Ông ngoại tôi sai mợ Nhu là em dâu, đi theo từ Hải Dương nhằm đỡ tay chị trong việc săn sóc các cháu. Sau khi ổn định chỗ ngủ tươm tất cho các con, bà dặn dò từng đứa về sinh hoạt trong những ngày chờ đợi máy bay. Bà cho biết chúng tôi sẽ vào Sài Gòn để xum họp cùng cha.

Tôi bâng khuâng tự hỏi mình Sài Gòn là đâu? Nơi tít mù lạ lẫm đó có xinh tươi như ở quê nhà? Có được vui cùng lũ bạn chân quê thân thiết vào mỗi mùa hè? Thêm vào có món ăn ngon như bánh đậu xanh của tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng nơi góc phố? Rồi lịm dần vào giấc ngủ sau một ngày đi xa mệt mỏi.

Vào năm 1952, ba tôi bay vào miền Nam với người em đã gây ra dư luận ồn ào cho bà con, thân nhân và bằng hữu của ông không những tại tỉnh Hải Dương, mà tin này còn đồn thổi về tới làng quê.

Người Việt Minh đã hoạt động gần như công khai ở trong làng, dù cho đường đất hai nơi chỉ cách nhau khoảng 10 km. Họ đã quây, đội ngũ hóa thiếu nhi lại để sinh hoạt, lợi dụng các cháu hỏi han, truyện trò mục đích chính là điều tra tất cả các gia đình trong làng. Khi họ tìm cách lấy cảm tình và nhẹ nhàng khai thác anh em tôi về gia đình, ba mẹ, thì chúng tôi đều trả lời rập khuôn như mẹ đã dặn là không biết.

Gia đình tôi là đối tượng số một mà họ quan tâm theo dõi từng chút một. Do đó trước khi ra đi, mẹ bắt tất cả các con vào phòng bà, rồi từ tốn kiểm soát xem gia nhân đã ngủ say chưa. Sau đó đến giường khều bà nội dậy để từ giã và gài then cửa. Miệng chúng tôi câm như hến không nói lời từ biệt cùng bà nội vì sợ gây tiếng động làm cho gia nhân tỉnh giấc. Tuy mới lên bẩy tuổi, nhưng thấy mẹ phải dẫn con đi lén cửa rào thoát hiểm phía sau vườn trong đêm tối tăm mưa gió là tôi có linh cảm chuyến đi này không hề đơn giản.

Còn độ hai tuần trước Tết, phố phường Hà Nội tưng bừng náo nhiệt. Hội chợ Phiên (hội chợ Xuân) được tổ chức tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Mẹ để hai em nhỏ ở nhà cho bác tài Năm gái trông coi. Bà cùng mợ Nhu dẫn anh em tôi đi dạo chơi trong hội chợ. Người đi qua lại nườm nượp, đủ loại âm thanh hỗn độn ồn ào, mấy chục quầy hàng, khiến cho tôi ngắm nhìn không nháy mắt. Mọi người đi qua cây cầu nổi để ra tháp rùa xây ở giữa hồ, trong tủ kính tôi thấy cụ rùa to khô đét kề bên là thanh kiếm có vỏ bọc. Nhẩn nha đi trở lại bờ vào gian hàng thấy trưng bầy những bình thủy tinh tròn khổng lồ kê trên kệ cao,tôi trố mắt nhìn mà lòng kinh hãi, vì những thứ đựng bên trong là những thai nhi nổi lềnh bềnh trong nước thuốc.

Khi ra khỏi gian hàng kinh khiếp này, dáo dác tìm kiếm thì không thấy hai bà và anh tôi đâu, vội vàng đi tìm giữa biển người chật chội tới mệt. Cùng kế, tôi len lấn đi đến cửa ra mà đứng, dù vẳng bên tai nghe tiếng loa gọi tìm trẻ lạc, tôi cũng mặc, dù có sự hướng dẫn rất rành mạch của ban tổ chức, nhưng làm sao một đứa bé lên bẩy thấp lè tè có thể len giữa biển người tìm đến quầy hàng của ban tổ chức nơi mẹ bé đang chờ! Một hồi lâu sau, hai bà đi tới cổng ra, thấy thằng bé thì mừng nhưng tiếp vài câu mắng mỏ, mợ Nhu thì nhẹ nhàng khen cháu: nhanh trí.

Qua khoảng tuần lễ lang thang vài nơi trong phố phường Hà Nội, tôi buồn vì nhớ nhà nhớ trường, nhớ thầy và bạn, nhớ thương bà nội ở lại điền trang còm cõi một mình trong cơ ngơi rộng mênh mông với gia nhân và một quản gia trung thành mà tôi không biết tên, chỉ nghe người lớn kêu gọi: Ngọng ơi, vì ông ta nói ngọng.

Sau này ba mẹ kể lại rằng: Theo dõi tin tức chiến sự, biết Việt Minh chiếm nông thôn bao vây thành phố, nên ba mẹ tìm cách bán ruộng vườn, sản nghiệp để ra đi vào miền Nam, nhưng Việt Minh không cho bán mà cũng chả ai dám mua. Nên năm 1952 ba đã bay vào Nam trước, chờ đến 1953 đón mẹ con vào. Phần bà nội nhất định ở lại để lo hương khói ông bà. Sau 1975 họ hàng vào Nam cho biết tin: sau khi mẹ con tôi ra đi, Việt Minh niêm phong nhà cửa tịch thu đất đai ruộng vườn và gia sản, đấu tố bà nội rồi cột hai tay vào gốc cây cau ở vườn hoa của nhà mặc cho trời mưa nắng, mặc cho kiến cắn cụ. Tối đến nhốt cụ vào chuồng trâu, bỏ đói cho đến khi cụ mất. Đau lòng thay gia đình tôi gánh chịu thảm cảnh này!

Ba tôi thường nói với con: ba mà không quyết tâm quay lưng lại với sản nghiệp mà bám víu ở lại khi Việt Minh đến thì các con sẽ sớm mồ côi, cổ và vai sẽ quàng dây để thay trâu kéo cày bừa (cổ cày vai bừa).

Ngồi cạnh cửa sổ trên xe ca của hãng hàng không chạy trên cầu Long Biên (Paul Doumer) hướng về phi trường Gia Lâm, dưới giòng sông Hồng nước đục đỏ, sóng dồn nhau nhấp nhô chao theo gió, bầy le le (vịt trời) nâu nổi bồng bềnh như vui đùa cùng sóng nước. Tự nhiên hai mắt tôi mờ đi vì ngấn lệ.

Chiếc xe ca của hãng hàng không miệt mài chạy mãi không chịu ra khỏi cây cầu dài, dưới dòng nước sông cuộn đỏ phù sa nhấp nhô theo sóng. Tôi chùi vội nước mắt nhưng lòng buồn vô hạn, nước sông mênh mông này rồi sẽ dần tuôn ra biển nhưng gia đình chúng tôi sẽ phiêu bạt về đâu!

Trong phòng đợi của phi trường Gia Lâm, một vài người có vẻ bồn chồn, nôn nóng luôn nhìn đồng hồ. Mẹ tụ các con ngồi một chỗ để dễ dàng coi sóc, chung quanh toàn tây đầm mũi lõ, chúng tôi là những người Việt duy nhất trong nhóm hành khách. Bên cạnh tôi một người Pháp to cao mang cái bụng lớn tựa cái trống đang xì xồ nói chuyện với bạn, hình tượng này nằm trong đầu tôi tận đến bây giờ.

Theo sự hướng dẫn của nhân viên, đoàn người theo nhau đi ra phi đạo. Mẹ tôi tay bồng em cùng các con vất vả leo những bậc thang dốc, cao bình thường đối với người lớn, nhưng lại quá khổ với mẹ con chúng tôi. Chiếc phi cơ Dakota bốn cánh quạt từ từ cất cánh lượn dần ra hướng biển tôi đoán như thế, vì khi nhìn qua khung kính thấy rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ nhô lên trên mặt nước xanh đậm. Máy bay dần dần vượt lên cao độ, những giải mây trắng chập chùng dưới thân, che khuất tầm nhìn của cặp mắt nâu trong của cậu bé đang loay hoay khắc khoải tiếc nuối như muốn níu kéo lại hình ảnh cuối cùng của làng quê đang dần mờ nhạt trôi qua.

Tiếng động cơ quay ồn đều đều ru tôi vào giấc ngủ. Cô tiếp viên người Việt Nam cho biết sẽ ghé phi trường Tourane (Đà Nẵng) để đón tiếp thêm hành khách và bơm nhiên liệu. Tất cả hành khách lần lượt nối nhau xuống thang đi quãng dài trên phi đạo để vào phòng đợi theo sự hướng dẫn của nhân viên phi trường. Phòng đợi của phi trường khá rộng, nhưng rải rác nơi đâu cũng thấy tây đầm, họ nói chuyện ồn ào náo nhiệt, đội ngũ gia đình thấp bé của chúng tôi dạt về một góc phòng, như những chiến binh tý hon lúc nào cũng phòng thủ trước đám địch quân nhơn nhơn tự đắc trước mắt. Mặc cho họ xì xào, thằng bé tôi giả như người điếc, tuy có nghe nhưng hiểu gì đâu!

(còn tiếp)

Nguyễn Sĩ Đẩu

- Cựu sinh viên Trường Chính Trị Kinh Doanh, Viện đại học Dalat

- Cựu Giám đốc ngân hàng Nam Việt-Chợ Lớn trước 4/1975

- Định cư tại Texas

Xem tiếp phần 2


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved