City Of Thieves

David Benioff

  

THÀNH PHỐ DU THỦ DU THỰC

Bản Việt ngữ:  Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn

 

Chương Một

 

Ông Nội tôi là một tay chơi dao, mới chưa đầy mười tám tuổi đã dám giết hai tên lính Đức. Tôi không nhớ ai đã nói với tôi chuyện ấy – nhưng đó là sự thật mà tôi biết chắc chắn như tôi biết đội banh bóng chày New York Yankees luôn mặc đồng phục sọc khi chơi trên sân nhà và mặc màu xám khi chơi trên sân khách. Nhưng đâu phải tự nhiên mà tôi biết. Ai đã kể cho tôi nghe nhỉ? Chắc không phải Bố tôi rồi, ông chẳng bao giờ chia sẻ điều gì bí mật cả, càng không phải mẹ tôi, người luôn dấu nhẹm những điều không vui, những chuyện sắt máu, bệnh hoạn hay bất bình thường. Cũng chẳng phải Bà Nội tôi, người chỉ biết những chuyện ngụ ngôn từ quê nhà, đất nước xa xửa xa xưa của bà – hầu hết là chuyện kinh dị, tỷ như con nít bị chó sói xé xác, hay bị chặt đầu bởi mấy mụ phù thủy – nhưng chẳng bao giờ tôi nghe bà kể về chiến tranh. Lại càng chắc chắn không phải Ông Nội tôi rồi. Ông chăm sóc tôi từ thuở bé, dáng người trầm lặng, mắt đen và mảnh khảnh, Ông thường nắm tay tôi dắt qua đường hay ngồi trong ghế công viên đọc báo tiếng Nga để mặc tôi rượt theo mấy con chim bồ câu hay đập mấy con kiến càng bằng cành cây khô.

Thuở nhỏ nhà Bố tôi chỉ cách nhà Ông Bà Nội hai dãy phố nên tôi gặp Nội thường xuyên. Ông Bà làm chủ một văn phòng bảo hiểm nho nhỏ phục vụ đồng hương người Nga di cư, ở trong khu chung cư hỏa xa Bay Bridge. Bà Nội tôi luôn chào hàng bằng điện thoại, dù là mê hoặc hay gieo sự bất an trong lòng khách hàng, thế nào Bà cũng bán được bảo hiểm cho họ. Ông Nội lo việc giấy tờ sổ sách. Lúc còn nhỏ tôi hay ngồi trong lòng Nội, ngắm bàn tay trái có ngón trỏ bị cụt của Nội. Ngón tay cụt mất hai đốt, tròn trịa nhẵn nhụi giống như bị tật bẩm sinh.  Nếu là mùa hè và đúng vào ngày đội banh Yankees đang chơi, thế nào Ông cũng nghe tường trình trận đấu bằng radio (sau này thì xem TV màu do Bố tôi tặng nhân ngày sinh nhật thứ 70 của Nội). Nội vẫn nói tiếng Mỹ với giọng lơ lớ người Nga, chưa bao giờ đi bầu cử, chẳng thích âm nhạc Mỹ, nhưng là một người ái mộ cuồng nhiệt của đội banh Yankees.

Cuối thập niên 90, một tập đoàn bảo hiểm muốn mua lại hãng của Nội, họ trả một giá rất phải chăng nhưng Bà Nội vẫn đòi gấp đôi số tiền. Kỳ kèo với Bà chỉ tổ mất thì giờ, cuối cùng công ty đồng ý trả đúng giá Bà muốn. Ông Bà Nội theo truyền thống, bán luôn căn chung cư và dời nhà về Florida.

Hai Ông Bà mua một căn nhà nhỏ bên bờ biển vịnh Mễ Tây Cơ. Căn nhà mái bằng, đó là một tác phẩm xây dở dang vào năm 1949 của một kiến trúc sư, nếu như ông ta không chết đuối trong năm đó thì chắc ông đã nổi tiếng lắm.  Căn nhà trông thật vững chắc với xi măng cốt sắt nằm trên một sườn núi nhìn ra biển. Không phải là căn nhà lý tưởng cho một cặp vợ chồng già về hưu nhưng đâu phải Ông Bà Nội tôi xuôi nam về đó để chết khô vì phơi nắng. Ông luôn chơi cờ trên mạng với bạn bè. Sau vài tuần nhàn cư, Bà Nội tự tạo cho mình một việc làm, đó là dạy văn chương Nga cho đám trẻ trong trường đại học cộng đồng Sarasota. (Một lần tôi tham dự lớp học và nhận ra đám học trò luôn luôn nhạy cảm với những lời xúc phạm tôn giáo, lối giảng mỉa mai châm biếm và đọc thơ của Pushkin (1) không sai một chữ.

Hai ông bà thường ăn tối ngoài sân trước nhà, ngồi nhìn mông lung ra mặt nước đen xẫm ngoài vịnh Mễ Tây Cơ. Tối ngủ không cần đóng cửa sổ, có thể nghe tiếng mấy con ngài va cánh trên lưới chống muỗi. Không giống mấy người già về hưu ở Floria, Nội chẳng hề quan tâm đến vấn đề tội phạm. Nhà không có hệ thống báo động mà cửa trước chẳng bao giờ khóa. Nội cũng chẳng hề cài dây an toàn khi lái xe, không bôi kem chống nắng khi tắm biển. Nội cho rằng chả có gì giết được Ông Bà ngoài Thượng Đế ra, nhưng cả Thượng Đế Nội cũng không tin luôn.

Tôi sống ở Los Angeles, đang viết kịch bản một phim giả tưởng siêu nhân. Hai năm trước đây, có người yêu cầu tôi viết bản tiểu sử để đăng trên một tờ đặc san kịch trường. Được nửa chừng, tôi bỗng nhận ra cuộc đời tôi sao quá tẻ nhạt. Không phải tôi phàn nàn đâu, dù đọc về tiểu sử của mình nghe chán ngắt, nào trung học, rồi đại học, làm mấy nghề vớ vẩn, học cao học, làm vài việc vớ vẩn nữa, rồi học tiếp, viết truyện siêu nhân… Sự có mặt của tôi trong đời này cũng không đến nỗi nào, nhưng loay hoay với bản tiểu sử, tôi càng không muốn nói về đời mình, dù chỉ trong vòng 500 chữ. Tôi muốn viết về thành phố Leningrad.

Ông Bà Nội đón tôi ở phi trường Sarasota, tôi cúi xuống hôn hai cụ, các cụ mỉm cười, luôn luôn khôi hài vì thằng cháu Mỹ khổng lồ (tôi cao 6 feet 2, bên hai cụ già, trông tôi cao trội hẳn lên). Trên đường về nhà chúng tôi ghé chợ mua một con cá chim (một loại cá dẹp Bắc Mỹ). Thêm một chút bơ, muối, và nước cốt chanh, thế là có con cá nướng ngon lành trên lò than. Nội luôn nấu nướng nhanh nhẹn và dễ dàng, chỉ mất 10 phút thôi, thế mà ngon hơn bất cứ tiệm ăn nào ở Los Angeles tôi đã ăn suốt năm vừa rồi. Bà Nội chẳng bao giờ nấu nướng, trong gia đình ai cũng biết, giỏi lắm Bà chỉ làm được một chén Cereal là cùng, các món khác thì quá rắc rối đối với Bà.

Sau bữa ăn Bà Nội phì phèo điếu thuốc lá, Ông Nội rót 3 ly rượu Vodka tự làm lấy. Chúng tôi ngồi nghe ve sầu và dế dạo nhạc, nhìn nước biển đen ngòm ngoài vịnh, đôi khi đuổi mấy con muỗi vo ve quấy rầy.

Cháu có mang theo cái máy thu âm, hay là mình nói chuyện về chiến tranh đi Nội.”

Tôi nghĩ đã làm Bà Nội bất ngờ, Bà trợn mắt khi đang gạt tàn thuốc lá trên bãi cỏ.

Cái gì?”

Mày đã 40 tuổi rồi. Bây giờ lại muốn học nữa hả?”

Cháu mới chỉ 34 thôi.”

Tôi nhìn Ông Nội đang mỉm cười.

Ông Bà sao vậy, bộ các người là điệp viên Đức Quốc Xã chắc? Đang dấu quá khứ phải không?”

Không.” Ông vừa nói vừa mỉm cười “Không phải đâu.”

Bà nghĩ cháu 40 tuổi hả ?”

34, 40 …” Bà trả lời với giọng châm biếm luôn kèm theo mấy cái xua tay như xua đuổi sự ngây ngô của tôi. “Ai mà để ý, lo cưới vợ đi cháu ơi.”

Sao Bà giống mấy bà già ở Florida quá vậy”

Hử.” Bà thốt ra với chút khó chịu.

Cháu muốn biết cuộc chiến ra sao thôi, có gì đâu mà khó quá vậy?”

Bà hướng về Ông, gục gặc cái đầu trong khi chỉ điếu thuốc đang cháy đỏ về phía tôi.

Thằng nhỏ muốn biết cuộc chiến ra sao nè.”

Cưng à” Ông nội chỉ nói có thế, chẳng thêm một lời nào khác, nhưng Bà Nội gật đầu và dụi điếu thuốc trên mặt bàn kiếng.

Bà nói với tôi “Được rồi, cháu cũng nên viết về cuộc chiến.”

Bà đứng dậy và hôn lên tóc tôi, hôn trên môi Ông và dọn chén dĩa vào trong nhà.

Hai Ông cháu ngồi yên lặng bên nhau một lúc, nghe tiếng sóng biển ì ầm. Ông châm thêm rượu vodka và mặt rạng rỡ khi thấy tôi nốc cạn ly.

Cháu có bạn gái không?”

Dạ có”

Tài tử điện ảnh hả?”

Dạ”

Ông thích cô ta.”

Cháu biết là Ông sẽ thích mà.”

Có lẽ người Nga phải không, cô ta có đôi mắt… Nếu cháu muốn nói về Leningrad, chúng ta sẽ nói về Leningrad.”

Cháu không muốn nói đâu, Nội nói thôi.”

Được rồi, Ông sẽ nói, ngày mai được không?”

Ông đã giữ lời, luôn một tuần sau đó, chúng tôi ngồi bên nhau trên ghềnh đá trước nhà và tôi thu âm câu chuyện của Ông. Mỗi ngày vài tiếng buổi sáng, nghỉ ăn trưa rồi tiếp tục vài tiếng buổi chiều. Nội là người ít nói, chỉ lẩm bẩm đôi câu với bất cứ ai không phải là Bà, thế mà đã kể liên tục thu vào hết bao nhiêu băng nhựa. Quá nhiều cho một cuốn sách – Câu chuyện thật nhiều khi còn lạ lẫm hơn cả giả tưởng nhưng vẫn cần một người chấp bút tài giỏi. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe Nội nói về vấn đề tình dục, những câu chửi thề một cách cởi mở như vậy. Ông cũng nói về tuổi ấu thơ, về cuộc chiến, về việc di cư sang Mỹ. Nhưng hầu hết nói về một giai đoạn ngắn ngủi, khoảng một tuần lễ đầu tiên của năm 1942, Ông đã gặp Bà, kết làm bạn thân, và giết hai tên lính Đức.

Khi kể xong chuyện, tôi hỏi Nội về một vài chi tiết đại khái như – tên tuổi, nơi chốn, thời tiết vào những ngày đó. Ông ngập ngừng một chút rồi nghiêng vào tôi tắt chiếc máy thâu âm.

Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, Ông không còn nhớ ông mặc áo quần gì, mặt trời hôm ấy ra sao.”

Cháu chỉ muốn chắc chắn là cháu đã nghe được đúng sự thật thôi.”

Không được đâu.”

Đây là truyện của Nội, cháu không viết bậy trong đó được.”

David …”

Có vài điều cháu thấy không thuận tai lắm.”

David …cháu là nhà văn, hãy làm cho xuôi tai đi.”

Chưa bao giờ đói như thế và cũng chưa bao giờ lạnh đến vậy. Khi ngủ, nếu quả thực có ngủ, chúng tôi mơ thấy những bữa ăn thịnh soạn đã ăn một cách thờ ơ trước đó 7 tháng – những miếng bánh mì bơ, bánh khoai tây hấp, thịt xúc xích – ăn uống cẩu thả, nuốt vội vã không thưởng thức mùi vị, vứt bỏ cả đống đồ ăn thừa trên dĩa, thịt thà mỡ màng bỏ cả tảng. Tháng 6 năm 1941, trước khi tụi Đức đến, chúng tôi tưởng mình nghèo lắm, nhưng thật ra thời gian đó sướng như trên thiên đàng so với mùa đông cùng năm. Ban đêm gió thổi mạnh và lâu đến nỗi khi ngừng gió, mình cảm thấy bàng hoàng. Cái bản lề cửa chắn gió của tiệm café cũ kỹ ở góc phố ngừng kêu kẽo kẹt trong vài giây ma quái, giống như con thú dữ đang đuổi tới gần và đàn thú rừng nhỏ bé đang chạy trốn ào ào trong nỗi kinh hoàng. Cánh cửa chắn gió đã bị gỡ mất để làm củi trong tháng 11 rồi. Chẳng còn mảnh củi nào trong thành phố Leningrad cả. Tất cả bảng hiệu bằng gỗ, mặt ván trên ghế ngoài công viên, sàn gỗ của mấy tòa nhà đổ nát – tất cả đã không còn và đều bị thiêu rụi trong cái lò sưởi của nhà nào đó mất rồi. Chim bồ câu cũng biến mất, chắc bị nấu với nước đá lấy từ sông Neva. Chẳng ai quan tâm tới mấy con chim bồ câu bị giết. Nhưng chó và mèo thì lại là một vấn đề. Tháng mười có tin đồn ai đó đã nướng con chó cưng và chia làm bốn cho cả nhà ăn, chúng tôi cười và lắc đầu, không tin nhưng tự hỏi thịt chó ướp với muối có ngon lành gì không– Muối thì có thừa, dù tất cả các thứ khác đều hết sạch, nhưng muối vẫn dư giả. Tới tháng giêng thì không còn nghi ngờ gì nữa, tin đồn đó đều là sự thật. Chỉ những người có quyền thế mới còn có thể nuôi chó mèo và chó mèo thì lại nuôi chúng tôi.

 Có hai giả thuyết về mập và gầy. Một số người nói những kẻ mập trước chiến tranh có nhiều cơ hội sống còn hơn: một tuần lễ nhịn đói không thể làm kẻ mập phì trở thành một bộ xương cách trí. Một số người khác cho rằng những kẻ gầy thường dễ thích nghi với sự thiếu ăn và có thể chịu được khi đối diện với cảnh đói khát. Tôi ở trong nhóm người thứ hai, vì kinh nghiệm của chính bản thân.

Tối sinh ra vốn nhỏ con, mà lại có chiếc mũi khoằm to tổ bố, mắt đen, da mặt đầy mụn trứng cá – phải thú thật rằng, chắc chắn tôi không phải là mẫu người lý tưởng của mấy cô. Nhưng chiến tranh khiến tôi có giá hơn. Một số người thân thể bị còm cõi khi tem phiếu càng ngày càng ít hơn, làm cho họ có cảm tưởng mình là một lực sĩ trong đoàn xiếc trước khi quân Đức xâm chiếm đất nước. Tôi thì vẫn vậy, chẳng có chút bắp thịt nào để teo lại. Giống như mấy con chuột trù vẫn bưới móc trong đống rác chung quanh, còn mấy chú khủng long lăn đùng ra chết hết ráo. Tôi được cấu tạo để thích hợp với nỗi khốn khổ.

Đêm Giao Thừa, tôi ngồi trên nóc nhà của khu Kirov, đó là khu chung cư tôi ở từ khi mới 5 tuổi (thật ra nó chẳng có tên cho mãi đến năm 1934 khi Kirov bị bắn chết, nửa thành phố được đặt theo tên ông), chúng tôi canh chừng chiếc khinh khí cầu màu xám to thù lù đang đảo quanh quẩn dưới từng mây, dùng để chống máy bay thả bom của Đức. Mùa này mặt trời chỉ lảng vảng chừng 6 tiếng đồng hồ một ngày, nó chạy vội vàng từ chân trời này sang chân trời kia như ma đuổi. Mỗi đêm 4 đứa chúng tôi phải trực một ca 3 tiếng đồng hồ, ngồi trên nóc nhà, trang bị bằng những xô đựng cát, mấy cái chĩa bằng sắt, và vài cái xẻng, chùm lên người bất cứ cái gì có thể kiếm được – áo sơ mi, áo lạnh, áo khoác - canh gác bầu trời. Chúng tôi là lính cứu hỏa. Tụi Đức tính rằng đánh đuổi chúng tôi ra khỏi thành phố sẽ phải trả giá quá đắt cho nên tốt nhất là bao vây cho chết đói, thả bom, đốt chết hết dân trong thành phố.

Trước chiến tranh 1100 người ở trong khu chung cư Kirov, bây giờ chỉ còn gần 400 trăm. Hầu hết trẻ em đã được di tản trước khi tụi Đức bao vây vào tháng 9. Mẹ tôi và đứa em gái nhỏ tên Taisya về nhà ông cậu ở Vyazma. Đêm hôm trước ngày di tản, tôi đã cãi nhau với Mẹ, đó là vụ cãi lại với Mẹ duy nhất trong đời. Mẹ muốn tôi cùng đi, dĩ nhiên là thật xa bọn xâm lăng, và thật sâu trong lòng quê hương, nơi đó máy bay thả bom của Đức không sao kiếm được. Nhưng tôi nhất quyết không rời xa Piter. Tôi là nam nhi, tôi phải chiến đấu bảo vệ thành phố của tôi, tôi sẽ là một Nevsky cho thế kỷ 20. Có phải là tôi rồ dại đâu. Tôi có lý do chính đáng: nếu mọi người có khả năng đều bỏ đi như vậy, Leningrad sẽ rơi vào tay tụi Fascist Đức mất thôi. Và nếu không có Leningrad, một thành phố của công nhân sản xuất xe tăng và súng trường cho Vệ Binh Đỏ thì tổ quốc Nga còn cơ hội nào nữa đây?

Mẹ tôi nghĩ tôi phát ngôn ngông cuồng, tôi mới chỉ chớm 17 tuổi, không thể làm thợ hàn trong khu công nghệ (the Works) và còn một năm nữa mới đến tuổi nhập ngũ. Chiến đấu bảo vệ thành phố chẳng liên quan gì tới tôi; chỉ thêm một miệng ăn thành phố phải nuôi. Tôi phớt lờ những luận điệu bôi bác đó của Mẹ.

Tôi là một Chiến Sỹ Cứu Hỏa” tôi bảo Mẹ như vậy, vì đó là sự thật, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra lệnh thành lập một đội lính chữa lửa mười ngàn người, và tôi rất hãnh diện chỉ huy đội cứu hỏa tầng lầu năm của khu chung cư Kirov.

Mẹ tôi chưa đầy 40 tuổi mà tóc người đã ngả muối tiêu. Ngồi đối diện với tôi bên bàn ăn, Mẹ nắm bàn tay tôi trong hai tay của người. Mẹ vóc dáng rất bé nhỏ, chỉ cao 5 feet thôi, thế nhưng tôi rất sợ Mẹ từ thuở mới sinh ra.

Mày là một thằng ngốc”, Mẹ mắng tôi. Nghe có vẻ như trách cứ, nhưng thực sự lúc nào mẹ cũng gọi tôi là “Thằng Ngốc Của Mẹ” riết rồi tôi đâm ra quen với cái tên lóng đầy trìu mến đó. “Thành phố có từ trước khi mày sanh ra, và còn tồn tại sau khi mày chết, Taisya và Mẹ cần mày ngay bây giờ”.

Mẹ nói đúng. Nếu tôi là một thằng con và thằng anh đàng hoàng, thì phải theo mẹ. Taisya ngưỡng mộ tôi, nó thường mừng rỡ ôm lấy tôi mỗi khi tôi đi học về, đọc cho tôi nghe những bài thơ ngây ngô em đã tập làm để ca tụng sự hy sinh của các nhà cách mạng, vẽ diễu cái mũi khổng lồ của tôi trong tập vở của em. Nói chung, đôi khi tôi muốn vặn cổ nó. Tôi chẳng muốn lang thang suốt nước Nga với Mẹ và đứa em gái nhỏ. Tôi đã 17 tuổi, đầy nhiệt huyết để làm người hùng. Molotov tuyên bố trên radio trong bài diễn văn vào ngày đầu tiên của cuộc chiến: (Lý tưởng của chúng ta là vĩ đại! Quân thù sẽ bị thảm bại! chúng ta sẽ toàn thắng!). Lời tuyên bố đã được in ra hàng ngàn bản và dán đầy tường khắp nơi trong thành phố. Tôi tin vào lý tưởng ấy; tôi sẽ không trốn chạy trước quân thù; tôi không thể vắng mặt trong sự vinh quang này.

Mẹ và em Taisya rời thành phố ngày hôm sau. Họ dùng xe buýt một đoạn đường, quá giang xe quân đội một đoạn và đi bộ miệt mài trên những con đường quê bằng đôi giày há mồm. Phải mất 3 tuần lễ mới đến được nhà Cậu bình an. Mẹ gởi tôi một lá thư tả về cuộc đi bộ dài thăm thẳm, mệt nhọc và khủng khiếp đó. Có lẽ Mẹ muốn tôi phải hối hận vì đã bỏ rơi Mẹ và em, tôi cảm thấy hối hận thật nhưng cũng thấy nhẹ nhõm khi cả hai đã rời khỏi thành phố. Chiến tranh khốc liệt sắp xảy ra và họ không nên ở tiền tuyến. Ngày 7 tháng Mười, quân Đức chiếm Vyazma thế là thơ của mẹ cũng chấm dứt theo.

Phải nói là tôi rất nhớ Mẹ và em, và nhiều đêm tôi cảm thấy cô đơn vô cùng, thèm đồ ăn mẹ vẫn nấu. Tôi thường mơ tưởng được tự lập từ khi còn rất nhỏ. Truyện ngụ ngôn tôi thích nhất vẫn là truyện những cậu bé mồ côi, lạc trong rừng tối mù mịt, thoát khỏi mọi nguy hiểm nhờ trí thông minh, mưu lược hơn kẻ thù, cuối cùng tìm được kho tàng. Tôi không nói là tôi vui sướng, chẳng có gì sung sướng khi chúng tôi đói khát triền miên - nhưng tin rằng cuối cùng đây là một việc đầy ý nghĩa. Nếu Leningrad mất, nước Nga sẽ mất theo. Nước Nga mất, tụi độc tài Đức sẽ chinh phục cả thế giới. Tất cả chúng tôi tin như vậy, và bây giờ tôi vẫn tin như vậy.

Dù tôi còn quá trẻ để nhập ngũ, nhưng đủ lớn để có thể đào hố chống xe tăng ban ngày và canh gác trên nóc nhà ban đêm. Đội cứu hỏa của tôi gồm toàn bạn bè trong tầng lầu thứ năm- Vera Osipovna, một tài năng chơi đàn cello (đại hồ cầm), và anh em sinh đôi tóc đỏ Antokolsky, tài năng duy nhất là có thể đánh rắm cùng một lúc. Trong những ngày đầu cuộc chiến, chúng tôi ngồi hút thuốc lá trên nóc nhà, ra vẻ như đám lính chiến thực sự, mạnh dạn, cằm bạnh ra, đảo mắt trên bầu trời để canh chừng máy bay địch. Đến tháng 12 thì chẳng còn thuốc lá trong thành phố, thuốc lá thứ thiệt cơ. Một vài tên ghiền nặng bèn lấy lá rụng xé vụn ra, cuốn trong giấy để hút, gọi là “thuốc lá mùa thu”, biện minh rằng một vài thứ lá hút cũng giống thuốc lá vậy. Nhưng trong khu Kirov, chẳng có cây nào cả, cho nên cũng vô ích. Chúng tôi dùng thời giờ nhàn rỗi để săn chuột, chắc mấy chú chuột đang hí hửng nghĩ rằng lời cầu nguyện của tổ tiên mấy chú đã linh ứng, mấy con mèo chết tiệt hết rồi, cho đến khi nhận ra rằng rác cũng chẳng có để mà ăn.

Sau vài tháng, chỉ cần nghe tiếng gầm rú của máy bay, chúng tôi có thể nhận diện ra từng loại máy bay của quân Đức. Tối hôm đó là máy bay Junkers 88s, đã thả bom cả tuần nay rồi, thay thế cho loại Heinkels và Dorniers đã bị súng phòng không của chúng tôi hạ dễ dàng. Ban ngày thành phố trông rất điêu tàn nhưng ban đêm lại đẹp lạ lùng dù đang bị vây hãm. Từ trên nóc nhà, đêm không trăng, chúng tôi có thể nhìn toàn cảnh thành phố Leningrad: tháp nhọn của tòa Admiralty, đã bị phủ một lớp sơn màu xám để tránh máy bay Đức; nhà thờ thánh Phê Rô và công viên thánh Phao Lồ (đã được chùm lưới ngụy trang); vòm nhà thờ thánh Isaac và nhà thờ Church On Spilled Blood. Chúng tôi có thể nhìn thấy toán lính phòng không trên nóc các tòa nhà chung quanh. Hạm đội Baltic thả neo trên sông Neva, những chiến thuyền khổng lồ màu xám đang nã đại bác vào vị trí địch quân.

Đẹp nhất là cảnh không chiến của chiến đấu cơ. Máy bay Junkers 88s của Đức và Sukhois của Nga quần thảo trên bầu trời, không thấy được từ dưới đất trừ khi rơi vào vùng sáng của đèn pha phòng thủ. Máy bay Sukhois có hình ngôi sao đỏ dưới cánh để tránh phòng không bắn nhầm. Cứ vài đêm lại có một cuộc không chiến, giống như một màn trình diễn trên sân khấu, máy bay thả bom của Đức chậm chạp nặng nề nghiêng mình thật gấp để súng chống máy bay trên phi cơ có thể vãi một tràng liên thanh về phía máy bay chiến đấu Nga. Khi một Junkers bị bắn rơi, toàn thân cháy tan tành như một vì sao xẹt trên bầu trời. Một tiếng la vang dội mừng chiến thắng trên khắp nóc nhà toàn thành phố. Tất cả lính phòng không và lính cứu hỏa dơ cao nắm đấm như để chào mừng chiến sỹ phi công thắng trận.

Chúng tôi có chiếc radio nhỏ trên nóc nhà, Đêm Giao Thừa nghe đài Spassky phát thanh từ Mạc Tư Khoa chơi bản “Internationale”. Không biết Vera tìm được một nửa củ hành tây ở đâu ra; nàng cắt ra làm 4 đặt trên chiếc dĩa và quét một chút dầu hoa hướng dương. Khi ăn hết hành tây, chúng tôi vét sạch dầu ăn bằng bánh mì khẩu phần. Bánh mì này ăn chẳng giống bánh mì thiệt chút nào. Chẳng phải là đồ ăn nữa. Sau khi tụi Đức thả bom thiêu hủy kho bột mì Badayev, nhà bếp thành phố có sáng kiến là bất cứ cái gì bỏ thêm vào thức ăn mà người ta không bị ngộ độc thì cứ thêm vào. Dù cả thành phố đang chết đói, không ai đủ đồ ăn, thế nhưng ai cũng nguyền rủa bánh mì, ăn như mùi mạt cưa, thời tiết lạnh, nó cứng như đá. Có người bể răng vì nhai bánh mì. Bây giờ, ngay cả khi tôi đã quên mặt mũi những người thân hồi đó, mà tôi vẫn nhớ cái vị khó ăn của bánh mì khẩu phần.

Nửa củ hành tây và 125 gram bánh mì cứng như đá chia làm 4. Đó là một bữa ăn tươm tất. Chúng tôi nằm cuộn tròn trong chăn, ngắm những chiếc khinh khí cầu chống máy bay cột trên đầu sợi dây trôi dạt theo chiều gió, nghe âm thanh phát ra từ radio. Khi không có tin tức hay âm nhạc, đài radio truyền đi âm thanh đều đặn không ngừng “tic tic tic” cho chúng tôi biết thành phố vẫn chưa bị chiếm, tụi Đức Quốc Xã vẫn còn ngoài cửa thành. Tiếng âm vang trên đài radio đó chính là nhịp tim của thành phố và tụi Đức không bao giờ ngưng nó được.

Vera phát hiện một người từ trên trời rơi xuống. Cô ta la to và chỉ cho mọi người thấy, chúng tôi đứng nhổm cả lên để nhìn cho rõ. Một trong những ngọn đèn phòng không soi ngay vào người nhảy dù đang rơi về phía thành phố, chiếc dù lụa trắng trên đầu anh ta trông giống như đóa hoa tulip.

Một tên lính Đức” Oleg Antokolsky la lên, hắn nói đúng phóc; chúng tôi có thể thấy bộ đồng phục Luftwaffe màu xám của không quân Đức. Hắn ở đâu chui ra thế nhỉ? không một ai trong chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay không chiến, hay tiếng súng phòng không. Cũng chẳng người nào nghe tiếng máy bay thả bom của Đức trong vòng 1 tiếng đòng hồ.

Vera nói “Chắc bắt đầu rồi đây”. Cả mấy tuần nay chúng tôi nghe tin đồn tụi Đức đang chuẩn bị một trận nhảy dù lớn, một trận tấn công cuối cùng để bứng đi cái chướng ngại Leningrad cho quân Đức từ đằng sau tiến tới. Chúng tôi tin rằng trong vài phút nữa sẽ thấy hàng ngàn tên lính Đức từ trên trời rơi xuống, giống như trận bão tuyết với những chiếc dù màu trắng bung ra trên bầu trời, nhưng hàng tá đèn phòng không xuyên qua màn đêm đen kịt vẫn chẳng thấy thêm một kẻ thù nào cả. Chỉ mỗi một tên thôi, nhìn dáng rũ liệt của thân hình treo tòng teng trên cái dù, biết ngay là hắn đã chết rồi.

Nhìn hắn rơi thấp dần trong khi đèn pha rọi ngay vào người, chúng tôi thấy hắn đã mất đâu một chiếc giày đen.

Hắn bay về phía mình nè”, tôi la lên. Gió thổi chiếc dù bay về phía đường Voinova. Hai thằng sinh đôi nhìn lẫn nhau.

Luger”, Oleg nói.

Lính Không Quân Đức không mang súng lục Luger”, Grisha nói. Hắn chỉ ra đời sớm hơn thằng em 5 phút thôi mà đòi làm chuyên viên về vũ khí của Đức. “Walther PPK.”

Vera cười với tôi “Xô cô la Đức.”

Chúng tôi chạy vội ra cửa cầu thang, bỏ mặc mấy dụng cụ cứu hỏa, tuột nhanh xuống cầu thang tối đen như mực. Chúng tôi đúng là đồ điên. Trợt chân trên cầu thang xi măng, với thân thể không còn một tí mỡ hay bắp thịt nào để che chở, gẫy xương như chơi, mà gẫy xương bây giờ coi như chết thôi. Nhưng chẳng đứa nào quan tâm. Chúng tôi còn con nít và tên lính Đức chết rơi từ trên trời xuống mang theo nhiều quà lắm, quà từ Das Vaterland.

Chúng tôi chạy nhanh qua sân và trèo qua cửa sắt khóa chặt. Tất cả đèn đường đã tắt ngúm rồi. Cả thành phố tối thui. Một phần vì muốn tránh máy bay Đức, phần khác vì phải dồn tất cả điện cho nhà máy chế tạo đạn dược – nhưng mà ánh trăng cũng đủ sáng chán rồi. Con đường Voinova thì rộng mở và trống trơn, giới nghiêm đã 6 tiếng rồi. Không thấy một chiếc xe nào lai vãng cả. Chỉ có chánh quyền và nhà binh mới có xăng, vả lại xe cộ dân sự đã bị xung công từ những ngày đầu cuộc chiến. Mọi cửa kính đều dán giấy để khó bể hơn. Có thể thật là vậy, mặc dù tôi đi ngang qua mấy cửa hàng, chẳng thấy còn gì trên khung cửa ngoài miếng giấy lủng lẳng phất phơ.

Ra tới ngoài đường, nhìn lên bầu trời chúng tôi chẳng thấy tên lính Đức đâu cả.

Hắn biến đâu mất rồi?”

Mày có nghĩ là hắn rơi trên nóc nhà không?”

Đèn pha phòng không gắn trên nóc mấy nhà cao, và không cái nào có thể rọi xuống đường Voinova. Vera giật mạnh cổ áo choàng của tôi. Đó là cái áo ấm khoác ngoài thừa hưởng của Bố tôi, tuy hơi rộng nhưng ấm hơn tất cả thứ gì tôi có.

Tôi ngoảnh lại thấy tên Đức của chúng tôi đang là là rơi xuống đường, chiếc giày đen duy nhất kéo lê trên mặt đường đông đá, chiếc dù vẫn còn bọc gió, mang hắn lại gần cửa chung cư Kirov, cằm hắn gục trên ngực, tóc đen đầy băng đá trong vắt, dưới ánh trăng mặt hắn không còn chút máu. Chúng tôi đứng yên chờ hắn lại gần hơn. Chúng tôi đã thấy những gì mà không ai từng thấy trong mùa đông đó, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi và giả thử nếu tên Đức đó rút súng ra bắn, chắc không đứa nào chạy kịp. Nhưng mà người chết đã chết ngắc và cuối cùng chiếc dù cũng xẹp xuống, hắn đập mặt xuống mặt đường bị kéo lê thêm vài mét nữa trong sự nhục nhã cuối cùng của đời người.

Chúng tôi đứng chung quanh tên phi công. Hắn cao lớn, lực lưỡng, và nếu chúng tôi thấy hắn mặc thường phục đi dạo trên đường phố, chắc chắn sẽ nhận ra ngay là một người lạ xâm nhập từ bên ngoài – hắn có thân thể của một người ăn thịt mỗi ngày.

Grisha quỳ xuống gỡ bao đeo súng. “Tao đã bảo mà, đúng là súng Walther PPK”.

Chúng tôi lật ngửa tên Đức ra, cái mặt tái ngắt bị trầy trụa, đường nhựa đã cạo lớp da mặt người chết, phần thịt trơ ra cũng trắng phếu như phần da. Người chết không bị bầm tím. Tôi không biết hắn chết như thế nào, run sợ, phản kháng, hay bình thản. Không có dấu vết gì trên mặt hắn cho thấy cuộc sống và tính tình. Hắn trông như một xác chết từ lúc mới sanh.

Oleg tháo đôi găng tay bằng da đen trong khi Vera lấy khăn choàng cổ và kiếng an toàn. Tôi thấy bao dao găm cột ở cổ chân và rút ra một con dao thật đẹp với cái che ngón tay bằng bạc, lưỡi dao dài chừng 15 phân, chỉ có một cạnh sắc và có hàng chữ gì đó, tối quá tôi đọc không được. Tôi bỏ con dao vào bao da rồi cột vào cổ chân, lần đầu tiên cảm thấy cái định mệnh tham dự cuộc chiến của tôi đã thành sự thực.

Oleg tìm thấy cái ví tiền và cười toe toét đếm số tiền Đức. Vera bỏ túi chiếc đồng hồ bấm giờ, to gấp đôi đồng hồ thường mà lính Đức đeo ở cổ tay áo bay. Grisha được một ống nhòm đựng trong hộp da, hai gắp đạn cho cây súng ngắn, và cái bình dẹp đeo bên hông. Hắn mở nắp ngửi một chút rồi trao cho tôi cái bình.

Cognac hả?”

Tôi nhấp một ngụm rồi gật đầu. “Đúng là cognac”

Vera hỏi “Mày có bao giờ thử cognac chưa mà biết?”

Có thử rồi”

Bao giờ?”

Để tao xem”, Oleg nói, và bình rượu được chuyền vòng tròn, 4 đứa chúng tôi ngồi xung quanh tên phi công chết, uống thứ rượu có thể là cognac hay brandy hay Armagnac. Không đứa nào phân biệt được. Chẳng cần biết là rượu gì, nhưng thấy thật ấm bụng.

Vera nhìn chằm chặp vào mặt tên phi công. Cô nàng chẳng lộ vẻ thương hại, sợ hãi, chỉ thấy tò mò và khinh bỉ - Quân xâm lăng đã ném chính mình xuống đây thay vì ném bom. Dù chúng tôi không bắn hạ phi cơ hắn, nhưng vẫn cảm thấy đã đắc thắng. Không ai trong khu chung cư Kirov được gặp một xác chết địch quân như chúng tôi. Sáng mai bọn tôi sẽ là đề tài cho cả khu chung cư tha hồ bàn tán.

Mày nghĩ tại sao nó chết” Vera hỏi tôi. Không có vết thương trí mạng nào cả, không vết cháy trên tóc hay da, cũng không có dấu xô xát. Da của hắn trắng bệch và không có dấu bị đâm chém.

Tôi nói với mấy đứa bạn “Hắn bị chết cóng đó mà”. Tôi tuyên bố chắc nịch như vậy, bởi vì chắc chắn đúng, nhưng chẳng có gì chứng minh điều đó. Người phi công đã nhảy ra từ trên cao vài ngàn mét trong màn đêm của Leningrad. Mớ quần áo hắn đang mặc làm sao chịu nổi nhiệt độ lạnh cóng sát mặt đất – lơ lửng trong mây, ngoài phòng lái máy bay, hắn chẳng có cơ hội sống sót.

Grisha dơ cao bình rượu chào mừng. “Vinh danh mùa đông giá lạnh.”

Bình rượu lại được chuyền tay. Nó chẳng kịp tới tay tôi nữa. Chúng tôi đáng lẽ phải nghe tiếng máy xe đang chạy tới cách ít nhất hai con đường, thành phố trong giờ giới nghiêm yên lặng như mặt trăng, nhưng bọn tôi còn mải uống rượu và chúc mừng chiến thắng. Cho đến khi chiếc xe GAZ quẹo vào đường Voinova, tiếng bánh xe rít trên mặt đường, đèn xe rọi thẳng vào chúng tôi, cả đám mới nhận ra sự nguy hiểm. Hình phạt vi phạm giờ giới nghiêm là tử hình. Hình phạt bỏ nhiệm sở cứu hỏa là tử hình. Hình phạt ăn cắp vặt là tử hình. Tòa án không còn hoạt động nữa, cảnh sát thì đang ngoài tiền tuyến, nhà tù đã đầy một nửa, và đang thu nhỏ lại. Đâu có dư đồ ăn cho tội phạm. Nếu vi phạm luật, sẽ bị xử bắn thôi. Chẳng có ra tòa ra tiếc gì cả.

Cho nên phải dọt lẹ. Chúng tôi biết rành đường hướng trong khu chung cư hơn bất cứ ai. Lọt qua cửa và lủi vào bóng tối lạnh lẽo của khu chung cư ngổn ngang Kirov, dù bỏ ra 3 tháng cũng chẳng ai tìm ra. Đám lính hét lên “đứng lại”, nhưng mặc kệ, tiếng la hét không làm chúng tôi run sợ, súng đạn thì khác, nhưng chưa nghe tiếng súng nào cả. Grisha phóng đến cổng sớm nhất – nó là thằng khỏe mạnh nhất trong đám, nhảy lên bám vào đầu hàng rào sắt rồi đu qua, tiếp theo là Oleg rồi mới đến tôi. Thân thể bạc nhược, bắp thịt teo lại vì thiếu dinh dưỡng, nhưng sự sợ hãi giúp chúng tôi vượt qua hàng rào nhanh chưa từng thấy.

Gần tới đỉnh của chiếc cổng sắt tôi quay lại nhìn thấy Vera trợt chân trên mảng nước đá. Nàng nhìn tôi cầu cứu, mắt tròn xoe và thất thần, hai tay và đầu gối chống trên mặt đất đang khi chiếc xe GAZ vừa thắng gấp bên cạnh xác chết của tên phi công Đức và bốn người lính bước ra khỏi xe. Họ chỉ cách 10 mét thôi, súng trường cầm tay, nhưng tôi vẫn còn đủ thời giờ để phóng qua cổng sắt và biến mất trong khu Kirov.

Tôi mong rằng tôi có thể nói là ý nghĩ bỏ rơi Vera không bao giờ đến trong đầu tôi, bạn tôi đang gặp nguy hiểm và tôi đã cứu bạn không do dự. Mặc dầu thực sự là ngay lúc đó tôi ghét cay ghét đắng cô ấy, hận cô vì tại sao ngay giờ phút nguy hiểm đó cô ta lại chậm chạp như vậy, hận cô vì tại sao lại nhìn tôi cầu cứu với cặp mắt nâu thất thần, và vì tại sao lại chọn tôi làm người cứu cô ta mặc dầu cô chỉ hôn một mình Grisha. Tôi biết tôi không thể nào sống với ký ức về đôi mắt khẩn cầu đó, và cô nàng cũng biết như vậy. Tôi hận cô ngay cả khi vừa nhảy xuống từ đầu cổng sắt, đỡ cô đứng dậy, và nâng cô lên hàng rào sắt. Tôi yếu ớt, nhưng Vera chỉ nặng chưa đầy 40 kilo. Tôi đẩy cô lên cao khỏi hàng rào trong khi đám lính la lối om sòm và nện đế giày dồn dập trên nền xi măng, súng lên đạn rốp rốp.

Vera trèo qua hàng rào, tôi dồn lên phía sau cô ta, mặc kệ đám lính. Nếu tôi đứng lại, bọn lính sẽ bao vây lấy tôi, bảo tôi là kẻ thù của nhân dân, bắt tôi quỳ xuống, và bắn vào sau ót tôi. Tôi là tấm bia nhắm dễ dàng, nhưng biết đâu, bọn lính đã say rượu rồi, hay họ cũng chỉ là mấy đứa con nít sống trong thành phố như tôi, chưa bao giờ biết bắn súng; có thể họ cố tình bắn hụt vì biết rằng tôi là một người yêu nước và là một người bảo vệ thành phố chống giặc ngoại xâm, một người chỉ trốn ra khỏi khu chung cư vì tên lính Đức rơi xuống từ 5.000 mét trên con đường của tôi, và sao một đứa trẻ 17 tuổi lại không trốn ra đường để lượm tên lính Đức đã chết.

Cằm của tôi đã ngang với đỉnh hàng rào, khi tôi cảm thấy có những bàn tay có mang bao da nắm lấy cổ chân tôi. Những bàn tay mạnh mẽ, bàn tay của đám lính ăn hai bữa mỗi ngày. Tôi thấy Vera chạy trốn vào khu chung cư, chẳng hề quay lại. Tôi cố bám vào các song sắt, nhưng đám lính kéo tôi xuống, liệng lên lề đường, và đè chân lên người tôi, nòng súng Tokarev ấn vào má tôi. Bọn lính đó không ai già hơn 19 tuổi, và chẳng đứa nào ngại ngùng bắn nát óc tôi.

Chắc sắp bĩnh ra quần rồi đây.”

Mày ăn nhậu ở đây hả con? có cả rượu nữa hả?”

Rất hữu dụng cho Đại Tá. Nó có thể ngồi cùng với tên lính Đức”

Hai người trong bọn họ, cúi xuống nắm lấy cánh tay tôi, kéo tôi đứng dậy và dẫn đến chiếc xe GAZ còn đang nổ máy, đẩy tôi vào ghế sau. Hai người kia cầm tay và chân tên lính Đức và liệng vào trong xe cạnh tôi.

Một người nói: “Giữ nó cho ấm áp”, cả bọn cười vang như thể đó là câu khôi hài hay nhất chưa bao giờ từng nói. Bọn họ dồn cả vào xe và đóng chặt cửa.

Tôi đoán tôi vẫn còn sống bởi vì họ muốn xử bắn tôi trước công chúng để cảnh cáo mấy đứa ăn cắp vặt. Thật nực cười, chỉ vài phút trước đây, tôi cảm thấy mình đầy quyền lực, gấp mấy lần tên phi công đã chết. Trong khi chúng tôi đang chạy qua những đường phố tối thui, tránh né những hố bom, và gạch vụn, tên lính Đức dường như đang cười to chế nhạo lại tôi, miệng rộng tới mang tai. Chúng tôi cùng đi về một hướng.

(còn tiếp)

 

Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1802327