Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn dịch thuật

 

Chương 2 

Nếu bạn trải qua thời niên thiếu trong  thành phố Piter, thì bạn đã trưởng thành với sự sợ hãi nhà tù Crosses. Cái màu gạch đỏ xậm ảm đạm in trên mặt sông Neva, một nơi tàn bạo, khủng khiếp chất chứa những kẻ đã mất linh hồn và nhân tính. Sáu ngàn tù nhân giam ở đó trong thời bình. Vào tháng Giêng, còn lại chừng 1.000 người thôi. Hàng trăm phạm nhân tội nhẹ được xung vào Vệ Binh Đỏ, nạp cho máy nghiền thịt Blitzkrieg của quân Đức. Hàng trăm người khác bị chết đói. Mỗi ngày lính gác kéo những xác chết chỉ còn da bọc xương ra xe chất thành đống cao 8 lớp. 

Lúc tôi còn nhỏ, sự im lìm của nhà tù làm tôi run sợ hơn cả. Bạn đi ngang nó, nghĩ rằng sẽ nghe thấy tiếng la hét của những kẻ cọc cằn thô lỗ nào đó, hay tiếng ồn ào ầm ĩ của một vụ ẩu đả, nhưng mà không một tiếng nào thoát ra khỏi bức tường dày đó, hình như đám tù nhân đã tự cắt lưỡi mình để phản đối số mệnh oan nghiệt. Họ là những người đang chờ bị xét xử, hay sắp sửa bị chuyển đi các trại tập trung cải tạo, hoặc chờ một viên đạn bắn vào đầu. Đây là một nhà ngục kiên cố, mục đích xây lên để giam giữ kẻ thù. Tất cả thiếu niên trong thành phố Leningrad đã từng nghe hàng trăm lần câu: “Mày cứ tiếp tục như vậy cuối cùng sẽ phải vào nhà tù Crosses thôi”. 

Mới nhìn phòng giam có một giây thì tụi lính gác đẩy tôi vào trong, mấy ngọn đèn dầu hắt ánh sáng lên những bức tường xù xì. Phòng giam chỉ rộng 2 mét bề ngang và 4 mét bề dài, có 4 chiếc giường  chồng lên nhau, đều trống không. Tôi thấy nhẹ nhõm vì không muốn chia sẻ bóng tối với người lạ có xâm hình trên nắm tay, nhưng qua một chút- có thể vài phút? vài giờ? – cái im lặng đen thui trở thành hiện thực, có thể tràn đầy vào phổi và làm tôi chết đuối.  

Bóng tối và sự cô độc thường không làm tôi sợ hãi. Điện trở thành hiếm hoi như thịt heo ba chỉ trong thành phố vào những ngày ấy, căn chung cư của tôi cũng trống vắng vì Mẹ và em gái đã đi rồi. Những đêm dài dù đen tối và yên lặng nhưng vẫn có tiếng động ở đâu đó. Tiếng súng cối nổ của quân Đức, tiếng xe quân đội chạy trên đại lộ, tiếng rên rỉ của bà già sắp chết trên tầng lầu trên. Đó là những tiếng động khủng khiếp nhưng vẫn là tiếng động – nó cho biết mình vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Phòng giam trong nhà tù Crosses đúng là nơi hoàn toàn tĩnh lặng. Tôi không nghe, không thấy gì cả. Họ đã nhốt tôi vào phòng tử tội. 

Trước khi tôi bị bắt, tôi tin rằng cuộc bao vây làm tôi dày dạn hơn, thực ra trong tháng 6, tôi chẳng can đảm gì hơn hồi tháng giêng – ngược với sự tin tưởng của người đời, cái kinh nghiệm khủng khiếp không làm người ta can đảm hơn. Có thể, mình  che dấu hay hơn khi phải đối diện với sự sợ hãi triền miên. 

Tôi cố nghĩ một bài để hát, hay một câu thơ để đọc, nhưng mà chữ nghĩa dính chặt trong đầu như muối trong chiếc máy đánh bột làm bánh. Tôi nằm lên chiếc giường cao nhất, hy vọng một chút xíu hơi nóng nào còn sót lại trong nhà tù sẽ bay lên cao và tìm thấy tôi. Bình mình chẳng hứa hẹn gì ngoài một viên đạn bắn vào đầu nhưng vẫn mong chóng có ánh sáng ban mai. Khi họ ném tôi vào phòng giam tôi nghĩ là tôi thấy một mảnh của cái cửa sổ có song sắt gần trần nhà, bây giờ thì không thể nhớ nó nằm chỗ nào. Tôi cố đếm đến một ngàn để giết thời giờ nhưng chỉ đến khoảng bốn trăm thì quên mất, tôi tưởng như có một con chuột ma quái quanh đây, thực ra chỉ là ngón tay tôi cào trên chiếc nệm rách. 

Đêm dài vô tận. Tụi Đức chắc đã bắn rớt ông mặt trời khốn kiếp, chúng có thể làm được chứ, tại sao không, khoa học gia của chúng là số một trên thế giới, chúng có thể tìm ra cách như chúng đã tìm được cách ngưng thời gian. Tôi vừa đui vừa điếc. Chỉ hơi lạnh và cơn khát nhắc rằng tôi vẫn còn sống mà thôi. Khi cô độc quá đỗi bạn bắt đầu mong đợi  cả tiếng bước chân của những người lính gác, và mong ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của họ. 

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Nga chịu đựng ở tù lâu năm. Tối hôm đó tôi nhận ra rằng mình không thể là một nhân vật quả cảm của Nga được. Vài giờ cô đơn trong phòng giam, không bị hành hạ gì cả chỉ có đêm tối, sự im lặng, và lạnh buốt, thế mà tôi đã dở sống dở chết rồi. Những kẻ can trường đó có thể chịu đựng hết mùa đông này đến mùa đông khác ở Siberia sở hữu một cái gì đó mà tôi không có, một niềm tin vĩ đại vào một số phận huy hoàng có thể là  Nước Trời hay sự công bằng cho bản thân, hoặc lời hứa xa xôi mơ hồ  sẽ trả thù. 

Cũng có thể họ bị hành hạ đến nỗi trở thành một con vật hai chân chỉ biết làm theo lệnh của chủ, ăn bất cái gì chủ quăng xuống cho, ngủ khi nào cho phép, và không mơ gì hơn là được chấm dứt cuộc sống lầm than của mình.

Cuối cùng cũng có tiếng động, tiếng những bước chân, tiếng những đôi giày ủng nặng nề đập trên nền hành lang. Tiếng mở ống khóa. Tôi ngồi nhỏm dậy trên giường và đụng đầu vào trần nhà, mạnh đến nỗi tôi đã cắn dập môi. 

Hai người lính gác kè hai bên một tù nhân mới, đó là một người lính trẻ mặc đồng phục. Một người lính gác khác cầm ngọn đèn dầu, ánh sáng thật đẹp, đẹp nhất trong đời tôi chưa bao giờ từng thấy, đẹp hơn cả ánh bình minh. Người tù mới đảo mắt quanh phòng giam như thể quan sát căn chung cư anh ta sắp sửa mướn. Anh ta cao lớn, một tay cầm chiếc mũ lông Astrakhan, tay kia cầm đôi găng tay da, đứng rất ngay ngắn; cao hơn hẳn mấy tên gác tù, anh ta không có vũ khí còn mấy tên gác đều có súng ngắn trong bao, như thể anh ta sắp sửa ban mệnh lệnh cho lính.

Hắn nhìn tôi chăm chú khi mấy lính gác tù vừa bước ra khỏi phòng giam, họ đóng cửa và khóa chặt ở bên ngoài, mang theo cây đèn dầu. Khuôn mặt người lính trẻ là hình ảnh cuối cùng tôi còn giữ lại khi bóng tối tràn ngập căn phòng, cho nên nó vẫn còn rõ ràng trong đầu tôi:  Lưỡng quyền cao của giống dân Cossack, cặp môi cong ngộ nghĩnh, tóc vàng hoe, mắt xanh đủ để làm vừa lòng bất cứ cô dâu Aryan nào.

Tôi ngồi trên giường còn hắn đứng trên nền nhà lót đá và trong không gian im lặng tuyệt đối, tôi biết cả hai chúng tôi không đứa nào cử động – và vẫn nhìn tròng trọc vào nhau trong bóng tối. 

“Mày người Do Thái phải không?” Hắn hỏi.

“Cái gì?”

“Do Thái, mày trông giống một người Do Thái.”

“Còn mày y như một tên Đức Quốc Xã.”

“Tao biết. Ich sprech ein bischen Deutch. Tao tình nguyện làm gián điệp nhưng không ai chịu nghe, thế nào, mày là người Do Thái phải không?”

“Mắc mớ gì tới mày?”

“Mày đừng xấu hổ vì điều đó, Tao không có thành kiến gì cả với người Do Thái. Emanuel Lasker là một quán quân cờ vua thứ hai tao thích, chỉ sau Capalanca một chút… Capalanca như là Mozart, một thiên tài thuần túy, nếu thích cờ vua thì không thể không thích Capalanca. Nhưng mà Lasker kết thúc trận đấu bao giờ cũng tuyệt vời, không ai bằng. Mày có gì ăn không?”

“Không.” 

“Đưa tay ra đây.”

Một cái bẫy gì đây, một trò chơi mấy đứa con nít dùng để đánh lừa kẻ khờ khạo. Hắn có thể đập lên bàn tay tôi hay cứ để tôi dơ tay ra mãi đến khi biết mình bị lừa. Nhưng mà chẳng ai từ chối đồ ăn lúc này, ngay cả trường hợp khó tin nhất, cho nên tôi đưa tay ra trong bóng tối và chờ đợi. Một lúc sau, một miếng gì lành  lạnh và trơn như mỡ đặt vào tay tôi. Không biết bằng cách nào hắn có thể tìm thấy bàn tay tôi trong bóng tối đen như mực.  Hắn đã tìm thấy mà không cần mò mẫm, sờ soạng. 

“Xúc xích”. Ngừng một chút rồi hắn nói tiếp “Đừng ngại, không phải thịt heo đâu”.

“Tao ăn cả thịt heo mà”, tôi ngửi rồi gặm một chút. Nó khác xa với thịt, tựa như bánh mì khẩu phần so với bánh mì thiệt. Nhưng có mỡ trong đó, mà mỡ là sự sống. Tôi nhai cái miếng đó chậm chạp và cố giữ nó trong miệng càng lâu càng tốt. 

“Mày nhai to quá”, hắn la tôi trong bóng tối. Tôi nghe tiếng kẽo kẹt của chiếc nệm lò xo khi hắn ngồi lên chiếc giường bên dưới. “Và mày nên nói cám ơn”. 

“Cám ơn”. 

“Không có chi, tên mày là gì?”

“Lev”

“Lev gì?”

“Chi vậy?”

“Chỉ là phép lịch sự thôi, ví dụ, nếu tao tự giới thiệu sẽ nói như thế này: ‘Chào bạn, tên tôi là Nicholai Alexandrovich Vlasov, bạn tôi gọi tôi là Kolya’ “ 

“Mày chỉ muốn biết tao có tên Do Thái không chứ gì?”

“Phải không?”

“Ừ”

Hắn reo lên vui mừng “A!”, như thể rất hài lòng khi biết hắn đã đoán đúng. “Cám ơn, không hiểu tại sao mày lại sợ cho mọi người biết”.

Tôi không trả lời. Nếu hắn không biết tại sao, thì giải thích cũng vô ích thôi. 

“Thế tại sao mày bị bắt vào đây? Hắn hỏi tôi.

“Họ bắt quả tang tao đang lục lọi tên lính Đức đã chết trên đường Voinova”

Điều này làm hắn ngạc nhiên. “Tụi Đức đã xuất hiện trên đường Voinova? Đã bắt đầu rồi à?”

“Chẳng có gì bắt đầu. Hắn là một phi công thả bom. Nhảy dù ra.”

“Tụi phòng không bắn hạ hắn hả?”

“Trời lạnh giết hắn. Còn tại sao mày bị vào đây?”

”Hoàn toàn ngu xuẩn. Họ nghĩ tao là kẻ đào ngũ.”

“Sao họ không bắn mày?”

“Thế sao chúng cũng không bắn mày?”

Tôi thừa nhận: “Không biết, họ nói tao có thể giúp ích được cho Đại Tá ”

“Tao không phải là kẻ đào ngũ. Chỉ là sinh viên. Đang bảo vệ luận án.” 

“Thật không? Luận án của mày?” Nghe như là lý do ngu xuẩn nhất trong lịch sử của những kẻ đào ngũ.

“Diễn giải về tác phẩm ‘The Courtyard Hound’ của văn hào Ushakovo qua lăng kính của một nhà phân tích xã hội học hiện đại.” Hắn chờ tôi nói điều gì đó nhưng tôi chả có gì để nói cả. 

“Mày biết tác phẩm đó?”

“Không, không cả Ushakovo.”

“Thê thảm thật, không ngờ trường học lại tệ lậu đến thế, đáng lẽ họ phải bắt mày học thuộc lòng vài đoạn”. Hắn có vẻ như một ông giáo già kỳ quặc, mặc dầu lần đầu tiên thoáng nhìn hắn tôi đoán hắn chừng 20 tuổi thôi. 

“  ‘Trong lò sát sanh, nơi chúng tôi hôn nhau lần đầu, không khí vẫn còn tanh mùi máu cừu’. Câu đầu tiên. Có người nói đó là tác phẩm hay nhất của Nga. Và mày chưa bao giờ nghe nói tới à?”

Hắn thở dài thườn thượt. Một lúc sau tôi nghe tiếng sột soạt, giống như con chuột đang mài mấy cái móng vuốt của nó trên vải bọc nệm.

Tôi hỏi “Cái gì thế?”

“Hừm”

 “Mày không nghe tiếng động đó sao?”

“Tao đang viết nhật ký.”

Tôi không thể nhìn thấy gì dù mở mắt cũng không khá hơn nhắm mắt, vậy mà hắn đang viết nhật ký. Bây giờ tôi mới biết tiếng sột soạt đó là tiếng viết chì chạy trên tờ giấy. Vài phút sau, tôi nghe hắn gấp cuốn sổ tay và nhét vào túi. 

Hắn nói: “Tao có thể viết trong bóng tối,” ngắt câu bằng cái ợ nhẹ “một trong những tài năng của tao.”

“Viết về tác phẩm The courtyard Hound?”

“Đúng vậy, Này nghe đây đoạn này lạ lùng không? Chương sáu: Radchenko bị giam một tháng trong nhà tù Crosses bởi vì người bạn thân cũ …, Ồ!, tao không muốn tiết lộ nhưng tao phải nói, hình như là Trời định nên họ bắt tao vào đây. Tao đã có mặt khắp mọi nơi mà Radchenko đã đặt chân đến  – Tất cả nhà hàng, rạp hát, nghĩa địa, những cái mà vẫn còn tồn tại cơ – nhưng tao chưa vào nhà tù này. Một nhà phê bình có thể nói cho đến khi bạn qua một đêm trong nhà tù Crosses, bạn không hiểu Radchenko.”

“Vậy là mày may mắn rồi.” 

“Hừm”

“Thế mày có nghĩ họ sẽ đưa tụi mình ra pháp trường sáng mai?”

“Tao nghi là không. Họ không giữ mình một đêm rồi xử tử ngày mai.”

Hắn có vẻ khoái chí nói về điều đó giống như chúng tôi đang bàn về một trận thể thao mà kết quả ai thắng, ai thua chẳng quan trọng. 

Hắn tâm sự với tôi: “Tao chưa đi cầu đã 8 ngày rồi. Không kể vụ đi cầu bình thường, nếu chỉ tính lần đi cầu bình thường, có lẽ đã 1 tháng rồi – tao chỉ muốn nói không một tí nào cả đã 8 ngày rồi.”  

Chúng tôi im lặng một lúc, suy nghĩ về câu nói của hắn.

“Mày nghĩ người ta không đi cầu có thể sống được bao lâu?”

Đó là câu hỏi rất lý thú, tôi cũng muốn biết, nhưng không có câu trả lời cho hắn. Tôi nghe hắn nằm xuống, nghe hắn ngáp rất vui vẻ, thoải mái, hài lòng, chiếc nệm rơm khai mùi nước tiểu cũng êm ấm như chiếc giường nệm lông thú. Sự im lặng kéo dài được một phút và tôi nghĩ người bạn tù đã chìm vào giấc ngủ. 

Hắn lên tiếng: “Mấy bức tường này phải dày hơn một thước, có lẽ đây là nơi an toàn nhất trong thành phố Piter để ngủ một đêm.” Và hắn rơi vào giấc ngủ chuyển từ tiếng nói ra tiếng ngáy rất lẹ, ban đầu tôi tưởng hắn chỉ giả vờ thôi.

Lúc nào tôi cũng ganh tức với những người dễ ngủ, đầu óc họ chắc sạch sẽ hơn, cái sàn của chiếc sọ được quét sạch, tất cả những quái vật tí hon được nhốt lại trong cái thùng hơi nước ở chân giường. Tôi sanh ra với bệnh mất ngủ và chắc sẽ chết như vậy, phí đi hằng ngàn giờ trong lúc thèm muốn được rơi vào vô thức, ước ao một cái búa bằng cao su bửa vào đầu, không mạnh lắm, quá mạnh sẽ làm tổn thương, chỉ đủ mạnh để cho tôi thiếp đi. Nhưng đêm đó, cơ hội này chẳng hề đến. Tôi nhìn trợn trừng  vào bóng tối cho tới khi bóng tối đổi dần sang màu xám, rồi trần nhà trên đầu tôi thành hình và ánh sáng phía đông len lỏi qua cửa sổ hẹp có song sắt, cuối cùng chiếc cửa sổ cũng xuất hiện. Đến lúc đó tôi mới biết cây dao găm của tên lính Đức vẫn còn cột ở ống quyển.  

Xem tiếp chương 3


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1858557