VIẾT VỀ NHÀ THƠ VÕ CHÂN CỬU

 

Hôm nay ngày Noel 25/12/2020. Trời xám lạnh. Vì Covid 19 mà chính quyền tỉnh bang BC không cho đi thăm viếng nhau dù là thân nhân ruột thịt, nhà ai nấy ở.

Thời tiết, dịch bệnh làm Noel năm nay buồn thê thảm. Như xát thêm muối vào vết thương, ngày 17/12 tôi viết về nhà văn Hoàng Hải Thủy thì hôm nay tôi lại phải viết về nhà thơ Võ Chân Cửu. Cách nhau có 8 ngày.

Hoàng Hải Thủy từ trần ngày 5/12/2020 thọ 88 tuổi. Võ Chân Cửu từ trần 23/12/2020 thọ 68 tuổi.

Đây là hai thế hệ khác nhau.  Võ Chân Cửu thuộc về thế hệ của tôi, thế hệ trung gian.

Một mặt, chúng tôi đã đủ trưởng thành để hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, về sự khác biệt giữa hai chế độ Cộng Sản và Việt Nam Cộng Hòa, không như các em cháu sau này trưởng thành trong chế độ cộng sản nên không biết sự khác biệt (khó lắm, làm sao để so sánh hai món ăn khi người ta chỉ ăn có một món). Mặt khác, chúng tôi không quá già quá lớn để dính líu sâu đậm vào cuộc chiến tranh, để có ân oán nợ máu với người cộng sản. Cho nên ở lại trong nước thì chúng tôi vẫn có khả năng thay đổi để thích hợp với chế độ cộng sản, sống sót và thậm chí làm giàu. Còn ra nước ngoài thì chúng tôi thuộc loại trung dung, không chống cộng ồn ào triệt để như thế hệ anh chú nhưng cũng không thể vô tư, vô thành kiến với chế độ cộng sản như các em cháu lớn lên ở nước ngoài. Thế hệ chúng tôi là thế hệ cầu nối. Chúng tôi dễ dàng nói chuyện với cả hai thế hệ: thế hệ Hoàng Hải Thủy và thế hệ Johnny Trí Nguyễn, vì chúng tôi là một nửa của mỗi thế hệ.

Võ Chân Cửu, Trịnh Y Thư (vietvancouver.ca giới thiệu Trịnh Y Thư ) và tôi đều viết lách năm chúng tôi khoảng 15 tuổi. Chúng tôi tham gia mục văn nghệ thiếu niên của những trang nhật báo Ngôn Luận (do anh Vũ Uyên Giang phụ trách) hay báo Sống (do chị Tâm Thanh phụ trách). Chúng tôi làm bạn với nhau qua những trang văn nghệ này. Cùng thế hệ chúng tôi là Nguyễn Tất Nhiên, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Chánh Tín.

Trịnh Y Thư và tôi sống ở Saigon. Võ Chân Cửu sống ở Qui Nhơn. Đến năm 1968 thì Võ Chân Cửu xin chuyển vào học lớp 11C Chu văn An, lớp tôi đang học. Cậu thiếu niên tỉnh lẻ Võ Văn Hưng lúc nào cũng trầm ngâm ít nói, rất lặng lẽ trong lớp. Võ Văn Hưng phải thuê nhà, nấu cơm, ở chung với vài bạn miền Trung. Thế là 3 chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau. Tôi và Võ Chân Cửu học ban C, nghĩa là chuyện viết lách thơ văn từ sớm có thể giải thích vì sao chúng tôi chọn học ban văn chương sinh ngữ. Nhưng Trịnh Y Thư là dân ban B, giỏi toán học và lý hóa, thế mà lại còn có tâm hồn nghệ sĩ hơn cả Cửu và tôi, vì ngoài viết lách còn thêm ngón đàn Tây ban cầm cổ điển. Trịnh Y Thư ngày ấy lấy tên Thụy Khuê, nơi sinh ra. Còn tôi là Hoàng Tiểu Văn, cho mình là một văn sĩ nhỏ. Võ Chân Cửu bắt đầu nổi tiếng hơn hai chúng tôi trong lãnh vực văn học nghệ thuật với bài thơ Chùa Cổ Bên Sông đăng trên báo văn nghệ Khởi Hành năm 1969 (17 tuổi).

Ngay từ thời niên thiếu, Võ Chân Cửu đã già trước tuổi với phong thái nghiêm nghị, trầm tư. Hiếm thấy Võ Chân Cửu tươi cười hay đùa dỡn.

 

Đời chia như những nhánh sông.

Năm 1970, sau khi chúng tôi tốt nghiệp trung học, Trịnh Y Thư được cha mẹ cho đi Mỹ du học. Tôi lên Dalat học Chính Trị Kinh Doanh. Võ Chân Cửu ở lại Saigon theo học Văn khoa Đại học Vạn Hạnh. Khởi sự sống cuộc đời đi học xa nhà, cơm tháng nhà thuê, tôi thông cảm cho hoàn cảnh Võ Chân Cửu. Tôi chuyển qua bút hiệu Hoàng Trung Văn, cũng chỉ là viết lách tài tử vì bận rộn học hành, hè thì lo kiếm tiền bằng cách dạy kèm Anh văn cho học sinh trung học.

Năm 1972, Võ Chân Cửu khởi sự nổi tiếng trong làng văn học nghệ thuật miền Nam với tập thơ Tinh Sương (20 tuổi).

 

Đời chia như những nhánh sông lần nữa.

Năm 1974, Võ Chân Cửu tốt nghiệp Cử nhân Văn Chương, Trịnh Y Thư tốt nghiệp Bachelor of Science, tôi tốt nghiệp Cử nhân Chính Trị Kinh Doanh. Võ Chân Cửu tiếp tục được hoãn dịch quân sự vì học lên Cao học. Cho đến thời điểm 30/4/1975 thì thơ của Võ Chân Cửu đã xuất hiện trong hầu hết các tạp chí văn học nghệ thuật của miền Nam Viêt Nam như Văn, Bách Khoa, Tư Tưởng, Khởi Hành, Thời Tập, Chính Văn…

Sau khi chế độ Cộng hòa miền Nam sụp đổ thì tôi và Võ Chân Cửu ít gặp nhau vì chúng tôi quay cuồng trong việc thích nghi hội nhập với chế độ chính trị mới và với việc lo kiếm miếng ăn. Võ Chân Cửu lập gia đình, đi khu Kinh Tế Mới một thời gian, sống không nổi lại quay về Saigon.

Vì không có nợ máu ân oán gì với chế độ cộng sản, sau đó Võ Chân Cửu được chấp nhận trở thành ký giả cho báo Nông Nghiệp, sau đó nữa là báo Kinh Tế. 10 năm sau, tôi vượt biên sang Canada. Võ Chân Cửu sinh sống bằng ngòi bút, nghĩa là sống đích thực với con người mình, còn Trịnh Y Thư và tôi vẫn chỉ là viết lách tài tử. Tôi không trở thành Hoàng Đại Văn mà là Hoàng Hải Hồ. 3 chúng tôi lấy bút danh đều giữ lại họ thật của mình.

Tóm lại, 3 người bạn văn nghệ từ 1967 chúng tôi tượng trưng cho 3 mẫu cuộc đời tiêu biểu của người trí thức trẻ miền Nam Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt: du học, ở lại và vượt biên. Mỗi người một phương, xa nhau ngàn vạn dậm.

 

 Ông bố trẻ Võ Chân Cửu với hai gái một trai thời đầu thập niên 1980.

 

Như mấy chục triệu người miền Nam sau ngày thống nhất, Võ Chân Cửu có những lúc cùng quẫn đến độ thèm một viên gạch đứng rửa chân có mái che đầu cho khỏi ướt mưa (xem Bài ca túp lều ). Nhưng rồi nhờ sức sáng tác đều đặn, kiên trì, Võ Chân Cửu đã xuất bản 7 tác phẩm từ sau 1975, củng cố vị trí thi sĩ hàng đầu thế hệ trung gian trong làng văn học nghệ thuật Việt Nam toàn quốc (cùng lúc đó, cách đây gần 20 năm, thủ đô văn nghệ báo chí của người Việt nước ngoài là California cũng khởi sự biết đến nghệ sĩ đa tài Trịnh Y Thư, nghề kiếm cơm là software engineer, với kiến thức uyên bác về văn chương Đông Tây, người viết thế hệ trung gian đi theo con đường của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện khai phá). Ngoài ra, Võ Chân Cửu may mắn có được người vợ bương chải là Huỳnh Hạnh nên cuộc sống lúc hậu vận tương đối khá giả hơn một số văn nghệ sĩ miền Nam nổi tiếng trước 1975 còn lại quê nhà.

 

Đỉnh cao sự nghiệp: thời kỳ làm ký giả Hưng Văn, cuộc sống hết gian khổ, phát tướng.

 

Võ Chân Cửu nổi danh trong làng văn nghệ nhiều hơn trong quần chúng, vì để nổi danh trong quần chúng, thơ phải gây rung động mà vẫn dùng lời lẽ đơn giản, trong sáng, dễ hiểu, tỷ dụ tiêu biểu là bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân. Thơ Võ Chân Cửu thuộc loại có chiều sâu, nhuốm mùi triết học và Phật pháp, giàu hình ảnh và ẩn dụ, người đọc phải suy đoán mà cũng không dám chắc đoán được đúng điều tác giả muốn nói, nghĩa là cao hơn trình độ thưởng ngoạn thơ trung bình của quần chúng.

Câu ngạn ngữ Anh: appearance is deceiving (vẻ ngoài lừa dối) áp dụng đúng cho Võ Chân Cửu. Vào giai đoạn cao niên, thời gian, thời tiết, môi trường và thuốc lá đã để lại những vết chém ngang dọc đầy mặt Võ Chân Cửu đến mức độ nhìn gồ ghề như dân anh chị giang hồ, nhưng thật ra khi tiếp xúc thì người ta nhận ra Võ Chân Cửu ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành, từ tốn.

 

Bạn có thể lầm nhà thơ Võ Chân Cửu với dân giang hồ dao búa.

 

Võ Chân Cửu rất quảng giao, quen biết rộng, sống chan hòa và chân tình trong giới văn nghệ, được nhiều người yêu mến. Cho nên Võ Chân Cửu có điều kiện để viết 2 tác phẩm về văn nghệ sĩ là 22 Tản Mạn và Theo Dấu Nhà Thơ. Căn nhà ở Bảo Lộc như một quán dừng chân cho bạn bè trên tuyến đường Saigon-Dalat-Saigon. Võ Chân Cửu đã sống cuộc đời hưu trí êm ả an nhàn cho đến khi nhắm mắt tại căn nhà này ở một thành phố hiền hòa, thời tiết thuộc loại tốt vì không quá nóng như Saigon nhưng vẫn nhiều nắng và không mưa dai như Dalat. Thành phố này nằm ở vị trí chiến lược, ở giữa một trung tâm phồn hoa đô hội và một nơi du lịch, hưởng tuần trăng mật.

 

 

 

Cuối năm 2014, khi tôi về nước dạy một khóa Anh ngữ tại thành phố Hạ Long, Võ Chân Cửu đi giang hồ tạt ngang thăm tôi. Chúng tôi có dịp thưởng thức cua Cù Kỳ và tôm Bề Bề của tỉnh Quảng Ninh. Thật là kỷ niệm khó quên. Càng không thể quên vì đây là cái job dậy Anh ngữ đầu tiên mà tôi bắt được sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo Giáo viên Dậy Anh ngữ của Vancouver Community College hồi đầu năm. Tôi cũng có dịp ghé nhà ở Bảo Lộc của Võ Chân Cửu mấy lần. Đầu năm 2016, khi tôi đang dạy Anh ngữ ở Nha Trang, Võ Chân Cửu lại ghé thăm tôi. Đúng là Võ Chân Cửu thuộc loại "chân đi". Tôi có rủ Võ Chân Cửu sang chơi Vancouver ăn ở nhà tôi, nhưng anh bảo còn phải để dành tiền (Cửu có dịp đi thăm California một lần).

 

Võ Chân Cửu và Hoàng Hải Hồ 9/2014 vịnh Hạ Long

 

Võ Chân Cửu mất vì bệnh Viêm Tắc Phế Quản Mãn Tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) giai đoạn cuối, do hút thuốc lá lâu ngày. Bệnh này sinh ra khó thở vì lượng oxy vào phổi chỉ còn 30% so với người thường và cũng gây ra sụt cân trầm trọng như ung thư (Cửu sụt 10kg).  Trong cuộc nói chuyện online với tôi ngày 31/10/2020, anh đang uống café với bạn bè ở quán và cứ nói trớ đi bệnh tình của mình là đau cột sống, sinh teo cơ.  Tôi đòi anh gửi hình cho xem, anh hứa sẽ về nhà gửi. Anh không làm lời hứa còn tôi thì không dám nhắc vì không dám ép anh gửi tấm hình lúc thể xác anh xuống cấp.

Chưa Noel nào buồn như Noel 2020: Năm cùng, tháng tận, dịch ở, người đi. Một cây cổ thụ văn học mà tôi ái mộ. Một thi sĩ bạn học thành danh đã biết nhau 53 năm dài.

Võ Chân Cửu đã chấm dứt cơn Đại Mộng. Võ Chân Cửu đã đi về miền Đại Hoang. Nếu năm 20 tuổi mà Võ Chân Cửu đã coi cuộc đời như một giấc mộng lớn thì tôi tin rằng lúc anh ra đi năm 68 tuổi anh chẳng có gì luyến tiếc. Con cái đã lớn, công đã thành, danh đã toại. 

Có một đặc điểm của Võ Chân Cửu là giống Tô Thùy Yên, có khả năng làm những bài thơ dài lê thê như một giòng suối chẩy miên man. Sau đây mời bạn thưởng thức bài thơ Quê Nhà của Võ Chân Cửu viết khoảng 1970:

 

QUÊ NHÀ

Ta thấy từ vạn cổ

Ta đi từ bến mê

Mang một linh hồn nhỏ

Vô minh đưa lối về

Trăng sao giăng mờ tỏ

Trên mặt đất u sầu

Nhà ai còn bỏ ngõ

Tiếng buồn bay đêm thâu

Đêm nào chờ trăng lặn

Nghìn xưa sau bên hồ

Khi thấy trên trời vắng

Khói sương đã phủ mờ

Đêm nào trong rừng vắng

Theo gió bay qua đồi

Tâm tư còn nghe nặng

Khi sương tan khắp trời

Đêm nào bên nấm mộ

Nghe đất nói gì đâu

Riêng ta và hoa cỏ

Cùng đối bóng trăng thâu

Một nghìn năm sau đó

Trên trần gian không người

Ta tìm chi ở đó

Ôm nhau vùi ngủ thôi

Ta nghe lời em nói

Trong sao mọc đầu hôm

Và gió mây cũng gọi

Người về trên cô thôn

Ta nghe lòng giục giã

Trong khuya vắng canh gà

Mười năm theo mây nổi

Ta đánh mất quê nhà

Sớm mai trời đất nhẹ

Lòng ta như phiêu bồng

Nhìn non xa bé bé

Mây trắng chảy cùng sông

Vách núi sương gió xé

Phất phơ đám cỏ bồng

Đêm qua ai còn để

Trên lá một màu trăng

Trên tờ sương mới ướt

Còn nguyên những dấu hài

Bóng ai chừng đã khuất

Mờ mờ trong thiên nhai

Ai trên đường lối cũ

Vừa khuất sau đầu non

Khói mờ bay xứ xứ

Vầng trăng mất hay còn

Bên kia trời cũ kỹ

Rờ rỡ ánh triêu dương

Bên kia nguồn tự thỉ

Gió bụi tan vô thường

Qua bên rừng xa thẳm

Ấy nơi chốn cố hương

Đường mây dài xa lắm

Có ánh dương soi đường

Đường lên lên xuống xuống

Nào cửa động đầu non

Nhìn mây bay tám hướng

Từng cụm bé con con

Ánh dương vào lối núi

Nghìn mây trắng bay cao

Từ phương xa ta tới

Nhìn nhau ngửa mặt chào

Bước chân cao khỏi đất

Bỗng gặp ánh mặt trời

Gió rừng ngân tiếng hát

Như suối gieo trong đời

Ta đi về cố xứ

Nhà ai bên rừng cao

Hàng cây buồn ngái ngủ

Mây che biết đâu nào

Mây tụ đầu phương bắc

Ta đưa mau bước về

Có mặt trời đối mặt

Bóng ngày trôi lê thê

Trông hòn đá gốc cây

Chỗ này ta đã gặp

Nghìn xưa chừng ở đây

Có mây trôi rất thấp

Trông góc miễu kế bên

Chốn này ta đã quen

Linh hồn ai vất vưởng

Rêu khói thay nhang đèn

Ra bờ sông bến nước

Nhìn nước dẫn mây xa

Chốn này khi thuở trước

Ta chèo đò đi qua

Đằng xa khu mồ mã

Hình như ta đã nằm

Ai vừa bay qua đó

Có còn nhớ ta không

Bước ai đi xào xạc

Bên bờ vắng bụi hoang

Nhìn qua vừa tẻ ngắt

Lòng ta bỗng bàng hoàng

Thảy khắp nơi chốn cũ

Kiếp nào ta ở đây

Nghìn sau còn lai vảng

Vật vờ như hôm nay

Bước chân về muôn dặm

Đường trưa mờ bóng ma

Đôi mắt chừng u ám

Tiếng ngàn khi bay qua

Tấp về nơi xa thẳm

Theo bóng, một mình ta

Cảnh chừng quen thuộc lắm

Nhưng chẳng phải quê nhà

Ai đội mũ Phong Sơn

Nhẹ đi trên rừng thẳm

Nghe đôi chân đã mòn

Ánh mặt trời lấm tấm

Đường bước cao bước thấp

Trời cao đo bóng mình

Theo mây chân khẽ đạp

Nghe được tiếng lặng thinh

Bỗng bay về nườm nượp

Ngờ ngợ giữa minh minh

Tự hỏi không buồn đáp

Nhìn bóng ngọ chênh chênh

Chợt thấy bên đường cái

Cây che một mái nhà

Thềm êm lá vàng trải

Cởi áo nằm nghe trưa

Giấc vắng khi vừa tới

Quên hết chuyện nghìn xưa

Linh hồn bay xa mãi

Như lạc cõi hoang sơ

Tỉnh giấc nằm nghi ngại

Bóng người hay bóng ta

Ngó quanh đều vắng vẻ

Mái cong mấy hột mưa

Đằng trước sau trống trải

Một mình nghe gió đưa

Ngồi ôm đầu nghĩ ngợi

Phải chăng tiếng quê nhà

Cô độc dặm tà dương

In dày qua núi biếc

Mây trắng miền cố hương

Bay dưới chân người bước

Vầng trăng soi hư không

Chốn nào ta trở lại

Bước chân ngoài mênh mông

Nghe thấy đời xa mãi

Mây bay từ thiên cổ

Cùng nhau trời đất tan

Ta một linh hồn nhỏ

Vơ vẩn miền Đại Hoang

 

(Thi tập Tinh Sương, 1972)

 

Hoàng Hải Hồ

Vancouver 25/12/2020.

vietvancouver.ca giới thiệu Võ Chân Cửu với đọc giả


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583